Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

NỖI LÒNG 30/4 của nữ nghệ sỹ Kim Chi

KIM CHI
Diễn viên điện ảnh KIM CHI (người quấn khăn rằn)
Trước đây mỗi năm tới ngày 30/4 tôi rất vui nên hay tổ chức gặp gỡ bạn bè. Nhiều lần tôi bay vào SG cùng đồng đội về thăm căn cứ cũ ở miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chúng tôi thắp hương cho bè bạn đã hi sinh để bày tỏ lòng tri ân với những người đã để lại tuổi xuân ở chiến trường. Rồi chúng tôi quây quần bên nhau cùng ôn lại bao kỉ niệm buồn, vui những năm chiến tranh ác liệt. Trong lòng chúng tôi tràn ngập niềm vui và tự hào vì nghĩ rằng mình đã dâng hiến cả tuổi trẻ để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những lần gặp gỡ truyền thống như thế, chúng tôi thường ngồi bên sông Sài Gòn hát bài “Mùa xuân trên TP HCNM” của Nhạc sĩ Xuân Hồng: …”Ôi đẹp biết bao biết mấy tự hào/Sài gòn ơi cả nước vẫy chào/Cờ sao đang tung bay cao,qua hết rồi những năm thương đau…/Mà niềm vui như đến bất ngờ/Ngày đi như trong đêm mơ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ”…

Ngày còn trẻ khi đang phục vụ trong đoàn Văn công Giải Phóng ở chiến trường, tôi rất tha thiết được kết nạp vào đảng NHÂN DÂN CÁCH MẠNG. Ngày kết nạp tôi đã sung sướng đến trào nước mắt. Tôi nghĩ là mình đang được đứng trong đội ngũ những người tiên phong nhất, tốt đẹp nhất, những con người dám đem cả mạng sống ra để giải phóng quê hương. Ngày ấy tôi tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng NHÂN DÂN CÁCH MẠNG. Rằng “Giải phóng miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Sẽ xây dựng một Việt Nam ẤM NO, TỰ DO, DÂN CHỦ, HẠNH PHÚC và GIÀU MẠNH”. Vì tin cho nên tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng hi sinh cho tương lai tốt đẹp của đất nước…
Ngày 30/4/1975, chúng tôi vui thực sự, vui đến phát khóc. Xuân Hồng viết đúng: “Vui sao, nước mắt lại trào…”! Những văn nghệ sĩ trên chiến trường thời ấy, cũng như tôi, ai cũng tin tưởng sau chiến tranh Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sang. Nhưng bây giờ, nếu Xuân Hồng còn sống, chắc ông sẽ chọc tôi: “Buồn chi, nước mắt lại trào?”. Đúng, ngày xưa khóc trong niềm vui chiến thắng, nay tôi lại phải khóc ‘trong nỗi đâu thời cuộc’, trong những nỗi buồn da diết!
“Vui sao, nước mắt lại trào” – bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do “nghệ thuật tuyên truyền”, và có lẽ chính người đi tuyên truyền thời ấy nay cũng “tâm tự vấn tâm” sự ‘ngộ nhận’.
Mấy năm qua, mỗi lần 30/4 tôi mất hẳn trạng thái cảm giác hạnh phúc, tự hào như những năm trước đây. Tôi buồn vì niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ vỡ. Nghĩ lại, nhận rõ và xác thực hơn: Những năm bom đạn ‘đi theo lý tưởng’ thì quả là “lớn rồi mà như ngây thơ”. Tôi cũng như biết bao đồng đội đã ‘ngây thơ’.
Đúng thế, dần dần tôi nhận ra lời tuyên bố hùng hồn của đảng CS ngày ấy nay như không hồn! Những điều nói và làm khác biệt, làm ngược với nói như thế, dân Nam bộ chúng tôi đã đúc rút: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Thực tế đời sống chính trị-xã hội đã khác hoàn toàn những điều tôi hằng tâm niệm, một sự giả dối mà họ không dễ tự nhận biết, không dễ sám hối!
Trong cương lĩnh đảng CSVN tuyên bố “người cày có ruộng”. Vì lẽ đó nên con em nông dân đi lính đông nhất khi đất nước có chiến tranh. Ở nông thôn miền Bắc VN đóng góp quá nhiều máu xương cho những cuộc chiến. Vậy mà cho đến hôm nay có rất nhiều gia đình vẫn đói nghèo vì bị cướp đất cho những dự án. Có còn xứ sở nào nhiều dân oan như ở VN không ? Hiến pháp VN không công nhận quyền tư hữu ruộng đất là cố tình để những nhóm lợi ích tước đoạt ruộng đất của nông dân. Câu chuyện chính quyền Tiên Lãng Hải Phòng dùng cả lực lượng quân đội và công an tấn công cưỡng chế đất của anh em nhà Đoàn Văn Vươn đã khiến dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ. Kết quả là luật pháp VN đã dùng luật rừng để bỏ tù người nông dân can đảm dám dám chống lại cường quyền. Rồi cái chết của Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình càng khiến dư luận xót xa. Rồi tiếp nữa Cấn Thị Thêu ở Dương Nội đang phải ở tù vì bảo vệ đất… Khắp nơi dân oan khiếu kiện bị mất đất, mất nhà. Đau xót lắm! Căm hận lắm !
Người nông dân mất ruộng buộc phải ra thành phố kiếm sống ở các khu công nghiệp. Các chủ nhà máy bốc lột họ đến tận xương tủy.
Trong số đó có nhiều người thuộc diện gia đình có công, đáng ra họ phải được nhà nước quan tâm chăm sóc. Mỗi khi tổng động viên, chính cha, anh, chồng , con họ đã ra trận và có rất nhiều người đã không trở về. Cho tới nay có rất nhiều gia đình còn chưa lấy được hài cốt của con em mình.
Đó là những chiến sĩ VN đã hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc.Phần đất đó nay bị Trung Quốc lấn chiếm.
Lãnh đạo VN sợ Trung Quốc đến nỗi cho đục bỏ cả tên tuổi của các chiến sĩ khắc trên bia đá ở biên giới. Tàn nhẫn hơn là mỗi lần anh em chúng tôi tố chức những cuộc tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma, ở Hoàng Sa, ở biên giới đều bị đám côn đồ và dư luận viên quấy phá, chửi bới tục tỉu. Mọi người đều thừa biết nếu không có đảng và công an đứng phía sau thì bố bảo bọn giặc ấy cũng không dám láo xược như thế.
Đã 40 năm “ giải phóng miền Nam” nhưng với người miền Nam thì từ “ giải phóng” đầy mỉa mai. Miền Nam trước đây được biệt danh là “ hòn ngọc viễn đông”. Nhưng “ giải phóng” vô thì họ mất nhà cửa , tiền bạc. Rồi chồng con bị tù đầy…Mất tất cả nên hàng triệu người miền Nam buộc phải trở thành thuyền nhân. Đã hàng ngàn người chết trôi, làm mồi cho cá mập. Những kẻ chiến thắng đã cư xử với người thua cuộc tàn bạo một cách tiểu nhân. Khi nhân ra được sự tồi tệ này tôi thấy vô cùng đau đớn.
Ừ thì gọi là thống nhất non sông liền một giải. Nhưng lòng người thì li tán hận thù vô biên. Nỗi đau mất miền Nam trong lòng những người Việt ở nước ngoài đâu dễ bôi xóa trong vài mươi năm. Đáng lẽ nhà nước VN phải tìm mọi cách hàn gắn vết thương vẫn còn đang rỉ máu đó thì tới giờ này vẫn khoét sâu thù hận. Vẫn luận điệu “thế lực thù địch”, “bọn ngụy quân, ngụy quyền MN”. Kêu gọi Việt Kiều về đầu tư xây dựng đất nước thì đã xảy ra bao vụ lừa lọc, cướp tiền của người ta…
Báo chí của đảng cứ ra rả nhận mình là “công bộc của dân”. Nhưng “công bộc” đất đai , nhà cửa nguy nga, tráng lệ ở khắp nơi trong, ngoài nước. Tiền bạc họ gửi ra bạc tỉ dollas ở ngân hàng thế giới. “ Công bộc” to ăn công trình, dự án to. “ công bộc” nhỏ ở nông thôn thì hiện nay bò, dê, gà chạy lạc vào chuồng nhà họ hàng đàn. Mà đó là những vật nuôi hỗ trợ cho chương trình xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Họ dọa sẽ trả thù những người dám tố cáo. Cái bọn “ công bộc” giả hiệu ấy chúng ăn từ dưới ăn lên, từ trên ăn xuống thì hỏi dân lành sao sống nổi? Con cháu các quan và các đại gia đều được đưa sang du học ở các nước tư bản tự do, nhiều nhất là ở Mỹ. Khi trở về nước họ đều nắm giữ những chức vụ quan trọng để tiếp tục đục khoét.
Cái gọi là “xây dựng kinh tế định hướng XHCN” đã làm cho nhà nước thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng ở nhiều dự án như Vinasin, Vinalines, Bauxite…Đường sá chỉ làm vài hôm đã sụt lún vì nhà thầu ăn bớt vật tư, làm ăn dối trá…Họ bán tất cả những gì có thể và giờ đây bán tiếp cây xanh ở thủ đô. Họ san lấp cả sông Đồng Nai để xây nhà hàng, khách sạn đón đầu dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn vào loại xếp hạng đứng đầu thế giới.
Nhà nước tiêu tốn quá nhiều tỉ đồng cho những việc xây dựng các tượng đài chỉ nhằm để phô trương. Thay vì dùng tiền đó để xây những chiếc cầu cho các tỉnh nghèo miền núi để trẻ em đi học qua sông không phải đu giây, không phải lội nước.
Về đường lối thì ĐCS và nhà nước VN vẫn quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường CNXH không tưởng. (Mặc dù tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng “ có thể trăm năm nữa XHCN cũng chưa hoàn thiện”.
Chính vì cái đường lối kì quái này mà hiện nay đất nước vẫn đói nghèo lạc hậu. Về quan hệ quốc tế thì VN ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc một cách thảm hại cả kinh tế lẫn chính trị:
– Biển đảo, đất đai biên giới của VN bị Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm mà các lãnh đạo VN cam tâm im lặng . Đáng lẽ ra VN phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc TQ ngang nhiên đưa con tàu HD 981 vào hải phận VN. Không dám kiện đã là hèn. Hèn hơn nữa là thẳng tay đàn áp những ai lên tiếng phản đối. Đội ngũ công an luôn sẵn sằng khủng bố, bắt bớ, tù đầy những người chống Trung Quốc. Đám dư luận viên hung hãn như một lũ chó điên, chúng tấn công, chửi bới những người đi tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa.Chúng dán cho những người dám đấu tranh cái nhãn “ phản động”.
– VN cho Trung Quốc thuê đến 340.000 ha đất rừng hạn 50 năm. Đó là những vùng rừng núi có tính chiến lược dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, là cửa ngõ từ Nghệ An sang Lào.Trung quốc đưa bao thức ăn tẩm độc vào để gây bệnh tật cho dân VN. Họ bày trò mua đỉa, mua dán để phá hoại môi trường VN. Rồi họ hợp đồng mua rễ hồi, củ hũ dừa… để phá hoại nền kinh tế tiểu nông của ta. Vậy mà nhà nước lúc nào cũng ra rả “ bạn 16 chữ vàng” và “ 4 tốt”.Giờ luận điệu đó chỉ lừa được trẻ con chứ sao lừa được nhân dân.
– Các blocger , các nhà báo dám lên tiếng tố cáo tham nhũng và chống Trung Quốc lần lượt vào tù. Hiện nay trong các trại giam còn rất đông các tù nhân lương tâm.
– Những đảng viên, những trí thức chân chính lên tiếng đấu tranh thì họ gán cho cái tội “ bắt tay với các thế lực thù địch để chống phá nhà nước” và họ bị bôi nhọ đủ kiểu, họ còn dọa sẽ xử lí.
– VN đã tham gia kí kết quốc tế nhân quyền (QTNQ), có chân trong ban lãnh đạo QTNQ. Nhưng chính VN là nước vi phạm quyền con người nhiều nhất. Nhiều TNLT bị tra tấn đánh đập hết sưc dã man trong các trại giam. Bao nhiêu vụ án oan sai đẩy người vô tội vào cảnh tù đày…
Với tôi bây giờ 30/4 không phải là giải phóng miền Nam. Miền Nam trước đây là mơ ước của Thái Lan, của Singapore. Vậy mà bây giờ VN ta tụt sau họ hằng thế kỉ. Miền Nam là vựa lúa xuất khẩu đi các nước.Vậy mà sau 30/4 một thời gian thì các nhà lãnh đạo đã khiến cho cả nước phải ăn độn khoai, sắn, ngô. Cảnh cấm chợ ngăn sông ngày ấy đã dẫn tới cảnh thiếu từng con khô, chai nước mắm…
Bây giờ mỗi lần 30/4, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời. Nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào ý chí của toàn dân VN cả trong và ngoài nước sẽ không để mặc cho những người lãnh đạo muốn làm gì cũng được. Những trí thức, đảng viên cấp tiến, những sĩ quan quân đội bên anh em trẻ trong các tổ chức xã hội dân sự cùng sát cánh trong đội ngũ xuống đường ngày càng đông. Theo xu thế văn minh tiến bộ của loài người nhất định nhân dân sẽ đòi được NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ, phải có hai thứ đó thì mới mong THOÁT TRUNG. Chỉ có thoát Trung thì Việt Nam mới cất cánh. Hiện nay các tỉnh phía Nam công nhân các nhà máy đã xuống đường hàng trăm ngàn người. Đó là báo hiệu đã có nhiều người bước qua nỗi sợ hãi. Tôi tin rồi sẽ tới lúc mọi người sẽ nhận ra mình phải tự cứu mình. Nhất định ngày đó sẽ tới. Các vị quan chức cao cấp hãy tin đi khi mà nhân dân đã nổi giận thì các vị sẽ mất tất cả. Nhất định nhân dân sẽ CHIẾN THẮNG.
Tôi mơ ước một ngày rất gần nước Việt Nam sẽ đổi mới theo cùng thời đại trên trái đất này với một thể chế chính trị thực sự hợp lòng dân, không còn ‘độc đảng sinh ra đảng trị độc đoán, chuyên quyền’, đi lên bằng chính sức mình bằng ‘cơ chế thị trường’, một đất nước thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền. Khi đó, tôi ‘lại sẽ vui’ biết bao khi được đoàn tụ cùng tất cả bà con, anh chị em ở hải ngoại trở về trong niềm vui hòa hợp dân tộc, cùng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
Hà Nội, tháng 4.2015
Nghệ sĩ KIM CHI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog