Có lẽ lúc chọn bài để hát hôm nay tại Hà Nội, Khánh Ly cũng chưa thể biết hiệu ứng thế nào. Nhưng quả thực khi ở giữa chương trình, sau khi đã hát gần chục bài Trịnh Công Sơn, song ca với Thái Châu bài "Niệm khúc cuối" của Ngô Thụy Miên và hát bản tango "Vũ nữ thân gầy" (lời Việt Phạm Duy cho bản La Cumparsita), và sau khi Quang Thành, Hà Anh Tuấn đã hát, đạo diễn có cho bật lại đoạn mở đầu giới thiệu băng Sơn Ca 7 trên nền clip hình máy quay băng AKAI và hình Khánh Ly thời ấy, thì dĩ nhiên người Hà Nội đã có thể nói là gặp người quen. Và chương trình đến đó có thể coi như đã rất thành công, khi nữ nhân vật chính cất giọng làm chủ không gian khán phòng 4000 chỗ của TTHNQG, sang sảng và đanh chắc, hơn cả mong đợi.
Nhưng thật sự thành công và xúc động nhất với những người xem có lẽ phải là tiết mục "Xin cho tôi" - một bài nổi bật trong chùm Ca khúc Da vàng của TCS, Khánh Ly hát với Hà Anh Tuấn. Hình ảnh khá đẹp: các thiếu nữ áo dài trắng cầm nến lần lượt xếp thành dàn nền cho 2 ca sĩ và kết lại, dù hơi sến, hình trái tim. Giọng của người ở tuổi xưa nay hiếm mà làm người nghe nghẹn ngào được.
Cho tôi đi xây lại chuyện tình
Cho tôi đi nâng dậy hòa bình
Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
Rồi từ đó tôi yêu em
Và lời giãi bày ngắn gọn của Khánh Ly cũng rất ý nghĩa: Cầu cho quê hương chúng ta luôn bình an. Ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại vì gì ai cũng biết rồi. Cao trào của 2 ca sĩ già trẻ lên tông ở đoạn điệp khúc thực sự làm cho không khí sôi động lên hẳn sau một loạt các tình khúc chậm buồn.
Bên cạnh Khánh Ly, các nam ca sĩ thực sự quá mờ nhạt, trừ bài Áo anh sứt chỉ đường tàcủa Phạm Duy, thơ Hữu Loan do Hà Anh Tuấn hát rất tốt và Thái Châu với lối hát tình cảm. Tuấn Ngọc có lẽ hơi sa sút, hát mệt nhọc và hơi gượng gạo. Quang Thành quả thực không phải là giọng ca tương xứng với Khánh Ly, nhất là bài solo Xin còn gọi tên nhau bộc lộ nhược điểm giọng đãi và chảy, nhưng tiết mục song ca ca khúc da vàng Ca dao mẹ với Khánh Ly thì lại khá hợp.
Khánh Ly hôm nay nói nhiều, nói hay và khéo léo. Nhưng cũng phải thấy sự cảm động của bà lan truyền được đến người nghe. Nếu xem bà nói trên các đĩa của Thúy Nga hay các show khác thì cũng đã quen rồi, nhưng ở lần này, cả người hát lẫn người nghe đều chia sẻ sự hồi hộp. Hồi hộp đến căng thẳng, đến mức sau chùm bài TCS đầu tiên (Diễm xưa, Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ), bà đã phải mở lời "Tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu. Quý vị yêu tôi nhiều quá làm tôi áp lực. Quý vị căng thì tôi cũng cảm thấy căng, mà cả hai bên đều căng thì sẽ đứt..." Quả thực sau đấy thì Khánh Ly hát tốt hơn hẳn, nhất là các cao độ rất đúng phong độ của bà. Còn các khoảng trầm cũng êm hơn. Còn lại thì những dấu hỏi của Khánh Ly, những từ có dấu huyền của TCS mà hơi non ở nốt Fa hay Sol vẫn là đặc sản của Khánh Ly khi ép xuống được như lời nói. Dĩ nhiên KL cũng hay đọc lời - một món độc chiêu bà thi thoảng sử dụng trong các đĩa nhạc.
Gần như các bài của TCS mà KL hát đều nằm trong băng Sơn Ca 7. Ngoại trừ Hạ trắng do hạn chế tuổi tác thì các ca khúc còn lại dường như hay hơn cả như trong đĩa - như Biển nhớ, Tình nhớ, Như một lời chia tay..., có lẽ như anh Như Huy từng nói, các ca sĩ khi biểu diễn trực tiếp họ phát tiết cái anh hoa (aura) ra ngoài, nên hấp dẫn hơn nghe đĩa nhiều. Cái run rẩy, cái vấp cũng là cái sáng tạo không ngờ.
Khánh Ly cũng hát 1 số bài của các nhạc sĩ khác như Vũ nữ thân gầy, Niệm khúc cuối, Nếu có yêu tôi... nhưng cái bóng của TCS trùm lên hẳn, thậm chí chương trình còn phát hẳn 2 bài TCS hát - Ru đời đi nhé (hát ở Canada 1992, tư liệu KL) và Như một lời chia tay, mà KL đã khéo léo nói là "đã có người hỏi tôi ai là người hát nhạc TCS hay nhất, và tôi nói luôn là chính ông". Bài hát để dành cho Hà Nội - quê hương của bà và nơi sống đến năm 9 tuổi, và 60 năm mới trở lại - cũng là 1 bài của TCS - Nhớ mùa thu Hà Nội, nghe live quả thực hơn chị Bống nhiều, hoặc là cái độ sâu của trải nghiệm làm tiết mục rất cảm xúc. Khánh Ly cũng chia sẻ tư liệu video ca khúc Quỳnh hương hát ở Nhật và bài Diễm xưa tiếng Nhật, dĩ nhiên là một điều hay cho những ai chưa từng xem, còn với fan của KL thì đã không còn mới. Thông tin nóng nhất liên quan đến Hà Nội là KL ngày xưa nhà ở 106 Hàng Bông.
Thật ra có thể nghe lại bản thu âm hôm nay có thể sẽ hơn kém so với các phòng thu, nhưng cảm xúc trực tiếp đem lại thì không gì sánh bằng. Một người phụ nữ gần 70 tuổi, cẩn trọng trong mọi tình tiết và làn hơi, để hát, nói và phô bày mình, có lẽ cho thấy một lao động nghệ thuật phi phàm. Một giọng ca vừa có thể tạo ra các tiết mục có tính biểu tượng vừa gây được không khí giải trí, thực hiếm có. Đã xem nhiều chương trình nhạc TCS, thấy các ca sĩ nói chung hát đến bài thứ 3 là đã chán oặt và đã một màu thì chớ lại còn nhạt dần, nhưng có lẽ cách hát của KL như kể chuyện và giãi bày thì khán giả HN thực chưa từng trải nghiệm.
Cảnh tượng Khánh Ly ngồi trên bục sân khấu ôm bó hoa cúi đầu giữa khúc gian tấu bài bonus Một cõi đi về, quả thực là một hình ảnh nói được hơn nhiều lời. Không rõ bà có khóc không vì tôi ngồi quá xa, nhưng hôm nay Khánh Ly đã quá thành công và có lẽ hạnh phúc đến độ như bà nói "hát xong là có thể chết".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét