Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Chuyện người đọc sách

Akarin

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những bài báo chê bai văn hóa đọc của người Việt Nam trên báo. Hầu như bài nào cũng nói kiểu “thực trạng và giải pháp”. Tôi thì thích hỏi một câu đơn giản và thẳng thắn hơn: CHÚNG TA CÓ ĐỌC SÁCH KHÔNG?
Dĩ nhiên là chúng ta ai cũng từng phải đọc những thứ được-tạm-gọi-là sách giáo khoa mà đến nay người ta vẫn có thói quen thay đổi như mốt ăn mặc hàng năm. Một số trong chúng ta còn đọc truyện chưởng Kim Dung, tiểu thuyết ba xu Tây Tàu đủ loại – người ta còn sáng tạo ra cả thuật ngữ “văn học mạng” để phục vụ sở thích đọc của mình cơ mà.
Thế thì CHÚNG TA CÓ ĐỌC SÁCH KHÔNG? KHÔNG. Rất tiếc là KHÔNG.
Người Việt Nam – trừ một nhóm vô cùng nhỏ những trí thức tinh tuyển – chưa từng biết cách đọc. Người ta đọc sách để tìm những kiến thức mới, những quan điểm mới. Ở Việt Nam, mọi thứ phải tuân theo “lề phải” hết nên chẳng việc gì phải đọc.
Học trò cứ chép văn mẫu là điểm cao. Sinh viên cứ thuộc lịch sử đảng là tốt nghiệp. Nhà báo cứ dẫn đúng lời nghị quyết là có nhuận bút. Một xã hội méo mó như thế thì làm sao có văn hóa đọc ngay thẳng! Còn chúng ta thì trở thành những người đọc cũng như không đọc.
Tôi còn nhớ một chuyện đùa (nhưng có lẽ là thật) như sau: Ông Tô Hoài vốn là nhà văn rất giỏi mô tả được mời nhận xét bài văn đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thủ đô. Đề bài lúc đó là tả con chim. Nhà văn đọc xong, khen ngợi bài văn xuất sắc, nhưng nói thêm một câu, “thế nó tả chim gì vậy?” – Hóa ra, học trò Việt Nam từ bé đã bị biến thành những con vẹt, chỉ biết nhại lung tung lời kẻ khác.
Đôi lúc, tôi cảm thấy có thể nói rằng sách ở Việt Nam không phải là sách, bởi vì những thứ rác rưởi tầm thường thì được truyền thông tung hô còn những tác phẩm thực sự giúp con người ta mở mang đầu óc thì ít người dám bàn đến. Diễn đạt theo một cách khiêm tốn hơn thì sách ở Việt Nam là một khái niệm không đầy đủ, hoặc là méo mó. Điều này cũng chẳng có gì lạ trong một xã hội toàn trị, nơi mọi thứ đều bị chính trị hóa, bao gồm cả khoa học và giáo dục.
Thế hệ cha mẹ chúng ta, những người sinh ra trong chiến tranh, có lẽ chăm đọc hơn lũ trẻ ngày nay. Nhưng đó là vì họ không có thú vui nào khác. Hơn nữa, họ cũng chẳng đọc được bao nhiêu vì thời ấy, sách gần như đồng nghĩa với văn học Xô Viết/cách mạng; cũng vài tác phẩm bất hủ thật, nhưng loại ba lăng nhăng thì không đếm xuể. Sách phương Tây hầu như không có.
Tôi từng được xem ảnh chụp bìa và mấy trang đầu cuốn Giết con chim nhại phát hành những năm 1980. Cuốn sách nghe nói bị cắt bỏ rất nhiều. Lời giới thiệu mà tôi đọc qua ảnh thì xa xả chê bai tác giả không có… lập trường cộng sản.
Bởi vậy, khi Liên Xô sụp đổ và văn hóa Phương Tây tràn vào Việt Nam, các bậc cha mẹ “mọt sách” chẳng biết đường nào mà hướng dẫn con cái họ đọc. Thế là họ dễ dàng quay sang nghe theo truyền thông “lề phải”.
Nhìn lại xa hơn nữa thì có lẽ chính nền văn hóa Nho giáo, chỉ trọng “sách thánh hiền” đã góp phần làm hại văn hóa đọc và tinh thần tự do của Việt Nam.
Cá nhân tôi không dám nhận mình là người yêu sách, nhưng tôi thích đọc – và tôi có thể tự hào rằng mình là người không chấp nhận để cho kẻ khác áp đặt quan điểm.
Giống như phần đông bạn bè cùng trang lứa, tôi lớn lên dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” – tức là cái gì cũng phải “cách mạng”, kể cả văn học – nghệ thuật. Tôi không thể nào nuốt nổi những bài giảng văn chương vớ vẩn trong sách giáo khoa và trong suốt mười hai năm học phổ thông, tôi hầu như không đọc. Đơn giản là vì có đọc thì tôi cũng vẫn phải hiểu – đúng hơn là nói với người ta rằng tôi hiểu – mọi thứ theo quan điểm chính thống mà nhà trường đã triệt để phân phối tới từng học trò.
Tôi luôn luôn khinh bỉ những kẻ đọc hàng đống sách nhưng rồi vẫn cứ lải nhải lời của một cuốn sách dòng chính nào đó. Điều mỉa mai là rất nhiều bạn bè cùng khóa nghĩ rằng tôi phải đọc ghê gớm lắm vì tôi luôn luôn có chính kiến (trừ lúc làm bài kiểm tra).
Và tôi bước chân vào trường báo chí – nơi hóa ra cũng chẳng tự do gì hơn – chỉ với một chút kiến thức từ ngữ – ngữ pháp tiếng Việt. Những gì liên quan tới văn chương, nghệ thuật, cách đọc sách,… tôi đều quăng đi cả (ấy là trong trường hợp tôi đã bằng cách nào đó nhồi được chúng vào đầu mình).
Mạng internet và thời gian rảnh rỗi trong những năm đại học giúp tôi nhận ra rằng mình chẳng biết gì cả: không kiến thức xã hội, không kiến thức nghệ thuật, không phương pháp luận,… Mấy cuốn sách lịch sử tôi yêu thích từ khi vào cấp hai hóa ra cũng chỉ là thứ rác rưởi chuyên né tránh sự thật.
Thế thì – Lạy Chúa! – tôi sẽ làm báo thế nào đây? Đối với một nhà báo, ác mộng thật sự là hoàn toàn không hiểu được những thông tin mà mọi người cung cấp cho mình.
Vậy là tôi bắt đầu tập đọc sách, bắt đầu từ O’Henry, một tác giả tôi rất có cảm tình (“Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn duy nhất tôi thực sự đọc từ đầu đến cuối, không sót từ nào trong suốt những năm chấp ba). Tôi thường rút ngẫu nhiên một tập sách O’Henry trên giá và đọc một, hai truyện trước khi đi ngủ.
Thói quen không kéo dài lâu hơn một năm này, may mắn thay, giúp tôi có đủ kiên nhẫn đọc những tác phẩm khoa học – xã hội dài dòng và phức tạp. Nó cũng giúp tôi nhận ra rằng mình không quan tâm tới những cái nhãn danh giá như “best seller” hay “prize-winning”.
Tôi đọc một tác phẩm văn học vì tôi muốn thưởng thức văn học, bất kể nó nói về chủ đề gì, lấy bối cảnh ở đâu,… Tôi đọc một tác phẩm khoa học vì tôi muốn có kiến thức khoa học, củng cố tư duy của mình – không cần biết nó bàn về sex hay chủ nghĩa Mác.
Khi có nhiều thời gian, tôi đọc sách thiếu nhi và thử kể lại câu chuyện bằng lời của mình – đôi lúc, tôi nghĩ đó là để nuôi dưỡng phần trẻ thơ còn lại trong mình (có ai muốn già nua đâu). Nhưng phần lớn thời gian đọc sách của tôi vẫn dành cho sách khoa học xã hội nói chung, bao gồm cả lịch sử.
Cũng chẳng rõ tôi có giỏi giang tinh tế gì hơn trước không, nhưng về cơ bản, tôi không cảm thấy bối rối khi tiếp xúc với những người hoàn toàn mới, những thông tin hoàn toàn xa lạ nữa. Tôi có thể ngồi xuống bên họ và bắt đầu cái các nhà báo vẫn gọi là “việc khai thác thông tin” theo cách của mình.
Và trên hết, tôi đang tiến dần – dù chỉ từng bước chậm chạp – tới sự tự do về tư duy. Theo tôi, đó là lý do quan trọng nhất để chúng ta bắt đầu đọc sách và tiếp tục đọc sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog