Nguyễn Văn Tuấn
Thỉnh thoảng đọc lại sách báo thời "bao cấp" tôi thấy cũng vui vui.
Chẳng hạn như đoạn sưu tầm dưới đây là trích từ cuốn sách "Văn học Giải
phóng Miền Nam" xuất bản năm 1976. Trích đoạn viết về Thiền sư Thích
Nhất Hạnh, Nhạc sĩ Phạm Duy, và Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Lời lẽ thì
khỏi nói các bạn cũng có thể đoán được: xuyên tạc. Viết về Thầy Nhất
Hạnh thì tác giả cho rằng "nhân danh con người trừu tượng, tình thương
chung chung, tung hoả mù làm lẫn lộn bạo lực cách mạng với bạo lực phản
cách mạng, xoá bỏ ranh giới giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược".
Còn viết về Phạm Duy thì "tung ra những bài tâm ca lời ai oán, nhạc
rên rỉ. […] Tâm ca ra vẻ phủ nhận chiến tranh, bất kể chiến tranh chính
nghĩa hay phi chính nghĩa, phủ nhận lập trường cả hai bên, đi vào cái
gọi là 'tự tình dân tộc'. Tâm ca giả vờ đi tìm một lối thoát, một sự lẩn
trốn của người văn nghệ trước thời cuộc, mà thực chất là một thái độ
đầu hàng nguỵ trang. […] Phạm Duy bày chuyện 'nước mắt mẹ' để biện hộ
khéo léo cho bọn xâm lược tàn bạo. Vì vậy, nhiều giáo sư và học sinh ở
Sài Gòn, ở Huế đã gọi Phạm Duy là 'tên phù thuỷ âm thanh' và đã chỉ ra
bộ mặt thực của tên bồi bút tâm lý chiến trâng tráo …"
Đọc những dòng chữ trên, nếu các bạn còn trẻ và không biết gì về
những tên tuổi đó thì chắc chẳng có cảm xúc gì, hay tệ hơn là tin vào
tác giả. Nhưng đối với những người từng lớn lên trong bối cảnh văn nghệ
thời đó, thời của Thiền sư Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Duy, thì chỉ biết
mỉm cười. Cười vì sự xuyên tạc thô bỉ và sự chụp mũ thô bạo của tác giả.
Cười vì trình độ của tác giả hình như chưa tới. Tất cả những câu chữ
trên đều nguỵ biện và diễn giải không đúng bối cảnh của Phạm Duy và
Thiền sư Nhất Hạnh. Đúng là họ (hai người đó và nhiều người khác nữa)
phản đối bạo lực, phản đối chiến tranh, phản đối Mĩ. Có lẽ chính vì phản
đối bạo lực và chiến tranh là đi ngược lại chủ trương của cách mạng vốn
dựa vào bạo lực, nên làm tác giả … bực mình.
Có lẽ vì bực mình và bị lu mờ bởi chính trị, nên những phê phán của
tác giả chẳng có gì là học thuật. Tác giả chỉ đơn giản múa may quay
cuồng chung quanh những khẩu hiệu giáo điều quen thuộc và ấu trĩ, nhưng
đeo mặt nạ "phê bình văn học". Thật tình, tôi chẳng nghe nói Phạm Duy là
"phù thuỷ âm thanh" bao giờ; chỉ nghe người ta xưng tụng ông là "Phù
thuỷ âm nhạc" thì có. Nhưng sự xưng tụng đó không phải là vì ông biện
minh cho "bọn xâm lược tàn bạo", mà vì tài nghệ của ông trong việc hoá
chuyển những bài thơ vô danh thành những bài nhạc bất hủ. Tức là tác giả
không biết bối cảnh của danh xưng mà viết một cách gán ghép hết sức bậy
bạ.
Mấy người làm công việc "phê bình văn học" thời bao cấp hay có thói
quen nguỵ biện và viết bậy. Nhớ trước đây khi Phạm Duy còn sống và sau
khi đã về VN định cư, ông được báo chí tán dương, thì có một bài báo của
một nhạc sĩ tố cáo rằng bài "Mùa thu chết" của ông là một xuyên tạc
Cách mạng Tháng Tám! Trời ạ, bài đó "Mùa thu chết" là do Phạm Duy phổ từ
thơ của Guillaume Apollinaire, chứ xuyên tạc gì đâu. Điều đáng nói là
ông nhạc sĩ tác giả bài báo rất dở đó lại chính là con của một nhà chính
trị và cũng là một học giả từng bị "Cách mạng" cho lên bờ xuống ruộng.
Tôi đoán những tác giả từng vung bút hay lớn tiếng xuyên tạc và chửi
bới các đồng nghiệp ở miền Nam thời trước 1975 bây giờ chắc một số vẫn
còn sống. Với thời gian, có lẽ họ đã sáng ra phần nào, đã hiểu hơn một
chút về những chủ nghĩa ngoài chủ nghĩa Mác Lê Mao. Có lẽ họ đã có khả
năng thẩm thấu chất văn học của những Nhất Hạnh, Phạm Duy, Trịnh Công
Sơn, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Bùi Giáng, Thanh Lãng,
Lê Tất Điều, v.v. Không biết sau khi ngộ ra cái hay cái đẹp của những
tác giả đó, họ có hối hận vì những nhận xét hồ đồ và hung hăn trước đây.
Mà, dù có hối hận thì cũng đã muộn, vì chữ viết của họ vẫn còn đó trên
giấy trắng mực đen, và con cháu đời sau sẽ đánh giá họ qua những con chữ
hung bạo đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét