Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Chuyện quê

Kể chuyện đêm trước dưng không tôi lần mò mở cái app "Google Earth" ở Ipad ra xem, đọc Mất Quê của Mạnh Quân, cảm nhận ra sao khi thấy màn hình hiện ra quả đất nhìn từ vệ tinh, rồi thì tôi lần mò "về quê" học địa lý quê nhà, mới biết Nghệ An, Thanh Hoá đất đai rộng lớn hơn cả Hà Nội, để biết Lào Cai, Hà Giang xa xôi tận miền biên giới, ở Bắc Giang nơi có những người anh chị em họ con người bác lưu lạc lên tận vùng cận biên giới chỉ vì có ông chú đi Nam thủa ấy, bà là chị của bố tôi mà tôi chưa hề gặp mặt.  Để thấy sự lầm lẫn to lớn của tôi khi nghĩ Hải Dương ở phiá Tây của Hànội, thì ra ở phía Đông đi về phiá biển. 
Ôi thôi, sao mà nhầm lẫn to tát thế không biết.  Lang thang về Huế, tôi ... về cả Đà Nẵng tìm lại ngôi nhà xưa kia, một thời chị em tôi lớn lên, những ngày trốn chạy pháo kích của quân đội Nhân Dân bắn vào thành phố, nghe mãi tiếng đạn bom đến hết biết sợ, bom nổ kệ bom, ngủ cứ ngủ, căn hầm trở thành nơi chốn cho chúng tôi nghe nhạc họ Trịnh trong chiến tranh.  Nhưng rồi tôi chẳng tìm thấy con đường, ngôi nhà cũ đâu nữa. Lang thang vào mãi tận Sàigòn.  Mảnh đất thì bé, nhưng người đông, nhà nhà san sát, 10 năm trước tôi từng ngây ngô hình dung VN có lẽ sẽ chìm xuống biển Đông vì VN như hình chữ S gầy guộc, một cái quang gánh quá nặng, quá đông người, cảm giác của người từ nơi khỉ ho cò gáy như tôi trở về quê nhà. Tôi cũng chẳng biết nhà cũ nơi nào, buồn tình tôi trở về thành phố tôi ở, tìm thấy nóc nhà mình, có cả cái vườn sau nhà, cây hoa đào trước ngõ.  Để sáng thức dậy đọc thiên hạ bàn loạn định nghĩa một quê hương gốc gác trong mục ý kiến đâm ra thắc mắc mình là người gì, người Nam hay Bắc? Người gì mà chẳng biết, chẳng biết cả địa lý quê hương?

"Quê Hương, quê quán là nguồn gốc, là cha mẹ, ông bà tổ tiên, là người sinh ra mình. Nơi sinh ra chỉ là yếu tố phụ!
Nơi sinh = Nơi chôn nhau cắt rún không phải là Quê hương, chỉ là một vùng đất, một nơi để có quốc tịch.

Nói như bác thì những đứa trẻ được sinh ra trên biển, trên máy bay, nơi chôn nhau cắt rún (?, có chôn không hay vứt xuông biển cho cá mập, cho vô thùng rác!) của nó thì quê hương nó là máy bay, là biển cả chắc!

Nói như bác, thì con em em có quê hương là Nhật vì nó sinh ra ở Nhật, chôn nhau, cắt rún ở Nhật và sống ở đó tới 2 tuổi. Nó có thể có quốc tịch Nhật, nhưng nó không là người Nhật, Quê hương của nó không phải là Nhật! Nó có 2 Quê hương là VN và Đức! Năm 18 tuổi, nó có thể chọn quốc tịch Đức hay Nhật, vì Bố Mẹ nó không có quốc tịch VN."

Lan man đọc bài Mất quê của Mạnh Quân, thấy mình có quê hương nhưng chẳng có quê nhà, về tới làng của bố mẹ, ra tận đình, thấy người ta chào đón thân thiết mà mình như người ở cung trăng rớt xuống, sự cảm nhận có chăng là sự chân chất của người nhà quê mà có lẽ đi ở đâu trên đất nước VN, ai cũng cảm nhận được, nhưng kỷ niệm gắn kết đối với tôi thì rõ là con số không? Lớn lên ở thành thị, lại trong thời chiến, không biết gì về một ngôi làng như trong truyện kể. Đối với tôi hình ảnh cũ kỹ của một ngôi "làng" là Dục Mỹ, là Ban Mê Thuột, những thành phố nhỏ còn đọng lại trong trí nhớ của tôi mà bây giờ ngồi nghe những người bạn của cha mẹ chúng tôi kể lại "Hồi đó tụi con nhỏ lắm, bác nhớ, ở kế nhà tụi con". Tuổi thơ của chị em chúng tôi là những ngày lưu động, bây giờ có thể tự nhủ dù xa quê hương hơn nửa cuộc đời mình nhưng chúng tôi đã có cơ hội được nhìn thấy nhiều nơi ở quê hương.  Nếu cứ kể nơi nào được đặt chân tới thì tôi đã được đi từ Hà Tiên cho đến Hà Nội.  Nhưng "quê nhà" thì chẳng biết nơi nào.  Chỉ biết quê là ở VN khi tôi nhìn từ Google App, phải không?

Xin mời bạn đọc bài sau, xem có ngậm ngùi?

Mất quê
Blog Mạnh Quân

Hầu hết mọi người ở thành phố, ai cũng có một vùng quê để nhớ, trừ những người đã ở từ 3-4 thế hệ trở lên. Tôi cũng có một miền quê, dù chẳng quá xa xôi - đó là một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Nhưng chỉ 10 năm trở lại đây, mỗi lần về thăm, quê tôi lại một lần đổi thay đến chóng mặt và tôi đã thực sự lo ngại, đến một lúc nào đó, tôi sẽ là người mất quê bởi những hình ảnh, hương vị thân thuộc của quê hương sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ.
Giống như nhiều vùng nông thôn ngoại thành khác của thủ đô, làng xóm cũ của tôi giờ đã biến đổi quá nhanh. Nếu như độ hơn 10 năm trước, nó vẫn là một làng thuần nông, nơi người dân đa phần vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, hoa màu trên những cánh đồng tuy không quá rộng nhưng trải dài từ cầu Chui - cửa ngõ vào nội thành (cũ) của Hà Nội chạy dọc theo quốc lộ 5 vài cây số rồi hướng sâu về các xã phía đông. Với chiều dài tít tắp, không thấy giới hạn đó cũng đủ mỏi cánh cò bay.

Tuy chẳng xa trung tâm thủ đô mấy nỗi, người ta đã đo đến hồ Hoàn Kiếm chỉ 12 km nhưng cũng cách đây chừng đó năm, ở quê tôi, chẳng ai dám nhận mình là người Hà Nội mà thường chỉ nói đùa với nhau: mình là dân Hà Nội 9, Hà Nội 10 gì đó bởi cách ăn mặc, lối sống, thậm chí cả màu da, giọng nói khác biệt hoàn toàn với dân phố cổ. Nếu so sánh nữa thì dân vùng tôi ở ngày xưa chẳng khác mấy với người dân các vùng nông thôn xa hơn nữa ở Hưng Yên, Thái Bình… có thể giọng nói nhẹ hơn chút. Nhưng cơ bản, hầu hết vẫn là những người nông dân sống bằng nghề nông: trồng lúa, hoa màu, nuôi tôm cá…
Cách thức sinh hoạt, lối sống của người dân quê tôi vốn cũng đậm chất nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ: trong làng, xã, các gia đình tập trung số đông theo một số dòng họ. Nhưng dù có khác họ, các hộ gia đình, người dân rất quan tâm, giúp đỡ nhau dù đôi khi, trong cuộc sống hàng ngày, cũng hay phát sinh những mâu thuẫn. Có chuyện vui, buồn gì của nhà nào như con thi đỗ đại học, đứa này đứa kia bị tai nạn, có khi cả làng đều biết. Đó là một lối sống giàu tính cộng đồng, chia xẻ mà tôi thấy không thể có được ở phần lớn ở khu đô thị, các khu phố mà tôi được biết.

Tôi còn nhớ như in những năm niên thiếu của tôi ở vùng quê của mình, hầu như nhà nào cũng nghèo như nhau. Cứ cuối tháng, hết gạo lại chạy sang nhà này nhà kia xem nhà nào còn thì vay. Nhưng có nhà còn ít cũng cho vay, khi cho vay còn nhiều thì lại cho thêm… Những lúc nhà nào gặp khó quá: người đau bệnh, cháy nhà, mất trộm… ai cũng đến hỏi han, chia xẻ. Càng nghèo hình như người ta càng thân thiết với nhau hơn.

Nhưng chỉ trong khoảng một thập niên, kể từ khi tôi rời đi, đến định cư trong một khu đô thị mới, xa nhà cũ, quê tôi đã biến đổi đến mức tôi hầu như không còn nhận ra hình ảnh nào quen thuộc mỗi khi tôi trở về thăm. Những con mương chạy dài tít tắp nay chẳng còn nữa mà thay vào đó là những nhà máy lớn mọc lên dọc theo quốc lộ, luôn phát ra những tiếng hàn, cắt, đập đinh tai, nhức óc. Xa hơn nữa là khu đô thị mới với vài dãy nhà cao tầng trông khá hiện đại mọc lên. Ngay cả trong làng, xã đã không còn những dãy nhà thấp, bằng tre, gỗ như trước nữa. Hầu hết các gia đình đã bán được đất với giá khá cao đã dùng tiền xây lên những căn nhà lớn như những tòa lâu đài nhưng mỗi nhà theo một kiểu kiến trúc, khá lộn xộn. Nhưng tệ hơn nữa, trong làng đã xuất hiện nhiều những nhà hàng karaoke, nhà nghỉ với những cô gái mặt trét đầy phấn, hở hang thập thò; là những hàng internet mở thâu đêm đầy tiếng chửi bậy của trẻ con…
Tên cũ của làng, của xã cũng không còn. Giờ người ta gọi xã của của tôi là phường Việt Hưng với một số tên phố mới lạ hoắc: phố Hoa Lâm, phố Ngô Gia Tự… và hầu hết ngôi nhà đều đã được đánh số. Những bụi tre chúc rậm rì ngày xưa đã bị đốn hết. Những hàng rào râm bụt, ruối... giữa các nhà chẳng còn chút dấu tích, nay chỉ có những bức tường, thậm chí không có tường: các nhà xây sát vách nhau, chỉ có cửa thông ra phía trước.

Lối sống của người dân vùng quê được làm mới của tôi cũng đổi thay khác hẳn theo quá trình đô thị hóa. Không còn đồng ruộng để trồng, cấy, không còn nơi chăn, thả, dân quê tôi đa phần đi làm cho các công ty, doanh nghiệp, nhà máy quanh vùng hoặc vào trung tâm nội thành cũ. Người ta bận rộn hơn, ít quan tâm đến các gia đình khác. Có khi ở ngay cạnh nhà cũng không biết nhà bên cạnh của ai nữa. Không còn có những hội, hè, đình đám, lễ ma chay, cưới xin… mà người cả làng xóm đều kéo đến thật đông, càng đông càng vui như quan niệm ngày xưa. Giờ thì ai lo nhà đấy. Nhà nào thân với nhà nào thì chỉ qua lại, chơi với mấy nhà đấy. Hơn nữa, có quá nhiều người ở các nơi khác đến mua đất ở. Có khi về toàn thấy người lạ hoắc, mặt lạnh te. Thôi, khỏi muốn chào.

Còn tệ hơn nữa là đầu làng, giữa xóm cũng mọc ra những nhà hàng karaoke, nhà nghỉ với những bóng như cô gái ăn mặc thiếu vải, mặt trát đầy son phấn thập thò. Một loạt quán internet mở thâu đêm, suốt sáng nhốt bọn trẻ, thanh niên phờ phạc vì game bên trong, luôn ầm ĩ những tiếng chửi nhau, tiếng súng, gầm từ các trò chơi bắn giết điên loạn… Làm các cụ già mỗi phen đi qua đều lắc đầu ngán ngẩm ‘hỏng, hỏng hết cả rồi”.

Tất nhiên, không phải mọi thứ biến đổi đều là dở. Có những điều mới cũng rất tốt cho quê tôi: đường xá, trường học, bệnh viện được xây dựng mới; nhà máy, doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn thì công việc, nghề nghiệp nhiều hơn thì các gia đình cũng thay đổi cách sống, nâng cao thu nhập, chất lượng sống… Và không thể nào tránh khỏi một sự thay đổi như vậy. Cũng không phải đã hoàn toàn mất hết: trong cách sống của các hộ gia đình vẫn lưu giữ những thói quen ngày xưa: nhiều người vẫn có thói quen hay thăm hỏi, xẻ chia, giúp đỡ nhau, những lễ lạt, đình đám như hội làng giờ vẫn rất đông vui, náo nhiệt thể hiện tấm lòng người ta vẫn hướng về nguồn cội… Mỗi khi trở về làng, thấy người nay, người ra ra tay bắt, mặt mừng, hỏi han: dạo này mày thế này, thế kia, tao nhớ ngày xưa mày như thế… rồi vồn vã mời đến nhà chơi, tôi vẫn thấy ấm lòng bởi cảm giác mình vẫn là một thành viên xưa cũ của làng. Chợt nhớ những ngày xưa, cứ ra đường trông thấy ai là phải chào hỏi từ xa: chào anh, chào chị…, anh, chị đi đâu đấy? dù biết trước câu trả lời luôn là: à, ờ… mình đi đằng này tý.

Dẫu quê tôi vẫn tiếp tục biến đổi nhanh để trở thành khu vực thành thị thực thụ, trong thâm tâm, tôi vẫn chỉ muốn quê cũ của mình mãi vẫn như ngày xưa, nơi tôi dễ dàng khi tan học về nhà, chạy ngay ra cánh đồng lộng gió để thả diều, bắt cá, đuổi chó săn chuột… để chạy khắp cùng làng, ngõ xóm chọc tổ ong, bắt ve sầu, leo cây, hái trộm quả... Giờ thì, ôi quê tôi, đã mất thật rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog