Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Viện ?

Thiên hạ cứ bàn tán mãi về bài viết Về sự sợ hãi của gs Ngô Bảo Châu, tôi thuộc loại ba phải, ông quan tâm, ông viết thế là đủ là quí rồi. Tôi chỉ quan tâm tới cái Viện nghiên cứu toán cao cấp ở VN sẽ do ông chủ trì. Chỉ thắc mắc sao đất nước nho nhỏ ấy lại lắm viện thế không biết, nếu không có vụ sóng thần ở Nhật thì tôi không biết là VN mình cũng có Viện năng lượng nguyên tử với những chi nhánh con con khác mang tên Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân và đặc biệt là cơ sở nghiên cứu mới của Viện Năng lượng nguyên tử VN sẽ được xây dựng tại xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng. Thế mới biết cái dốt của tôi nó to biết chừng nào. Bao nhiêu là tinh anh tài hoa của đất nước đang hội tụ ở mấy cái Viện.

Từ bé tới lớn tôi vẫn nghĩ cái gì mà gọi là Viện thì phải to lắm và người làm việc ở Viện thì cũng học thức ghê lắm, như các viện hàn lâm bên Tây vậy. Chỉ có điều ở bên Mỹ tôi chả nghe ai dịch mấy cơ quan làm việc khoa học là viện này viện nọ cả, chắc Mỹ chả có cái viện nào cả. Có lẽ người làm nghiên cứu ở Mỹ họ tự do hơn họ chả thích tập trung vào mấy cái viện, và thường công việc nghiên cứu là do các trường đại học chủ trương hơn là một viện nào đó. Quen nghĩ thế nên tôi cứ thắc mắc Viện toán sẽ làm gì? Tập trung các tiến sĩ giỏi toán vào ngồi nghiên cứu rồi "tutor" cho các sinh viên khác rồi đem chuông đi đánh xứ người? Tôi chờ có website của Viện toán này ra sao, có giúp đỡ gì cho dân thường cỡ như tôi, vì lâu lâu tôi cũng bí một công thức nào đó, hỏi mấy tên tiến sĩ ngồi quanh thì tụi hắn ra trường lâu rồi nên cũng chỉ nhớ mang máng mớ toán học đại số tiểu học của tôi, chỉ thì chỉ nhưng lại kèm thêm cái câu "thôi nhà người ráng mở sách xem lại chứ ta cũng không nhớ lắm". Đấy, toán mà không giúp cho sự thực dụng của đời sống, nhất là ở một đất nước còn cần nhiều sự phát triển mà mở ra nhiều viện cho dan phải è cổ nuôi thì có khổ cho dân không? Cứ như anh chàng tiến sĩ hôm tới sở tôi xin việc, hắn tự giới thiệu "đừng nghĩ là Ph. D là giỏi, chỉ tại tôi học dốt quá nên ngồi mãi trong trường không ra được", nghe rất khôi hài nhưng trong sự khôi hài ấy cho thấy sự khiêm nhường của người Tây phương rất khác.

Đăng lại bài Trí thức, Trí ngủ và Trí trá sau đây vì tôi đang nghĩ ngày xưa đi học bạn bè bất ý nhau là ném phấn, ném giấy, ném banh, ném đù thứ vào nhau xong rồi huề. Vẫn vui vẻ, chứ bây giờ không đồng ý thì chỉ rụt rè ném... bụi xong rồi lặn luôn, giận luôn, o xịt nhau luôn. Tuy nói thế chứ tôi biết bài này tôi đăng lại mà có bạn ngồi bên tôi, thì tôi vẫn bị kí đầu như thường và bảo "ngu vừa chứ", bạn quí nhau là chỗ đó, có khi chưa bị cú thì mình đã hiểu ý để né rồi :-)
 
Trí thức, Trí ngủ và Trí trá

16/04/2011


Người trí thức, nếu hiểu một cách thật nghiêm túc về khái niệm này, là những người suy nghĩ và hành động hướng tới lẽ phải, tới chân lý, tiến bộ xã hội. Triết gia Pháp J.P. Sartre viết : Nếu ai đó chế ra quả bom nguyên tử, thì người đó là bác học, chỉ khi nào ông bác học ý thức được cái vũ khí giết người ghê gớm ấy, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ta là trí thức. Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy đại học Picardie Pháp có một định nghĩa thật độc đáo, bất ngờ về thế nào là một người trí thức : Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ, người đó là trí thức, bất kể họ là ai!

Trong lịch sử dân tộc ta, các bậc tiền hiền như Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh…. Chính là các bậc trí thức tiêu biểu của đất nước.

Trong giờ phút trang nghiêm của lịch sử hôm nay, khi mà cõi bờ biên cương, biển đảo ngoài khơi đã bị lấn chiếm, đang bị nhòm ngó từng ngày, khi mà kinh tế đất nước đang suy sụp, tham nhũng lan tràn, người dân khắp nơi bị cường hào cướp đất, cướp nhà, các tiếng nói dân chủ bị đàn áp thẳng tay thì sự bất khuất của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ là hình ảnh tiêu biểu và là niềm tự hào của trí thức Việt Nam. Đất nước có qua được những năm tháng hiểm nghèo này là trông cậy vào sự dấn thân của những người trí thức như CHHV và sự can đảm của toàn dân.
Về các vị trí ngủ, hiểu theo nghĩa phổ thông là những vị có bằng cấp, có học vị cao ở nước ta thì đông lắm và buồn lắm. Một giáo sư đại học, thậm chí còn là chủ nhiệm khoa, khi đi nước ngoài dự hội thảo khoa học thì tranh đi bằng được. Nhưng đến hội nghị thì chỉ ngồi yên. Ai hỏi có ý kiến gì về bản báo cáo vừa được nghe, thì chỉ lắc đầu…vì không biết tiếng Anh (!) Sao lại có chuyện đau lòng đến thế (!). Đó là di hại của nền giáo dục XHCVN lấy công nông làm nền tảng. Chọn người đi học, không chọn người có khả năng học mà chọn theo lý lịch. Cứ được tổ chức cử đi học “đào tạo” thì thế nào cũng đỗ đến tiến sỹ! Hồi tôi còn là sinh viên Đại học sư phạm Văn Khoa Hà Nội đầu những năm 60 (Thế kỷ 20), khi chúng tôi được giới thiệu thầy Hoàng Ngọc Hiến mới ở Liên Xô về với học vị Phó tiến sỹ. Thầy Hiến hỏi cả lớp các anh chị có biết phó tiến sỹ là gì không? Cả lớp ngơ ngác, thầy Hiến liền nói : Đem một con bò Việt Nam qua Liên Xô 9 năm, dắt nó về là thánh phó tiến sỹ ! Cả lớp đã cười ầm. Đó là thời thầy Hiến, sự học còn rất nghiêm túc. Còn ngày nay, có tiền có thuê người đi học thay mình mà vẫn đỗ cử nhân, cao học là chuyện “thường ngày ở huyện”. Chỉ một chế độ tồn tại trên sự giả dối mới sinh ra một lớp học “Trí ngủ” đông đảo đến như thế. Cái sự học của nhân loại là nghiêm túc lắm. Không phải ai cũng có thể học được, có thể đỗ bằng này bằng kia được, nếu không phải là người có năng lực học hành, có khả năng lao động trí óc. Vừa qua, giáo sư Trần Văn Giàu có công bố cuốn hồi ký. Đọc cuốn sách này trên mạng tôi mới hay, nhà ông Giàu là đại điền chủ ở Nam Bộ, nhà đông anh em, nhưng chỉ có ông là đi học mà thôi. Các người anh em khác của ông không học được vì không “ sáng dạ” bằng ông. Gia đình phải chia ruộng cho họ để lại thành điền chủ không thể thành trí thức được. Đọc hồi ký của ông Trần Văn Giàu, tôi lại nhớ đến trường hợp của ông già tôi. Ông già tôi thi diplôme tới 4 lần không đỗ. Cũng thời ấy, có người rất chịu học, có vợ rồi mà vẫn đi thi lấy cái bằng Tiểu học, nhưng năm lần bảy lượt vẫn không đỗ !. Vì nền giáo dục “Tư sản” là như vậy nên các người có bằng tú tài thời xưa đã có kiến thức đáng nể. Nếu đỗ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì họ là trí thức chứ không phải mang danh “ Trí ngủ” như ở nước ta dưới nền giáo dục XHCN .

Bây giờ nói đến các vị “ Trí trá” Hồi còn mồ ma bác sỹ Nguyễn Khắc Viện , ông nhiều lần nói với tôi về tình hình trí thức Pháp và Phương Tây. Ông cho hay, chính phủ Pháp chỉ tuyển lựa vào bộ máy của mình những người đạt đỗ cao, có danh tiếng. Vì thế khi bước chân vào một cơ quan công quyền thì người Pháp biết rằng, quan chức nhà nước mà họ gặp xưa kia (học cùng với họ), đều là những người giỏi. Vì thế quan chức Nhà nước là những người vừa có quyền, vừa có uy thế mới gọi là uy quyền, nhưng dù uy quyền đến mấy, khi đã ngồi vào ghế quan chức thì anh chỉ là một công chức, một viên nha lại mà thôi. Đã là nha lại thì phải từ lời nói đến việc làm, dù làm viện trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng,… nhất nhất phải nghe lời cấp trên. Không thể có sáng tạo gì được, không thể được xã hội xem là trí thức. Đổi lại anh ta được lương cao bổng hậu, vợ đẹp con khôn, phú quý của đời. Một bộ phận khác, dù đỗ đạt cao, nhưng không chịu chui vào bộ máy quan chức, mà làm nghề tự do như bác sỹ, kiến trúc sư, luật sư, nhà báo, nhà văn…. Tầng lớp này dám tư duy độc lập, dám ăn dám nói, dám phụng sự lẽ phải….Họ chính là trí thức của nhân dân. Họ có thể bị bầm dập nhưng được xã hội kính trọng.

Bạn sẽ hỏi tôi : Thế thì anh “ Trí trá” nằm ở đâu trong xã hội Tây cũng như Ta? Xin thưa, đó là các vị công chức, nha lại… nhưng lại muốn tỏ ra thức thời, lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội.

Đã là nha lại, bị “áo xiêm ràng buộc lấy nhau” mà lại lên tiếng nên phải uốn éo, phải trí trá…Trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu lên tiếng về vụ án Cù Huy Hà Vũ là một ví dụ rất độc đáo ! Ai cũng biết vụ án CHHV được chuẩn bị rất chu đáo, cực kỳ chu đáo, thế mà giáo sư Châu lại cho là chỉ vì sự “cẩu thả” của quan tòa tép riu bên dưới mà thôi. Ai cũng biết không phải chỉ có quan tòa là người chịu trách nhiệm về phiên tòa “cẩu thả” này, nhưng giáo sư Châu chỉ quy tội cho quan tòa mà thôi. Ai cũng biết khi ông Châu nhận căn nhà 600.000 đô la của nhà nước thì ông đã bị ở vào thế kẹt rồi, đã bước sang lề phải rồi, vậy mà ông vẫn xưng mình là “người tự do” và chê người khác là cừu…. Vì thế mới gây nên phản ứng của nhiều trí thức . Các vị “Trí trá” nguy hiểm là vậy, vì họ dễ làm người khác bị lừa nhờ danh tiếng của mình (!). Nhưng không lừa được những người trí thức đích thực, có lương tâm với dân tộc.

Để kết thúc cho bài viết này, tôi cũng nhân đây nói về Toán học. Năm 1976, sau này nước nhà thống nhất, trong không khí hồ hởi, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị Toán học lớn, có rất nhiều nhà toán học giỏi gốc Việt các nước về dự. Lúc đó tôi là phóng viên đài TNVN công tác trong bộ phận tuyên truyền trong giới trí thức nên phải ra tận sân bay để đón các tri thức Việt Kiều về dự hội nghị. Tôi nhớ đã đón tiến sỹ toán học Lê Dũng Tráng, người Thanh Hóa, 29 tuổi, giáo sư Fédéric Phạm cha là nhà toán học Việt Nam, mẹ là người Pháp, giáo sư Phạm sinh ra ở Pháp nên nói tiếng Việt rất khó khăn, chỉ nói được từng từ một, không thành câu! Đa số các vị là các nhà toán học lý thuyết. Một nữ giáo sư toán học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội dự hội nghị đó, bà là một người rất nổi tiếng, rất tâm huyết với nền khoa học của nước nhà rất được mọi người kính trọng vì tính tình thẳng thắn, cương trực, bà đã nói với tôi : “Toán lý thuyết rất quan trọng, rất vĩ đại nhưng với nước ta thì chẳng có tác dụng thiết thực là bao, thế mà tôi ngày nào cũng phải xếp hàng mua bắp cải để ăn! Rổi bà hỏi tôi : Anh có biết trường phái “Toán học kỳ dị” là thế nào không, anh có biết thế nào là “ “Bài toán bốn mầu không” ? Rồi bà giải thích “ Bài toán bốn mầu là, tôi cho anh bốn mầu khác nhau anh phải tô được bản đồ thế giới mà các nước ở xung quanh một nước lại không trùng màu nhau. Nhưng trên thực tế có nước giáp ranh tới 5 – 6 nước thì làm sao mà tô được bản đồ thế giới, khi trong tay chỉ có 4 màu! Ấy vậy mà trên lý thuyết bài toán đó lại giải được. Thế nên giới toán học lý thuyết gọi bài toán đó là “Bài toán bốn mầu”! Toán lý thuyết là thế đấy anh ạ! Nó chỉ làm người nghiên cứu nó vinh thân phì gia, với một nước nghèo và lạc hậu như nước ta thì….”

Được vị nữ giáo sư đáng kính này giảng giải tôi mới rỡ lẽ, tại làm sao trong hội nghị đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ Tướng phụ trách công tác khoa học đã kêu gọi các nhà toán học Việt Nam mà tuyệt đại là toán học lý thuyết chuyển sang nghiên cứu toán học ứng dụng cho đất nước được nhờ. Nhưng ít ai theo lời khuyên của Tướng Giáp (!) Giáo sư tiến sỹ Trần Kiêu, chủ nhiệm khoa Sinh học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, một chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh học rắn hổ mang, còn kể cho tôi một chuyện lý thú. Năm thiếu tá phi công vũ trụ Ti Tốp sang thăm Việt Nam. Ta có tổ chức 1 buổi gặp mặt giữa phi hành gia vũ trụ với các nhà khoa học VN. Thiếu tá Ti Tốp đã khuyên các nhà khoa học VN nên nghiên cứu vũ trụ và đi vào lĩnh vực vụ trụ, bỗng Bác Hồ đứng ngay dậy, ngắt lời thiếu tá Ti Tốp, Bác nói: các nhà khoa học VN nên nghiên cứu “các loại khoa học là là mặt đất thôi!” Giáo sư Trần Kiên kết luận “ Tôi đã suy nghĩ nhiều về lới khuyên của Bác và chuyển đề tài “thần kinh cá chép” của tôi sang nghiên cứu đề tài “ là là mặt đất” là “ khẩu phần ăn của cá Rô – Phi”.

Toán học rất vĩ đại, Viện nghiên cứu toán học cao cấp mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đang là Viện trưởng rất sang trọng. Nhưng các bệnh viện nhi đồng ở nước ta các cháu thiếu nhi đang phải nằm chung 2 – 3 cháu một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất. thì mọi sự sang trọng phải xem lại! Mọi vật trang trí phải xem lại.

LPK

4/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog