Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Lý Sơn

"Phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’
Phải công bằng mà nhận rằng đây là một phim tài liệu có giá trị, cả về hình thức lẫn nội dung. Về nội dung, đó là một loạt những phỏng vấn người dân chài chất phác, thực thà, những sự việc thật, không thêm thắt. Menras đảm trách phần phỏng vấn bằng tiếng Việt và dẫn giải trong ấn bản tiếng Pháp, và một giọng nữ dẫn trong ấn bản tiếng Việt. Cả hai dẫn bằng một giọng bình dị, như người kể chuyện, rỉ rả, không lên giọng kết án ai, kể cả quân Trung Quốc hiện đang trấn đóng vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc về Việt Nam từ trước cả thời Gia Long, và là động lực gây ra một số chết chóc, bắt bớ, tịch thu tài sản của dân chài và họ còn bị đòi tiền chuộc nữa, diễn ra từ các năm giữa tới cuối thập niên 2000. Tóm lại, đó là một cuốn phim phóng sự có giá trị tài liệu, trình bầy không thêm thắt những mảnh đời dân chài ít người Việt có dịp biết đến, nếu không nhờ nhóm quay phim cất công về tận nơi, ra tận đảo (Lý Sơn) để quay phim và phỏng vấn."
  
Đó là đoạn trích phê bình của bà Trùng Dương về cuốn phim Nỗi đau mất mát" do ông Tây người Việt tên Hồ Cương Quyết thực hiện . Đọc toàn bộ bài viết của bà ở đây .
Cuốn phim được nói đến nhiều từ cuối năm ngoái, không có thì giờ xem, nên tôi để đó chờ lo lễ Giáng Sinh xong, ăn Tết Tây, Tết Âm Lịch xong rồi mới tính.  Năm nay cũng có chút vui là khi nhận thư chúc Tết Ta không ai còn viết mừng "Chinese year" mà thay bằng chữ "Lunar New Year" điều mà mấy năm trước ở sở mà nghe ai nói ăn tết Tàu là tôi "quạt" ngay là tôi không có ăn tết Tàu, phải gọi là Lunar New Year.  Và cũng nhờ ăn Tết có mấy ngày nghỉ, nên tôi mới có thì giờ xem trọn bộ phim Nỗi đau mất mát gần 1 tiếng đồng hồ. Phải nói đúng như nhà báo Trùng Dương đã nhận xét ở trên, đó là một cuốn phim có giá trị. Ở đây không lập lại điều người khác đã ca ngợi ông Hồ Cương Quyết đã làm cho người dân đảo Lý Sơn, mà tôi chỉ tiếc rằng các nhà làm phim VN đã không tìm cách khai thác, để cho dân VN hiểu hơn đời sống các ngư dân, và hiểu một nét văn hoá tiềm tàng của dân tộc VN, hình ảnh đám tang và những ngôi mộ gió, nghi thức làm một hài cốt bằng đất sét cho các ngư phủ bị mất xác ở biển cả, thấy công việc tỉ mỉ của người làm cốt, ở đó không cho người xem thấy tính cách mê tín dị đoan của người dân, nhưng thấy tấm lòng, nỗi thương nhớ thân nhân của họ và họ mong muốn làm được điều gì đó cho người đã khuất.  Thấy được tình cảm của người dân biển đối với quê hương ra sao, họ đã trân trọng giữ những hồ sơ chứng nhận từ triều Nguyễn, không biết có ai đã sao chép cất giữ những tài liệu ấy không?

Thỉnh thoảng xem TV, cũng có những bộ phim tài liệu của VN, tiếc là những bộ phim có kịch bản sẵn nên những nét chân thực trong đời sống người dân lại bị bỏ sót.  Điều này tôi lại tiếc Lý Sơn đẹp thế mà không có nhà làm phim VN nào lồng vào đó một câu chuyện tình, một kịch bản nói về một người phụ nữ thông minh, kiên cường, thí dụ như người phụ nữ làm những bóng đèn trong cuốn phim nói trên.  Biết đâu lại được nhiều người dân VN hay cả Á Châu biết tới một vùng đất, Lý Sơn lại trở thành một điểm du lịch như nguời Hàn đã làm cuốn phim Tamra Island chẳng hạn, để người dân VN hiểu thêm lịch sử của đất nước hơn là dán mắt vào những cuốn phim ngoại (như tôi :-)).  Tiếc thay!. Dẫu sao nhờ có cuốn phim của ông Hồ Cương Quyết – André Menras, mà tôi biết được ở VN có đảo Lý Sơn đẹp như thế nào, nơi có những ngư phủ Việt đã bảo vệ Hoàng Sa từ bao đời nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog