Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Một ngày với "Phan Thanh Giản"

Cô bạn dặn "quậy đi rồi về mà ghi lại nhé". Vậy mà về nhà hai hôm nhìn trang blog chả biết gõ cái gì, vì có quậy đâu, dù lúc ấy tôi nói với cô em, để chị chụp vài tấm hình của cô bạn mang về post lên blog chơi, nhưng rồi cũng làm biếng thôi thì ai muốn ngắm nàng thì sang trường bên cạnh để ngắm vậy.

Chẳng là cuối tuần lễ Độc Lập của Mỹ, tôi xin phép nghỉ luôn hai ngày, lái chiếc xe con mới tậu cho, vù xuống quận Cam, để nghe có người hù doạ tôi "Nè có đọc báo Người Việt chưa, có bà già lái chiếc xe Lexus SUV láng coóng đi lòng vòng ở chợ Walmart" đó. Tôi còn ngu ngơ hỏi lại rất là ngố "Vậy à, ở đâu" Xong mới chợt nhớ ra là mình bị "xỏ lá" nên cãi cố ... một cách rất ư là cù lần "Có đâu, đi lòng vòng ở chợ VN đó chứ" , Walmart hay chợ VN thì có khác gì nhau đâu chứ. Bạn chê tôi già cả lẩm cẩm mà chạy chiếc xe như thế thì ... uổng quá. Nhưng biết làm sao, trừ khi tôi chạy bon bon sang tiểu bang khác thăm mấy ông/bà bạn, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện khi tôi về hưu, mà về hưu thì chả còn sức mà đi đâu nữa, cho nên cứ đi lên đi xuống hai miền Cali. Và vì thế tôi có lý do chính đáng hẹn hò với cô bạn học đi dự buổi picnic trường cô, bởi vì cô và cô em gái tôi cũng học một thời gian ở Phan Thanh Giản. Cô em năn nỉ cùng đi bằng cái giọng mè nheo "chị phải chở em đi bằng xe mới của chị chứ". Ừ thì đi.

Hai chị em dắt nhau ra Mile Square Park, một nơi mà dân VN ở quận Cam cũng như hội ái hữu nào hội họp cũng dắt nhau ra đó. Trời tháng Bảy mà sao gió lạnh ảm đạm quá, tìm mãi mới được một chỗ đậu xe ở một khu shopping, đậu mà run lỡ ai chơi xấu quẹt cho bõ ghét thì về chắc tôi sẽ phải tìm nơi khác để tỵ nạn, vì ông chồng tôi chỉ rửa cái xe mới cho tôi mà than như bọng, như tôi cố tình đậu ở đâu cho chim ị lên xe, ôi thôi đủ thứ. Thành phố nơi mà có rất nhiều xe đắt tiền, xe mình chả là cái gì cả, nhưng chưa ai có giống mình thế thôi ? Đâm ra than khổ trong lòng, mua cái xe cũ đi như bao năm có bao giờ phải lo lắng, mua chi xe mới để rồi suy nghĩ như lo cho con thơ, đến khổ, hic hic.

Đến nơi, cũng như bao nhiêu hội ái hữu khác, cũng cờ quạt, thức ăn tràn đầy, thấy ông chồng của bạn đang kéo một chiếc xe thức ăn mang vaò. Ông quả là một ông chồng tốt, vợ đi đâu, ông theo giúp tới đó, chưa kể đàn hát cho vợ ca. Hỏi ông về cô bạn, ông nói nàng đã đến, ngồi đâu đó mà tôi tìm không ra. Gọi cho cô cũng không thấy trả lời, đứng lơ ngơ một hồi thì tôi chợt nhìn thấy một người đeo đôi kính đen mặt trông quen quen. Thời buổi này, bạn bè cứ không gặp nhau vài tháng là có khi chả nhận ra nhau, vì sao ư? Này nhé, không kể nhan sắc có thay đổi mà tóc tai cũng đổi thay, như tôi để tóc ngắn từ hồi bỏ trường ra đi, tự nhiên năm rồi thay đổi chăm chút nuôi tóc dài, nhìn đàng sau có khi tưởng cô học sinh nào, nhưng nhìn đàng trước lại bật ngửa là bà..nội của ai ấy chứ. Thế cho nên đến sau lưng cô mà tôi vẫn ngờ ngợ hỏi. Cô cười toe ngồi từ đó từ bao giờ mà tôi không nhìn thấy, quả là mắt tôi ... sáng cỡ nào. Cho nên giữa đám đông tôi chẳng biết ai vì có phải trường/lớp tôi đâu, chỉ mỗi cô bạn, nên người ta ghi cho tôi một bảng hiệu là "thân hữu", kể ra cũng gặp một người quen khác, không thân nhưng tôi gặp ông cách đây cũng 7 năm rồi, gặp lại thấy người ta khác thì cũng .. tủi thân có lẽ mình cũng tàn tạ như người mà thôi.

Cũng vui, vì lâu lâu ở giữa một cộng đồng mà người ta chỉ nói một ngôn ngữ điạ phương là giọng Quảng hay Huế. Tuy không nói cùng một âm thanh địa phương ấy nhưng tôi cảm thấy gần gũi với những âm điệu mà tôi cho là đặc trưng của quê hương, khiến cho ai nghe cũng cảm thấy đó là quê hương, một hình ảnh làng quê miền Trung. Có lẽ khó có thể cảm thấy gần gũi nếu chỉ là một giọng của thành thị nào đó chăng? Như hôm qua đi phố với cô em, cô bán hàng nhìn tên cô em rồi nhận họ vì cùng họ với nhau, nói chuyện một hồi cô bảo là người Đà Nẵng cũng học Phan Châu Trinh. Nhưng cô đã bỏ giọng Quảng của cô, chỉ lúc nói chuyện lâu cô mới bật ra tiếng Quảng mà cô bảo nhiều người tới nói với cô bằng giọng của quê nhà của cô làm cô buồn cười. Giọng nói thành thị của cô có dễ nghe nhưng không làm cho người ta nhớ đến một quê nhà. Tôi thì cứ hay phân biệt, nghe tiếng Việt thì nhớ quê hương, nhưng nghe một giọng nói địa phương nào đó thì nhớ quê nhà, gợi cho người ta hình ảnh đặc trưng của miền nào đó ở quê hương.

Và vì thế giữa đám đông của cựu học sinh PTG, tôi cũng cảm thấy như mình ở đó, giữa sân trường rất gần ngôi trường PTG. Đà Nẵng xưa có một điểm đặc biệt là có nhiều ngôi trường lớn tập trung tại một nơi, cứ như là điểm giữa của thành phố. Giờ chơi, giờ tan trường học sinh tuá ra như tổ ong. Ai có đi lạc nếu cứ tìm về điểm giữa nhìn những tà áo học sinh chắc là có thể định hướng được mình đang đứng nơi nào. Chỉ tiếc là ngày nay nghe nói nhiều ngôi trường đã bị xoá tên.

Quay trở lại buổi picnic ấy tuy không đông vì nhằm ngày cuối tuần lễ Độc Lập của Mỹ, người ta đi nghỉ hè, hay ở nhà xem World Cup, đã thế khi cô bạn bảo tôi gọi cho vợ chồng ông bạn có tâm hồn ăn uống lại chơi luôn thì mới biết họ cũng như nhiều người ở quận Cam đã đi Las Vegas để xem show "cuối cùng" của Paris By Night-Thúy Nga. Cho nên hai chị em tôi cùng cô bạn của cô em không như các anh chị cựu học sinh của PTG trò chuyện hàn huyên khi gặp lại bạn cũ, chúng tôi cứ tà tà ăn... hàng hết món này đến món khác.

Giờ chia tay sau khi mọi người chụp ảnh chụp hình xong thì chị em tôi cũng chuồn sau khi cô bạn ra chỉ thị "mai tới nghe", nghe sao mà lời dụ dỗ không thể từ chối.

Vì thế hôm sau hai chị em lại dắt nhau diện áo dài tới đại hội PTG, ở xứ người làm gì có chuyện mặc áo dài thường ngày, cô em tôi thuộc loại "tí điệu" từ thời đi học, nghe thế cô nhất định đòi tôi đi chung để cô diện áo dài, chứ chả lẽ cô may cho lắm rồi vác ra mặc chụp hình làm "siêu mẫu... hậu" xong lại mang vào tủ cất, thấy mắt cô long lanh ướt lệ "chị đi với em cho em mặc áo dài" nên tôi cũng phải lôi chiếc áo màu rất ra dáng "cụ bà" ra mặc đi với cô.

Dục cô đi mãi cô còn đủng đỉnh đi làm gì sớm, người ta đi trễ mà. Có lẽ tôi ở đây hơi lâu nên quên cái tật đi trễ, tôi cứ dục cô mãi, đi thế rồi người ta đợi mình. Tới nơi, quả là cô bạn tôi đã mặc chiếc áo dài xanh đậm da trời đứng trên bục hát. Phải phục tất cả các anh chị cựu học sinh của bất cứ trường nào, họ phải là người có lòng có tâm với cộng đồng với bạn bè, mới năng nổ làm những công việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" đem niềm vui đến cho những người "thụ động" cỡ như tôi ăn rồi chả biết làm gì, đứng đâu đứng đó, đặt đâu ngồi đó từ đầu chí cuối. Cho nên khờ khờ cỡ như tôi phải có cô bạn hay cô em mới xỏ mũi tôi, lôi đi chỗ này chỗ kia được. Cho nên chị em tôi lại được hân hạnh xếp vào ngồi chung bàn với gia đình cô bạn. Cô con gái xinh xắn của cô là người hát quốc ca Mỹ hôm nay. Giọng cô bé thật khoẻ, nghe mà xúc động, cô nhỏ thật tự nhiên đúng tinh thần của một cô gái Việt sinh trưởng tại Mỹ. Cô giống mẹ cô thời còn trẻ như một giọt nước chứ đừng nói tới hai. Tôi nói với cô em tôi không biết sao mà cô bạn tôi sinh con hay đến thế, giống hệt cô. Có điều bây giờ cô không còn ốm yếu như xưa, chứ không thì cô sẽ bị cho làm... em của con gái cô thôi. Phải nói cô bạn tôi là người có rất nhiều tài. Là người có tiếng trong cộng đồng cứ gõ Google là biết, thế mà phải mất 30 năm tôi mới gặp lại cô, thế mới lạ chứ.

Nói đến bưã tiệc, tôi quên mất là có bao nhiêu món ăn, nhưng tất cả đều được chọn ăn ngon miệng như trong một đám cưới. Vả lại người ta đến đây để gặp bạn bè chung vui, cho nên chuyện ăn uống không phải là mục đích chính. Nhưng ban tổ chức đã làm gọn gàng khéo léo tới giờ chót. Điểm son là chương trình ca hát toàn do cựu học sinh hát, và đa số họ hát được hát hay chứ không phải mời ca sĩ. Như anh LKL chồng cô bạn nói, người Quảng có tính phóng khóang cho nên họ cởi mở hơn, tự nhiên hơn. Và anh thích đi tới dự những đại hội như thế hơn là chính trường của anh.

Ca đoàn áo dài xanh hát đôi bài sau đó tất cả thay đổi xiêm y để trình diễn riêng. Tôi cứ trố mắt nhìn những cặp khiêu vũ rất đẹp mà nay tóc đã điểm sương, mới hình dung thời còn trẻ của họ hẳn là sống động lắm.

Riêng tôi, lần đầu đi dự một cuộc họp mặt của một trường mà trai gái đông như nhau, có thể nữ nhiều hơn nam nên câu chuyện thường xôn xao rôm rả hơn chăng, nhiều món ăn hơn? Và ở những đám đông thế này, tôi mới thấy những người nữ là những người "đầu têu" trong mọi chuyện hơn (điều này chắc mấy ông bạn chắc lại phải chép miệng bảo "chứ còn gì nữa, chúng tôi là những người thơ ngây"). Còn trường tôi nữ ít nam nhiều, cho nên con gái thì nhát mà mấy ông thì ... không biết nấu ăn.

Cứ nghĩ thế nên khi nghe cô bạn bảo thấy không, vui không? Tôi không thể nào bất đồng ý kiến với cô.

Đêm mùa Hè trời vẫn còn se lạnh, chia tay ra về sau khi mua 5 tấm thư pháp của họa sĩ Đào Ngọc Lý, một cựu học sinh PTG. Mua để làm kỷ niệm về một đêm vui với những người năm cũ của PTG chứ thật tình tôi cũng chưa biết làm gì với thư pháp, biết là đẹp, lời hay nhưng treo ở đâu thì chờ khi nào con mua cho cái nhà ...thật chiến.

Cám ơn những nụ cười, vòng tay thân mở của những người con đất Quảng đã đón chúng tôi đến chung vui để cùng cười trong một tình thân học trò "hàng xóm". Cám ơn bạn.

1 nhận xét:

  1. Ra^'t vui mu*`ng khi tha^'y 2 chi. em LT va` co^ ba.n dde^'n chung vui vo*'i Dai Hoi PTG. Ba`i vie^'t tha^.t hay va` tha^.t de^~ thuo*ng. Xin ca'm o*n ba.n.

    tn

    Trả lờiXóa

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog