Nguyễn Văn Thương
Featured image: Thegoodvybe
Trong công việc và cuộc sống, tôi thường được nghe câu hỏi: “Đâu là
quyển sách gối đầu giường của bạn?” Tôi mỉm cười và trả lời, tôi gối khá
nhiều quyển vì ngày xưa không có tiền mua gối nên phải dùng sách để
gối. Đây là câu trả lời vui nhưng nó là sự thật, bởi ngày trước tôi
thường ngủ chung với sách và dùng nó gối đầu. Nhưng thời nay tôi thấy đa
số các bạn trẻ không mấy ai còn mặn mà “ngủ” với sách nữa, thay vào đó
là những chiếc Smartphone hay các thiết bị công nghệ.
Tôi nhớ, có lần Anh Nguyễn Cảnh Bình – CEO của Alpha Book đã từng
bộc bạch: “Tôi luôn “dành được” cảm giác THƯƠNG HẠI và MUỐI MẶT khi phát
biểu với những đồng nghiệp quốc tế rằng, ‘Những cuốn sách Best Seller ở
đất nước chúng tôi có doanh số khoảng mười ngàn bản.’ Còn ở nước họ,
Hàn, Nhật, Pháp… Thì con số từ một đến ba triệu bản là chuyện bình
thường, trong khi dân số của ta chẳng thua kém nước bạn, thậm chí là còn
áp đảo.”
Điều đó đã nói lên lý do tại sao nhiều nhà xuất bản và các đơn vị
phát hành sách của chúng ta đang “sống” trong tình trạng thoi thóp, và
cũng phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao đất nước ta đang là một xã
hội dân trí thấp. Tất nhiên, một xã hội dân trí thấp vẫn sinh ra ai đó
trở thành thủ tướng hoặc triệu phú, nhưng nhìn chung, khi phải đối chọi
với thế giới, xã hội ấy sẽ có sức cạnh tranh kém. Nó sẽ rất khó vươn lên
thành một xã hội tri thức, nơi con người đạt tới trình độ tổ chức và
công nghệ cao, mà chủ yếu nó vẫn sống dựa vào đất đai, tài nguyên và
nhân công giá rẻ. Xét về mặt nhân văn, một xã hội ít đọc sách cũng là
một xã hội thô lậu, kém tinh tế, rất khó sinh ra các nhà tư tưởng, nhà
văn hoặc nghệ sĩ lớn.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những tên “mọt sách” chẳng qua chỉ
giỏi hoa miệng, múa bút chứ đâu có làm được tích sự gì. Trong một thế
giới có tốc độ thay đổi được tính bằng giây thì những kiến thức cũ kỹ
trong sách còn ai thèm dùng nữa. Tất nhiên bạn có quyền giữ quan điểm
của riêng mình. Nhưng có một thực tế mà chắc chắn chúng ta không thể phủ
nhận là hầu như những người thành đạt đều đọc rất nhiều sách. Và họ
cũng rất coi trọng việc chọn trường và chọn sách cho con em họ.
Có thể bạn sẽ hơi ngạc nhiên khi biết mình đang đọc bài giới thiệu
sách của một cậu bé có trình độ lớp 9. Đã mười năm nay tôi chưa một lần
được ngồi trên ghế của một ngôi trường chính thống. Thường ngày, tôi vẫn
luôn tự nhận mình là kẻ thất học. Nhưng kỳ thực, tôi vẫn luôn đều đặn
“đi học” ở hai ngôi trường khác, đó là “trường đời” và những quyển sách.
Đối với tôi, sách không chỉ là tệp giấy có in chữ, nó còn là người bạn,
người thầy, người dẫn đường thông thái.
Tuy không được đến trường, nhưng tôi lại có may mắn khi đem lòng
“yêu sách” ngay từ thuở thiếu thời. Cũng như các bạn, tôi có chút bối
rối và khó khăn trong những ngày đầu bước chân vào “làng đọc”. Vừa mù mờ
về kỹ năng đọc, vừa chẳng biết đọc gì cho hữu ích và mang lại nhiều giá
trị nhất.
Là người ít học – cũng là người trẻ, tôi tự thấy chẳng có tư cách gì
để lên lớp hay chỉ giáo cho bạn một điều gì cả. Tuy vậy, qua mười năm
miệt mài trong “ngôi trường” rộng lớn ấy. Tôi chắt lọc lại và xin giới
thiệu đến bạn những đầu sách dưới đây. Theo cảm nhận của cá nhân tôi đây
là những quyển sách rất hay và nhiều giá trị mà những người trẻ chúng
ta cần phải đọc. Tôi tin rằng, khi đọc nó bạn sẽ nhận thấy SÁCH là một
“ngôi trường” tiện lợi nhất, thân thiện nhất, phí thấp nhất nhưng cung
cấp cho ta một lượng kiến thức rất phong phú và bổ ích.
Chúc bạn sẽ có những giờ phút thư thái và tìm thấy nhiều điều thú vị, hữu ích trong các tác phẩm dưới đây.
1. Thế giới phẳng – Thomas L. Friedman
Thể loại: Kinh tế – chính trị
Bằng những câu chuyện hứng thú và sinh động, Friedman đã mô tả quá
trình giác ngộ của bản thân khi ông chạm trán với thế giới phẳng. Nhưng
có lẽ điều làm nên giá trị đích thực của cuốn sách với khả năng diễn đạt
kiểu “người thật việc thật”, tác giả đã kiến giải sự vận động chính trị
– kinh tế thế giới một cách dễ hiểu và rất thuyết phục.
2. Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Hàm Châu
Thể loại: Bút ký – chân dung
Với bút pháp đầy cảm xúc khi kể về con người, lại chính xác, khoa
học khi kể về những công trình, thành tựu. Hàm châu đã miêu tả vô cùng
rõ nét và chân thực về con đường của cha ông, trí tuệ của cha anh. Tác
phẩm là bức hoạ hoành tráng phản ánh về giai thoại lịch sử Việt Nam
đương đại.
3. Những giấc mơ từ cha tôi – Barack Obama
Thể loại: Hồi ký
Những Giấc Mơ Từ Cha Tôi là một cuộc nghiên cứu nhạy cảm và
tinh tế về chuyến hành trình của Barack Obama vào thế giới tuổi trưởng
thành, cuộc tìm kiếm của ông về cộng đồng và vai trò của mình trong đó,
một cuộc tìm kiếm sự cảm thông đối với cội nguồn, và sự khám phá của tác
giả về chất thi vị của cuộc sống con người. Mẫn cảm và uyên thâm, đây
là cuốn sách mà tất cả những người trẻ chúng ta nên đọc, để hiểu chân
dung của một trong những vị chính khách có tầm vóc và có ảnh hưởng lớn
nhất hiện nay, không chỉ là ảnh hưởng về quyền lực mà còn cả về tư
tưởng.
4. Rừng Na Uy – Murakami Haruki
Thể loại: Tiểu thuyết
Có thể nói Rừng Na Uy là một trong những tác phẩm hay nhất mà tôi
từng đọc. Một quyển sách dành riêng cho thế hệ trẻ, xoay quanh các nhân
vật ở độ tuổi sinh viên. Câu chuyện kể về những cuộc chơi bời vô độ,
những khoảng trống vắng trong tâm hồn của những con người trẻ không thỏa
hiệp được với cuộc sống, và sự dằn vặt trong sâu thẳm con người họ để
tìm cho mình lối thoát. Họ tự “tầm thường hoá” bản thân bằng sự che giấu
những khuyết điểm của mình, không mở lòng với nó, sống với nó, cũng như
sống với chính con người thật của họ. Đây là quyển sách cần phải đọc
với bạn trẻ ở tuổi sinh viên, để tìm ra “bánh lái” cho chính cuộc đời
mình và để cảm nhận tâm trạng của giới trẻ Nhật Bản khi nước này đang ở
một gian đoạn phát triển khá giống với Việt Nam hiện nay.
5. Tôi là ai – Và nếu vậy thì bao nhiêu – Richard David Precht
Thể loại: Triết học, xã hội học
Richard David Precht đưa độc giả đi qua hành trình mấy nghìn năm
triết học để loại bỏ những tư tưởng sai lầm và chắt lọc những tư tưởng
vẫn còn được coi là đúng đắn hoặc vẫn được tiếp tục thảo luận. Đây là
cuốn cẩm nang quan trọng để những người trẻ chúng ta hình dung ra quy mô
các vấn đề trong xã hội hiện đại, để trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Ta
đang sống ở thời đại nào? Ta nên làm gì?
6. Trăm năm cô đơn – Gabriel Gacía Marques
Thể loại: Tiểu thuyết
Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất đã mang lại giải
Nobel cho Gabriel Cacía Marques. Nó là sự kết hợp của thần thoại của thổ
dân da đỏ với trí tuệ của văn minh hiện đại, sự pha trộn giữa các yếu
tố hiện thực và hoang đường đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt mà các nhà
nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền
ảo, một sản phẩm đặc thù của Mỹ Latinh hiện đại, đã đưa tâm hồn xứ sở
này ảnh hưởng khắp thế giới.
7. Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh
Thể loại: Tiểu thuyết
Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh
Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên phạm vi quốc tế, được nhanh chóng dịch
ra tiếng Anh và đã bán được trên 100.000 bản ở Mỹ, con số sách bán kỷ
lục của một tác giả Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm kể về một thế hệ
thanh niên trong một cuộc chiến tàn khốc, hủy diệt, những con người để
tuổi trẻ trôi đi trong bom đạn và những cơn mưa rừng, trong cô đơn và
lãng quên, và trên hết là nỗi buồn. Ta không thấy trong Nỗi buồn chiến tranh
tâm trạng “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như ở các bài ca chống Mỹ, mà
là một tâm trạng đau xót, mất mát, tiếc nuối của tuổi trẻ. Một tâm
trạng chán ghét chiến tranh và khao khát hòa bình.
8. Dân chủ và giáo dục
Thể loại: Triết học, giáo dục.
Cuốn sách này là kết quả của một nỗ lực nhằm phát hiện và trình bày
những quan niệm gắn liền với một xã hội dân chủ, và vận dụng các quan
niệm đó vào những vấn đề của hoạt động giáo dục. Cuốn sách chỉ rõ những
mục tiêu và phương pháp kiến tạo của nền giáo dục công lập xét từ quan
điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán các lý luận về nhận
thức và sự phát triển đạo đức. Đồng thời nó cũng giúp ta trả lời cho ba
câu hỏi. Bản chất của con người là gì? Chúng ta muốn trở thành con người
như thế nào? Và làm thế nào để có được con người như ta muốn?
9. Quốc gia khởi nghiệp – Dan Senor & Saul Singer
Thể loại: Kinh tế, chính trị, kể chuyện
Pha trộn giữa một chút khám phá, một chút tranh cãi và những câu
chuyện kỳ thú. Cuốn sách đã làm toát lên phẩm chất vượt trội của con
người và đất nước Israel, một quốc gia nhỏ bé, một nền kinh tế thần kỳ.
Thể hiện khát vọng to lớn về một dân tộc vĩ đại và tư duy toàn biên –
toàn diện – toàn cầu. Đó cũng là lời nhắc nhở dành cho thế hệ trẻ Việt
Nam chúng ta phải soi mình và tự vấn chính mình.
10. Trò chuyện triết học – Bùi Văn Nam Sơn
Thể loại: Tập hợp các bài viết về triết học.
Quyển sách không chỉ là “bữa tiệc triết học” hoành tráng để thưởng
lãm, mà quan trọng hơn nó có tác dụng như một thứ hoạt chất kích thích
tư duy nói chung, trong bối cảnh đình trệ tư duy và tinh thần bế tắc của
xã hội. Đọc “trò chuyện triết học” ta có cảm tưởng như đang bước lên
những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, nhưng không phải
để tách rời khỏi xã hội, mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới
nhiều hơn, xa hơn, và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn.
Cuối cùng, đối với những bạn trẻ mới bắt đầu bước vào “làng đọc”, theo tôi trước hết nên đọc quyển “phương pháp đọc sách hiệu quả“,
một cuốn sách hướng dẫn về kỹ năng đọc rất hay và nổi tiếng. Sự chuẩn
bị ấy có ý nghĩa như việc chúng ta “mài rìu” trước khi vào rừng đốn củi
vậy. Nó không những giúp ta đốn nhanh mà còn thu về rất nhiều “chiến lợi
phẩm”.
Nguyễn Văn Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét