Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

"Vợ chàng Trương"

Tôi có cái tật xấu là hay cười mỗi khi thấy ai coi phim rồi khóc sướt mướt vì những chuyện tình trái ngang. Tôi thú nhận tôi chỉ rơi nước mắt về cái tình cha mẹ con cái hay anh em, không hiểu tại sao nhưng tự lý giải có lẽ khóc quá nhiều vì chuyện gì nên giờ khô cạn rồi chăng?

Nhưng mà trên đường về tối qua, trong bóng tối của con đường, nước mắt cứ tràn ra, tim tôi cứ như nghẹn lại không thở nổi, không kịp lau khô má mình, tôi quay đi sang cửa sổ mà nghẹn ngào để không ai thấy nước mắt tôi đang rơi như có một cái valve nước mắt ở đâu đó lâu nay không bao giờ khóc cho tình yêu nam nữ vợ chồng, thì bây giờ tim tôi cứ buốt với câu nói vang trong lòng mình "mong anh, chờ anh, em là vợ của anh", một câu nói đau đớn chờ đợi của người đàn bà hằng đêm chờ chồng, sống trong nghèo khó, cũng là một kiếp đàn bà, biết rằng mỗi người một số phận, nhưng có những số phận lại luôn trái ngang, không kịp ngưng khóc thì lại quay ra nghẹn ngào trong nỗi đau đớn của những đứa con, có ai biết được sự thiếu thốn của đưá con vắng cha phải chứng kiến sự đau khổ của mẹ mình trong một thời gian rất dài, có khi cả một đời họ.


"Có người hỏi thì con xin thưa rằng tại vì con thương nhớ mẹ con quá nên không biết làm sao, mà đường xá ra nhà anh một lần đi cũng rất trắc trở, nên con mới hoạ một tấm hình mẹ, hàng đêm đốt nhang để tưởng nhớ mẹ. Tấm lòng của con chỉ được như vậy thôi. Chớ lúc mẹ còn sống thì con không có tiền bạc gì để cung cấp cho mẹ (khóc). Mà khi mẹ mất rồi (khóc), thì con không biết làm gì đây. Khi đó hòan cảnh gia đình nghèo thì cháu cũng không làm gì được hết (khóc). Chỉ biết họa một tấm hình lên để tưởng nhớ đến mẹ thôi.”

Càng nghĩ tim tôi cứ như có một cơn uất nào đó chỉ bừng vỡ, không khóc to được, nhưng tôi khóc một mình trong đêm. Hỏi sao ư, tôi nào có nhập vai diễn một vai tuồng nào đâu cơ chứ, tôi đang đọc câu truyện về người vợ của người tù Trương Văn Sương nổi tiếng mấy hôm nay ở trên mạng. Không chỉ ông mà vợ con ông đã phải sống tủi nhục hơn 1/4 thế kỷ qua. Ông tồn tại được trong tù từng ấy năm chỉ bởi có người đàn bà nhỏ chờ đợi ông mà tôi rất muốn gọi bà là "Vợ chàng Trương", (Lê Thánh Tông) , một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, về những đứa con lẽ ra phải là những thanh niên tuấn tú của đất nước, vì nghịch cảnh họ đã bị thời cuộc xã hội xô đẩy trở thành những người thất học, điều may mắn nhờ mẹ cha mà họ vẫn còn giữ được sư chân chất có hiếu của những đứa con đối với cha mẹ, phải nén lòng ôm giữ sự đau khổ mất mẹ không cho cha biết. Chỉ nghĩ thế thôi tôi lại khóc oà.

Bây giờ ngồi gõ, tôi lại cười tôi sao mà mít ướt thế, nhưng mà hỏi ai không khóc khi đọc câu truyện gia đình họ. Tôi vốn không thích blog chuyện chính trị vào blog này, nhưng bạn cứ thử đọc coi. Đố ai không khóc không thương xót để rồi suy nghĩ, còn bao nhiêu phụ nữ Việt Nam còn phải đang chịu đựng, phải khóc thầm từng đêm chờ chồng như thế, và có lẽ chỉ có những câu chuyện như thế này mới lấy được nước mắt của tôi để tôi cảm phục tình yêu có thật giữa cuộc đời này, phải chăng? Cho nên tôi chẳng dành nước mắt của mình cho mấy câu chuyện tình trên phim là vì thế. Không phải ai cũng có thể là "chàng Trương" và cũng không phải dễ gì làm một người vợ chàng Trương, như thế.

Buổi sáng thức dậy sau một đêm khóc "Vợ chàng Trương", tôi cầu mong đất nước rồi sẽ không còn có những chuyện tình như thế, không có cảnh gia đình tan nát chỉ vì một chế độ nào đó. Ngoài sân, khỏang trời tháng Bảy còn ảm đạm, chẳng lẽ ngày ấy còn xa lắm cho những người đàn bà Việt Nam


Ghi thêm: Bản tin ngày 9-12-11 cho biết ông Trương Văn Sương đã chết sau khi bị đưa trở lại nhà tù Nam Hà 25 ngày để tiếp tục thi hành án chung thân, sau một năm tạm tha để chữa bệnh.
Ông hưởng thọ 68 tuổi, tôi nghĩ ông sẽ bình yên gặp lại người vợ chung thủy của ông nơi kiếp khác, chỉ buồn cho một chế độ đã không thể hành xử một cách nhân bản đối với một người tù, chỉ vì khác chính kiến mà phải cầm tù ông cho đến chết.  Một xã hội "khỏe thì vào tù, bệnh thì về nhà" ?


Nghe tiếng khóc của những người con của ông Trương trong lần cuối nhìn mặt cha (ở phần giữa chương trình radio sau). Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh những đứa con phải xa cha từ 33 năm, không được đi học tới nơi tới chốn vì là con của người lính cũ, cha chết gia đình ở mãi Sóc Trăng, mộ cha phải chôn ở Nam Hà ngoài Bắc, bạn có cảm thấy vui ngày hôm nay không? Tôi thì không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog