Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Tí Hớn đi học.

Người Buôn Gió


Tí Hớn đi học lớp 1, được hai tháng một chiều bố đón về. Cậu buồn rầu nói.

- Bố xin con sang lớp khác học được không.?

Bố hỏi sao, cậu bảo cô giáo không thích con bố ạ.

Bố bảo để bố xem thế nào. Bố biết Tí Hớn rất nghịch, nếu không nhất thì cũng nhì lớp. Bố cũng biết Tí Hớn dám làm, dám chịu. Nếu có bị đánh hay phạt vì nghịch thì cũng không vì thế mà nghĩ cô giáo không thích cậu. Chuyện cậu cảm giác cô giáo không thích mình là một câu chuyện mà bố cậu đáng phải suy nghĩ. Việc xin cậu sang lớp khác với lý do gần bạn A, bạn C nào đó không có gì khó. Nhưng nếu làm thế không phải cách mà bố cậu muốn. 

Hôm sau bố cậu đến lớp đón Tí Hớn, bố cầm một cuốn sách bìa màu vàng. Bố gặp cô giáo nói.

- Anh có viết cuốn sách tặng em.

Ba ngày sau, mẹ Tí Hớn hốt hoảng gọi điện.

- Anh có gặp cô giáo Tí Hớn làm gì không.?

- Anh chỉ tặng cuốn sách thôi.

- Cuốn sách nào?

- Sách anh viết.

- Trời ơi, sao anh liều thế, làm thế mà không nghĩ gì à.?

- Không, anh nghĩ đủ rồi mới làm.

Lúc về mẹ Tí Hớn kể, cô giáo khen Tí Hớn hết lời vì học giỏi, rồi hỏi han bố có làm gì không. Đại khái là cô rất vui và thân thiện một cách đặc biệt. Năm đấy hôm nào bố đón Tí Hớn, cô giáo cũng dành cho bố nụ cười rất thiện cảm. Tí Hớn học giỏi nhất nhì lớp. Bố cậu hỏi con học giỏi xếp thứ mấy, cậu trả lời hãnh diện - chắc là xếp thứ hai, sau một bạn gái, bạn ấy có mẹ là giáo viên trong trường. Bố cậu hỏi con nghịch xếp thứ mấy. Cậu thở dài - Chắc cũng thế thôi bố ạ.

Bố hỏi con nghịch sau ai. Cậu bảo sau bạn T. 

Bạn T có hoàn cảnh rất thương, bố mẹ bạn ấy bỏ nhau, bạn ấy ở với bà nội nuôi. Bà nội bạn T bán hàng lặt vặt nuôi cháu ăn học rất khó khăn.

Tí Hớn không bị bố mắng vì nghịch. Vì lúc bé bố cậu cũng như cậu, thậm chí học chả chăm bằng. Bố cậu nói.

- Con nghịch thì cô giáo sẽ phạt con, hoặc bố sẽ đánh con khi cô giáo nói. Chuyện đó không có gì cả, con làm sai con bị phạt. Nhưng còn chuyện này. Nếu con đang học, bạn bên cạnh nghịch làm con không học được, không làm được bài, không nghe được cô giáo giảng. Con ấy cứ phải cảnh giác xem bạn có làm gì con ấy không. Đấy, con nghĩ xem, chuyện mình nghịch mình bị phạt là một chuyện, nhưng chuyện mình phá hoại làm cho các bạn khác không học được mới là chuyện rất lớn. Các bạn rất tốt với con, các bạn đến lớp để học giỏi, bố mẹ các bạn đi làm vất vả, thấy con học giỏi thì cả nhà họ vui vẻ, hạnh phúc. Nếu con họ học kém, họ sẽ buồn, sẽ tức, gia đình họ sẽ có những tiếng quát tháo...

Tí Hớn trào nước mắt, cậu hứa sẽ không nghịch nữa để không làm các bạn bị bố mẹ mắng.

Một hôm bố nghe rầm trên gác, bố đi lên xem thấy mực tím văng khắp nhà. Tí Hớn mặt ngơ ngác, bố hỏi sao. Tí Hớn bảo không biết. Bố quan sát lọ mực trên bàn mọi khi ở sâu sát tường, giờ văng xuống đất. Bố hỏi Tí Hớn biết vì sao lọ mực rơi xuống đất không, Tí Hớn bảo con không biết, chắc tại con chuột.

Bố hỏi Tí Hớn là con có làm gì động mạnh không, Tí Hớn bảo không, con đang cúi xuống xem vở ở góc này. Bố hỏi Tí Hớn có nhìn thấy con chuột không. Tí Hớn nói không.

Bố Tí Hớn ngồi xuống cạnh con, Tí Hớn nét mặt sợ hãi, bố nói rất nhẹ nhàng.

- Con không làm gì động mạnh, con cũng không nhìn thấy con chuột. Như thế là con không doạ gì con chuột để nó phải sợ hãi chạy loạn lên. Vì con không làm gì động mạnh, con đang cúi xuống xem vở, con cũng chả nhìn thấy con chuột. Thế nên con chuột ấy nó không bị con doạ đánh mà nó sợ hãi chạy húc vào lọ mực, khiến lọ mực văng xuống đất. Phải không con.

Tí Hớn nghĩ một lúc rồi gật đầu.

Bố nói tiếp.

- Con nhìn thấy bố đuổi con chuột đánh nó mấy lần rồi nhỉ.? 

Tí gật đầu, vâng, mới hôm nọ bố đuổi một con vào nhà tắm rồi bố đóng cửa bố đánh nó chết.

Bố Tí Hớn gật đầu rất tươi, bố nói.

- Đúng đấy, con chuột nó bao giờ cũng chạy theo đường mà nó đã tính trước. Hôm đó trong nhà tắm bố đã chặn cái cửa sổ, nó chạy vào không ra thấy lối ra như mọi khi. Thế nên nó bị nhốt trong đó. Bố đóng cửa nhà tắm xong, rồi bố mới lấy gậy khua và hai bố con mình dập chân ầm ĩ doạ nó. Nó mới chạy ra vào nhà tắm nhỉ.?

Tí Hớn vâng, cậu ngờ ngợ, mọi lần câu chuyện nào bố kể cậu cũng chú ý lắng nghe và đề phòng. Vì cậu biết những cái kết của câu chuyện bố kể bao giờ cũng bất ngờ với cậu.

Bố cậu nói.

- Con thấy dù bố con mình doạ rất mạnh, nhưng con chuột từ góc tủ nó sẽ chạy ra theo những đường mà nó đã tính trước. Một là nó men theo tường vào nhà tắm, hai là nó chạy bò dọc chiều cao của cái tủ, rồi bò ngang thành tủ nó bám mép cửa nhà tắm xuống vào trong. Lúc nào nó cũng có vài phương án chạy mà nó thuộc sẵn trong đầu. Chưa bao giờ nó chạy ra giữa nhà, hay nó lao, rúc vào đâu. Sở dĩ người ta khó bắt được nó, vì khi nó thoáng thấy người nó đã chạy theo một con đường ngắn nhất, nhanh nhất và rất dễ chạy mà nó tính trước. Đúng là con vẫn thấy thế phải không.?

Tí Hớn lờ mờ hiểu ra, cậu lí nhí cúi đầu vâng ạ. Bố cậu nói tiếp.

- Vậy mà con chuột làm đổ lọ mực này, nó không bị ai doạ, không bị gì nguy hiểm. Tự nhiên nó chạy đến qua mặt cái chỗ người ta hay ngồi là bàn học. Rồi nó chả có gì hoảng sợ, nó lại lao đầu hất tung cái lọ mực. Lẽ ra dù có bị đe doạ nó cũng không chạy trên mặt bàn, dù sợ hãi đến mấy nó cũng không lao vào cái lọ mực, nó phải tránh những vật cản để không làm nó mất thời gian khi chạy trốn. Bố nghĩ không có con chuột nào như thế, vì bố chưa thấy con chuột nào hành động như thế bao giờ.

Bố cậu ngừng lại thở dài, ôm Tí Hớn.

- Con biết không, bố sẽ phải nghĩ nhiều, nghĩ tại sao cái lọ mực bỗng nhiên đổ, bố không tìm ra được lý do nó đổ văng xuống bàn. Con chuột thì không phải rồi. Vậy là vì sao, bố phải nghĩ ra để lần sau bố con biết cách giải quyết. Hôm nay lọ mực nó bỗng nhiên rơi chỗ này, mãi nó lại tự nhiên rơi chỗ khác. Lại còn những thứ không phải lọ mực, nó cũng có thể bỗng nhiên rơi.

Tí Hớn băn khoăn, cậu như muốn giải quyết cùng bố tìm ra cái lý do lọ mực rơi, cậu cứ ngập ngừng. 

Bố cậu nói tiếp.

- Bố nghĩ không ra lý do lọ mực bị đổ. Thế là bố buồn vì bố quá kém, không hiểu biết, không đủ thông minh để biết tại sao một việc đơn giản thế mà mình không biết lý do. Bố buồn nữa là nếu bố kém thông minh như thế, có nghĩa bố đã già, hoặc bố không thông minh nữa. Bố buồn lắm, nếu bố kém như vậy, thì bố làm sao làm việc nuôi con đến khi lớn được nữa. Bố thương con, bố lo cho con sau này không biết sẽ được chăm sóc nuôi nấng ăn học thế nào nếu như bố đã kém thông minh đi rồi. Buồn thật con à.

Tí Hớn ngọ nguậy bàn chân, cậu bồn chồn day dứt. Bố cậu nói.

- Nhưng bố biết con làm đổ lọ mực. Chỉ có điều bố không nhìn thấy, nên bố không quy tội cho con. Vì trong đầu con vẫn còn nghĩ khả năng cái lọ mực bị rơi mà không phải con làm là có. Trong đầu con nghĩ thế, nếu bố đánh con để bắt con nhận. Con sẽ nhận, nhưng con sẽ vẫn ấm ức vì con nghĩ là bố không trông thấy, trong khi lý do đổ lọ mực có thể là nguyên nhân khác không phải con làm. Con nghĩ lần này bố bắt con nhận thế cũng được vì đúng con làm. Nhưng con sẽ cứ phải nghĩ , vì sợ bị oan lần sau, những việc khác không phải con làm mà bố lại cứ quy tội là con làm, chỉ vì các lý do chứng cứ  khẳng định con làm có nhiều. 

Bố Tí Hớn đứng dậy lau nhà, mang lọ mực mới ra. Xong xuôi bố bảo Tí Hớn.

- Nếu con nhận con làm khi bố hỏi, bố sẽ đánh con mấy cái vì tội nghịch ngợm hậu đâu. Nhưng con không nhân, nên bố không đánh con. Bố sẽ rất buồn là con nói dối bố. Bố sẽ phải nghĩ nhiều, tại sao một đứa con mà người bố hết sức yêu thương, lại đi nói dối bố. Hay tai người bố ấy không tốt hoặc độc ác. Hoặc đứa con mình đã trở nên hư hỏng. Thôi con học đi, bố xuống nhà , bố phải nghĩ vì sao con nói dối vậy. Chỉ vì con sợ ăn mấy roi và bố mắng mà con nói dối người bố luôn yêu quý con mình, con đã làm một điều khiến còn ghê gớm hơn chuyện làm đổ lọ mực.

Bố xuống nhà, pha trà, ra cửa sổ hút thuốc trầm ngâm. Một lúc Tí Hớn đi xuống, khoanh tay trước bố khóc nức nở.

- Bố ơi, bố đừng nghĩ nữa, con làm đổ lọ mực đấy ạ.

Bố bảo Tí Hớn lên gác, bố lấy roi đét cho hai cái vào mông. Tí Hớn đau nhưng không kêu. Xong bố bảo con nhớ làm gì phải chắc chắn, bố đánh cho con nhớ lời bố dặn thế. Tí Hớn vâng ạ rồi ngồi học, một tay vẫn còn xoa vết đau, tay kia cầm bút làm bài.

 Khi hai bố con lên giường, Tí Hớn vòng tay ôm cổ, thơm vào má bố nói.

- Bố ơi ! Bố kể chuyện bố hồi bé với ông bà nội thế nào đi. 

Bố bắt đầu kể, Tí Hớn gối tay, ôm ngực bố nghe.

Tí Hớn luôn học giỏi nhất nhì lớp, năm nào cậu cũng được đi thi học sinh giỏi của trường. Chỉ đến cấp quận là thôi, cậu không vượt qua nổi vòng thi ấy . Vì cậu cũng chả đi học thêm, nhà cậu bố mẹ cũng không phải dân chuyên. Bố cậu cũng không muốn đầu tư tiền để cậu thành dân chuyên như các bạn khác. Bố chỉ muốn cậu học bình thường như bao nhiêu bạn khác, và tiếp thu tốt nhất trong hoàn cảnh đó là bố mừng. Mấy năm cậu học, bố mẹ không phải phong bì, biếu xén hay lấy lòng các cô giáo. Bản thân cậu chỉ học từ các cô dạy, và cậu học giỏi, như thế đã là món quà các cô rất thích. Cho dù cuộc sống ngày nay của các giáo viên ảnh hưởng vì đồng tiền, nhưng trong sâu thẳm mỗi giáo viên nào, đều muốn học trò của mà mình dạy dỗ học giỏi, học tốt một cách thực sự.

Cậu bé Tí Hớn đến lớp tự tin, cô giáo quý cậu. Không phải vì bố mẹ cậu làm to, hay biêú xén gì cô. Mà do chính bản thân sức học của cậu làm cô giáo quý.

 Có nhiều người bi quan không tin điều đó. Nhưng bố tin, vì bố trải qua bằng xương máu của mình. Khi xưa bố ở trong tù, nơi mà chỉ có đồng tiền, sự quỵ luỵ, ton hót là món quà mà quản giáo cần ở tù nhân. Bố đã nhận được trong mớ đen tối , nhớp nhúa ấy còn có một sự mong muốn nhân bản của con người. Đó là cũng có những người quản giáo muốn tù nhân của mình sau này trở thành người tốt, và nếu họ thấy người tù nhân nào có thể thành được người tốt, họ cũng dành ra sự đối xử một cách nhân ái mà họ có trong lòng.

 Bố có thể chưa là '' người tốt '' theo quan niệm của nhiều người. Nhưng bố tin, những người quản giáo năm xưa phụ trách bố, họ hài lòng về bố. Mặc dù suốt bao nhiêu năm tháng qua, cơ quan điều tra, nhà tù, toà án luôn luôn hiện diện từng ngày trong đời sống của bố. Nhưng đó là câu chuyện khác, vì trong câu chuyện đó còn có những người tù như bác Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Thị Minh Hằng....câu chuyện của những người tốt thật nhưng vẫn phải đi tù.

 Có thế phương pháp bố dạy con không đúng về khoa học. Nhưng về tình cảm, bố đã chắt từ trong cuộc sống của mình, từ trong những vết dao, nhát búa khiến lúc trở trời làm bố đau nhói. Hay từ những cơn sốt rét, viêm gan B, lao lực, làm cho làn da bố luôn tái sạm. Từ những trăn trở toan tính vật lộn trong đời. Và cũng từ những tấm lòng bao dung, nhân hậu mà người ta đã cưu mang , giúp đỡ bố như một người con, người em..... tất cả những gì bố dạy con được chắt ra trong đó.

Hôm nay con báo tin được đi thi học sinh giỏi ở trường và cô giáo khen con rất ngoan, bố mừng lắm. Nhưng bố sẽ mừng nữa là con sẽ báo tin bạn bè ở lớp rất quý mến con. Ở đây có em Lena rất nhớ con, em ấy khóc khi biết con về Việt Nam. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi, con chơi với em như một người anh tốt khiến em nhớ con. Con hãy luôn đối xử với các bạn, các em và mọi người để sao họ nhớ mong con như vậy. Rất tiếc đã hơn một năm rồi bố không ở bên con để dạy con điều đó. Nhưng bố tin con sẽ cảm nhận được bố mong gì ở con.


Giờ phút chia tay con về lại quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog