Lưu Thy
Việt kiều là cụm từ mà người Việt trong nước dùng để gọi tất cả hơn 3
triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Cho dù người ấy mắt có xanh,
mũi có lõ, sinh ra ở đâu, có biết tiếng Việt, có thèm nước mắm, có mê
bánh tráng, có chịu được mùi trái sầu riêng, cũng không thành vấn đề.
Chỉ cần có tí ti chút xíu xìu xiu dây mơ rễ má Việt Nam là đều được gắn
cho cái mác Việt kiều. Mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ!
Cái chữ Việt kiều này hình như không được người Việt ngoài nước thích lắm. Cái chữ “kiều” theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có nghĩa là “ở đậu, ở nhờ một làng, một nước nào đó”.
Nếu lấy cái nghĩa này mà áp đặt cho tất cả mọi người Việt đang sống ở
nước ngoài thì hoàn toàn sai bét. Nhưng mà ngôn ngữ có cái oái oăm mà dễ
dãi vô cùng của nó. Chỉ cần số đông quen miệng chấp nhận là đương nhiên
được vô sổ bộ, được cấp giấy khai sinh. Có thuê luật sư đâm đơn khiếu
nại kiện cáo lên tòa án quốc tế La Haye cũng bằng thừa.
Người trong nước chế ra cái nghĩa mới cho chữ Việt kiều thì người
Việt bên ngoài hà cớ nào lại phải chịu thua. Có người muốn dùng một cái
tên nào đó để chỉ người Việt trong nước, nhưng kiếm hoài chưa ra. Trong
thời gian chờ đợi một cái tên chính thức ra đời, tôi xin mạn phép lấy
cái tên Việt Kia dùng để chỉ người Việt trong nước. Cũng là bắt đầu bằng
chữ K và tiếp theo bằng chữ i, hoàn toàn ngẫu nhiên và không mang bất
cứ ý đồ lớn nhỏ nào hết. Nay xin bố cáo bà con cô bác rõ để khỏi phải
mất công bỏ thì giờ truy tìm tông tích. Nếu chẳng may sau này được dùng
thì khỏi phải e ngại vấn đề bản quyền copyright. Cái chữ này thuộc về copyleft và open source, tự do sửa đổi thêm bớt vô tư.
Việt Kiều ở “nước ngoài”, Việt Kia ở “nước trong”.
Thế thì Việt Kiều với Việt Kia khác nhau ở chỗ nào đây? Ngoài cái lằn
ranh bên này bên kia của mấy ngàn cây số Biển Đông, dãy Trường Sơn phía
Tây và Ải Nam Quan, thác Bản Giốc mạn Bắc, còn có cái gì khác lạ nữa
sao?
Khác nhiều chứ! Này nhé! Cứ lắng tai không thèm nhìn, cứ nghe trong
đám người nói chuyện, người nào cứ thỉnh thoảng gật gù trả lời “Ờ hớ ờ hớ!” là Việt Kiều thứ thiệt, còn anh nào hay nói “nói chung.., tranh thủ…, hơi bị…” là Việt Kia không sai đi đâu được. Khoa học hơn, “thử nghiệm lâm sàng”
bằng cách thả vài con muỗi vào trong đám người đó rồi theo dõi đàn muỗi
con. Cứ thấy nó cắm đầu cắm cổ phóng vào anh nào mà chích lia chích lịa
thì đích thị anh ấy là Việt Kiều không chạy đàng trời.
Việt Kiều thích ăn rau muống, khoái ăn xôi bắp, thèm ăn củ lang, củ mì…Nói chung… toàn là những món Việt Kia ngán tới tận cổ. Còn Việt Kia lại hay bày đặt vẻ vời chiêu đãi thịt gà, thịt heo…mà Việt Kiều mới nhìn qua là muốn chạy. Việt Kia hay chê Việt Kiều “kẹo kéo” với “trùm sò”. Việt Kiều lại lên lớp Việt Kia không biết “tiết kiệm, để dành”, mà cứ hay “tiêu xài phung phí”.
Việt Kiều thích lơn tơn đi bộ, gần cũng hai chân, xa cũng hai chân,
lang thang hang cùng ngõ hẻm, thích nhìn tường cũ, mái nhà xưa, gốc cây
cằn cỗi. Việt Kia khoái cỡi ngựa xem hoa bắt bướm, nhà cách chợ chỉ
chừng mười mấy căn cũng leo lên “con” Dream, 30 giây tới chợ
gửi xe, đi chợ, lấy xe, rồi lại leo lên xe 30 giây về tới nhà. Việt
Kiều thích mua đồ sale rẻ tiền giá hạ, Việt Kia lại ưa xài hàng hiệu mác
miếc, xe cyclo cũng phải nhãn hiệu C.K!
Việt Kiều về tới nhà là ném ngay cái đôi giày cặp vớ, thòng cái
T-shirt, bận cái quần jean rách vá te tua, mang đôi dép nhựa, để cái đầu
trần dạo nắng. Việt Kia sơ mi bỏ vô thùng, chân mang giày da, đầu đội
mũ bảo hiểm, mang mắt kiếng đen, trố mắt ra mà nhìn kinh ngạc.
Việt Kiều nói chuyện cứ bên kia thế này bên kia thế nọ; Việt Kia khoe
khoang hồi xưa chỉ một bây giờ đã mười. Việt Kiều chạy bộ cho tiêu mỡ,
phơi nắng cho đen da; Việt Kia kiếm đồ bổ mà ăn cho mập mạp tốt tướng,
khẩu trang bịt mặt, bịt tay, bịt chân, bôi kem lột da cho bóng trăng trắng ngà có cây đa to có thằng Cuội già ôm một mối mơ!
Việt Kiều gặp người thân là ôm hôn hít, ra về chào từ giã cũng vừa hít vừa ôm hôn. Việt Kia chơi nổi cái gì cũng ôm, bia ôm, karaoke ôm, đọc báo ôm, câu cá ôm, hột vịt lộn ôm… Nói chung …cái gì cũng ôm tuốt.
Việt Kiều thích làm khán giả xách cái ghế lùn ngồi trước vỉa
hè nhìn ông chạy qua xem bà chạy lại. Việt Kia lại ưa ăn diện hoa hòe
hoa sói, chở vợ chở con, ôm eo ôm ếch người tình, làm diễn viên chạy tới
chạy lui, chạy lòng vòng, chạy dăm ba phút đã về chốn cũ.
Việt Kiều đi thăm bác sĩ, nghe tới mấy chữ “rối loạn tiền đình, sốt nhiễm siêu vi…”
là thấy đất trời sụp đổ, ông bà ông vải kề cận tới nơi. Việt Kia muốn
hết bệnh thì phải gượng dậy mà bò đi xa. Việt Kia trên quê chạy xuống
thành phố. Việt Kia thành phố phải vào Sài Gòn. Việt Kia Sài Gòn lại
quay về quê mà tìm đất tìm cát.
Việt Kia nói hay cắt chữ làm đôi: “Gia đình chúng em “vất” lắm (vất vả)! Món này ăn ngon “cực” (cực kỳ)! Lấy cho tao bao “xi” ( xi măng)!” . Việt Kia hay thổi phồng chữ cho lớn, cho kêu, lớn nhỏ gì cũng “hoành tráng”, cỡ nào cũng “khủng” cũng “siêu”: “siêu sao, siêu nạc, siêu rẻ, siêu nhỏ,… siêu mẫu siêu quậy bận đồ siêu mỏng lái chiếc siêu xe…đạp”. “Siêu thị điện máy” với giá “khủng”, hàng “khủng”, có cả laptop với màn hình cũng “khủng” luôn. Nhà cửa đất đai to nhỏ cỡ nào cũng nhét vô “siêu thị địa ốc” trót lọt ngon ơ. Việt Kiều nói thì cứ hay chêm hay ghép vài tiếng nước ngoài: “Em không có “ke” (care)! Vẫn còn ở chỗ cũ, vẫn vậy chưa có “mu” (move)”. Việt Kiều con còn dùng từ “siêu khủng” hơn cha mẹ :“Trời không có “ai” (eye); Mẹ đang rửa “he” (hair)”
…
Trời ơi! Nãy giờ chỉ nói chuyện khác nhau. Bộ chỉ đi ra khỏi cái lằn
ranh biên giới tưởng tượng đó là khác liền sao. Người Việt , dù có đi
đâu chăng nữa, cũng là người Việt chứ!
Thế thì cái gì mà Việt Kiều với Việt Kia giống nhau đây?
Giống nhau ở cái chỗ lâu ngày gặp nhau là chê nhau sát sạt : “Bà ốm nhom ốm nhách! Ông già quắc già queo!”.
Giống nhau ở cái chỗ khi vui đều cười: “Ha ha hô hô hi hi!”, khi buồn thì nước mắt lưng tròng méo miệng: “Hu hu!”.
Giống nhau ở cái chỗ giận quá mất khôn, dơ tay lên trời mà cùng chửi đổng: “Tiên sư cha nhà nó! Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia!”.
Giống nhau ở cái chỗ là cùng nói với nhau cái tiếng mẹ đẻ từ khi mới
lọt lòng. Nói cái này tôi mới nhớ câu chuyện của anh bạn làm cho một
khách sạn 5 sao tại Sài Gòn. Anh kể lại có một lần anh đang trực điện
thoại thì nhận được mấy cú điện thoại từ phòng số 2222. Cứ mỗi lần anh
bốc máy, sau khi nói cái câu “Alô!” thì anh đều nghe cái thông điệp quen thuộc:
- Tù tí tu Tu tú Tu tu…
Nghĩ là bị phá, anh giận lắm, cúp máy. Cứ cúp lại reng rồi lại cái thông điệp “Tù tí tu Tu tú Tu tu..” nọ. Giận lắm nhưng anh không dám làm gì. “Khách hàng là thượng đế” mà, có muốn mất việc làm hay không mà đòi gây sự. Anh nín giận làm thinh.
Nửa tiếng sau, một người Việt từ trên lầu đi xuống, mặt hầm hầm vừa gặp anh là la toáng lên:
- Anh làm ăn cái kiểu gì vậy? Tôi mà gọi cho cha giám đốc khách
sạn là anh có nước về nhà mà đuổi gà. Làm việc cho khách sạn 5 sao mà
không biết một chữ tiếng Anh nào hết. Tôi gọi anh bao nhiêu lần bảo đem 2
cái trà lên phòng 2222 mà cứ mỗi lần nghe xong là anh cúp máy. Anh liệu
cái thần hồn!
Hên cho anh bạn là anh vẫn còn làm cho khách sạn, không bị đuổi về
nhà nuôi gà. Anh không trách ông khách mà cứ bực bội than phiền mấy thầy
giáo cô giáo dạy Anh Văn cho anh dạy không nghiêm túc, cứ “Good morning! How are you? I am fine! Thank you!” mà không có một chữ nào hết về “Two tea to Two two Two two”, “2 cái trà tới phòng 2222″, thì anh đâu có mà xém tí nữa bị mất cái chỗ làm nuôi vợ nuôi con.
…
Cái Việt “Tù tí tu Tu tú Tu tu” ở phòng số 2222 khách sạn 5
sao; cái Việt mà cứ hay bị đưa lên giễu cợt trên báo giấy, báo mạng, báo
đài, báo hại; cái Việt mà thuở nhỏ nằm chiếu, vọc đất, tắm sông, tắm
đìa, bao nhiêu năm sau trở về thăm mẹ, vai đeo chai nước lọc, thủ thỉ
thưa với mẹ rằng “con thuê khách sạn gần nhà có máy lạnh nước nóng để chiều tối mát mẻ con đón taxi ra thăm mẹ”, thì nên gọi là Việt gì đây?
Lưu Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét