Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Cô dâu Chelsea Clinton

Cuối tuần này là đám cưới của Chelsea Clinton, con gái của cựu tổng thống Clinton.  Dĩ nhiên là báo chí khắp thế giới đến đóng đô nơi cô sắp lấy chồng, nhưng mọi tin tức đều bị dấu kín, những người đi dự thì phải ký giấy cam kết không được tiết lộ một điều gì, máy bay thì bị cấm bay ngang vùng trời ấy.  Lều bạt thì căng kín chung quanh toà nhà mấy chục phòng, quan khách đến dự thì chắc cũng không thể nhìn thấy bầu trời :-). Con tổng thống xứ người thì thế, làm đám cưới ở một thành phố nhỏ, và dấu thật kỹ, còn xứ VN thì con quan thôi, là đã diễu hành đủ loại xe, phô trương đủ bằng mọi hình thức.  

Chỉ mỗi một điều thấy hay ho thú vị là cô Chelsea sẽ có mấy người em/anh chồng là người Việt Nam. Theo như bản tin từ Yahoo về gia đình nhà chông của cô là Mezvinsky, chú rể có tới 10 anh chị em, trong đó có ba người con trai nuôi là người Việt Nam. 

"Again, according to House.gov, the family consists of "Margolies’s two children, Mezvinsky’s four children from a previous marriage, two sons born to them, and three Vietnamese boys whom they adopted together." 

Không chừng mai đây cả nước VN lại sốt lên tìm tung tích ba người con trai này là ai, cha mẹ ruột là ai, ra đi từ bao giờ ?  :-)

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Bão và phụ nữ

SƯU TẦM

Trên thế giới, chỉ có việt nam là gọi bão theo số, còn toàn cầu đều đặt tên bão theo các danh từ mỹ mìêu và thơ mộng vẫn dùng để gọi các cô gái dịu dàng và xinh đẹp.

Đã nhiều lần tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu ca về vấn đề này, và các quốc gia cũng thử sữa chữa. Nhưng than ôi, hễ đặt tên bão khác đi, thì hoặc nó không đến, hoặc tệ hơn nó đến mà hổng ai đề phòng, gây hậu quả thảm khốc.

Gần đây , các nhà khoa học đã tổ chức hội thảo, xem xét sự giống nhau và khác nhau giữa 1 cơn bão và 1 “quý cô”. Cuối cùng họ đã đư ra kết luận như sau:

Sự giống nhau:

1 – Bão và phụ nữ đều hình thành từ những vùng bí hiểm và từ những nguyên nhân bí hiểm.
2 – Đường đi của bão và phụ nữ đều không thể đoán trước.
3 – Cả phụ nữ và bão đều có thể bất ngờ mạnh lên.
4 – Cả 2 đều có kèm theo mưa.
5 – Cả hai đều có thể gây hư hại cho cây cối, nhà cửa và hoa màu.
6 – Trước khi bão tới và trước khi phụ nữ nổi giận, trời rất đẹp.
7 – Vật thổi tung trước tiên thường là quần áo.
8 – Phương pháp đề phòng tốt nhất là đóng cửa ngồi im trong nhà,
9 – Có nhiều tiếng nứt mạnh.
10 – Muốn tồn tại đều phải biết sống chung.

Còn sau đây là những điểm khác nhau cơ bản:

1 – Bão nổi lên theo mùa, phụ nữ nổi lên quanh năm
2 – Bão tàn phá lung tung, phụ nữ nhiều lúc chỉ tàn phá 1 chỗ
3 – Bão càng ngày càng yếu đi, phụ nữ càng ngày càng mạnh lên
4 – Bão ồn ào mới đáng sợ, phụ nữ yên lặng mới đáng sợ hơn.
5 – Trời nổi bão khi khí lạnh về, phụ nữ nổi bão khi quý ông không về.
6 – Bão mạnh khi nó to, phụ nữ mạnh khi họ nhỏ
7 – Muốn an toàn ta phải chạy xa bão, muốn an toàn ta phải lại gần phụ nữ.
8 – Bão làm đắm thuyền, phụ nữ làm đắm mình.
9 – Bão cần mây tan, phụ nữ chẳng cần mây gì hết.

Sau khi kết luận này đưa ra, chị em phản đối kịch liệt, đến mức các nhà khoa học phát hoảng, phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp so sánh bão với đàn ông và đưa ra bảng tổng kết là:

A- Sự khác nhau giữa bão và đàn ông:

1. Bão kèm theo sấm chớp, đàn ông chỉ kèm theo những lời hứa suông.
2. Bão hay đổ bộ vào vùng quen. Đàn ông hay đổ bộ vào vùng lạ.
3. Bão đôi khi không chịu vào bờ, đàn ông đôi khi không chịu xa bờ.

B- Sự giống nhau giữa bão và đàn ông:

1. Cả hai càng đi xa càng yếu đi
2. Cả hai nhiều lúc đều đe dọa rất cao rồi chả làm gì cả.
3. Cả hai khi tàn đều làm ướt cảnh vật.
4. Cả hai đôi khi chỉ được thiên hạ nhớ đến do sức tàn phá mà thôi.

NHÀ QUÊ (nói nhỏ: "không phải blogger")

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

HS-TS_VN

Bạn nghĩ gì khi xem video này?


Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Thư của trưởng lớp

Gửi các bạn 12A2 thân mến!
Sau cuộc họp mặt chính thức, đầu tiên có ý nghĩa lịch sử của cựu học sinh 12A2.PCT.1974, ai đến dự có lẽ cũng rất phấn khởi, hạnh phúc để trò chuyện với các bạn ở trong lớp về cuộc hội ngộ, cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên sau 36 năm rời mái trường PCT thân yêu. Riêng Vinh xin được tổng thuật buổi HỘI LỚP 12A2.PCT.1974 để các bạn xa gần rõ.
Buổi họp mặt của 12A2.PCT.1974 là nguyện vọng thiết tha của đa phần các bạn trong lớp và sau nhiều lần bàn bạc thống nhất đã quyết định chọn ngày 17/7/2010 để làm ngày gặp mặt.


Chương trình ngày gặp mặt lớp có mấy nội dung chính sau:

Buổi sáng:
  • - Đón các bạn ở xa về
  • - Đến thắp hương cho Tr Cừ
  • - Đến thăm Ngọc Anh, người bạn có hoàn cảnh ngặt nhèo nhất lớp.



Buổi Chiều

  • - Tổ chức gặp mặt, giao lưu, liên hoan tại khách sạn FaiFo, ĐN.

Trước ngày hội lớp cận kề, Vinh nhận được nhiều thông tin của các bạn điện hoặc thư về và tất cả đều mong mỏi hướng về ngày hội lớp 12A2.PCT.1974 với mong ước ở nhiều cung bậc khác nhau. Có lẽ trước đó, cũng không ít bạn băn khoăn, lo ngaị cho một khả năng tổ chức thành công của ngày hội lớp 12A2.PCT.1974. Cũng đúng thôi, sau 36 năm dài đằng đẵng, mỗi người mỗi phương, ở ĐN chỉ còn 13 bạn, mỗi người lại mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tư… nhưng Vinh vẫn nghĩ, nếu quyết tâm và tổ chức hợp lý sẽ thành công, vì có bạn chưa thấy hết tình cảm của các thành viên 12A2, mặt dù ở xa cách nhau, mỗi người mỗi phương nhưng thời gian qua các bạn đã tìm đến với nhau để giao lưu, chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống.

Và như thế, ngày hội lớp đã diễn ra rất vui và cảm động . Buổi sáng các bạn ở xa đến và các bạn ở ĐN đã hẹn nhau ở quán cà phê để giao lưu và chuẩn bị, soát xét lại các công việc. Các bạn mỗi người mỗi việc, Vinh ,Toàn, Quế  đại diện cho các bạn trong lớp đến thăm Ngọc Anh thể hiện tấm lòng của tất cả các bạn trong lớp đối với N Anh trong ngày hội lớp.
Đang ở nhà N Anh thì có điện thoại của Ánh Tuyết báo đã đến ga ĐN; các bạn Bằng , Thêm, Vinh, Mẫn từ Quảng trị vào; Lành , Trùy…  ở  Huế vào và  tất cả được đón về nhà N Anh để thăm N Anh, ở lại ăn cơm trưa thân mật trước khi về khách sạn.
Vinh, Trùy, Lành, Quế tiếp tục đến thăm nhà Tr Cừ để thay mặt các bạn trong lớp thắp hương cho bạn Cừ trong ngày hội lớp.

16h. ngày 17/7/2010: Tất cả các bạn  đến hội lớp đã có mặt đông đủ tại nhà hàng FaiFo.
Thầy Nguyễn Văn Kính, mặc dù rất bận cũng đã đến dự. lớp đã tặng hoa chúc mừng. Trong niềm xúc động thầy Nguyễn Văn Kính đã phát biểu: “Thầy rất vui mừng khi được dự buổi họp mặt đầu tiên, chính thức của lớp. Các em dù ở xa cách nhau đã cố gắng về họp mặt, tuy nhiên đông mà chưa đủ…” Đúng là một lời phát biểu, căn dặn sâu sắc cho những học trò 12A2 năm xưa.
Đặc biệt trong buổi gặp mặt lịch sử đầy ý nghĩa nầy còn có bạn Nguyễn Hữu Đa, nguyên là thành viên cũ của lớp và phu quân của  bạn Phan thị Bằng cũng đến hội nhập. Cuộc gặp mặt liên hoan, giao lưu thật là thú vị (như các bạn đã thấy trong một số hình ảnh mà Vinh đã gửi cho các bạn) Cuộc vui như muốn kéo dài mãi nhưng cũng phải chọn điểm dừng cần thiết.

Cuộc họp mặt, hội lớp 12A2.PCT.1974  khá thành công. Chỉ có một điều bạn và tôi đều nối tiếc là các bạn ở hải ngoại chưa ai về dự được, các bạn ở các tỉnh phía Nam chỉ có một mình kiều nữ Ánh Tuyết vượt nghìn dặm để đến với Tổ ấm 12A2.PCT.1974.

Xin biểu dương Ánh tuyết, xin ghi nhận tinh thần của các bạn ở Qtrị, Huế đã vượt mưa bão, đèo cao đã đến họp mặt; xin hoan nghênh tấm lòng của các bạn ở hải ngoại dù không về dự được cũng đã gắn bó, chia xẻ với  Tổ ấm 12A2.PCT.1974 trong lần họp mặt đầu tiên của lớp. Xin gửi đến các bạn lời tâm huyết  “Dù bão táp phong ba có đánh bạt chúng ta mỗi người mỗi ngả, thì niềm tin cũng đưa chúng ta về trả lại cho nhau”. Chúc các bạn luôn vui, khỏe, thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Chào thân ái.
THV

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Bổ khí bổ thận

Tuần rồi dắt con ra tiệm thuốc Bắc, dụ con bảo thôi để cho ông thầy bắt mạch xem con có bị ...nóng cái gì không? Ông thầy nhìn mặt thằng con rồi hỏi bị bệnh gì, trời đất biết thì đâu có đến hỏi?  Ông bảo lè lưỡi ông xem rồi nói là bị nóng cái chi đó, phát toa uống ba thang thuốc, nhìn thuốc chả thấy có vị nào đáng đồng tiền bát gạo mà họ chém cho 10 đồng một gói, lại bảo họ giữ toa khi nào cần tới họ sắc tiếp, đi chợ Tầu ở LA thì chỉ đáng 3 đô là hết cỡ, vì tôi đi mua thuốc thường xuyên. Nghĩ bụng còn lâu tôi mới dắt con tôi trở lại.  Thầy thuốc đời nay cho toa còn giữ lại để câu bệnh nhân, tiệm thuốc thì  cứ chém vì bênh nhân nhìn thuốc chả biết mô tê gì hết.  Bạn nghe sẽ bảo ai bảo ngu thì ráng chịu.  Thì thế ở đời có cái dại nào giống cái nào đâu.  Có dại thì mới khôn ra chứ đúng không? :-)
Cho nên về nhà lại  loay hoay đi tìm những toa thuốc "gia truyền" từ thời mẹ tôi để lại. Cũng những toa thuốc chữ loằng ngoằng chả biết là cái chi chi, nhưng có ghi chữ quốc ngữ là chữa cho bệnh gì, dĩ nhiên chả chữa cho bệnh gì cả, chỉ là bổ thận, bổ huyết, bổ phổi, đại khái thuốc Đông y thì phần nhiều là thuốc bổ, chữa thì dùng Tây y thì hiệu quả hơn, tôi nghĩ vậy.  


Đang nghĩ linh tinh thì có bài thuốc bổ thận người ta gửi, không biết ra sao nhưng gõ trên Google thì không thấy nên post vào đây để ai có nghiên cứu cần dùng thì cứ thử.  Bài thuốc được gửi đến với câu chuyện của chủ nhân toa thuốc. Có điều chỉ có hai vị là ghi mấy chỉ, còn những vị khác thì không biết là chỉ, củ, miếng, hay là một nhúm. Thôi thì cũng nhờ mấy ông thầy thuốc rành họ bảo cho, nghĩa là ai uống thì chịu trách nhiệm nhé. 

Tiên Dược Cứu Bịnh Trần.


THÁI HUỆ SƠN

Toa thuốc bổ khí bổ thận:

Thục địa 3 chỉ
Hoài Sơn 3 chỉ
Trạch Tả 3
Đơn bì 2
Táo Ngọc 2
Phục linh 2
Hắc đỗ trọng 3
Ngưu tất 3
Bạch Truật 2
Ngọc thung dung 3
Táo nhơn 4
Viễn chí 2
Quảng bì 3
Ngươn nhục 3
Đản sâm 3

Thăm hỏi các cụ già, thỉnh thoảng có cụ đi  tiểu khó khăn, đi tiểu lắc nhắc nhiều lần, có khi bị bí đái luôn. Phải đi bác sĩ chuyên về Niệu khoa để xoi cho thông, đặt ống, hay  giải phẩu tuyến tiền liệt (prostate) bị sưng  lớn cản trở đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra. Bí tiểu cũng là chuyện rất khẩn cấp.  Nếu không kịp gặp bác sĩ thông cho cũng có thể  tử vong. Để ý tìm hiểu về việc nầy, tôi có đọc được một bài viết của cư sĩ  Thái Huệ  Sơn, thấy hấp dẫn và biết đâu một ngày nào chính mình hay ai đó có thể cần đến, nên tôi  trích đăng vào đặc san nầy để các cụ khi  cần thì dở ra tham khảo và áp dụng. Trích đăng  chứ không thêm bớt, khi nào dùng thì nghĩ  cũng  nên tham khảo với các thầy thuốc Bắc chân  chính.

BBT.

Toa thuốc được viết lại như sau theo trang Y học Cổ Truyền

1. Thục địa 3 chỉ 
2. Hoài Sơn 3 chỉ 
3. Trạch tả 3 chỉ 
4. Đơn bì 2 chỉ 
5. Sơn thù du 2 chỉ 
6. Phục linh 2 chỉ 
7. Đỗ trọng 3 chỉ 
8. Ngưu tất 3 chỉ 
9. Bạch truật 2 chỉ 
10. Nhục thung dung 3 chỉ 
11. Toan táo nhân 4 chỉ 
12. Viễn chí 2 chỉ 
13. Quảng bì 3 chỉ 
14. Nhục quế 3 chỉ 
15. Đảng sâm 3 chỉ 
16. Bạch đầu ông 2 chỉ 
17. Câu kỷ 3 chỉ 
18. Chích hoàng kỳ 2 chỉ. 


Bài này có các vị Nhân sâm, Phục linh, Bạch truật để bổ tỳ và phế khí; các vị Phuc linh, Sơn thù, Hoài sơn, Đơn bì, Thục địa, Trạch tả dùng để bổ thận âm; các vị Viễn chí, Đan sâm, Câu kỷ tử, Nhục thung dung, Chích hoàng kỳ, Ngưu tất là những vị bổ máu, hoạt huyết (bổ âm), vị Phấn thảo (Bạch đầu ông) là vị để tả nhiệt ở hạ tiêu và kháng sinh. Bệnh bí tiểu thường là do nhiệt kết ở hạ tiêu (thận, bàng quang) khiến cho thận âm bị thương tổn mà sinh ra bí tiểu. Như vậy bài này bổ thận âm, bổ máu, để lợi thủy, lại dùng các vị bổ khí mà phế chủ khí, phế thuộc về kim chính là dùng kim để khai thủy, vị Phấn thảo để tả nhiệt ở hạ tiêu và kháng sinh (trị nhiễm trùng đường tiểu). Bài này dùng các vị rất thông dụng, không phải là tiên dược gì đâu mà chính vị thầy ra toa này mới là "tiên" vậy. Người nào bị bí tiểu, tiểu sẻn, tiểu buốt, nước tiểu ra ít, đục hoặc có máu (do thấp nhiệt tích tụ ở thận, bàng quang) đều có thể dùng được. Bí tiểu do sạn thận, sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu thì không có tác dụng nhiều. (Phó)


Sau đây là bài viết của tác giả Thái Huệ  Sơn:

Tôi xin thuật lại cho bạn đạo nghe một chuyện  khó tin  mà có thật: Đầu năm 1990, tôi còn ở  Saigon, được chính quyền CS cấp hộ chiếu (passport) cho cả gia  đình  sang định cư bên Mỹ theo diện HO. Lúc xong mọi thủ tục đợi ngày  đăng ký chuyến bay lên đường, thình lình tôi  bị cảm sốt. Tôi uống thuốc cảm hai ngày, cơn  sốt không thuyên giảm mà lại biến chứng sang  bí đái. Thế rồi bọng đái lói tức và sưng to  lên như quả dừa. Tôi vội vàng đi khám bác sĩ  chuyên môn về thận và đường tiểu. Bác sĩ Nam lên án bệnh tôi là u xơ tiền liệt tuyến  (ulcère de la prostate), nên trị cho tôi bằng nhiều thứ thuốc trụ sinh. Qua nhiều ngày trị liệu,  bệnh không thuyên giảm mà lại còn hành thêm.


Đường tiểu bế tắc hoàn toàn, cơn sốt không giảm. Tôi đi rọi quang   tuyến X và siêu âm, kết quả vẫn là chứng u  xơ tiền liệt tuyến.

Tôi đến bác sĩ chuyên khoa về thận và đường  tiểu khác, bác sĩ Hùng, ông khuyên tôi nên đi  vào bệnh viện giải phẩu gấp, nếu không thì  sẽ nguy đến tính mạng. Tôi yêu cầu bác sĩ  Hùng đút ống thông (sonde) lấy nước tiểu ở  bọng đái ra. Nước tiểu lấy ra 2 lít rất  hôi  tanh. Làm sondage rồi tôi thấy dễ chịu, bớt  sốt, nhưng vẫn còn bí đái và đau thốn bàng  quang. Ngoài Âu dược uống vào liên tiếp, tôi  còn áp dụng ngoại khoa châm cứu và đủ thứ  thuốc Nam do thân nhân, bạn bè bày biểu, nhưng  đường tiểu vẫn bế tắc. Hằng ngày tôi phải đến Bác sĩ Hùng làm sonde một  lần để lấy  nước tiểu ra. Bác sĩ Hùng đặt cho tôi một  dụng cụ mang luôn vào mình để mỗi lần mắc  tiểu mở nắp ra, khỏi phải làm thông thường  xuyên, sợ trầy trụa trong ống dẫn   nước tiểu và nhiễm trùng bàng quang. Dụng cụ  đó gây cho tôi sự bực bội khó chịu, nên tôi  gỡ ra. Hơn nửa tháng trời mà bịnh vẫn trầm  trọng, tôi đành phải  tính việc đi vào giải  phẩu bệnh “u xơ tiền liệt tuyến”, để xin  giúp đỡ nhập viện.


Bác sĩ Trí thấy tôi sắp gần ngày đi Mỹ, nên  khuyên tôi rằng: “Bác nên đợi sang Mỹ rồi sẽ mổ, ở Việt Nam chẳng những thiếu thuốc men, mà hậu quả không bảo đảm cho bằng khoa  giải phẩu tối tân ở nước ngoài. Vậy cháu cho  bác một loại ống thông để bác về nhà mỗi  ngày tự làm sonde lấy 2 lần hầu cầm cự đợi  ngày đi Mỹ. Ngoài ra bác cứ uống thuốc liên  tiếp may ra bệnh sẽ thuyên giảm.

Tôi áp dụng theo lời chỉ dẫn của bác sĩ  Trí, tự làm thông lấy 2 lần để cầm cự.   Bịnh không hành hung nhưng đường tiểu vẫn bế tắc.

Cùng đường tuyệt vọng, tôi van vái Trời  Phật. Bỗng nhiên một đêm nọ tôi hồi nhớ  lại thầy tôi đã dạy khi xưa như sau:

-Tao cho mầy toa thuốc chủ trị bịnh “thận hư  khí suy” để sau khi có bịnh  lấy ra mà  dùng,đừng lạm dụng thuốc tây mà  nguy đến tính mạng. Ngày biên toa thuốc và còn có ký tên  vào đó.  Việc đó xảy ra năm 1942, gần 50 năm  sau tôi mới nhớ. Tôi bèn lấy toa thuốc dể trên bàn thờ van vái.

 Sáng hôm sau tôi bảo vợ ra tiệm thuốc bổ luôn  3 thang đem về sắc cho tôi uống. Uống liên tiếp  trong 3 đêm.  Bỗng nhiên  đêm nọ, khi mắc tiểu  tức lói ở bọng đái, tôi đi tiểu tiện, thì  tự nhiên đường tiểu thông trở lại. Tôi mừng  quá, chẳng khác nào một cơ sở đóng cửa nghỉ việc lâu ngày, nay mở cửa hoạt động trở  lại.  Tôi mừng quá nhưng chưa dám vội tuyên  bố. Hôm sau tôi bảo vợ hốt luôn 4 thang nữa  về sắc cho tôi uống. Uống đủ 7 thang thì lành bịnh, sức khỏe phục hồi gần như bình  thường. Tôi tuyên bố cho vợ tôi biết:  Tôi   được thuốc tiên mà qua khỏi cơn tử bịnh. Cả nhà tôi đều vui mừng hơn được vàng.

Tiếng đồn vang ra, bà con lối xóm tới thăm  hỏi. Tôi thuật lại tự sự. Ai cũng lấy làm  lạ và xin tôi sao ra cho toa thuốc dể   dành hộ thân, nhưng phải phóng ảnh để lấy  được chữ ký của thầy tôi.

Tôi đến các bác sĩ chữa trị để báo tin  bịnh tôi đã khỏi, không cần phải giải phẩu.

Họ đều ngạc nhiên. Có người lại nói:

“C’est incroyable”. (Thiệt không thể tin  được)

Thật là khó tin mà là sự thật.

 Khi tôi sang Mỹ rồi, vợ tôi gởi thư qua cho  biết, có nhiều bạn đạo bị bịnh sạn thận,  bí đái, bịnh viêm mũi, bịnh suy nhược, đến  xin toa về uống, linh nghiệm phi thường.  Hầu như toa thuốc trị bá bịnh, ai cũng cho là thuốc  tiên.

Tôi nghĩ lại, người tu hành mà bị giải phẫu  thì về sau khó tu lắm là vì cơ thể đã bị  thương tổn rồi.  Tôi nghĩ thương cho thân tôi,  tôi nghĩ đến các bạn già như tôi, nếu gặp  phải chứng bịnh như tôi mà phó thác cho Tây Y, lên bàn mổ thì khổ biết bao, cho nên tôi viết  ra bài nầy, và đăng lên bài thuốc tiên đã cứu  bịnh cho tôi, để quí bạn đạo tùy nghi sử  dụng khi cần. Toa thuốc nầy chuyên trị về  bệnh « suy thận, hư khí »

Và các biến chứng của nó.  Kính mong giúp ích  được phần nào cho quí bạn.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Hội ngộ ở Đà Nẵng 17-07-2010

Thứ Bảy vừa qua, ông trưởng lớp Trần Hữu Vinh đã tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên cho nhóm học sinh 12A2-74, đây là những tấm hình do ông trưởng lớp gửi. Ông có phụ đề mà blogger đọc không ra chữ, già cả chữ ngoại quốc, tiếng Anh tiếng U hồi đó học giờ chả còn nhớ chữ nào cả, nên chịu không biết ông viết gì. Đang chờ ông "chuyển ngữ" lại sẽ bổ túc thêm sau. Mong là sẽ nhận được những câu chuyện bây giờ mới kể của các bạn.


































Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

"Vợ chàng Trương"

Tôi có cái tật xấu là hay cười mỗi khi thấy ai coi phim rồi khóc sướt mướt vì những chuyện tình trái ngang. Tôi thú nhận tôi chỉ rơi nước mắt về cái tình cha mẹ con cái hay anh em, không hiểu tại sao nhưng tự lý giải có lẽ khóc quá nhiều vì chuyện gì nên giờ khô cạn rồi chăng?

Nhưng mà trên đường về tối qua, trong bóng tối của con đường, nước mắt cứ tràn ra, tim tôi cứ như nghẹn lại không thở nổi, không kịp lau khô má mình, tôi quay đi sang cửa sổ mà nghẹn ngào để không ai thấy nước mắt tôi đang rơi như có một cái valve nước mắt ở đâu đó lâu nay không bao giờ khóc cho tình yêu nam nữ vợ chồng, thì bây giờ tim tôi cứ buốt với câu nói vang trong lòng mình "mong anh, chờ anh, em là vợ của anh", một câu nói đau đớn chờ đợi của người đàn bà hằng đêm chờ chồng, sống trong nghèo khó, cũng là một kiếp đàn bà, biết rằng mỗi người một số phận, nhưng có những số phận lại luôn trái ngang, không kịp ngưng khóc thì lại quay ra nghẹn ngào trong nỗi đau đớn của những đứa con, có ai biết được sự thiếu thốn của đưá con vắng cha phải chứng kiến sự đau khổ của mẹ mình trong một thời gian rất dài, có khi cả một đời họ.


"Có người hỏi thì con xin thưa rằng tại vì con thương nhớ mẹ con quá nên không biết làm sao, mà đường xá ra nhà anh một lần đi cũng rất trắc trở, nên con mới hoạ một tấm hình mẹ, hàng đêm đốt nhang để tưởng nhớ mẹ. Tấm lòng của con chỉ được như vậy thôi. Chớ lúc mẹ còn sống thì con không có tiền bạc gì để cung cấp cho mẹ (khóc). Mà khi mẹ mất rồi (khóc), thì con không biết làm gì đây. Khi đó hòan cảnh gia đình nghèo thì cháu cũng không làm gì được hết (khóc). Chỉ biết họa một tấm hình lên để tưởng nhớ đến mẹ thôi.”

Càng nghĩ tim tôi cứ như có một cơn uất nào đó chỉ bừng vỡ, không khóc to được, nhưng tôi khóc một mình trong đêm. Hỏi sao ư, tôi nào có nhập vai diễn một vai tuồng nào đâu cơ chứ, tôi đang đọc câu truyện về người vợ của người tù Trương Văn Sương nổi tiếng mấy hôm nay ở trên mạng. Không chỉ ông mà vợ con ông đã phải sống tủi nhục hơn 1/4 thế kỷ qua. Ông tồn tại được trong tù từng ấy năm chỉ bởi có người đàn bà nhỏ chờ đợi ông mà tôi rất muốn gọi bà là "Vợ chàng Trương", (Lê Thánh Tông) , một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, về những đứa con lẽ ra phải là những thanh niên tuấn tú của đất nước, vì nghịch cảnh họ đã bị thời cuộc xã hội xô đẩy trở thành những người thất học, điều may mắn nhờ mẹ cha mà họ vẫn còn giữ được sư chân chất có hiếu của những đứa con đối với cha mẹ, phải nén lòng ôm giữ sự đau khổ mất mẹ không cho cha biết. Chỉ nghĩ thế thôi tôi lại khóc oà.

Bây giờ ngồi gõ, tôi lại cười tôi sao mà mít ướt thế, nhưng mà hỏi ai không khóc khi đọc câu truyện gia đình họ. Tôi vốn không thích blog chuyện chính trị vào blog này, nhưng bạn cứ thử đọc coi. Đố ai không khóc không thương xót để rồi suy nghĩ, còn bao nhiêu phụ nữ Việt Nam còn phải đang chịu đựng, phải khóc thầm từng đêm chờ chồng như thế, và có lẽ chỉ có những câu chuyện như thế này mới lấy được nước mắt của tôi để tôi cảm phục tình yêu có thật giữa cuộc đời này, phải chăng? Cho nên tôi chẳng dành nước mắt của mình cho mấy câu chuyện tình trên phim là vì thế. Không phải ai cũng có thể là "chàng Trương" và cũng không phải dễ gì làm một người vợ chàng Trương, như thế.

Buổi sáng thức dậy sau một đêm khóc "Vợ chàng Trương", tôi cầu mong đất nước rồi sẽ không còn có những chuyện tình như thế, không có cảnh gia đình tan nát chỉ vì một chế độ nào đó. Ngoài sân, khỏang trời tháng Bảy còn ảm đạm, chẳng lẽ ngày ấy còn xa lắm cho những người đàn bà Việt Nam


Ghi thêm: Bản tin ngày 9-12-11 cho biết ông Trương Văn Sương đã chết sau khi bị đưa trở lại nhà tù Nam Hà 25 ngày để tiếp tục thi hành án chung thân, sau một năm tạm tha để chữa bệnh.
Ông hưởng thọ 68 tuổi, tôi nghĩ ông sẽ bình yên gặp lại người vợ chung thủy của ông nơi kiếp khác, chỉ buồn cho một chế độ đã không thể hành xử một cách nhân bản đối với một người tù, chỉ vì khác chính kiến mà phải cầm tù ông cho đến chết.  Một xã hội "khỏe thì vào tù, bệnh thì về nhà" ?


Nghe tiếng khóc của những người con của ông Trương trong lần cuối nhìn mặt cha (ở phần giữa chương trình radio sau). Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh những đứa con phải xa cha từ 33 năm, không được đi học tới nơi tới chốn vì là con của người lính cũ, cha chết gia đình ở mãi Sóc Trăng, mộ cha phải chôn ở Nam Hà ngoài Bắc, bạn có cảm thấy vui ngày hôm nay không? Tôi thì không.

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Một ngày với "Phan Thanh Giản"

Cô bạn dặn "quậy đi rồi về mà ghi lại nhé". Vậy mà về nhà hai hôm nhìn trang blog chả biết gõ cái gì, vì có quậy đâu, dù lúc ấy tôi nói với cô em, để chị chụp vài tấm hình của cô bạn mang về post lên blog chơi, nhưng rồi cũng làm biếng thôi thì ai muốn ngắm nàng thì sang trường bên cạnh để ngắm vậy.

Chẳng là cuối tuần lễ Độc Lập của Mỹ, tôi xin phép nghỉ luôn hai ngày, lái chiếc xe con mới tậu cho, vù xuống quận Cam, để nghe có người hù doạ tôi "Nè có đọc báo Người Việt chưa, có bà già lái chiếc xe Lexus SUV láng coóng đi lòng vòng ở chợ Walmart" đó. Tôi còn ngu ngơ hỏi lại rất là ngố "Vậy à, ở đâu" Xong mới chợt nhớ ra là mình bị "xỏ lá" nên cãi cố ... một cách rất ư là cù lần "Có đâu, đi lòng vòng ở chợ VN đó chứ" , Walmart hay chợ VN thì có khác gì nhau đâu chứ. Bạn chê tôi già cả lẩm cẩm mà chạy chiếc xe như thế thì ... uổng quá. Nhưng biết làm sao, trừ khi tôi chạy bon bon sang tiểu bang khác thăm mấy ông/bà bạn, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện khi tôi về hưu, mà về hưu thì chả còn sức mà đi đâu nữa, cho nên cứ đi lên đi xuống hai miền Cali. Và vì thế tôi có lý do chính đáng hẹn hò với cô bạn học đi dự buổi picnic trường cô, bởi vì cô và cô em gái tôi cũng học một thời gian ở Phan Thanh Giản. Cô em năn nỉ cùng đi bằng cái giọng mè nheo "chị phải chở em đi bằng xe mới của chị chứ". Ừ thì đi.

Hai chị em dắt nhau ra Mile Square Park, một nơi mà dân VN ở quận Cam cũng như hội ái hữu nào hội họp cũng dắt nhau ra đó. Trời tháng Bảy mà sao gió lạnh ảm đạm quá, tìm mãi mới được một chỗ đậu xe ở một khu shopping, đậu mà run lỡ ai chơi xấu quẹt cho bõ ghét thì về chắc tôi sẽ phải tìm nơi khác để tỵ nạn, vì ông chồng tôi chỉ rửa cái xe mới cho tôi mà than như bọng, như tôi cố tình đậu ở đâu cho chim ị lên xe, ôi thôi đủ thứ. Thành phố nơi mà có rất nhiều xe đắt tiền, xe mình chả là cái gì cả, nhưng chưa ai có giống mình thế thôi ? Đâm ra than khổ trong lòng, mua cái xe cũ đi như bao năm có bao giờ phải lo lắng, mua chi xe mới để rồi suy nghĩ như lo cho con thơ, đến khổ, hic hic.

Đến nơi, cũng như bao nhiêu hội ái hữu khác, cũng cờ quạt, thức ăn tràn đầy, thấy ông chồng của bạn đang kéo một chiếc xe thức ăn mang vaò. Ông quả là một ông chồng tốt, vợ đi đâu, ông theo giúp tới đó, chưa kể đàn hát cho vợ ca. Hỏi ông về cô bạn, ông nói nàng đã đến, ngồi đâu đó mà tôi tìm không ra. Gọi cho cô cũng không thấy trả lời, đứng lơ ngơ một hồi thì tôi chợt nhìn thấy một người đeo đôi kính đen mặt trông quen quen. Thời buổi này, bạn bè cứ không gặp nhau vài tháng là có khi chả nhận ra nhau, vì sao ư? Này nhé, không kể nhan sắc có thay đổi mà tóc tai cũng đổi thay, như tôi để tóc ngắn từ hồi bỏ trường ra đi, tự nhiên năm rồi thay đổi chăm chút nuôi tóc dài, nhìn đàng sau có khi tưởng cô học sinh nào, nhưng nhìn đàng trước lại bật ngửa là bà..nội của ai ấy chứ. Thế cho nên đến sau lưng cô mà tôi vẫn ngờ ngợ hỏi. Cô cười toe ngồi từ đó từ bao giờ mà tôi không nhìn thấy, quả là mắt tôi ... sáng cỡ nào. Cho nên giữa đám đông tôi chẳng biết ai vì có phải trường/lớp tôi đâu, chỉ mỗi cô bạn, nên người ta ghi cho tôi một bảng hiệu là "thân hữu", kể ra cũng gặp một người quen khác, không thân nhưng tôi gặp ông cách đây cũng 7 năm rồi, gặp lại thấy người ta khác thì cũng .. tủi thân có lẽ mình cũng tàn tạ như người mà thôi.

Cũng vui, vì lâu lâu ở giữa một cộng đồng mà người ta chỉ nói một ngôn ngữ điạ phương là giọng Quảng hay Huế. Tuy không nói cùng một âm thanh địa phương ấy nhưng tôi cảm thấy gần gũi với những âm điệu mà tôi cho là đặc trưng của quê hương, khiến cho ai nghe cũng cảm thấy đó là quê hương, một hình ảnh làng quê miền Trung. Có lẽ khó có thể cảm thấy gần gũi nếu chỉ là một giọng của thành thị nào đó chăng? Như hôm qua đi phố với cô em, cô bán hàng nhìn tên cô em rồi nhận họ vì cùng họ với nhau, nói chuyện một hồi cô bảo là người Đà Nẵng cũng học Phan Châu Trinh. Nhưng cô đã bỏ giọng Quảng của cô, chỉ lúc nói chuyện lâu cô mới bật ra tiếng Quảng mà cô bảo nhiều người tới nói với cô bằng giọng của quê nhà của cô làm cô buồn cười. Giọng nói thành thị của cô có dễ nghe nhưng không làm cho người ta nhớ đến một quê nhà. Tôi thì cứ hay phân biệt, nghe tiếng Việt thì nhớ quê hương, nhưng nghe một giọng nói địa phương nào đó thì nhớ quê nhà, gợi cho người ta hình ảnh đặc trưng của miền nào đó ở quê hương.

Và vì thế giữa đám đông của cựu học sinh PTG, tôi cũng cảm thấy như mình ở đó, giữa sân trường rất gần ngôi trường PTG. Đà Nẵng xưa có một điểm đặc biệt là có nhiều ngôi trường lớn tập trung tại một nơi, cứ như là điểm giữa của thành phố. Giờ chơi, giờ tan trường học sinh tuá ra như tổ ong. Ai có đi lạc nếu cứ tìm về điểm giữa nhìn những tà áo học sinh chắc là có thể định hướng được mình đang đứng nơi nào. Chỉ tiếc là ngày nay nghe nói nhiều ngôi trường đã bị xoá tên.

Quay trở lại buổi picnic ấy tuy không đông vì nhằm ngày cuối tuần lễ Độc Lập của Mỹ, người ta đi nghỉ hè, hay ở nhà xem World Cup, đã thế khi cô bạn bảo tôi gọi cho vợ chồng ông bạn có tâm hồn ăn uống lại chơi luôn thì mới biết họ cũng như nhiều người ở quận Cam đã đi Las Vegas để xem show "cuối cùng" của Paris By Night-Thúy Nga. Cho nên hai chị em tôi cùng cô bạn của cô em không như các anh chị cựu học sinh của PTG trò chuyện hàn huyên khi gặp lại bạn cũ, chúng tôi cứ tà tà ăn... hàng hết món này đến món khác.

Giờ chia tay sau khi mọi người chụp ảnh chụp hình xong thì chị em tôi cũng chuồn sau khi cô bạn ra chỉ thị "mai tới nghe", nghe sao mà lời dụ dỗ không thể từ chối.

Vì thế hôm sau hai chị em lại dắt nhau diện áo dài tới đại hội PTG, ở xứ người làm gì có chuyện mặc áo dài thường ngày, cô em tôi thuộc loại "tí điệu" từ thời đi học, nghe thế cô nhất định đòi tôi đi chung để cô diện áo dài, chứ chả lẽ cô may cho lắm rồi vác ra mặc chụp hình làm "siêu mẫu... hậu" xong lại mang vào tủ cất, thấy mắt cô long lanh ướt lệ "chị đi với em cho em mặc áo dài" nên tôi cũng phải lôi chiếc áo màu rất ra dáng "cụ bà" ra mặc đi với cô.

Dục cô đi mãi cô còn đủng đỉnh đi làm gì sớm, người ta đi trễ mà. Có lẽ tôi ở đây hơi lâu nên quên cái tật đi trễ, tôi cứ dục cô mãi, đi thế rồi người ta đợi mình. Tới nơi, quả là cô bạn tôi đã mặc chiếc áo dài xanh đậm da trời đứng trên bục hát. Phải phục tất cả các anh chị cựu học sinh của bất cứ trường nào, họ phải là người có lòng có tâm với cộng đồng với bạn bè, mới năng nổ làm những công việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" đem niềm vui đến cho những người "thụ động" cỡ như tôi ăn rồi chả biết làm gì, đứng đâu đứng đó, đặt đâu ngồi đó từ đầu chí cuối. Cho nên khờ khờ cỡ như tôi phải có cô bạn hay cô em mới xỏ mũi tôi, lôi đi chỗ này chỗ kia được. Cho nên chị em tôi lại được hân hạnh xếp vào ngồi chung bàn với gia đình cô bạn. Cô con gái xinh xắn của cô là người hát quốc ca Mỹ hôm nay. Giọng cô bé thật khoẻ, nghe mà xúc động, cô nhỏ thật tự nhiên đúng tinh thần của một cô gái Việt sinh trưởng tại Mỹ. Cô giống mẹ cô thời còn trẻ như một giọt nước chứ đừng nói tới hai. Tôi nói với cô em tôi không biết sao mà cô bạn tôi sinh con hay đến thế, giống hệt cô. Có điều bây giờ cô không còn ốm yếu như xưa, chứ không thì cô sẽ bị cho làm... em của con gái cô thôi. Phải nói cô bạn tôi là người có rất nhiều tài. Là người có tiếng trong cộng đồng cứ gõ Google là biết, thế mà phải mất 30 năm tôi mới gặp lại cô, thế mới lạ chứ.

Nói đến bưã tiệc, tôi quên mất là có bao nhiêu món ăn, nhưng tất cả đều được chọn ăn ngon miệng như trong một đám cưới. Vả lại người ta đến đây để gặp bạn bè chung vui, cho nên chuyện ăn uống không phải là mục đích chính. Nhưng ban tổ chức đã làm gọn gàng khéo léo tới giờ chót. Điểm son là chương trình ca hát toàn do cựu học sinh hát, và đa số họ hát được hát hay chứ không phải mời ca sĩ. Như anh LKL chồng cô bạn nói, người Quảng có tính phóng khóang cho nên họ cởi mở hơn, tự nhiên hơn. Và anh thích đi tới dự những đại hội như thế hơn là chính trường của anh.

Ca đoàn áo dài xanh hát đôi bài sau đó tất cả thay đổi xiêm y để trình diễn riêng. Tôi cứ trố mắt nhìn những cặp khiêu vũ rất đẹp mà nay tóc đã điểm sương, mới hình dung thời còn trẻ của họ hẳn là sống động lắm.

Riêng tôi, lần đầu đi dự một cuộc họp mặt của một trường mà trai gái đông như nhau, có thể nữ nhiều hơn nam nên câu chuyện thường xôn xao rôm rả hơn chăng, nhiều món ăn hơn? Và ở những đám đông thế này, tôi mới thấy những người nữ là những người "đầu têu" trong mọi chuyện hơn (điều này chắc mấy ông bạn chắc lại phải chép miệng bảo "chứ còn gì nữa, chúng tôi là những người thơ ngây"). Còn trường tôi nữ ít nam nhiều, cho nên con gái thì nhát mà mấy ông thì ... không biết nấu ăn.

Cứ nghĩ thế nên khi nghe cô bạn bảo thấy không, vui không? Tôi không thể nào bất đồng ý kiến với cô.

Đêm mùa Hè trời vẫn còn se lạnh, chia tay ra về sau khi mua 5 tấm thư pháp của họa sĩ Đào Ngọc Lý, một cựu học sinh PTG. Mua để làm kỷ niệm về một đêm vui với những người năm cũ của PTG chứ thật tình tôi cũng chưa biết làm gì với thư pháp, biết là đẹp, lời hay nhưng treo ở đâu thì chờ khi nào con mua cho cái nhà ...thật chiến.

Cám ơn những nụ cười, vòng tay thân mở của những người con đất Quảng đã đón chúng tôi đến chung vui để cùng cười trong một tình thân học trò "hàng xóm". Cám ơn bạn.

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog

496308