Cuối tuần đi chứng giấy, thấy ông cụ chứng giấy có hơi bị lẩm cẩm, mình đi chứng mà mình lại phải chỉ ông phải làm gì đóng mộc ở đâu, ông cụ còn suýt tí tí nữa quên ghi vào sổ, nhưng phong thái ông cụ toát ra dáng vẻ một người trí thức, một nhà mô phạm. Cho nên ngồi ngắm ông rồi buột miệng hỏi ông có phải là nhà giáo không? Ông cười bảo ông đi dậy tiếng Tây từ thủa mấy chị em tôi chưa ra đời. Rồi ông mở trường, ông là hiệu trưởng, ông dậy dỗ bao thế hệ để rồi ông bị cộng sản dẹp trường và cho ông đi tù, quả là một khoảng đời rất đáng ngồi nghe ông kể chuyện, tiếc là ông bận bịu quá, về nhà cứ tiếc mãi không có thời gian nói chuyện với ông cụ. Cô em ở nhà bảo ô hay cái chị này, ông là thầy giáo ở Sao Mai, Phan Châu Trinh, bảng để đầy trên tường đó sao không đọc. Thế là buổi chiều lại có việc đến nhờ ông, hai chị em lại tự nhận là học trò. Kể ông nghe trường cũ không còn, ông bảo ừ cho "chúng nó" xoá đi, chứ để mà không có cái tinh thần dậy dỗ như ngày xưa thì để làm gì cho mang tiếng. Ý ông cụ không muốn thế hệ sau, học từ những cái trường mang tên ấy mà sự giáo dục đã khác hẳn. Nhìn ông nói và kể chuyện cứ nghĩ về một lớp người được gọi là trí thức. Câu hỏi cuối cùng dành cho người trí thức không phải là những gì họ thành đạt cho bản thân, cho gia đình họ. Người thành đạt làm kinh doanh giàu có đem lại sự thịnh vượng cho gia đình họ, cũng chưa chắc là trí thức, bởi vì có khi họ chỉ là "cường hào, địa phú" như tên gọi thời xưa. Trí thức phải khác hơn, bởi vì câu hỏi họ dành cho họ sẽ là "họ đã làm gì cho đất nước hay đúng hơn là cho xã hội", phải chăng?