Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) - Nhiều con số quen thuộc đã được phổ biến về chiến tranh Việt Nam. Chẳng hạn hơn 58,000 chiến binh Hoa Kỳ bỏ mình tại đất nước này, trong đó 47,369 người chết trên chiến trường. Nhưng không ai biết trong số những người lính Mỹ hồi hương sau cuộc chiến, có bao nhiêu người đến giờ vẫn còn day dứt nghĩ về biến cố 30 tháng Tư, 1975, như trường hợp của hạ sĩ Hugh Gemmell.
Trung tuần tháng Tư, 1975, hạ sĩ Hugh Gemmell, lúc đó 19 tuổi, thuộc đơn vị Thiết Giáp, tiểu đoàn 3, trung đoàn 9, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, được biệt phái đến hàng không mẫu hạm USS Denver để tham dự “Operation Frequent Wind,” chiến dịch giúp đỡ và đưa người tị nạn Việt Nam bỏ nước ra đi đến bến bờ tự do.
Bé Nón Trắng (trái) trên sàn tàu USS Denver trong nét ưu tư hiếm thấy. (Hình: Hugh Gemmell cung cấp)
|
Và từ đó đến giờ, khuôn mặt của nhiều người tị nạn được giúp đỡ trong hai tuần lễ hoảng loạn đó, vẫn còn rõ nét trong tâm trí ông, nhất là khuôn mặt của một bé gái ông đặt tên là “The White Hat Girl” (Bé Nón Trắng)
Giờ này em ở đâu?
Câu hỏi cứ khiến ông băn khoăn mãi là chuyện gì đã xẩy ra cho bé sau khi em và đoàn người tị nạn được đưa đến trại tị nạn ở Philippines.
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, cựu chiến binh Hugh Gemmell nói trong niềm vui lẫn xúc động:
“Mấy chục năm rồi, cứ gần dịp kỷ niệm 30 tháng Tư thì tôi lại bất an. Nếu biết được cô bé ấy bây giờ ra sao, thì có lẽ tôi mới hết day dứt."
Trả lời câu hỏi cô bé ấy là ai, và tại sao trong bao nhiêu em bé, ông cứ nhớ mãi và nghĩ mãi đến Bé Nón Trắng, cựu hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến Gemmell trả lời:
“Có lẽ hoàn cảnh em làm tôi chạnh lòng. Tôi không thấy cha mẹ bé Nón Trắng bên cạnh em bao giờ. Tôi nhớ rõ lúc đó em khoảng chín tuổi, lúc nào cũng đội chiếc nón trắng rộng vành. Chắc hoang mang lắm, nhưng em vẫn hay cười, tôi nhớ sức sống mãnh liệt trong đôi mắt em đen láy.”
Bé Nón Trắng trên sàn tàu USS Denver, tháng Tư, 1975. Hoàn cảnh bi quan nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ. (Hình: Hugh Gremmell cung cấp)
|
Ông giải thích: “Kết thúc cuộc chiến Việt Nam lúc đó khiến tôi bàng hoàng. Và trong cái nắng đổ lửa trên sàn tàu, sự hỗn loạn xung quanh, nụ cười trẻ thơ của em sao vẫn cứ rạng rỡ, mà càng rạng rỡ, thì nỗi buồn trong lòng tôi càng đậm nét tương phản.”
Và nhấn mạnh: “Tôi thường xuyên nghĩ đến những khuôn mặt non nớt đó. Và có lẽ suốt đời sẽ không bao giờ quên được. Tôi thường hỏi em bé đó bây giờ ở đâu? Việc gì xẩy đến cho em sau khi chúng tôi đổ em và đoàn người tị nạn xuống quần đảo đó.”
Chiến dịch “Frequent Wind”
Theo lệnh của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, từ ngày 18 tháng Tư, 1975, hàng không mẫu hạm USS Denver bắt đầu rời Okinawa, trực chỉ Vũng Tàu. Ngày 22 tháng Tư, USS Denver đến nơi và cùng với khoảng 48 tàu nữa của Hoa Kỳ ở một vùng biển ngoài khơi gần Vũng Tàu, vào vị trí sẵn sàng tiếp ứng.
USS Denver và khoảng 48 tàu nữa của Hoa Kỳ trong chiến dịch "Frequent Wind" ở một vùng biển ngoài khơi gần Vũng Tàu, trung tuần tháng Tư, 1975, trong vị trí sẵn sàng tiếp ứng. (Hình: US Navy Dept.)
|
Hạ sĩ Gemmell cho biết không nhớ rõ chi tiết những ngày nhân sự của USS Denver bận rộn chuẩn bị đón tiếp, săn sóc và làm thủ tục giấy tờ cho khoảng 7,500 người Việt đến trại tị nạn. Chỉ nhớ quang cảnh hỗn độn trên sàn tàu. Cảnh các trực thăng đáp xuống sàn tàu đổ người xuống rồi lại cất cánh bay vút đi, cảnh những chiếc máy bay sẽ được đẩy qua một bên để cho có chỗ cho máy bay khác đáp xuống.
Trong một tuần lễ ngắn ngủi đó, ông Gemmell cùng một số lính Thủy Quân Lục Chiến và các Thủ Thủy kết bạn với những người dân bị bốc từ đâu đó ngơ ngác trên sàn tàu. Cách biệt ngôn ngữ không cản trở họ nhiều trong việc cung cấp đồ dùng cần thiết, hay bất cứ tiện nghi gì họ có trong tay.
Bé Nón Trắng và sinh hoạt của người tị nạn trên sàn tàu USS Denver, tháng Tư, 1975. (Hình: Hugh Gremmell cung cấp)
|
Riêng kỷ niệm ít ỏi với Bé Nón Trắng và các em bé cùng hoàn cảnh thì hạ sĩ Gemmell nhớ rõ mồn một. Ông kể lại:
“Tôi nhớ lúc đó đã nghĩ chắc Bé Nón Trắng đi một mình, thất lạc cha mẹ, chẳng thấy người lớn nào lo lắng cho em. Chỉ thấy em lúc nào cũng luẩn quẩn bên cạnh một bé gái khác cùng tuổi. Tôi nhớ tự nhủ sẽ tìm cách mang em về cho cha mẹ mình nuôi. Tôi cũng có đứa em gái trạc tuổi em.”
Trong nỗi nhớ nhà, nụ cười của Bé Nón Trắng thu hút ông, và em có mặt trong hầu hết số hình ông chụp, những tấm hình mà ông còn giữ mãi cho đến giờ này.
Ôn lại kỷ niệm cách đây 39 năm, ông Gemmell nói: “Sau những ngơ ngác ban đầu, các em bắt đầu “định cư” trên sàn chiếc USS Denver. Chúng tôi ai lúc nào rảnh thì đến chơi đùa với các em. Thật ra lúc đó chúng tôi cũng chẳng giúp được các em nhiều hơn là nụ cười thân thiện và lòng thương cảm. Nhưng trẻ con buồn đó, rồi vui đó. Có lần máy ảnh của tôi bị hỏng, chụp mãi không được hình, tôi bực bội nhăn nhó, không ngờ đã cho các em những tràng cười dòn dã. Có những lúc bỗng dưng trời đổ mưa, nặng hạt, các em ướt hết, chạy loạn lên, nhưng vẫn có những tràng cười rộn rã.”
Khi hàng không mẫu hạm USS Denver đến gần quần đảo Philippines, công việc của mọi người trên tầu bận rộn hơn, và ông Gemmell ít có dịp gặp các em. Rồi "đùng một cái các em được đưa xuống tàu nhỏ chở vào Philippines. Biến mất." Nhanh như một cái chớp mắt. Không có cả cái vẫy tay chào.
Nỗi ám ảnh không rời
Trong nhiều năm, ông Gremmell mần mò dọ hỏi mãi, hễ chỗ nào có sinh hoạt cộng đồng người Việt thì ông Gemmell đến tham dự để tìm, nhưng Bé Nón Trắng vẫn bặt âm vô tín.
Sau 39 năm, vào dịp kỷ niệm 30 tháng Tư vừa rồi, ông Gemmell quyết định dồn tất cả nỗ lực vào việc đi tìm em. Ông nói:
“Tôi muốn tìm một cơ quan truyền thông có tín nhiệm để trao những tấm hình này. Những tấm hình này thuộc về em, thuộc về một quãng đời quan trọng của em. Tôi muốn trao tặng cho em những hình ảnh lịch sử đó.”
Cựu hạ sĩ Hugh Gemmell, 19 tuổi, thuộc đơn vị Thiết Giáp, tiểu đoàn 3, trung đoàn 9, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong thời gian phục vụ trên hàng không mẫu hạm USS Denver, tháng Tư, 1975. (Hình: Hugh Gremmell cung cấp)
|
Ông Gremmell kể rằng đôi khi chính mình cũng thắc mắc tại sao cứ mãi nghĩ đến Bé Nón Trắng, và tự trả lời: “Em là một phần của một đoạn đời của tôi, một thời gian đầy cảm xúc cho chúng tôi cũng như cho người dân Việt. Biến cố tháng Tư 1975 không chỉ ở mãi trong tâm người Việt tị nạn, mà còn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi nữa.”
Về câu hỏi tháng Tư 1975 đã ảnh hưởng đến chính mình như thế nào. Ông Gemmell bộc bạch: “Tôi không có câu trả lời. Nhưng có thể nói thế này. Là một thành viên trong quân đội Hoa Kỳ, tôi cảm thấy xấu hổ. Dường như đất nước chúng ta có một lịch sử chuyên để mặc cho bạn bè “tả tơi trong gió.”
Nhưng ông cũng tự an ủi: “Mặt khác, mỗi lần đọc hay nghe một tin về sự thành đạt của cá nhân hay cộng đồng người Việt ở đâu đó trên Hoa Kỳ, tôi lại vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì khả năng phục hồi của người tị nạn Việt Nam ở quê hương mới. Điều đó không dễ tí nào.”
Về Bé Nón Trắng, ông Gemmell nhắn: “Bé và những ngày phục vụ ở USS Denver mãi mãi ở trong tâm trí tôi. Chỉ cần biết bé đang ở đâu đó yên vui bên gia đình, là tôi vui lắm. Và biết đâu được tin bé, tôi sẽ đóng lại được một chương sách của đời mình.”
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét