Hoàng Nhất Phương
Sớm mai thức dậy nghe chuông nhà thờ. Từng tiếng bing boong ngân vang
giữa không gian tĩnh lặng, gợi nhớ những hồi chuông ngày xưa trên thành
đô Đà Lạt. Ai từng lên xứ hoa đào đều biết nơi đây có nhiều tu viện,
nhiều nhà thờ, nhiều kiểng chùa. Bắt đầu một ngày mới khi hừng đông vừa
ló dạng, cư dân miền cao nguyên nghe tiếng chuông thanh thoát du dương
mở đầu thánh lễ ban sáng của nhà thờ. Lúc chiều xuống mây vương, hoàng
hôn lẩn khuất trong rừng thông, họ lại được nghe tiếng chuông công phu
trầm bổng phiêu diêu kết thúc một ngày an cư của thiền viện. Những tiếng
chuông quen thuộc này là thánh nhạc, đã mang Phúc Âm siêu nhiên của
Chúa Chiên Lành, đã mang Giáo Lý nhiệm mầu của Đức Phật Từ Bi, phổ thành
diệu khúc gieo rắc niềm tin yêu bất tận vào lòng người. Cội nguồn vinh
phúc khởi từ những hồi chuông nhạc đạo hiển lộng giữa thinh không từ
ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang
năm khác; lâu dần trở thành chất liệu đặc biệt kết tụ trong lòng cư dân
phố núi. Họ mặc nhiên quy ngã Phật, mặc nhiên phụng thờ Thiên Chúa, mặc
nhiên trở thành tín đồ thuần thành của Phật, mặc nhiên trở thành con
chiên ngoan hiền của Chúa, đem đức bác ái và lòng từ bi ra thù tiếp cõi
đời.
Du khách lên chơi Đà Lạt luôn thắc mắc: Tại sao ở những nơi khác dân
chúng chỉ trao đổi xã giao, thận trọng giữ khoảng cách với kẻ lạ, trong
khi cư dân Đà Lạt vừa mở rộng tâm hồn, vừa mở rộng cổng vườn nhà chào
đón du khách, mặc dù trước đó chẳng ai biết ai. Mỗi khi nghe hỏi, người
phố núi cười rất dịu dàng, nói: Ông bà cha mẹ chúng tôi luôn cư xử thân
thiện với mọi người. Đến đời mình, chúng tôi cũng sống y hệt như vậy.
Không chỉ riêng chúng tôi, cả thành đô Đà Lạt ai cũng có lòng hiếu
khách…Họ trả lời bình dị, khẳng định sự tử tế và thân thiện là điều
thường hằng có trên cao nguyên lộng gió. Người ta kết luận: Đất trời
sương khói uyên nguyên, cây xanh lá thắm diệu huyền sắc hoa, hòa nhập
làm một cùng tiếng chuông vang giữa hừng đông và tiếng chuông ngân giữa
hoàng hôn, là kho tài sản thiên nhiên vô tận đã làm cho tâm hồn người Đà
Lạt thêm phong phú, đã đặt bệ phóng cho niềm tin để họ luôn yêu đời yêu
người.
Tôi ra đi mang theo hình ảnh Đà Lạt, mang theo giòng thánh nhạc bất
tận của những hồi chuông ngân vang trong giáo đường trong thiền viện.
Tưởng như hồn đại hồng chung, trên cao lộng gió uy hùng tiếng chuông.
Đường về suối chảy thác tuôn, âm vang nhã nhạc cội nguồn thông reo. Từ
đó cho đến bây giờ, lòng tôi vẫn lưu giữ bức tranh toàn cảnh độc đáo của
cao nguyên, lòng tôi vẫn quyến luyến từng tiếng chuông bing boong nhẹ
rơi giữa đường đèo tràn ngập sắc vàng của mimosa và dã qùy. Ngày 31
tháng 12 năm 2013, trong lúc họp mặt chờ đón Năm Mới 2014, tôi và những
người bạn cùng ôn cố tri tân. Kỷ niệm rực sáng, khi thành phố quê hương
hiện ra trong lâu đài ký ức. Tôi chưa có dịp về cố quận, nhưng bằng hữu
từng đi lại trên đường đèo cho biết: Đà Lạt bây giờ mất rất nhiều dấu
tích xưa. Không gian mênh mông, khung trời mờ sương bị ngăn chặn vì
những căn nhà hình hộp. Kiến trúc cao tầng không thích hợp với phố núi,
nên Đà Lạt bị ngạt thở. Người tứ xứ đến làm ăn, biến phố hoa thành
thương trường cạnh tranh khốc liệt. Khách sạn và nhà nghỉ có muôn hình
vạn trạng, khuấy động sự tĩnh mịch của rừng thông. Thác suối hồ vẫn còn
đó, nhưng giòng chảy thuần khiết thanh nhã cơ hồ đã cạn kiệt. Những mặt
hàng đặc trưng của Đà Lạt như mứt dâu, mứt khoai, nhà đê, gùi đeo, khăn
quàng túi xách may bằng vải thổ cầm, những khung hình cưa lộng bằng
gỗ…v.v…., trở thành công cụ để các cò mồi đấu đá tranh giành du khách.
Đà Lạt bị tàn phá, không còn là nơi bình yên chim hót, không còn là nơi
có thể gửi gấm niềm tin như thuở xưa…!
Tôi thinh lặng nghe, ngậm ngùi thương cảm. Vật đổi sao dời. Thương
hải biến vi tang điền là điều không tránh khỏi, trước biển đời luôn dậy
sóng. Nhưng tôi thật tin vào thiện tâm của cư dân Đà Lạt, thật tin rằng
thác suối hồ xưa sẽ lại tuôn đổ từng giòng nước trong ngần thanh khiết,
khi biết rằng tiếng chuông của giáo đường của thiền viện vẫn thành tín
ngân vang, dù muôn điều thị phi đang bủa vây chung quanh linh hồn phố
núi. Đêm thơm mùi hương trầm xua tan giá rét mùa đông. Chúng tôi nâng ly
champagne mừng năm mới, nguyện chúc những điều tốt đẹp nhất cho quê
hương, cho gia đình, cho bằng hữu, cho bản thân, và cho đất nước mà
chúng tôi đang sống. Ai cũng biết: Home sweet home. There is no place
like home. Quê nhà yêu dấu. Không đâu giống như quê nhà. Lòng tôi dư đầy
hoài niệm mỗi khi nhớ Đà Lạt. Tuy nhiên đi xa nhiều năm, vui vẻ đón
giao thừa ở những phương trời lạ cũng đã nhiều năm, tôi hiểu rất rõ thế
nào là: Home is where you feel happy and peaceful. Quê hương là nơi bạn
cảm thấy hạnh phúc và bình an. Trong lòng tôi ngày tháng cũ và tiếng
chuông thánh thót du dương trên thành đô Đà Lạt giữ một vị trí quan
trọng như thế nào, thì mười tám năm qua và tiếng chuông trầm bổng phiêu
diêu ngay tại đất nước tôi đang cư ngụ cũng chiếm một vị trí quan trọng y
như vậy.
Từ đáy sâu nội ngã, tôi nghe hai tiếng chuông ngân đón chào giây phút
đầu tiên của năm 2014. Một tiếng chuông gợi giấc mơ xưa, để tôi thương
nhớ cội nguồn. Một tiếng chuông đánh thức tâm trí, nhắc nhở tôi nói lời
cảm ơn đất nước đã cưu mang tôi và gia đình, đã cho chúng tôi hiểu thế
nào là một đời sống tự do, bình an, và hạnh phúc.
Hoàng Nhất Phương
4:09am Thứ Tư ngày 1 tháng 1 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét