Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

“Văn hóa ẩm thực”

Trà Mi
Mới đây có một ông giáo sư báo chí trường Stanford - ký giả, Joel Brinkley, từng đoạt giải báo chí Mỹ - viết bài trên tờ Chicago Tribune (1). Không hiểu ông viết gì đến gây tranh cãi trên cộng đồng mạng, còn có cả kiến nghị đòi ĐH Stanford đuổi việc ông giáo sư nhưng có kiến nghị ủng hộ. Thử lướt qua xem ông giáo sư nhà báo viết gì mà ra sự thể.
Ông viết, ở Việt Nam bây giờ chim không hót, sóc không trèo cây, chuột không bới rác.
Cái này tùy nơi có phải không ạ? Không phải là người sống trong nước nên không dám nhiều ý kiến. Tuy nhiên, chuyện chim không hót thì ông tác giả cuốn Tổ quốc ăn năn đã nói cách đây lâu rồi; lúc ấy chẳng có kiến nghị nào phản đối ông Nguyễn Gia Kiểng.
Về kinh nghiệm cá nhân, lần duy nhất ghé Saigon, Biên Hòa, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam - cách đây đã hơn 10 năm - người viết cũng không nghe chim hót, dù có cố ý lắng tai, và cũng không thấy sóc trèo cây; chuột Việt Nam không bới rác có thể vì đã bị mèo xơi hết hay nước ta bây giờ sạch quá nên không còn chuột?


 Nguồn ảnh: OntheNet
Thịt chuột

Tấm hình bên là câu trả lời. Đó chỉ là một hình ảnh tương đối ít kinh dị để minh họa một sự thật Việt Nam ngày nay với những tựa đề như “hãi hùng mồi nhậu”, “đổ xô đi liên hoan thịt chuột”, “chợ chuột Hà Thành”, v.v. Chuột đủ loại đã như thế thì nói đến chim với sóc nữa làm chi.
Ông nhà báo viết tiếp, ở Việt Nam không còn thú hoang dã cũng không không có thú nuôi trong nhà vì chúng đã thành nón nhậu cả rồi.
Thứ nhất, ngày còn Saigon, ở nhà có đủ chó, mèo, chim và cả con gà tre của mình. Lúc ấy, trước ngày được “bên thắng cuộc” giải phóng, bên thua cuộc làm gì có luật cấm nuôi chó, nuôi mèo. Trừ mỗi một lần tình cờ nghe Mẹ nói với Bố, “Cấm anh có mèo”. Có thể đây chỉ là nội lệ gia đình chứ không phải là luật quốc gia ngày ấy.
Lần về thăm họ hàng làng nước thì quả không thấy chó trong nhà hay chó chạy rong ngoài phố. Nhưng thịt chó treo trước cửa hàng thì quả là tràn từ Bắc vào Nam. Ngày xưa chỉ thấy hàng thịt chó ở khu bà Ngoại ở, Xóm Mới. Bây giờ thì thịt chó đầy rẫy ở thành phố mang tên bác. Hãi nhất là chuyến xe từ Nam Định về lại Hà Nội. Hôm ấy, nhờ ông tài xế taxi ngưng dọc đường để ăn trưa. Nhìn dọc phố toàn là hàng thịt chó nhưng mình chỉ cần một bát phở... bò với cốc cà phê.
Phở thịt chó
Nguồn ảnh: OntheNet
“Không có phở bò bác ạ! Ăn với em bát phở chó. Vô tư đi bác,” ông tài xế đề nghị.
Rời quán ăn, bước ra ngoài thử tìm lại xem có tiệm phở nào khác hay không nhưng hòan toàn thất bại. Tôi bước đi, thấy phố, thấy nhà, thấy thịt chó treo hàng hàng trước cửa. Xin lỗi cụ Trần Dần, cảm xúc bất chợt, vì tôi [cũng] ở Phố Sinh Từ.
Bước qua đường, ra cạnh bờ sông, thẫn thờ nhìn xuống. Trời ạ, người ta đang cạo lông, mổ bụng một con chó, trắng hếu màu da. Mình nghẹn thở, vô tư thế nào được!
Quay lại quán ăn, tôi đành nhắm mắt, cố giữ khỏi phải nôn trong lúc nuốt bát phở … lợn. Vâng, bát phở lợn duy nhất trên đời! Kinh nghiệm thật hãi hùng, khác hẳn bữa sớm với bát bún thịt nướng chả ở Phủ Lý.
Một ngày khác, ở Sài Gòn, bước vào một quán ăn với bạn, chưng hửng khi đọc thấy biển quảng cáo “Tại đây có mật gấu tươi”. Ngay giữa phố Sài Gòn sao lại có gấu. Anh bạn, giải thích người ta nuôi gấu để rút mật bán cho thực khách. À cái này thì không cấm ở thành phố mang tên bác, và có lẽ cả nước cũng “vô tư”.
Tiệm bán mật gấu
Nguồn ảnh: OntheNet
Ông Brinkley viết tiếp, việc bắt thú rừng trong khu Đông Nam Á để bán cho Tàu đang là tệ trạng mà Hội Thú hoang dã Thế giới phải lên tiếng báo động. Tin tức loại này là chuyện bình thường trên báo chí trong và ngoài nước. Nhưng bảo chỉ có mấy anh Tàu phù ăn thịt tê tê, thịt khỉ, thịt rùa hay dùng sừng tê, ngà voi thì không hẳn đúng. Cứ nhìn vào nhà của ông Lê Khả Phiêu xem ít nhất một con voi đã chết để ông đem ngà làm đồ trang trí. Nói thế chứ trống đồng, di sản dân tộc, ông cũng chôm về để trong nhà thì xá gì con voi trên rừng. Mới đây, VietNamNet Bridge vừa đưa tin đầu năm 2013 công an đã chận bắt được xe đò chở 80 con kỳ đà xám và 70 con rùa tổng cộng 710 ký. Tờ báo nói rằng giới chuyên gia đã khuyến cáo, dân Việt Nam giàu lên thì sự nguy hại cho thú hoang dã ngày càng lớn. Tết sắp đến, người ta lại ăn nhậu càng nhiều và phải ăn thức “quý hiếm” mới hả hê.
Ngà voi
Nguồn ảnh: OntheNet
Lá đơn yêu cầu ĐH Standford cho ông Brinkley về đuổi gà cho rằng giáo sư này có ứng xử gia trưởng, và kỳ thị. Trong bài báo “Despite increasing prosperity, Vietnam’s appetites remain unique”, tác giả viết, “Việt Nam là quốc gia hung hăng. Sau khi giành được độc lập từ một ngàn năm trước, Việt Nam đã đánh nhau với Trung Hoa 17 lần, đánh Cambodia nhiều lần, trận gần nhất vào năm 1979.”
Ơ hay, xưa nay người ta chẳng thường nghe các sử gia dân tộc chủ nghĩa thường cho rằng “Việt Nam là dân tộc hiếu hòa” hay sao? Ông Brinkley còn đem các nhà dân tộc học và sử gia vào lập luận; ông cho rằng vì có nguồn gốc từ Tầu nên Việt Nam khác hẳn các nước láng giềng phía Tây – Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanmar – chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.
Xin lạc đề một chút. Không phải là lầu hay nhà dân tộc học hay sử gia nên người viết không hiểu sao xứ mình không có các kiến trúc, thành quách cổ đại, hình ảnh, mồ mả tiền nhân để lại cho hậu thế. Đố mà tìm thấy đâu có hình thật hay mồ mả của vua Quang Trung (thế kỷ 18), Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo (thế kỷ 15), v.v. Khác với các dân tộc như Mexico, Guatamala, Peru vẫn còn gìn giữ được di sản của nền văn minh Maya có từ hơn 2000 năm trước tây lịch. Mới đây, ở châu Âu, người Anh vừa dựng lại hình ảnh của Vua Richard III, chết trận năm 1485, qua bộ xương tìm được sau hơn 500 năm trong lòng đất không có cả quan tài. Có người bạn nói, may mắn, sau khi Triều nhà Nguyễn chấm dứt vào năm 1945, kẻ thắng trận không phải là một đế triều khác chứ không thì chưa chắc đã còn điện, còn lăng ở Huế.
Bảo Việt Nam giống Tầu hay bị Hán hóa là ông giáo sư báo chí đã chạm nọc của đoàn quân chủ nghĩa dân tộc rồi. Sáng nay đọc trên Facebook thấy một bạn trẻ viết “Tây Lương quê của Mã Siêu” rồi tự hỏi không rõ bạn này có biết quê hương của các ông Hồ Huệ, Nguyễn Phúc Ánh ở nơi nào chăng? Còn mình thì quả thật không biết Tây Lương nằm ở chỗ nào dù đã đoán được đây là một thành phố nào đó bên Tầu.
Nhưng ông Brinkley còn nói thêm, nguồn gốc Tầu là một chuyện, nhưng Việt Nam hung hãn vì là giống dân đã chuộng ăn thịt từ nhiều thời đại. Và hiện nay thịt chó được Việt Nam xem là đặc sản vì nghe nói có nhiều chất đạm hơn những loại thịt khác. Hơn nữa, tác giả cho rằng theo “truyền thống” người Việt ăn thịt chó để ... xả xui. Ông tác giả chỉ nghĩ ngợi phức tạp, xa xôi; thiển nghĩ người ta ăn thịt chó “xả xui” chẳng qua vì mê tín hay đơn giản hơn vì khoái nhậu nhẹt.
Tác giả Brinkley viết tiếp vì giầu lên nên thế hệ mới ở Việt Nam bắt đầu biết thích nuôi chó - cũng như chuộng dùng mạng xã hội twitter, Facebook - nên người ta thỉnh thoảng cũng thấy vài con chó đây kia, nằm trước cổng nhà, nhưng luôn dưới đôi mắt trông chừng của chủ nếu không muốn con Tô Tô thành món nhậu. Tác giả kết luận, nhiều du khác phương Tây đến Việt Nam đều tuyệt vọng, như một blogger đã viết, “Tôi nói thật có thể nói đó [ăn thị chó] là điều khủng khiếp nhất mà tôi từng thấy.”
Sắp Tết Qúy Tỵ, chắc lẩu rắn sẽ đắt hàng
Nguồn ảnh: OntheNet
Người viết bài này không phải là một ông Tây hay bà Mỹ nhưng đã được một số người quen ở “bên thắng cuộc” cho rằng không biết ăn, nhậu. Có thể đó là một nhận xét khá chính xác. Xem hết một DVD có tựa đề “Văn hóa ẩm thực Hà Nội” người viết chỉ biết được kỹ thuật làm cốm của làng Vòng, và từ đấy hiểu câu “Chả biết tay ai làm lá sen” của Nguyên Sa. Phần còn lại của DVD tòan nhưng văn hóa ăn thịt chó, ăn thịt rắn, uống máu rắn, ăn thịt dơi, thịt rùa, thịt khỉ, v.v. Nói phải tội, vốn gốc Hà Nội sống ở Saigon nhưng mình hòan toàn không biết và không có nền “văn hóa ầm thực” định hướng xã hội chủ nghĩa như thế. Có lẽ Hà Nội trước 54 và Saigon trước 75 không phải là Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh bây giờ.
1975, “bên thắng cuộc” đã giải phóng Saigon khỏi mấy con đường Cộng Hòa, Hồng Thập Tự, Phát Diệm, v.v. và đặt Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Đình Xu, v.v. vào đó. Nhưng đấy chỉ là những xóa bỏ bên ngoài. Và ngoài việc viết lại lịch sử, họ – “bên thắng cuộc” – còn muốn thay đổi luôn nếp văn hóa cũ của hai miền Bắc Nam trước 54 và 75. Một trong những thay đổi đó, được mỹ từ hóa thành cái “văn hóa ẩm thực”, đã bơi ra biển lớn khiến ông giáo sư báo chí trường Stanford và một số khách du lịch tây phương phải nhảy nhổm.

Tết này có lẽ sẽ ăn ít bánh chưng đi, thay bằng bánh ú nhân đậu cho lành.


© DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog