Hà Hiển
HH- Không ít người Việt Nam vẫn đồng nhất những người gốc Hoa là
người Trung Quốc dù họ mang quốc tịch Đài Loan, Singapore hay Việt Nam.
..Đáng tiếc là quan niệm này không chỉ có ở những người thiếu hiểu biết –
như việc đập phá tài sản của cả các doanh nghiệp Đài Loan và Singapore
trong cuộc biểu tình tại Bình Dương vừa qua – mà một thời cũng chi phối
đến chính sách của Nhà nước khi phân biệt đối xử đối với người Việt gốc
Hoa trong thời gian Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam
năm 1979.
Bài viết dưới đây được viết cách đây đã 5 năm nhưng đến hôm nay
có lẽ vẫn chưa mất đi tính thời sự khi vẫn còn có những hành động ngu
xuẩn – như việc đập phá tài sản của cả các doanh nghiệp Đài Loan và
Singapore khi đồng nhất họ là các doanh nghiệp Trung Quốc trong các cuộc
biểu tình tại Bình Dương vừa qua. Tất nhiên, ngay cả việc phá hoại các
tài sản của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cũng là một hành động đáng
lên án…
Trang Bauxite Vietnam và 1 số trang mạng khác mới đăng bài
viết “Ép người khác làm người Trung Quốc” của nhà báo người Đài Loan tên
là Lư Thế Tường (Nhật Hối dịch) trong đó có đề cập đến câu chuyện Giáo
sư người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện, người được giải thưởng Nôben về hóa
học năm ngoái “khi đối mặt với hàng loạt câu hỏi của các nhà báo Trung
Quốc như “Ông là người Trung Quốc à?” “Có biết nói tiếng Trung không?””.
Thành tựu của ông có ý nghĩa gì đối với các nhà khoa học Trung Quốc?”,
đã trả lời bằng tiếng Anh: “Không biết nói tiếng Trung. Tôi sinh ra và
lớn lên ở Mỹ, tôi không phải là nhà khoa học Trung Quốc”. Theo báo chí,
câu trả lời của Tiền Vĩnh Kiện khiến cho một số nhà báo Trung Quốc rất
bực bội.”
Cách đây chừng 10 năm, lần đầu gặp những người Sing gốc Hoa, tôi nhỡ
miệng nói họ là “người Trung Quốc”, ngay lập tức họ cải chính: No, we
are not Chinese people. We are Singaporean people, citizens of an Asian
country speaking English.
Trong khi hòa đồng thành công với các sắc
tộc khác trên đất nước Singapore, người Hoa ở đây luôn luôn tự hào rằng
họ là cộng đồng lớn mạnh và thành đạt nhất trên đất nước này và không
bao giờ quên mất gốc. Họ có thể không cần che dấu niềm tự hào này với
những người khác cũng là công dân Singapore. Nhưng nếu trước mặt họ là
người Việt Nam, người Mỹ, người Nhật, hay thậm chí là cả người Trung
Quốc, thì không bao giờ họ nói “I am Chinese” mà luôn nói “I am
Singaporean”
Điều này cũng không chỉ xảy ra ở Singapore. Câu chuyện trong bài viết “Ép người khác làm người TQ”
như đề cập ở trên về nhà khoa học gốc Hoa được giải thưởng Nôben về hóa
học là Giáo sư Tiền Vĩnh Kiện cũng tương tự như vậy. Khi đối mặt với
câu hỏi của các nhà báo Trung Quốc: “Ông là người Trung Quốc à?” thì ông
đã trả lời bằng tiếng Anh “Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi không phải
là nhà khoa học Trung Quốc”. Đừng vội tin rằng với câu trả lời như vậy,
Tiền Giáo sư đáng kính đã quên mất gốc gác tổ tiên của mình. Tôi tin
rằng khi đối mặt với những người cũng quốc tịch Mỹ như ông, ông sẽ không
chối bỏ nguồn gốc của mình.
Tôi cũng tin là hầu hết những người gốc Hoa nổi tiếng và thành đạt ở
những nước tiên tiến trên thế giới cũng sẽ đều phát biểu như GS Tiền
Vĩnh Kiện trong tình huống tương tự. Người Hoa có tính cộng đồng rất
cao. Họ luôn tìm mọi cách bảo vệ và giúp đỡ nhau (đây là điều người Việt
cần phải học), nhưng cũng biết bảo vệ danh dự quốc gia, vị thế quốc
tịch của mình tại những nước mà họ TỰ HÀO LÀ CÔNG DÂN. Ở những đất nước
này, họ luôn ý thức họ là người gốc Hoa nhưng không phải là “người Trung
Quốc”. Đất nước đã nuôi họ lớn lên, nơi mà họ chọn làm công dân có
quyền tự hào là đã nuôi dạy họ nên người, và họ cũng tự hào là công dân
của nước đó. Tất nhiên, Bắc Kinh bao giờ cũng tìm mọi cách để được “thơm
lây” từ những người Hoa nổi tiếng này, do đó mới có chuyện “ép người
khác làm người TQ” như được nêu trong bài viết của nhà báo Đài Loan Lư
Thế Tường.
Ảnh hưởng bởi lối tuyên truyền một chiều bài xích người Hoa cách đây
hàng chục năm trở về trước khi quan hệ Việt – Trung ở mức tồi tệ nhất,
người Việt Nam cho đến ngày hôm nay vẫn còn bị ám ảnh nặng nề đến mức
nhìn người Hoa ở đâu cũng như gián điệp của Bắc Kinh, là “đạo quân thứ
5” sẵn sàng nổi loạn lật đổ chính quyền nước sở tại. Không phải là không
có những nhà khoa học gốc Hoa làm gián điệp cho Trung Quốc nhưng đó
không phải là số đông. Cũng không phải không có các phong trào thân Bắc
Kinh hoạt động ở các nước khác nhưng hầu hết những phong trào đó đã bị
dập tắt hoặc tự tan rã vì không có đất sống, thậm chí còn bị chính đa số
người gốc Hoa ở nước sở tại tẩy chay. Các đảng CS Malaysia và Singapore
được Bắc Kinh hậu thuẫn mà lãnh đạo hầu hết là người Hoa đều tan rã
nhanh chóng. Mưu đồ của Bắc Kinh một thời lôi kéo người Hoa tạo phản,
làm đạo quân thứ 5 là có thật, nhưng đó chỉ là ý muốn của Bắc Kinh và
chưa bao giờ thành công. Nếu người Hoa bị Bắc Kinh lôi kéo được thì cả
Đông Nam Á đã bị TQ nhuộm đỏ từ lâu rồi. Nhưng 1 điều không thể phủ nhận
là người Hoa ở đâu cũng đoàn kêt và luôn hướng về đất nước của tổ tiên
mình, và nếu có điều kiện là họ giúp đỡ đồng bào tại quê hương. Nhưng về
chính trị thì Bắc Kinh còn lâu mới lôi kéo được họ.
Nếu đọc hồi ký của cựu thủ tướng Singapore (cũng người gốc Hoa) là Lý
Quang Diệu thì chúng ta sẽ cảm nhận thấy lòng tự hào là công dân
Singapore của những người dân ở đây như thế nào, bất kể họ là người gốc
Hoa, gốc Ấn hay Malay. Một chương của cuốn hồi ký đó kể về câu chuyện có
thời sách báo tuyên truyền của Bắc Kinh đổ vào Singapore và thanh niên
người Hoa ở đây, do bị kích động bởi những sách báo tuyên truyền này, đã
có một phong trào đòi chính phủ cho phép tự do về thăm Trung Quốc (thời
đó quan hệ giữa Singapre và TQ ở mức rất thấp và chính phủ có chính
sách rất hạn chế người Hoa về thăm Trung Quốc). Lúc đầu, chính phủ
Singapore không dám thỏa mãn yêu cầu của họ vì e ngại nếu để họ về TQ
thì họ sẽ chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh càng nặng nề hơn. Nhưng sau khi
ông Lý Quang Diệu thăm TQ lần đầu tiên và tận mắt nhìn thấy những gì xảy
ra ở TQ khác xa với những tuyên truyền của Bắc Kinh thì ông quyết định
hủy bỏ chính sách hạn chế những người Hoa về thăm TQ. Ông Lý cho rằng
cách tốt nhất để thanh niên người Hoa tại Singapore thoát nhanh ra khỏi
ảnh hưởng của Bắc Kinh là khuyến khích họ về thăm Trung Quốc càng nhiều
càng tốt. Quả nhiên, sau 1 thời gian người Hoa lũ lượt về TQ và quay trở
lại Singapore thì ảnh hưởng của TQ đối với lớp trẻ người Hoa tại
Singapore mà ông Lý Quang Diệu lo ngại trước đó đã không còn được bao
nhiêu.
Đất lành thì chim từ bốn phương sẽ tìm về xây tổ ấm. Và không ai có thể xúi giục được đàn chim phá nát cái tổ ấm ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét