Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Có làm được việc nhỏ cho đất nước?

Ban biết là tình hình Biển Đông nổi sóng, nhưng bạn là người nhút nhát, bận rộn vì công việc gia đình, trói gà không chặt, sợ ra đường lại "được" ôm chạy đến mất dép vv...vv.  Vậy chỉ cần một việc nho nhỏ bắt đầu từ bạn và gia đình bạn, điều mà  radio sáng ngay đang có lời kêu gọi không mua hàng Trung Quốc trong một tháng, không bao giờ mua càng tốt.  Gia đình bạn buôn bán nhập hàng TQ, hãy cố gắng thuyết phục họ không nhập trong một tháng, TQ chẳng bán cho VN, kinh tế họ không chết, nhưng kinh tế VN sẽ phục hồi nếu mọi người dân chịu khó mua hàng VN.  Cho nên ngồi nhà bạn vẫn có thể làm điều gì đó cho VN, bắt đầu từ việc nhỏ.  Nếu bạn tin rằng mọi chuyện khác để nhà nước lo kể cả đem quân ra trận. 

Đọc bài sau của blog Hiệu Minh, có những đoạn sao mà chua chát.


Theo blog Hiệu Minh

Những cung bậc tình yêu…nước

Cởi trần bị bắt. Ảnh: internet.
Nhớ thời tem phiếu, cánh đàn ông được phân phối vải, giầy dép và đôi khi cả áo may ô. Ai không được may ô thì đành ở trần. Mới có câu than rằng “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”.
Thời đó, chẳng ai định hướng thế nào là yêu nước vì sự “phân phối” đặc biệt này khá công bằng, từ cấp trên xuống dân thường, từ người mặc áo đến người cởi trần, chẳng ai tự hỏi mình yêu nước như thế nào và bằng cách nào.
Mở cửa giầu có hơn, chẳng còn ai nhớ đến câu ca đau đớn một thời. Yêu nước cũng khác xưa, có nhiều kiểu, nhiều sắc thái, và nhiều cung bậc khác nhau. Người giầu, kẻ nghèo, người quyền cao chức trọng và kẻ hành khất đều có lý khi nói về lòng yêu tổ quốc của mình.
Qua mấy vụ “tụ tập” gần đây sau sự kiện tầu Trung Quốc cắt cáp tầu Bình Minh, rồi Viking, người hàng xóm đã lộ rõ ý đồ, cũng thấy cách biểu lộ tình yêu tổ quốc VN khá thú vị.
Tổng Cua tạm chia thành vài nhóm các kiểu yêu nước. Mời các bác thêm vào và nhớ cho một lời bàn/khuyên để tìm lối ra.
Vô tâm và thờ ơ. Có người chả biết Hoàng Sa hay Trường Sa ở đâu nên chỉ ngồi nhâm nhi cốc bia và xem cảnh biểu tình trên phố. Một quan hàng tỉnh còn nói đó là bãi chim ỉa. Ra đường phải có lợi mới ra, chẳng ai đi biểu tình vì cái đảo chim ỉa.
Lời bàn: Cần tuyên truyền về biển đảo tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, không được hạn chế báo chí chỉ vì tình hữu hảo, kể cả chuyện tầu lạ đâm thuyền quen, dã tâm của…bạn. Quan trên im thì dân đen có gì để phát biểu.
Tự diễn biến. Có người “quyết tâm” ngồi nhà, không ra đường vì sợ “trời nắng gắt”, yếu không ra gió.
Lời bàn: “Dân chủ cơ sở” không chỉ nói trên bục mà cần thực thi ngoài đời. Thiếu dân chủ, sự sợ hãi sẽ thui chột sức sáng tạo, sức mạnh và lòng yêu nước.
Ảo và từ xa. Người xa tổ quốc đứng ngồi không yên mà chả làm được gì. Có bạn giấu cờ trong ba lô, đến trước cửa sứ quán Trung Quốc ở nước nọ, thấy chẳng có ai. Đứng “căm thù mấy phút trong lòng” rồi ra về, anh tự xấu hổ với bà con trong nước đang xuống đường rầm rầm.
Lời bàn: Người Việt, cho dù ở phương trời nào, nếu thấy biển Đông có sóng lớn thì rất đoàn kết. Đó là sức mạnh dân tộc cần được “trải thảm đỏ”.
“Truyền thống”. Có người đi vận động bà con đừng nghe theo bọn phản động xúi bẩy, diễn biến hòa bình. Đi là mắc mưu địch. Nên theo “cách mà dân ta yêu nước cách đây 50 năm”.
Hội phụ nữ tham gia vào nhiều việc xã hội rất được việc, từ quyên tiền ủng hộ, rồi ma chay, cưới xin, kể cả hòa giải những đôi vợ chồng đánh chửi nhau. Họ tham gia vào việc quốc gia trọng đại.
Các bà một số nơi khuyên răn “Các em đừng đi biểu tình chống Trung Quốc, vì chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ”.
Thời Ba Lan rối loạn, Quốc hội bầu ra chính phủ không phải Cộng sản, hội Phụ nữ liền mang thư đến sứ quán Ba Lan ở Hà Nội để phản đối “bọn phản động đã cướp chính quyền”. Tiếc thay, vị đại sứ (cũng là đảng viên ĐCS) lại nói, đây là sự lựa chọn của nhân dân Ba Lan, cần tôn trọng quyết định của số đông. Xin cảm ơn tấm lòng của các quí bà.
Lời bàn: Nhìn vào cách các bà các cô hướng dẫn các đấng nam nhi Việt Nam mấy hôm trước, người phương Bắc rất mừng. Nếu các chàng không tòng quân cứu nước thì chả cần gửi tầu chiến máy bay đi đánh nhau làm gì. Tư duy lỗi thời cần phải thay đổi. Và cũng đừng nghe ông anh “Em nên theo Mác Lê, còn anh thề ôm đảo”.
Đảng còn thì mình còn. Có người biểu hiện tình yêu đất nước, trung thành tuyệt đối với Đảng, bằng cách chặn đoàn biểu tình, chia năm xẻ bẩy đám đông, khóa tay và cho lên xe bịt bùng đưa về đồn công an. Làm như thế mới giữ được tình hữu nghị và CNXH.
Lời bàn: Quyền lợi dân tộc hay đảng, ai “nằm trên”. Hơn nữa, những người đang mưu kế tấn công Việt Nam từ mọi hướng hẳn phải hả hê. Dân Việt ta tự bắt giam nhau thì cần gì phải ra tay.
Trong bối rối. Các vị lãnh đạo đang đắn đo trước sự lựa chọn: lên tiếng hay không lên tiếng dù đã mấy tuần trôi qua. Tình yêu đất nước của họ ở tầm khác, có lẽ đang trong bối rối giữa 16 chữ vàng, bốn tốt và hệ tư tưởng.
Lời bàn: Đồn rằng các vị ấy đang đọc sách binh pháp Tôn Tử mà các bậc tiền nhân đã thuộc lòng khi đối nhân xử thế với người phương Bắc, trong đó có câu nổi tiếng “故曰:知彼知己,百戰不殆;不知彼而知己,一勝一負;不知彼,不知己,每戰必敗 (“Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại”- Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.”. Sợ nhất là không biết người, không biết ta.

Biểu tình mất dép. Ảnh: internet
Xuống đường. Nhưng cũng không ít người, vì sợ “bạn” không hiểu hết tình yêu biển đảo của dân Việt Nam như thế nào, đã xuống đường biểu lộ lòng yêu nước, cho dù bị nhắc nhở, bị cảnh cáo, bị câu lưu và kể cả bị bắt.
Lời bàn: Hãy để dân biểu thị lòng yêu nước một cách tự do. Giặc không sợ vũ khí tối tân mà chúng sợ…lòng dân.
Cởi trần và mất dép. Thú vị nhất là hai tấm ảnh do dân blog chộp được. Một thanh niên còm nhom, lột trần, bị mấy anh lực lưỡng khiêng đi như con lợn.
Một ảnh khác chụp một người tên là Phan Nguyên. Anh thừa nhận “bị bắt như con vật trong thế kỷ 21″. Một người đàn ông mặc thường phục, đầu đội mũ bảo hiểm, vác cả người anh lên rồi chạy qua đường. Anh Nguyên một chân đi dép, chân kia để trần.
Lời bàn: Đôi khi yêu nước cũng phải cởi trần và mất dép. Sự dấn thân bao giờ cũng cần trong cả thời bình và thời chiến.
Và lời kết. Nhớ câu ca cách đây 40 năm “Bắt cởi trần phải cởi trần…”. Chả lẽ lại áp dụng tư duy “bao cấp” cho cả lòng yêu nước. Nếu đúng như vậy, không cần động binh, kẻ thù vẫn thắng. Quốc gia ấy tự diễn và tự…biến.
HM. 16-06-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog