Theo blog Hiệu Mimh
Gordon Thuy
Chúng tôi học chung với nhau cùng một mái trường toàn nữ sinh suốt 7
năm, từ lớp 6 đến lớp 12. Thời ấy không tách trường cấp 2 và cấp 3 như
bây giờ. Lên đến cấp 3, ngày xưa gọi là trung học đệ nhị cấp, thì chọn
ban chuyên môn như ban A (Sinh vật), ban B (Toán-Lý-Hóa), hay ban C (Văn
chương – Sinh ngữ – Triết), tuy khác lớp nhưng vẫn ở cùng hành lang với
nhau.
Cả bọn ra trường đầu thập niên 1970, rồi tứ tán mỗi kẻ một nơi. Một
vài bạn đi du học, số khác theo học các đại học Sài gòn hoặc theo chồng
bỏ cuộc chơi.
Năm 1975 lại tan đàn xẻ nghé lần nữa, một số di tản với gia đình
trước ngày 30 tháng tư, một số vượt biên sau đó, phần đông may mắn đến
được bến bờ mới, có một người gặp số phần hẩm hiu vùi thân dưới lòng
biển sâu. Số còn lại lăn mình vào cuộc đổi đời, tìm một chỗ đứng cho
mình. Từng bóng hình cũ của tuổi học trò nhạt nhòa dần trong trí nhớ.
Từng khuôn mặt mới xuất hiện dìu dắt, chia xẻ, gắn bó trong cuộc đời
trưởng thành.
Cho đến một ngày đầu thiên niên kỷ,
định mệnh lại đưa đẩy cho bạn bè tìm gặp nhau qua các trang nhà của các
hội ái hữu cựu học sinh trường này trường nọ ngày xưa. Niềm vui vỡ òa,
chao ôi ta bắt được mi rồi, trốn đâu biệt tăm biệt tích thế con khỉ?
Nhóm email được lập ra, chuyện “Đời Cô Lựu” kể qua kể lại, hình ảnh đức
lang quân cùng hậu duệ đưa lên trình làng. Những cuộc họp mặt mini xuất
hiện mỗi khi “họ ngoại” về nước thăm gia đình và bạn bè, hay “họ nội” ra
nước ngoài định cư hay du lịch đó đây.
Tháng 9 năm nay, 2016, một nhóm 4
người từ Maryland, Massachussetts, Texas, và Việt nam hăm hở khăn gói
lên đường thăm một số bạn đang cư ngụ tại Berlin, Frankfurt tại Đức, và
St. Berthelemy tại Thụy sĩ.
Cả bốn đáp máy bay đáp xuống phi
trường Berlin gần giờ với nhau trong cùng buổi sáng để chủ nhà tiện việc
đón tiếp. Vừa bước ra khỏi hải quan là thấy một máy chụp hình dí sát,
chặn ngay trước mặt, cứ như ta đây là ông lớn bà lớn nào đấy được phái
đoàn báo chí đón tiếp. Chị bạn đã “lượm” từng tên một từ các cổng khác
nhau, mình là đứa cuối.
Hai vợ chồng bạn đã giúp khách thuê
phòng tại một khách sạn nho nhỏ xinh cách nhà vài trăm bước. Vợ chồng
chủ ở một căn hộ xinh xắn tại một khu yên tĩnh trong lòng Berlin, tậu
chiếc BMW để đi lại nơi xa, ngày thường đi xe đạp ra chợ mua thực phẩm
hay đến tập gym cách đó không xa. Nhà đầy hoa và cây cảnh, căn bếp xinh
xắn gọn gàng, đồ đạc sắp đặt đâu ra đó, tủ lạnh bé tí so với tiêu chuẩn
Mỹ nhưng vẫn có đủ những món cần thiết vì đi chợ thường xuyên và không
tậu những bành thực phẩm to đùng như dân Mỹ thường bê về từ trung tâm
bán sĩ Costco. Tự hỏi tại sao nhà mình tủ lạnh to đùng, lại có riêng một
tủ đá ngoài garage làm chi thế nhỉ? Mười vật có mặt trong nhà mình thì
chỉ dùng đến 2 hoặc 3, số còn lại chơ vơ cùng tuế nguyệt chẳng biết để
làm chi qua bao năm tháng.
Những ngày ở Berlin là dịp học hỏi về
văn hóa, kiến trúc, và lịch sử Berlin và nước Đức. Chồng bạn dẫn đường
lên xuống metro, kể cho nghe nhiều giai thoại thú vị còn hơn tour guide
thứ thiệt, vì anh thích tìm hiểu đọc sách, nên đã từ lâu nổi danh trong
nhóm bạn bè về tài hướng dẫn du lịch. Buổi chiều đâu tiên đi viếng “nhà
thờ cụt đầu” Kaiser Wilhem – Gedächtniskirche được vua Wilhem cháu nội
xây để vinh danh vua Wilhem ông nội, hoàn thành năm 1895. Nhà thờ bị
dội bom bể nát nhưng được chăm chút giữ lại để nói lên ý chí tái thiết
đất nước từ hoang tàn đổ nát của người Đức sau thế chiến thứ hai.
Ngày sau ra nhà ga chính Hauptbahnhof
lấy xe điện đi viếng thăm dinh bà thủ tướng cho đủ lễ, bước sang toà nhà
quốc hội Đức Bundestag, cổng thành Brandenburg, đại học Humbolt. Bước
dọc sảnh đường trưng ảnh 29 vị giáo sư của trường đã nhận giải Nobel,
với những nhân vật tên tuổi như Einstein, Koch (vi trùng lao), thấy thật
nể phục. Quên hỏi tại sao các giải Noel chỉ được trao từ 1900 đến 1950.
Chẳng lẽ các hậu duệ sau này của trường không làm nên cơm cháo gì?
Trọng tâm buổi chiều tập trung vào bức
tường Bá Linh. Thành phố Bá linh nằm trong vùng Đông Đức nhưng sau khi
bại trận thế chiến thứ nhì được chia ra làm Tây Bá linh (dưới sự kiểm
soát của Đồng Minh) và Đông Bá Linh cùng Đông Đức (Liên xô kiểm soát).
Tây Bá linh lọt thỏm trong “vùng địch”, qua thập niên 1950 thì phát
triển vượt mặt Đông Bá linh, nên có những cuộc di dân tự phát từ Đông
sang Tây khiến cho nhà cầm quyền Đông Đức không vui. Đùng một phát, năm
1961, Đông Đức rào kẽm gai chặn các lối đi sang Tây Bá linh rồi nhanh
chóng xây bức tường kiên cố ngăn cách đôi bên, dài 140 km, cô lập Tây Bá
linh lại, gây chia lìa bất ngờ đau đớn cho biết bao gia đình hai bên
Đông-Tây trong nhiều thập kỷ, và đã khiến bao kẻ liều mình vượt tường để
được đoàn tụ với người thân, phó mặc cho rủi ro chết thảm khốc vì bị
bắn bỏ.
Hai vợ chồng bạn đi du học trước 1975
rồi ở lại, và đến làm việc tại Tây Bá linh trước ngày nước Đức thống
nhất. Thời ấy Tây Đức khuyến khích người ta đến vùng bị phong tỏa này
sinh sống nên trả lương cao hơn nơi khác. Hai anh chị còn nhớ những đồn
kiểm soát, bức tường sừng sững, những chuyến xe điện chạy suốt ngang
vùng Đông Đức không dừng lại, và không khí lạnh lùng giữa hai bờ
Đông-Tây.
Là nhân chứng lịch sử ngày dân chúng
bên Đông Bá linh vượt tường sang Tây Bá linh, anh chị kể lại không khí
sôi nổi những ngày ấy, buổi tối xem tình hình chuyển biến từng bước trên
TV, buổi sáng vào sở nghe mọi người bàn tán, những ngày sau đó chứng
kiến bức tường bị gỡ bỏ từng viên gạch, v.v. Ngày nay hầu hết bức tường
không còn tồn tại nữa, nhưng vết tích của nó là hàng gạch làm móng tường
vẫn còn trên đường đi, vỉa hè, v.v. và được đánh dấu bằng những tấm
bảng đồng khắc cho biết nó đã từng ở đấy. Một phần nhỏ bức tường được
giữ lại nguyên vẹn cạnh dòng song Spree và cầu Oberbaumbrücke cho mọi
người thấy nó cao và dầy đến độ nào.
Ngày xưa mặt tường Tây Bá linh từng
được “nghệ sĩ nhân dân” ghé đến sáng tác, gồm những nét vẽ và “bút tích”
theo kiểu “vẽ“bụi” (graffiti) thường thấy tại các thành phố lớn. Mặt
tuờng Đông Bá linh ngày xưa để trống, vì dân Đông Bá linh không ai được
léo hánh đến gần tường, nếu không sẽ bị bắn bỏ, nay thấy có vài triển
lãm trên tường, hôm tôi ghé đến là triển lãm về người tỵ nạn Syria.
Nước Đức thống nhất không đổ một giọt
máu khi bước tường Bá linh bị phá bỏ và Đông Đức xin được sát nhập vào
Tây Đức năm 1990. Từ đấy người dân Tây Đức đã gồng gánh cưu mang Đông
Đức để cả nước cùng phát triển, nhưng đến nay lương công chức làm cho
chính phủ của người dân Đông Đức vẫn được qui định thấp hơn lương Tây
Đức 30%.
Tôi thắc mắc làm thế nào để định nghĩa
người làm việc Tây-Đông đế phát lương, căn cứ vào giấy khai sinh hay
chứng nhận hộ khẩu, thì được cho biết căn cứ vào nơi làm việc. Làm việc ở
Đông Đức thì lãnh lương theo chỉ số Đông Đức, và ngược lại. Các công ty
tư nhân thì tự định lấy mức lương cho nhân viên của mình, nhưng trên
thực tế vẫn dựa vào giá thị trường, nên lương Đông Đức vẫn thấp hơn
lương Đông Đức. Ngày nay nhìn Đức phát triển không khỏi khâm phục quyết
tâm khép lại quá khứ để thống nhất đất nước trong hòa bình của ngưòi
dân.
Nơi tưởng niệm những người Do Thái bị
giết hại ở cách cổng thành Brandenburg một block đường. Khu đất rộng 19
mẫu, gồm 2,711 khối bê tông, kích thước như nhau như những ngôi mồ, chỉ
khác chiều cao, cao thấp chập chùng, từ 2 tấc đến gần 5 mét. Đi dọc theo
những “ngôi mộ” này, có lúc lấp xấp dưới chân, có lúc vượt lên che
khuất đầu người khiến ta không còn thấy được bạn cùng nhóm, tạo nên một
cảm giác rờn rợn u uất.
Ngày thứ ba đi viếng thăm nhà thờ
Berliner Dom và thưởng thức món ăn đặc sản của người bản xứ. Nhà thờ đẹp
và còn nguyên vẹn nhưng không nổi tiếng bằng “nhà thờ cụt đầu”, nơi có
tổng giám mục trụ trì.
Các cửa hàng ăn uống ngoài lề đường
đầy khách ngồi ăn nhộn nhịp trong không khí ấm áp cuối hè. Đi ngang qua
hàng quán nào cũng thấy dân Đức ngồi trước “lọ” bia to đùng, màu hổ
phách trong vắt phủ bọt, ly thì cao đến cả nửa thước, cốc thì to như cái
siêu sắc thuốc bắc. Nước Đức nổi tiếng về bia, và tửu lượng của người
dân bảo đảm “dô dô” được khối bia trong những ly cốc khổng lồ ấy
Hai anh chị bạn giới thiệu món giò
heo đặc biệt của miền Nam nước Đức (Munich) là schweinshaxe, da nướng
dòn, hầm với nước sốt nâu đậm gần giống như thịt kho tàu, mỗi phần ăn là
nguyên cả một cái đùi to đùng, nhà hàng dọn thêm hai quả cầu khoai tây
nhồi bột rồi luộc gọi là Kartoffelkloesse, gọi một phần rồi cả bọn chia
nhau, cùng với những món ăn nhẹ khác.
Berlin hào nhoáng và hoành tráng, các
vết tích chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh đã nhạt nhòa, ngày nay là
một trung tâm chính trị và thương mại sầm uất. Bức tường chia cách hầu
như đã biến mất, chỉ còn lại những “ranh giới” phải có người bản địa chỉ
ra cho mình mới thấy được: phía Tây Bá linh thì có hệ thống xe điện,
phía Đông Bá linh là xe buýt.
Để ý kỹ hơn nữa thì nhà cửa đường xá
bên Tây khang trang hơn bên Đông. Dân nhập cư đầy đường phố, mở các cửa
hàng buốn bán dịch vụ ì xèo trong những khu bình dân. Thỉnh thoảng thấy
có những bảng trên đường phản đối chính sách nhận người Syrian như
“Nước Đức của người Đức”. Chủ nhà luôn mồm cảnh giác khách phương xa về
nạn móc túi và giật đồ, may mắn không bị mất mát gì trong thời gian thăm
viếng. Người Thổ rất đông, hình như là hàng thứ dân nhập cư thấp nhất
trong xã hội Đức hiện nay.
Người Việt ở Berlin cũng nhiều, hay
kinh doanh về các cửa hàng bán thức ăn nhanh đầy dẫy tại các nhà ga xe
lửa hay các shopping mall. Có nghe nói đến chợ Đồng Xuân bán quần áo
nhưng không có thì giờ đến viếng. Bạn cho biết con cái người Việt nổi
tiếng học giỏi, tạo ấn tượng tốt đối với các nhà giáo dục Đức.
Ba ngày ngắn ngủi thăm viếng Berlin đã
qua. Sáng ngày thứ tư chị bạn dẫn ba bà ra xe điện trực chỉ nhà ga
Hauptbahnhof để bắt xe đi Frankfurt. Ông chủ đèo bà còn lại trên xe hơi
cùng đống hành lý to đùng tải ra sau. Nhà ga Berlin Haptbahnhof cực kỳ
to lớn, phục vụ các chuyến đi địa phương trong vòng Bá linh, cùng những
chuyến xe đi các vùng khác trong nước Đức như Frankfurt, Munich, và cả
những tuyến lên các nước Bắc Âu như Hòa lan, Đan mạch, v.v. Phải nhìn
bảng chỉ dẫn cho kỹ để biết chuyến xe của mình sẽ đến bến số mấy, tầng
lầu nào. Lên lộn là phải đi xuống trở lại, không cách gì đi bộ qua đường
ray để qua bến khác được.
Ở bên Mỹ phải mua vé, cho vé chạy qua
máy thì cửa mới mở cho mình vào bến. Ở Berlin mọi người cứ hồn nhiên
thoải mái bước lên xe ngồi chễm chệ. Trên đường đi có thể, có thể thôi,
người soát vé đến chỗ ngồi yêu cầu mình trình vé. Ngồi nghĩ thầm trong
bụng may ra mình có thể đi quỵt nếu may mắn không gặp “ổng”.
Trong mấy ngày đi lại Berlin thì thấy
50/50, có chuyến bị xét, có chuyến không. Lỡ bị bắt thì tiền phạt rất
cao, đến 60 euro, trong khi vé xe chỉ vài euro. Người ta giảm giá đặc
biệt cho nhóm, nên vé nhiều người đi suốt ngày giá 60 euro chẳng hạn, có
thể đi từ 2 đến 6 người. Đi 2 người thì mỗi người tốn 30 euro, đi 6
người thì mỗi người chỉ tốn 10 euro.
Ngồi trên xe lửa êm như ru bồi hồi nhớ
lại kỷ niệm ngày xưa cùng học chung mái trường. Ngày xưa những con “búp
bê” lùn tịt, cắt tóc bum bê hay cột đuôi ngựa, xúng xính áo dài trắng,
“ba vòng như một”, bá vai nhau đi nhặt hoa phượng rơi trong sân trường.
Bốn thập kỷ trôi qua! Bạn mình nay gắn bó với người bạn đời mình chưa hề
biết mặt, học hành, làm việc trong nhiều môi trường khác biệt từ VN đến
trời Âu, Mỹ, nói cả một thứ tiếng quá xa lạ với mình.
Thế rồi hữu duyên tái ngộ tại Berlin,
đời như một giấc mơ! Bạn ở Đức làm việc rất khoa học chính xác, tổ chức
đâu ra đó, buổi sáng đãi ăn tại nhà với các loại bánh và xúc xích Đức,
buổi chiều đã nấu sẵn nồi nước phở hay hủ tiếu cho có hương vị quê
hương. Đi tham quan thì vợ chụp hình, chồng hướng dẫn, về nhà vợ bếp
núc, chồng bày bàn và dọn dẹp rửa chén, khách về khách sạn rồi thì lên
máy tải hình đã chụp trong ngày với vài lời thuyết minh để nhóm bạn ở
nhà có thể cùng theo dõi hằng ngày. Sáng ngày thứ tư vừa tiễn khách lên
đường là hai ông bà lên xe lái 8 tiếng trực chỉ Đan mạch, theo chương
trình du lịch riêng đã định sẵn. Giờ nào việc ấy, tính toán rất sít sao
khoa học.
Xin chào tạm biệt Bá linh với những
đền đài lịch sử hoành tráng, những người bạn chu đáo thân tình, và những
kỷ niệm đẹp khó quên!
Gordon Thuy. TM. 27-9-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét