Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Tiếng chuông

Vợ chồng Giang có thói quen không biết từ bao giờ, có lẽ cũng hơn hai chục năm, một thói quen mà nàng thường nói đùa với mấy cô em đó là thời gian "quality time together", nghĩa là thức dậy sáng thứ Bảy, dù trời ảm đạm hay nắng, trừ trời mưa.  Vợ chồng nàng theo nhau xuống phố, phố ở đây không phải là shopping mall, đến một quán café hay xếp hàng trước một quán điểm tâm như thiên hạ mà Giang thường thấy trên đường Main, mỗi sáng cuối tuần.  Cái quán quảng cáo trứng với bánh mì không hiểu có gì đặc biệt, nhưng thiên hạ mấy chục năm nay vẫn xếp hàng vào ăn, và vợ chồng nàng không bao giờ có đủ kiên nhẫn để xếp hàng cho một món trứng cho nên năm này sang năm khác, từ thứ Bảy này đến thứ Bảy tuần sau vẫn tiếp tục (nhịn đói) nối gót nhau vào chợ Trời.  Bước xuống xe, là người đi trước kẻ đi sau cứ thế mà thong dong hít thở không khí buổi sáng thứ Bảy, làm như không khí ngày cuối tuần (ở chợ Trời) mát mẻ hơn vậy.  Chợ Trời nơi thành phố Giang ở, nằm trong sân đậu xe của một trường đại học cộng đồng, cứ cuối tuần, trường cho dân mướn để bán buôn, vì thế mà trường có thêm ngân sách để tu bổ trường lớp. 
Cũng vì thế mà Giang cảm thấy sung sướng mỗi khi trở lại trường, ngôi trường mà đêm đêm Giang đã từng bước, tự hỏi sao mình làm khổ mình thế này, đi học làm chi dưới sương đêm lạnh lẽo, lúc ấy những lớp học cũ kỹ mốc meo, bây giờ được thay thế bằng những toà nhà mới toanh mấy tầng, có những kiến trúc hiện đại kiểu cách rất Mỹ, nghĩa là không giống những trường lớp cổ điển tường vàng mái đỏ, ô cửa sổ tròn mà là những khung cửa kính vuông, những cột tròn bằng sắt hay giống như sắt.  Ngôi trường đã đổi thay, mới hơn đồ sộ hơn, Giang nhủ thầm ngày nào không còn đi làm, không còn sức để đi du lịch, Giang sẽ trở lại trường.

Lan man nghĩ, Giang bước đi trong chợ Trời, nơi các gian hàng được dựng lên bằng những tấm bạt, người ta buôn bán bầy hàng đủ thứ thượng vàng hạ cám, đồ mới đồ cũ.  Cây cảnh, hoa quả, thi thoảng Giang ngừng lại xem cây, có cây nào mua được mang về trồng. Giang cố bước thật nhanh, vì Giang có chủ tâm mua gì đâu, chỉ là một buổi đi bộ tập thể dục sáng, cứ hết dãy hàng này lại sang dãy hàng tiếp, đủ năm vòng là hết cái chợ Trời, chợ ở đây tương đối nhỏ, không như cái chợ Trời ở quận Cam lớn có lẽ gấp ba lần. 

Hôm nay trên bàn bán đồ cũ của một cô Mỹ, Giang tìm thấy một chiếc chuông bằng thủy tinh xinh xinh, có chiếc thuyền treo lủng lẳng bên trong mạ mầu vàng.  Cầm lên rung tiếng chuông nghe thánh thót vui tai.  Bên ngoài chuông là tên thành phố Giang sống, chỉ với 25 cent, Giang mua về nghĩ sẽ bỏ vào tủ làm kỷ niệm xếp chung với những chiếc thìa nho nhỏ ghi khắc tên thành phố nào đó, Giang hay tha về sau một chuyến đi.   
Tuy vậy, Giang để nó ở cửa sổ cạnh bếp, để mỗi lần đứng rửa chén, Giang lại cầm chiếc chuông lắc một cái, cho chiếc thuyền be bé chạm vào lòng chuông vang lên tiếng động, làm vỡ cái khung cảnh yên tịnh, tiếng chuông làm cho Giang nhớ lại nhiều điều, nhớ đến ngoài sân Giang có ba cái chuông bằng đồng nho nhỏ khác đang treo trên cây, ba chiếc chuông bằng đồng ấy, Giang đã treo cẩn thận để chúng không động vào nhau gây nên tiếng động làm phiền hàng xóm.  Ở Mỹ, có người thích treo những phong linh bằng ống tre, hay chuông ngoài sân để khi gió bay, vang lên tiếng động vui tai, khổ nỗi có người thích có người không, đã từng có vụ kiện hàng xóm làm phiền nhau vì những tiếng động nho nhỏ như thế.  Cho nên Giang treo chuông và chỉ để khi nào mình bước ra sân, nhìn hoa nhìn lá, lại kéo ba cái chuông cho chúng vang lên vài tiếng.  Phải chăng ở một nơi mà đời sống không có tiếng cười, tiếng nói, người ta cần đến tiếng chuông?  Giang không rõ, nhưng tiếng chuông đem lại cho Giang sự bình yên dù tiếng động ấy đang làm vỡ cái không gian thinh lặng, như nhắc nhở sự tồn tại của mình chăng?  Đôi khi người ta ném đá hòn đá nhỏ xuống mặt hồ, để chỉ nhìn những vòng tròn sóng toả ra và tan biến?  

Ngoài kia nắng đang chuyển động, tiếng chuông be bé gợi cho Giang tiếng chuông của toà nhà ở thành phố những lần Giang nghỉ làm, đi lang thang ngoài phố trong những ngày thứ Sáu cuối tuần.  Ông boss cũ đã nghỉ, không còn ai cho Giang nghỉ tự do như thế, để có những lúc tưởng mình là triệu phú thời gian, đi lang thang vô hạn định, vô định hướng.  Tiếng chuông cũng gợi cho Giang một thời thơ bé, những buổi trưa xưng tội để ngày Chủ Nhật đi lễ thật sớm khi tiếng chuông đầu của nhà thờ vang lên, nhắc nhở cuộc sống bắt đầu bằng một sự hướng thượng.  Mới đây con về lại thành phố cũ, Giang hỏi, con có thấy ngôi nhà thờ lớn của thành phố.  Giang muốn kể cho con nghe những buổi chiều từ trường về nhà thờ của mẹ nó ngày xưa.  Và nếu kể được, không biết con Giang có hiểu, ti sao bây giờ trong nhà có cái mõ.  Không biết tự lúc nào Giang lại muốn nghe tiếng mõ tiếng chuông chùa, văn chương Việt hình như lúc nào cũng mô tả gắn kết tiếng chuông chùa với  một ngôi làng, với những mái tranh, làn khói mỏng và cổng làng bằng tre thì phải, nghe tiếng chuông chủa, Giang nhớ những bài chính tả thuả nhỏ, ngay cả khi đứng ở Hàn Sơn tự ở Tô Châu, nghe lại bài thơ  Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế ngâm lên bởi một chị đã từng học văn khoa thủa trước

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch của Tản Đà 

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Chỉ thấy cô quạnh của một ngôi chùa, hình ảnh cô độc của một vị sư trong chiếc am nhỏ trên núi mà Giang gặp mấy chục năm trước ở Đà Lạt.  Giang không từng sống ở làng quê Việt Nam, cho nên tiếng chuông chùa mang lại cho Giang hình ành quê nhà đã gắn kết trong văn chương Việt có phải?

Và giờ đây phải chăng tiếng chuông chùa nhắc cho Giang sự quay lại, ngồi xuống nhìn lại mình thay vì cứ vội vã bước đi trong gió trong nắng, rộn rã như tiếng chuông ở toà thị chính? Tiếng chuông chùa chầm chậm vang lên theo sức đánh của người cầm chuông, người ta có thể đoán được tâm trạng của người đánh qua tiếng tiếng chuông ngân dài ngắn? Trong khi tiếng chuông nhà thờ hay của toà thị chính nơi Giang sống lại đổ liên hồi, chỉ cần một cái kéo giây, chuông rung nhiều lần chỉ qua một lần kéo, như đã kéo Giang bước thật nhanh trên con dốc của đời mình, trước khi tiếng vang tắt dần.

Thi thoảng tiếng chuông tiếng mõ cũng khiến Giang nhớ một hình ảnh yên bình như hình ảnh bà cụ trong một cuốn phim "Mùi đu đủ xanh"
, lặng lẽ gõ những tiếng mõ mà ngoài kia có người đàn ông lấp ló đi qua đi lại nhưng không dám làm động khoảng không gian yên tĩnh của người đàn bà.  Đó là hình ảnh đẹp của một cuộc tình, và biết đâu người đàn bà ấy chẳng đang nói chuyện với ông cụ qua tiếng chuông tiếng mõ.

Giang nghĩ thế và cuối tuần này Giang sẽ đi tìm một cái chuông chùa.

May 15,2013 
NG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog