Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Chiều


Đọc blog quê choa có câu tác giả Nguyễn Quang Lập viết Thi Hoàng có câu thơ "Có những buổi chiều không biết cất vào đâu", tôi chợt nhớ, Giao Thừa của tôi ra sao. Buổi chiều trước Giao Thừa, hỏi cô bạn ngồi bên cạnh trên chuyến xe về nhà sau khi chúc nhau để nhớ tối là Giao Thừa, hỏi cô sẽ làm gì, cô bảo "ngủ" và cô quay ra hỏi tôi làm gì? Tôi cũng ớ ra biết làm gì, thì cũng ngủ thôi và bắt đầu ngủ từ bây giờ, cũng là Giao Thừa ở VN, nghĩa là xe bắt đầu chuyển bánh là ngủ và về nhà ngủ tiếp tới Giao Thừa nơi tôi đang sống. Cô bảo cô ăn Tết cuối tuần rồi nên giờ chẳng làm gì vì chồng cô cũng đi vắng. Tôi thì có khác gì cô đâu, cũng ăn Tết cuối tuần, có điều tôi mua sẵn trái cây để bề bộn ở trên bàn, định bụng tối nay sắp ra rồi để đó.

Chiều về năm nay tôi không phải sắp dọn gì, trái cây đã được sắp dọn để sẵn. Mọi năm tôi làm để sẵn ông chồng tôi sẽ làm công việc lớn là thắp hương. Vì tôi không biết vái ra làm sao cả, tôi đoan chắc chồng tôi chỉ biết thắp hương chứ vái thì cũng mụ như tôi thôi. Cho nên năm nào cũng giống như năm nào, dù cũng đủ "Cầu vừa đủ xài" như thiên hạ, và cũng chỉ có thế mà thôi. Tuy nhiên năm nay ông chồng tôi làm hết, vì ông đã có cả năm chả phải làm gì, nên mỗi cái việc rất quan trọng này thì phải tươm tất thôi. Về nhà thấy mâm cỗ đã sắp đều đặn, tôi chỉ việc "xúi" đại loại "Năm nay hợp mạng Thủy, anh mạng Thủy thì anh nhớ bước chân xông đất trước đừng để em bước trước" , dặn cho có vậy chứ từ hồi nào tới giờ ông chồng tôi là người xông nhà mấy chục năm nay chứ tôi chỉ quanh năm ngủ nào có biết giờ Giao Thừa lúc nào đâu cơ chứ. Giao Thừa tết Tây thì còn có tiếng pháo đùng đùng đâu đó, đánh thức giấc ngủ giữa đêm thì tôi còn tỉnh vài giây rồi thôi, ngày còn trẻ còn trông ngóng mở TV xem Giao Thừa ở NewYork ra sao, rồi ngày đầu năm dán mắt vào TV xem diễn hành. Thế rồi không biết tự bao giờ mấy thói quen ấy cũng quên mất luôn, có lẽ khi con còn nhỏ mình còn tham dự vào nỗi vui với trẻ con. Bây giờ nói theo người bạn là loanh quanh "hai con khỉ già", nên chả ai buồn chúc nhau. Có chăng ngày Tết tự nhiên cây hoa Đào trước cửa nở bung ra sau mấy ngày chủ nhân của nó cứ thắc mắc nhìn cái cây không hiểu hoa hiếc đâu sao chả thấy, chỉ thấy trơ cành, vậy mà chỉ đúng ngày Tết là hoa nở rộ một màu hồng, thế mới lạ cho thời tiết và cảnh vật, Hoa còn biết ngày Tết để nở, mà Tết ta nhé, ngày tết Dương Lịch thì nụ hoa vẫn ngủ. Và mỗi năm nhìn hoa lại biết một cái Tết lại qua đi.

Cho nên ở xứ người thôi thì cũng tập cho mình như hoa, chờ đúng ngày nở , cũng hẹn hò chúc nhau rối rít. Mấy người bạn chung sở hẹn hò rủ đi ăn, nghĩ đến cái cân lại ngại ngùng. Người bạn than Tết nơi xứ người buồn quá, nhìn tuyết đổ mà lòng nhớ quê hương, tôi bật cười hình như đời sống của tôi bao năm không có thì giờ để buồn vì nhớ Tết, buồn nhiều thứ nhưng lại không có thời gian để ngồi bên cửa số nhớ Tết. Người bạn gọi chúc Tết, tôi cười đến nhăn răng, hỏi có gì ăn không? Bạn than Tết đã qua rồi, bạn sống ở xứ người nhưng tính giờ theo VN. Cũng lạ năm nay lại tự nhiên gọi chúc Tết tôi, mọi năm đâu cất công làm việc ấy. Tôi hỏi, có phải vì đang không còn trẻ, nên muốn đi một vòng trở lại tuổi thơ nhớ Tết. Bạn bảo "Còn phải hỏi" . Ôi chao nghe mà ngậm ngùi, có khi những năm sắp tới sẽ được bạn bè gọi chúc Tết nhiều lắm đây. Một cách để xem ai còn chờ Tết ?

Tết ở trong lòng mình, nếu cảm thấy Tết đến như hoa Đào nở thì Tết ở đâu cũng có một ý nghiã, Tết nơi quê nhà bây giờ cũng đã khác với những xô bồ như một hình thức lễ hội khác của VN, kể ra người VN lạc quan hạnh phúc cũng đúng thôi vì họ ăn Tết nguyên cả tháng Giêng như lời một người phụ nữ trả lời phỏng vấn trên radio hôm nọ. Họ vui từ Tết Dương Lịch cho đến Tết ta. Còn chúng ta những người xa xứ, nếu mình có tưởng nhớ Tết là Tết của quá khứ trong lòng mình, phải chăng? Cứ tưởng như mình đang về quê, rời khỏi thành phố để tìm thấy một sự yên tĩnh của ngày Tết, làm mới lại mình từ tinh thần tới thể xác, chuẩn bị cho một năm mới, có chút thì giờ cho riêng mình để suy nghiệm về một thời khắc đã qua đi và để lòng bình yên cho thời khắc giao mùa. Đó là sự chuẩn bị, không phải là nỗi buồn xa xứ trong ngày Tết của tôi hay của bạn, những người xa quê hương. Cứ nghĩ như thế, cho nên năm nào cũng như năm nào đối với tôi, tai ương buồn phiền nào rồi cũng được tẩy sạch trước một Giao Thừa, nghĩ thế cho nên tôi chìm vào giấc ngủ, Giao Thừa đi qua tôi cũng không hề biết. Thi Hoàng có một buổi chiều không biết cất vào đâu, còn tôi một năm có rất nhiều chiều không biết cất vào đâu, nhưng có một buổi chiều cuối năm cất rất kỹ trong lòng mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog