Tối thứ Sáu tôi hay nghe nhạc, nhưng tuần rồi tôi chả nghe nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc Việt mà tôi nghe nhạc ... cải lương. Từ lâu download được một cái chương trình cho Iphone để nghe được các làn sóng radio, tôi tìm ra những đài tiếng Việt để nghe, mà lạ chỉ có đài tiếng Việt ở tiểu bang khác chứ mấy đài Little Saigon hay San Jose ngay Cali thì tôi không tìm được để nghe, tìm được cả đài VOV nữa, nhưng nghe buồn ngủ lắm.
Cho nên cứ mở hết đài này đài kia ra, nghe thiên hạ quảng cáo thuốc trị bá bệnh nên tôi tắt để nghe một tuồng cải lương trước giờ đi ngủ, nghe giọng ca thì tôi cũng thấy quen quen giọng của nghệ sĩ trước 75, hình như Lệ Thủy, nhưng tôi chả đóan được là tuồng gì. Vì hồi xưa tôi không để ý đến cải lương cho lắm, có nhiều khi ba tôi có vé mời đi coi mà chị em tôi cũng chả bao giờ đi xem. Kinh nghiệm đối với cải lương chỉ là những ngày còn bé nhà trong cư xá ở sát bên cạnh rạp hát, cho nên mấy chị em cứ trố mắt đứng trong vườn nhìn qua rạp hát nơi các nghệ sĩ đang trang điểm, rồi có khi dòm lén vào kẽ hở xem tuồng họ hát ở bên trong. Và ngày ấy còn bé quá để biết thưởng thức cải lương. Khi lớn lên thì lại cho tân nhạc là hợp thời hơn, nên cũng không mê cải lương. Về sau có TV, thì thỉnh thoảng có xem, nhưng lúc đó TV thường chiếu cải lương theo những kịch bản xã hội tân thời chứ ít chiếu những tuồng tích cải lương xưa.
Nhưng bây giờ ở xứ người, tôi lại thấy cải lương là một phần đời sống tự dưng thấm vào mình hồi nào chẳng hay. Nó như những câu hò hát ở đâu đó, gợi lại một kỷ niệm một nơi chốn mà tôi đã sống, có những buổi trưa nằm ngủ nghe nhà hàng xóm mở thật to những bài cải lương để lọt vào tai, như câu hò những đưá bé ngủ một giấc trưa trước khi đi học buổi chiều, chúng chẳng cần tiếng mẹ ru mà là radio hàng xóm ru bằng những bài cải lương, hồi đó cứ không hiểu sao khu phố quá ồn ào. Mỗi lần nghe cải lương là tôi lại nhớ tuổi thơ mình trong ngôi nhà ở Phú Lâm, Sàigòn, thời ấy ngôi nhà ở một khu riêng biệt có vẻ như một khu cư xá ở ngoại ô Saigòn, con đường vào thành phố vẫn còn những bờ ruộng lúa, những tấm bảng quảng cáo thật to, mà đối với một đưá trẻ chỉ biết ăn với ngủ thì cái gì cũng còn lạ lẫm và tân thời lắm, bây giờ Phú Lâm hẳn là sầm uất và đông chật chứ không còn như xưa. Và ở Phú Lâm là nơi tôi đã được nghe cải lương nhiều nhất, hầu như nhà nào cũng mở, đi tới đâu cũng nghe thấy. Thời ấy tôi nghe rất nhiều từ hàng xóm, như người ta nghe tiếng rao hàng sáng trưa chiều tối ở Sàigòn vậy. Để rồi khi ra miền Trung tôi ít còn được nghe nữa. Và tôi cũng quên đi những khúc hát cải lương đó.
Đêm nằm nghe cải lương với những lời hát bình dị nhưng đầy tính chất khuyên răn con người sống cho phải đạo, dễ thấm vào lòng người bằng những câu hát. Trẻ con đã được "giáo dục" bởi những câu hát như lời mẹ ru ấy, để cho dù đứa trẻ ở nông thôn dù không được học những bài học công dân giáo dục, vẫn có thể lớn lên sống làm người biết nhân nghĩa lễ trí tín một cách đầy đủ. Tôi thấy tiếc là hồi đó tôi không nghe cải lương cho nhiều vào, ít ra ngày nay tôi cũng mở ra cho con tôi nghe, biết đâu con tôi chẳng học được dăm điều hay ho :-) Và nhất là tôi biết, nếu có gì để cho tôi nghĩ tới quê hương thì có lẽ là những giọng hát cải lương thời xa xưa ấy. Nó như một dấu tích cho tôi hình dung ra một xã hội cộng đồng miền Nam ngày ấy hình như rất thanh bình với tiếng hò tiếng hát vào những buổi trưa hè, như trẻ con ở làng quê nghe tiếng ve, và tôi thì nghe tiếng hò cải lương vậy. Nghe cải lương mà tiếc một thời đã qua (đã không mê cải lương)!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét