Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Đặng Thái Sơn

trả lời phỏng vấn của Elijah Ho


 
Đặng Thái Sơn là người đã đoạt giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin năm 1980 tại Warsaw. Trong những thí sinh tham dự cuộc thi năm đó có cả Angela Hewitt[1], Kevin Kenner mới 17 tuổi[2], và đáng chú ý nhất là nghệ sĩ piano gây tranh cãi Ivo Pogorelich[3], người Nam Tư. Với thắng lợi của mình, Đặng đã trở thành nghệ sĩ dương cầm gốc Á đầu tiên đoạt giải cao nhất  tại một cuộc thi piano quốc tế lớn. Sinh năm 1958 tại Việt Nam – đất nước bị chiến tranh tàn phá, Đặng đã được nghệ sĩ piano Nga Isaac Katz phát hiện và đưa sang Nhạc viện Moscow để Vladimir Natanson và Dmitri Bashkirov đào tạo. Đặng đã trở thành ủy viên giám khảo tại hai cuộc thi Chopin gần đây nhất ở Ba Lan. Dưới đây là phần I của cuộc trò chuyện (gồm 3 phần) với Đặng Thái Sơn, diễn ra vào ngày 22 tháng 9, 2011 trong căn nhà xinh đẹp của ông ở Montreal, Canada.

Ông có thể mô tả mối liên hệ độc đáo của ông với Chopin?
Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường. Rõ ràng là không hề có các buổi hòa nhạc và băng đĩa. Đó là một thời kỳ hoàn toàn đen tối.
Nhưng đột nhiên, tôi đã gặp may với Chopin. Năm 1970, mẹ tôi được mời làm khách tham dự cuộc thi quốc tế Chopin ở Warsaw, đơn giản chỉ là một quan sát viên. Bản thân là một nghệ sĩ piano, bà đã mang từ cuộc thi về toàn bộ các tổng phổ và băng đĩa ghi âm các tác phẩm của Chopin.
Nhạc phẩm đầu tiên tôi được nghe trong đời mình, đĩa nhạc đầu tiên, là Chopin Piano Concerto giọng Mi thứ do Martha Argerich chơi. Và tôi đã bị ấn tượng rất mạnh. Tôi chưa từng được nghe bất kỳ âm nhạc nào của Bach, Mozart, Beethoven, mà duy nhất chỉ có âm nhạc của Chopin. Tôi bỗng dưng có điều kiện mới để học âm nhạc của ông. Tôi vẫn còn nhớ sự tiếp cận đầu tiên của tôi với âm nhạc của Chopin hồi tôi lên tám hoặc chín tuổi khi vẫn còn sống ở nơi sơ tán trong vùng núi.
Hồi đó tôi ở với mẹ tôi, và tôi lặng lẽ đọc các bản nhạc của ông, âm thầm trong bóng tối, dưới ánh đèn dầu. Mẹ tôi đã chơi một số giai điệu ngắn – các nocturne và mazurka. Tôi cảm thấy chúng rất đẹp và tôi đã đem lòng yêu thứ âm nhạc này. Tôi đã ngày đêm học âm nhạc của Chopin, và tôi đã cảm thấy âm nhạc của Chopin ngấm vào máu tôi từ đó.
Là nghệ sĩ piano châu Á đầu tiên giành giải nhất tại một cuộc thi piano quốc tế lớn, ông có gặp phải bất kỳ khó khăn, phân biệt đối xử trong quá trình tạo dựng sự nghiệp sau khi đoạt giải?
Lần đầu tiên đến Warsaw tham dự cuộc thi Chopin năm 1980, thực sự là tôi thậm chí đã không có tham vọng giành bất kỳ giải thưởng lớn nào, chứ chưa nói giải nhất. Khi đó tôi còn rất trẻ và tôi yêu Chopin, vậy thôi. Tôi muốn được đến Ba Lan tham dự sự kiện này, đơn giản là để bày tỏ lòng tôn kính với Chopin. Chỉ điều này thôi cũng đã thực sự là một niềm vui lớn đối với tôi rồi và tôi hoàn toàn không được chuẩn bị cho nhiều thứ khác. Ví dụ, tôi thậm chí đã không có một bộ cánh để biểu diễn trên sân khấu!
Trước cuộc thi Chopin, tôi chưa từng công diễn độc tấu (recital) lần nào. Cuộc thi đó thực sự đã là cuộc công diễn độc tấu đầu tiên trong đời tôi (cười). Trước cuộc thi đó, tôi chỉ là một sinh viên bình thường tại Nhạc viện Moscow. Chẳng ai biết tôi và tôi chưa từng tham gia bất kỳ một cuộc thi nào. Tôi chưa từng diễn với dàn nhạc. Và đó là lý do tại sao tôi đã không có một bộ quần áo biểu diễn (cười).
Thời đó, chỉ cần nộp đơn thi Chopin. Không cần phải gửi băng đĩa ghi âm. Sau này hội đồng cho tôi biết rằng đơn của tôi đã suýt bị bác bởi vì nó trống rỗng, trừ mỗi hai dòng – sinh tại Hà Nội, Việt Nam, và hiện học tại Nhạc viện Moscow (cười).
Nhưng cuối cùng, họ đã chấp nhận đơn của tôi vì hai lý do: 1) Đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ piano đại diện cho Việt Nam – để nối dài danh sách các nước có thí sinh tham dự cuộc thi này. Và 2) tôi là một sinh viên tại Nhạc viện Moscow, có nghĩa điều đó đảm bảo tôi không phải một tay nghiệp dư nào đó không biết chơi đàn (cười).
Nếu có bất kỳ loại phân biệt đối xử nào, thì điều đó chỉ xảy ra sau kết quả của cuộc thi Chopin, và có thể là phần nhiều là vì những lý do chính trị. Như bạn đã biết, tất cả đều đã được nghe nói về vụ xì-căng-đan với Ivo Pogorelich[4].

Ivo Pogorelich (chụp năm 1980)
Martha Argerich đã rời bỏ hội đồng giám khảo sau khi Pogorelich không lọt được vào vòng chung kết cuộc thi, và khi đó vẫn chưa rõ ai sẽ là người thắng cuộc. Nhưng nhiều người lúc đó thực sự đã hiểu nhầm và tin rằng Martha Argerich đã bỏ ra về vì có sự cố giữa Pogorelich và tôi. Bà đã thực sự cư xử đẹp: sau khi quay về Geneva và được tin về kết quả của cuộc thi, bà đã gửi một công điện cho Hội đồng giám khảo ở Warsaw để chúc mừng tôi.
Có thể hồi đó Pogorelich còn là một biểu tượng của phương Tây, trong khi, xuất xứ từ Việt Nam, có thể tôi đã bị xếp vào phe cộng sản. Và tất nhiên, Ivo đi sang phương Tây biểu diễn dễ dàng, trong khi tôi đã có rất nhiều khó khăn về chính trị để đi từ nước này sang nước khác. Buổi biểu diễn đầu tiên của tôi tại Hoa Kỳ là vào năm 1989, chín năm sau cuộc thi; thời đó từng có một lệnh cấm vận chống Việt Nam.
Tôi hoàn toàn trong trắng và yếu ớt (cười). Tôi gặp nhiều khó khăn, mặc dù tôi không bao giờ chờ đợi bất cứ thứ khó khăn nào như vậy. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng là tôi đã đi theo con đường của riêng mình, đã đi từ từ, và cố gắng leo dần lên. Tôi không bao giờ bận tâm về sự nổi tiếng mà luôn lưu tâm tới giá trị nghệ thuật, luôn cố chơi tốt hơn. Sau cuộc thi, tôi đã quay lại Nhạc viện Moscow để học tiếp.
Mỗi buổi biểu diễn của tôi tại phương Tây đều có nhiều rắc rối. Tôi phải được phép của chính phủ Việt Nam, phải qua Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow, sau đó phải qua đại sứ quán nước khác, v.v. Để làm một visa vào thời đó thường mất hai tháng trở lên, và tôi đã mất cơ hội để tạo dựng cho mình một sự nghiệp vì những khó khăn chính trị đó.
Và trong những khó khăn đó có nhiều vấn đề rất kín đáo mà người ta chỉ có thể cảm thấy vì những lý do nào đó, nhưng có những lúc tôi đã cảm thấy điều đó. Một nhà phê bình ở Thụy Sĩ đã từng tỏ ra rất hẹp hòi. Nhận xét về lối tôi chơi Schubert và Chopin, ông ta nói “anh chàng này chơi piano theo lối dân châu Á ăn cơm bằng đũa.” Thực là rất tệ và bực mình khi đọc nhận xét này. Ông ta đơn giản chỉ khó chịu khi trông thấy một người Á châu chơi nhạc Tây. Đó có lẽ là lần duy nhất mà tôi cảm nhận một sự phân biệt chủng tộc thẳng thừng.
Bây giờ ta hãy chuyển sang một chủ đề hoàn toàn khác, ông suy nghĩ gì về kỹ thuật piano ngày hôm nay? Ông có cho rằng kỹ thuật piano đã được cải thiện hoặc sa sút kể từ thời kỳ Hoàng Kim của nghệ thuật chơi piano?
Tôi cho rằng đây là một câu hỏi khó – Tôi nghĩ rất khó mà so sánh. Cây đàn piano ngày nay đã hoàn toàn khác. Về mặt cơ học và cách thể hiện âm thanh, phần lớn kỹ thuật của Chopin – ví dụ, Etude giọng La thứ (Op. 10 số 2) thật rất dễ chơi trên các piano cổ. Phím piano rất nhẹ. Nhưng đàn piano hiện đại ngày nay có phím quá nặng khiến chơi được kỹ thuật của Chopin thực sự là một thách thức lớn – mặc dù, cho đến giờ, các thí sinh tham dự các cuộc thi piano hiện nay không thấy có vẻ gì là bị ảnh hưởng bởi vấn đề này (cười).
Điều này có thể có nghĩa là các nghệ sĩ piano ngày hôm nay đã đạt một trình độ kỹ thuật tốt. Xã hội hiện đại có lẽ cũng ảnh hưởng đến tiến độ và tốc độ, tất cả mọi thứ đều nhanh hơn trước đây. Ngày nay, chúng ta sống với công nghệ kỹ thuật số, và chúng ta cũng bận tâm nhiều hơn với sự hoàn hảo kiểu kỹ thuật số (cười).
Năm mươi năm trước đây, chúng ta có thể lắng nghe các bậc thầy tuyệt vời cùng tất cả các note họ chơi sai, và điều này là chấp nhận được. Nhưng ngày hôm nay, tôi nghĩ không có nghệ sĩ piano nào có thể tồn tại mà lại chơi sai nhiều như vậy. Họ sẽ không có đất diễn.
Xem ông trong chơi tại các buổi hòa nhạc và trên Youtube, tôi thấy ông có một kỹ xảo rất độc đáo. Các ngón tay của ông rất linh hoạt. Điều này là do Trời sinh hay được học?
Tôi phải nói rằng đây là một điều điển hình cho trường phái Nga, trường phái đòi hỏi những ngón tay khoẻ, đóng vai trò chủ đạo. Người ta dường như hơi bị ám ảnh bởi điều này. Khi tôi vào học tại Nhạc viện Moscow, giáo sư của tôi nói với tôi rằng các ngón tay của tôi rất yếu, và ông nói rằng tôi phải tập cho ngón tay khỏe lên. Và tôi đã chú ý rất nhiều để  cải thiện điều này. May thay, điều này vẫn còn mang lại nhiều lợi ích.
Etude nào của Chopin là khó nhất cho tay ông?
Tôi phân chúng ra thành các nhóm (cười). Đó là những bản giọng La thứ Op. 10 số 2, Op. 25 số 11, các bản chạy quãng ba (Op. 25 số 6), và chạy các quãng tám (Op. 25 số 10). Về thể chất, mọi người đều được cấu tạo khác nhau. Nhưng đối với tôi, có lẽ là Op. 25 số 8 (cười). Tôi chơi etude này quả có hơi không thoải mái lắm.
Năm nay kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Liszt. Đâu là sự khác biệt chủ chốt trong phong cách viết cho piano và hiệu ứng âm nhạc giữa Chopin và Liszt?
Về nhiều mặt, đây thực sự là một câu hỏi rất sâu sắc. Hãy làm cho dễ dàng hơn nhé (cười). Họ có vẻ giống nhau, cả hai đều lãng mạn, và cả hai đều cách mạng về mặt nào đó – tuy nhiên, họ cũng khác nhau như mặt trăng và mặt trời.
Với Chopin, piano bắt đầu có một linh hồn mới, một âm thanh mới, một chất thơ mới. Nhưng thực sự, chính bằng độ vang mới này mà Chopin đã tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Nói như vậy, chúng ta hàm ý rằng Chopin, bằng cách nào đó, đã cố gắng tìm ra những bí mật, khía cạnh rất thầm kín của cây đàn piano. Âm nhạc của ông cho thấy ông hướng vào nội tâm nhiều hơn.
Liszt, ngược lại, đã làm cây piano kêu vang như một dàn nhạc – một dàn nhạc lớn. Và khi ta cố làm cho piano kêu vang như một dàn nhạc, cây đàn không thể vang một cách chủ quan hoặc thân mật như âm nhạc của Chopin nữa. Âm thanh của cây piano bây giờ trở nên ngoạn mục lôi cuốn hơn.
Cả Chopin và Liszt đều đã đem lại một kỹ thuật mới cho cây đàn piano, nhưng theo những cách khác nhau. Chúng ta đều biết rằng các etudes của họ là những thách thức rất  khác nhau. Chopin đưa nhiều đòi hỏi về kỹ thuật âm thanh và các ngón tay, trong khi Liszt đã tạo ra một loại kỹ thuật chạy ngón (bravura) nghe như dàn nhạc.
Và tôi cũng nghĩ rằng đối tượng quan tâm ở đây cũng rất khác nhau. Với Chopin, âm nhạc luôn gắn với bi kịch rất cá nhân, luôn luôn nói về “tôi, tôi, tôi”. Ngược lại, với Liszt, một phần rất quan trọng trong âm nhạc của Liszt là sự tưởng tượng, trí tưởng tượng đóng vai chính trong âm nhạc của ông. Với Liszt, chúng ta có các khía cạnh bí ẩn, các khía cạnh tôn giáo, và những điều  này rất quan trọng.
(còn tiếp)


 Elijah Ho là một cây viết về nhạc cổ điển, sống tại San Francisco (tiểu bang California). Anh từng là học trò của các nghệ sĩ piano nổi tiếng Ronald Turini, Jimmy Brière, và Đặng Thái Sơn. Anh cũng có bằng về văn học Anh. có niềm đam mê dành cho nghệ thuật biểu diễn, cuộc sống của các nhà soạn nhạc vĩ đại, và những câu chuyện huyền thoại được ghi lại của quá khứ.

Chú giải của người dịch:
[1] Angela Hewitt (sinh năm 1958) – nghệ sĩ piano Canada, giải nhất piano tại cuộc thi Gian Battista Viotti (1978), và đoạt giải tại nhiều cuộc thi khác như Bach competition (Leipzig, 1976), Schumann competition (Zwickau, 1977), Casagrande competition (Terni, 1976), Dino Ciani Competition (Milan, 1980), Casadesus competition (Clevaland, 1979). Sauk hi đoạt giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế Bach tại Toronto năm 1985 – sự kiện độc nhất tưởng niệm danh cầm Glenn Gould, bà đã trở nổi tiếng toàn cầu. Bà được tặng thưởng huân chương quốc gia Canada (năm 2000) và Huân chương Đế chế Anh (năm 2006) .
[2] Kevin Kenner (sinh năm 1963) – nghệ sĩ piano Mỹ. Tại cuộc thi Chopin năm 1980 Kenner mới 17 tuổi và đoạt bằng danh dự. 10 năm sau (1990), Kenner lại dự thi Chopin và đoạt giải nhì (năm đó không có giải nhất). Trước đó, cũng trong năm 1990, Kenner đoạt giải 3 tại cuộc thi Tchaikovsky. Ngoài ra, Kenner còn đoạt giải tại một số cuộc thi danh tiếng khác.  Năm 2010 Kenner được mời làm giám khảo tại cuộc thi Chopin.
[3] Ivo Pogorelich (sinh năm 1958) – nghệ sĩ piano người Croatia. Pogorelich học piano tại Nhạc viện Mocsow dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ piano người Gruzia, Aliza Kesheradze (1937 – 1996) – người đã trở thành vợ ông năm 1980 (Bà mất năm 1996 vì ung thư). Pogorelich từng đoạt giải nhất cuộc thi Casagrande năm 1978, giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Montreal năm 1980. Nhưng Pogorelich đã thực sự trở nên nổi tiếng vì không đoạt giải tại cuộc thi Chopin năm 1980. Sau khi Pogotrelich bị loại tại vòng ba cuộc thi này, danh cầm Martha Argerich – ủy viên hội đồng giám khảo – đã tuyên bố Pogorelich là thiên tài và rời bỏ hội đồng để phản đối. Giải nhất năm đó đã về tay Đặng Thái Sơn. Tuy nhiên xì-căng-đan với Pogorelich tại cuộc thi này đã đưa Pogorelich vào hàng các pianists nổi tiếng nhất thế gìới trong suốt 3 thập niên. Năm 1981 Pogorelich công diễn độc tấu tại Carnegie Hall ở New York, rồi tại London. Từ đó danh tiếng của Pogorelich vang khắp thế giới. Từ năm 1982 Pogorelich đã được hãng Grammophone mời thu âm, và đã thu một chương trình rất rộng bao gồm các tác phẩm từ Bach, Mozart, Scarlatti,  Haydn, Beethoven, Brahms, Chopin, Liszt, tới Mussorgsky, Tchaikovsky, Scriabin, Rachmaninov, Ravel, Prokofiev. Năm 1986 Pogorelich thành lập quỹ bảo trợ các tài năng trẻ trong âm nhạc tại Croatia. Từ năm 1989 tới 1997 Liên hoan âm nhạc mang tên Pogorelich đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ biểu diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1993, Pogorelich sáng lập “Cuộc thi piano độc tấu quốc tế” (International Piano Solo Competition) tại Pasadena, California với giải nhất lên tới 100 ngàn USD dành cho các tài năng trẻ. Pogorelich còn sáng lập quỹ tổ chức hoà nhạc từ thiện vào năm 1994 để giúp đỡ y tế cho nhân dân ở Sarajevo.
[4] Cuộc thi Chopin lần thứ X (1980) đã đi vào lịch sử các cuộc thi âm nhạc quốc tế vì xì-căng-đan xảy ra với Pogorelich. Phong cách biểu diễn và lối chơi Chopin của Ivo Pogorelich (khi đó 22 tuổi) đã khiến tranh cãi nổ ra trong hội đồng giám khảo. Hội đồng giám khảo chia làm hai phe, phe không chấp nhận lối chơi của Pogorelich và phe coi phong cách của Pogorelich là say mê, hoặc ít nhất là chấp nhận lối chơi này. Những người ủng hộ Pogorelich mạnh nhất gồm pianists Martha Argerich, Paul Badura-Skoda và Nikita Magaloff. Khi Pogorelich bị loại tại vòng ba, Martha Argerich, người tuyên bố Pogorelich là thiên tài, đã bỏ hội đồng giám khảo vì bà cho rằng bà cảm thấu xấu hổ vì đã ngồi trong bann giám khảo.   Tiếp theo bà, nghệ sĩ piano Nikita Magaloff (1912-1992) cũng bỏ hội đồng giám khảo. Theo Ivo Pogorelich, Ban phụ trách các cuộc thi quốc tế thuộc Bộ Văn hoá Liên Xô đã can thiệp vào các cuộc thi quốc tế như cuộc thi Chopin năm 1980 tại Warsaw để dàn xếp danh sách những người sẽ đoạt giải 1 năm trước khi diễn ra cuộc thi (Nghe phỏng vấn Pogorelich ngày 12/4/1999, từ phút thứ 7).



Ông đã ngồi ghế giám khảo tại hai cuộc thi Chopin gần đây nhất ở Warsaw. Ông cho rằng liệu Chopin sẽ phải nói gì về thời đại của chúng ta và cách biểu diễn ngày nay?
Tôi nghĩ rằng Chopin sẽ thực sự thích và bị cuốn hút bởi cây đàn piano hiện đại, bất kể đó là Steinway, Fazioli, hay Yamaha. So với thời của Chopin, ngày nay các đàn piano hiện đại có khả năng thể hiện âm nhạc rất lớn. Về các phòng hòa nhạc thì tôi không dám chắc lắm. Đó là nói về mặt vật chất.
Nhưng về mặt trình diễn, tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng Chopin có thể sẽ thích nghe một số tác phẩm của ông được chơi với nhịp độ chậm hơn.
Nhiều người đã ngạc nhiên bởi Yulianna Avdeeva đã trên tài Ingolf Wunder và thậm chí cả Daniil Trifonov tại cuộc thi Chopin năm ngoái. Ông có đồng ý với sự phân ngôi thứ tại chung cuộc đối với  các nghệ sĩ này tại cuộc thi Chopin không?


Yulianna Avdeeva
Thực ra, trên trang web của cuộc thi, đây là lần đầu tiên bạn có thể xem tất cả các chi tiết kết quả bỏ phiếu. Thực là một cuộc cách mạng khi được theo dõi các thành viên ban giám khảo bình chọn cho mỗi ứng cử viên qua các vòng như thế nào. Thật thú vị khi xem bảng kết quả bỏ phiếu đó (Cười).
Trong vòng chung kết của cuộc thi, tất cả các giám khảo đều đồng ý rằng trình độ thí sinh rất cao – thậm chí có thể là mức cao nhất trong toàn bộ lịch sử của cuộc thi từ trước tới giờ. Vì lý do này, hầu hết các giảm khảo thích chọn ra hai người cho giải nhất. Tôi ghi tên Yulianna Avdeeva và Ingolf Wunder làm lựa chọn hàng đầu của tôi.
Nhưng tôi muốn nói rằng Wunder thực sự có phần gần với sở thích của riêng tôi hơn. Có lẽ Yulianna đã chơi ổn định hơn trong cuộc thi này, cô đã chơi rất ổn định trong suốt cả bốn vòng. Trình độ của cô thực sự rất cao. Thành ra là, cuối cùng mỗi giám khảo đã chọn ra người mình thích nhất, CỘNG với Yulianna (cười). Vì vậy, cuối cùng, cô ấy đã đạt điểm rất cao.
Ông nghĩ thế nào về Daniil Trifonov, người sau đó đã giành giải nhất tại cuộc thi Tchaikovsky vào năm 2011?
Trifonov
Daniil Trifonov
Chúng tôi vừa diễn cùng nhau tuần trước ở Ba Lan tại Liên hoan Chopin. Cho tới giờ tôi đã diễn cùng cậu ấy hai lần. Lần đầu tiên tại Đức năm ngoái, ngay sau khi cuộc thi Chopin. Chúng tôi chia sẻ sàn diễn, cậu ấy diễn nửa đầu, tôi diễn trong phần sau. Và tuần trước là một buổi biểu diễn chung với nhiều nghệ sĩ piano.
Tôi phải nói rằng nếu chúng ta nói về Chopin và các nghệ sĩ Lãng mạn, thì Trifonov là một chàng rất lãng mạn, rất say sưa. Cậu ấy thực sự là một tài năng rất lớn và chơi theo một phong cách rất tự nhiên. Không có gì giả tạo. Tôi phải nói rằng cậu ấy đã thực thay đổi và trưởng thành rất nhiều sau cuộc thi Chopin. Điều này giải thích vì sao cậu ấy đã thắng tại cuộc thi Rubinstein và Tchaikovsky sau nàỵ
Tại cuộc thi Chopin, tôi có nói chuyện với cậu ấy. Cậu công nhận rằng có một cái gì đó không ổn định trong lối chơi của mình. Tôi cho rằng cậu đã chơi tốt nhất trong vòng hai và ba, còn trong vòng đầu tiên có lẽ cậu đã chơi chưa thuyết phục lắm. Đặc biệt là tại vòng chung kết, khi chơi concerto, cậu nói rằng đó là lần đầu tiên cậu chơi với dàn nhạc, cậu đã chơi quá nhanh và vội vã hơn mọi khi.
Vì vậy, Chopin vào lúc đó là có lẽ không nằm trong giai đoạn sung sức nhất của cậu. Nhưng sau các buổi diễn này, sau khi đã được khởi động, lối chơi của cậu đã trở nên thực sự rất tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng Daniil Trifonov là một cái tên mà chúng ta sẽ còn nghe nhiều lần trong tương lai. Cậu ấy sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ piano quan trọng cho thế hệ trẻ kế cận.
Khoảnh khắc âm nhạc vĩ đại nhất mà ông từng trải nghiệm là khi nào?
Có lẽ đó là buổi công diễn đầu tiên của tôi tại cuộc thi Chopin (Cười). Sau này người ta thường hỏi tôi, “Anh đã làm thế nào mà thắng cuộc?” Và tôi chỉ trả lời như thế này, “Bởi vì lúc đó tôi như một trinh nữ trên sân khấu!” (Cười). Đó là buổi công diễn đầu tiên của tôi và tất cả mọi thứ đều là cực mới, do đó, cực trong lành và tinh khiết – tất cả chỉ xảy ra có một lần thôi. Tất nhiên, nếu nói đến việc nghe một nghệ sĩ khác, biểu diễn trực tiếp, một người mà lối chơi ở tầm khiến tôi cảm thấy mình không thể nào với tới được, thì đó là Vladimir Horowitz.
Điều gì trong lối chơi của Horowitz đã gây ấn tượng với ông nhất?
Khi đó tôi vẫn còn ở Nhạc viện Moscow, và chuyện làm thế nào mà tôi lọt được buổi hòa nhạc của Horowitz tại Moscow năm 1986 thì thật giống như một bộ phim trinh thám Hollywood vậy (Cười). Phải vượt qua 7 hàng rào kiểm soát thì mới lấy được vé để vào nghe buổi hòa nhạc chỉ diễn ra một lần duy nhất này. Có nhiều cảnh sát, người soát vé, và tôi đã chui vào thành công.

Vladimir Horowitz (1903 - 1989) biểu diễn tại Đại Khán phòng nhạc viện Tchaikovsky năm 1986
Đó thật là một buổi hòa nhạc không thể nào quên. Tôi vẫn còn như nghe thấy trong tâm trí tôi tiếng đàn piano của ông (Giọng thành kính). Tiếng đàn, lối nhấn ngón của ông, và làm thế nào mà ông đạt đến tầm mà dường như không gì có thể ảnh hưởng đến ông cả, điều đó thật kinh ngạc. Buổi hòa nhạc đã được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Thường thường khi lên sân khấu, chúng ta đều rất hồi hộp, nhất là khi hình dung cả thế giới đang theo dõi! Nhưng Horowitz thản nhiên bước ra sân khấu và nhìn vào ống kính máy quay như một đứa trẻ nhìn đồ chơi của mình!
Ông chơi âm nhạc thứ thiệt trên sân khấu như không để ý gì tới xung quanh. Ông đã chuẩn bị tinh thần để không gì có thể làm phiền ông. Buổi diễn của ông không có vẻ như một buổi hòa nhạc, mà như ông chỉ ngồi đó chơi nhạc. Ông bắt đầu với các Sonatas của Scarlatti, và có cảm giác như ông đang nói chuyện với thính giả, nhưng bằng tiếng đàn. Tới giờ tôi vẫn có thể thấy mọi thứ như rõ ràng hiển hiện.
Ông đã bao giờ gặp Sviatoslav Richter, Emil Gilels chưa?
Tôi đã có nhiều dịp để gặp Richter. Tất nhiên, tôi đã nghe nhiều buổi hòa nhạc của ông tại Moscow. Lần đầu tiên chúng tôi thực sự gặp nhau là tại Nhật Bản. Hồi đó, ông có liên hoan âm nhạc riêng mình. Ông đã lên kế hoạch trình diễn trong ba buổi tối liên tiếp.

Sviatoslav Richter (1915 - 1997) biểu diễn tại Suntory Hall (Tokyo) năm 1994
Buổi đầu tiên dành cho âm nhạc t.k. 18, buổi thứ hai: t.k. 19, và buổi thứ ba: t.k. 20. Ông đã trình diễn hai buổi và tự dưng không muốn diễn buổi cuối cùng nữa. Vì vậy, mọi người cuống lên, và hãng tổ chức biểu diễn phải tìm một người có thể diễn thay thế ông.
Họ đưa cho ông một danh sách các nghệ sĩ piano có thể diễn thế – với điều kiện là người được chọn sẽ phải chơi nhạc t.k. 20. May thay trong mùa diễn đó, tôi đã chơi nhiều nhạc phẩm của Prokofiev, Scriabin, và Debussy. Vì vậy, sau khi xem xét danh sách các nghệ sĩ piano mà hãng đưa cho ông, Richter đã chọn tôi làm người diễn thế ông.
Thế là, sau những buổi diễn này, chúng tôi đã gặp nhau vài lần. Sau đó, ông đã mời tôi trình diễn tại liên hoan âm nhạc của ông tại Moscow, tại bảo tàng mỹ thuật Pushkin vào mùa Giáng Sinh.
Trước đàn piano, Sviatoslav Richter trông giống như một con sư tử – đầy sức sống và đam mê. Nhưng như một con người, ông là người cực kỳ giản dị, thậm chí còn hơi nhút nhát. Ông đã khiến tôi cảm thấy rất thoải mái ngay từ phút đầu tiên gặp ông. Điều này làm tôi bị sốc.
emil_gilels
Emil Gilels (1916-1985)
Tôi chỉ thấy Emil Gilels trong các buổi hòa nhạc, và ông là một người hơi khó gần. Thầy tôi, Vladimir Natanson, rất thân với gia đình Gilels. Nhưng tôi không bao giờ dám tiếp cận ông ấy(Cười).
Ông đã dạy các master-class trên toàn thế giới. Ông có thấy sự khác biệt nào trong hoạt động biểu diễn, trong kỹ thuật, và trong cách chuẩn bị giữa các sinh viên phương Đông và phương Tây?
Chắc chắn có một số khác biệt. Trên thực tế, ở Nga, người ta có xu hướng tránh tất cả các loại bài tập cơ học. Tất cả mọi thứ đều được kết nối với các nhạc phẩm. Bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật khi bạn được gắn với âm nhạc. Nhưng có thể đây không phải là vấn đề liên quan tới cách tập của từng cá nhân, mà là vai trò của người thầy và cách họ huấn luyện học trò. Ở Nga, khi bạn luyện kỹ thuật, bạn được huấn luyện thực sự. Các giáo sư ngồi với bạn và bỏ hàng giờ để luyện kỹ thuật cho bạn. Nhưng kiểu dạy này không phổ biến ở Mỹ. Những cách huấn luyện này thường mất rất nhiều thì giờ và có thể ở Mỹ, người ta có xu hướng tìm nhiều giải pháp hợp lý để khắc phục kỹ thuật. Người Nga có lẽ chơi đàn chủ yếu bằng trực giác, và kỹ thuật có lẽ không phải là vấn đề được họ quan tâm hàng đầu. Họ có xu hướng khám phá khía cạnh tinh thần và tính cách của âm nhạc, thực sự là như vậy.


Có nhiều lời đồn đại về trí nhớ và việc học piano một cách dễ dàng của Mikhail Pletnev[1]. Ông đã bao giờ gặp Pletnev chưa?
Tôi đã từng gặp Pletnev. Hồi còn học ở Nhạc viện Moscow, Pletnev, Pogorelich, và tôi cùng sống trong một ký túc xá sinh viên. Không dễ gì mà nói chuyện được với họ đâu, vì họ biết giá trị của họ (Cười). Nhưng trước cuộc thi Chopin tại  Ba Lan năm 1980, đã có các buổi thi thử, và tôi đã được xếp thứ nhất sau các vòng thi thử của Liên Xô. Thế là, cả hai người này bắt đầu tò mò muốn biết về tôi. Pletnev có lần đã đến nghe tôi chơi tại một buổi hòa nhạc. Pogorelich cũng mời tôi đến phòng mình để nghe đĩa.

Mikhail Pletnev
Hồi đó, tại Moscow, không dễ gì có được các đĩa nhạc phương Tây. Chúng tôi chỉ có các đĩa của các nghệ sĩ Liên Xô hay Đông Âu. Nhưng Pogorelich có kênh mua đĩa từ Tây Âu. Và khi anh ấy mời tôi vào phòng mình nghe đĩa, thì đó là một đặc ân lớn(Cười).
Cũng lạ là tuy Pletnev cùng lứa với Andrei Gavrilov[2], nhưng hai người này hoàn toàn khác nhau. Gavrilov chơi có vẻ hơi trực giác hơn, hơi hoang dại một tí. Tuy nhiên, Pletnev thì tuyệt vời, lối chơi trí tuệ của ông… Đối với ông, mọi thứ đều thật dễ dàng.
Tôi nhớ có lần giáo sư Fliyer, thầy của Pletnev, bảo Pletnev: “Được rồi, bây giờ cậu về tập concerto này của Beethoven nhé.” Pletnev về nhà và quên béng phải tập concerto nào của Beethoven. Thế là, ông tập cả 5 concerto, và buổi học sau, ông đã mang đến tất cả 5 concerto mà ông đã tập thuộc lòng và sẵn sàng chơi (Cười) [3].

Andrei Gavrilov
Ông có cho rằng các nghệ sĩ piano trẻ cần nghiên cứu các bản ghi âm nổi tiếng của các bậc thầy trong quá khứ không?
Tôi nghĩ rằng đó luôn là việc có ích, nhưng cần có sự hướng dẫn. Việc đó có thể có lợi, nhưng cũng có thể rất có hại. Các nghệ sĩ vĩ đại luôn có nhân cách vĩ đại, và nếu một đứa trẻ chưa hiểu được sự khác nhau giữa các tính cách cũng như những ý định và tinh thần của các nhà soạn nhạc, thì có thể bị một ảnh hưởng rất tiêu cực. Các nghệ sĩ trẻ có thể sẽ có khuynh hướng kết hợp cả hai. Vì vậy, tốt nhất là lắng nghe có sự hướng dẫn, có một người nào đó giảng nghĩa những cái họ phải nghe[4].
Ông nghĩ sao về hiện tượng Lang Lang?
(Cười) Tôi nghĩ rằng anh ta là người đặc biệt. Đặc biệt ở Trung Quốc, anh ta tựa như một hình mẫu mà nhiều người phải noi theo. Tôi thấy cần dè dặt hơn về điều này.
Nghệ sĩ piano có nhiều loại khác nhau. Một số có thể tạo ấn tượng tức thời. Nhưng cũng cần hiểu rõ thế nào là trình độ cao nhất và giá trị của các nghệ sĩ. Bạn chỉ có thể học điều này khi được giáo dục. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mỗi thị hiếu có một loại nghệ sĩ và Lang Lang là một loại. Tuy nhiên, anh ta không thuộc loại nghệ sĩ hợp với tất cả mọi người.

Lang Lang
Các nhạc sĩ vĩ đại trong quá khứ từng nói rằng để phát triển và trưởng thành như một nhạc sĩ, cần đọc và tìm hiểu về thế giới và các nghệ thuật khác quanh ta.
Tôi cho rằng có cái còn quan trọng hơn việc học tập tất cả mọi thứ và nghệ thuật quanh âm nhạc, đó là sự trải nghiệm cuộc đời. Ta thường nói rằng “Nghệ thuật phản ánh cuộc đời”. Cuộc sống cá nhân của chúng ta và nghệ thuật của chúng ta liên kết mật thiết với nhau. Nếu bạn chỉ tập đàn đêm ngày, bạn sẽ không thu nhận được gì hết. Bạn phải thực sự có gì để nói với âm nhạc của bạn, và bạn chỉ có điều này từ kinh nghiệm cuộc đời. Bạn phải nếm trải niềm vui, hạnh phúc, nỗi khổ sở, sự đau đớn của cuộc đời, tất cả mọi thứ. Khi đó, bạn sẽ có cái để thể hiện trong âm nhạc của bạn.
Ngoài âm nhạc, có loại hình nghệ thuật nào khác thực sự thu hút trí tưởng tượng của ông không?
Tôi luôn yêu thích nhiều loại nghệ thuật khác nhau. Có lẽ một trong những loại gần đây nhất, kết hợp các thời đại và công nghệ, là điện ảnh. Điện ảnh giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian để tìm hiểu những điều khác nhau (Cười). Như bạn biết đấy, do hoàn cảnh mà tôi đã bị thiệt thòi nhiều thứ trong thời thơ ấu của mình, nhưng những bộ phim đã cung cấp cho tôi một số kiến thức về những điều mà tôi không được trải nghiệm. Ngoài ra, cấu trúc, các lớp lang của một bộ phim, những xung đột, tương phản, ánh sáng, cảm giác về không gian và thời gian trong phim cũng giúp tôi trong việc chơi đàn.
Ông nghĩ gì về các yếu tố tinh thần trong âm nhạc?
Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đi theo con đường chính thống, như thường là phải thế, chúng ta cần cố gắng nắm bắt ý nghĩa tinh thần, những tư tưởng và thông điệp của nhà soạn nhạc mà chúng ta trình diễn. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta đang đạt mục tiêu của người thể hiện nhạc phẩm. Ngày nay, trong âm nhạc, có vẻ như chúng ta thấy nhiều tính cách của nghệ sĩ biểu diễn, thậm chí có lẽ còn nhiều hơn so với tính cách của nhà soạn nhạc. Nhưng tôi tin rằng tôi thuộc về những người đang cố để được xếp vào nhóm đầu tiên.
Liệu thế hệ trẻ có tương lai bảo đảm trong nhạc cổ điển không?
Tôi nghĩ rằng vai trò của nhạc cổ điển trong xã hội thì vẫn còn đó, nhưng bây giờ đã rất khác xưa. Ngày nay, chúng ta phải chấp nhận ảnh hưởng của công nghệ, và internet rõ ràng là có vai trò. Thông tin ngày nay cứ như rừng, và chúng ta cần phải biết chọn lọc hơn.
Nói vậy, ý của tôi là chúng ta phải cẩn thận khi lựa chọn nghề nhạc. Các nhạc sĩ hàng đầu không bao giờ gay go cả, họ sẽ chỉ nhận được nhiều hợp đồng hơn mà thôi. Nhưng nghệ sĩ piano trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại, và có thể sẽ không có đủ chỗ hoặc thị trường cho nhiều người trong số họ. Tuy vậy, vẫn còn  nhiều việc liên quan tới âm nhạc mà các sinh viên âm nhạc có thể làm được.
Ông có lời khuyên nào cho các sinh viên đang phấn đấu đạt theo tinh thần âm nhạc Chopin?
Tôi nghĩ, ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều phương tiện kỹ thuật để tìm đến nơi họ muốn trong âm nhạc. Trên Youtube bạn có thể tìm thấy mọi thứ vào mọi lúc.
Thách thức lớn hiện nay nằm ở chỗ Chopin là một nhạc sĩ lãng mạn, và âm nhạc của ông gắn liền với những cảm xúc thực sự, có lẽ thậm chí còn hơn thế, một cảm xúc rất riêng tư trong tâm hồn. Ngày nay, với tất cả các thông tin và công nghệ hiện đại, bao vây và tăng tốc cuộc sống, sự hoàn thiện của kỹ thuật số có xu hướng làm mọi thứ trở nên nghiêng về lý trí hơn. Nhưng người ta không thể chơi Chopin mà không trải nghiệm cuộc sống.
Tiếp xúc với con người là điều rất quan trọng. Nếu bạn yêu một người, thì ngày nay có nghĩa là gì? Gửi e-mail ư? Gửi tin nhắn ư? Nhưng bạn cần phải trải nghiệm những cảm xúc, sự phấn khích khi chờ đợi một bức thư tình được gửi đến trong hòm thư, phải nhìn thấy và sờ vào những nét chữ bằng mực trên bức thư mà người yêu của bạn đã tự tay viết. Những điều này thật tươi mới và trực tiếp đối với những cảm xúc của ta. Và như vậy, ngày nay, việc tiếp xúc với thiên nhiên, với con người, đúng là có khó khăn hơn trước. Đó là tất cả những trạng thái khác nhau của cảm xúc con người.
Theo quan điểm của ông, mục đích của Nghệ thuật trong xã hội là gì?
Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật  không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục – một nền giáo dục rất quan trọng.
Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại. Âm nhạc chỉ nâng người ta lên cao hơn. Bạn không bao giờ có thể nghe âm nhạc tuyệt vời mà lại cảm thấy kinh tởm – đơn giản là vì âm nhạc không đưa bạn tới phía tiêu cực. Trong các nghệ thuật khác, có thể phân định mặt tích cực và mặt tiêu cực dễ dàng hơn, nhưng với âm nhạc, bởi ngôn ngữ quá trừu tượng, mọi thứ đều đi thẳng đến cái đẹp và tính nhân văn.
Ông muốn để lại những ấn tượng gì cho những người hâm mộ ông, và có phải đó là âm nhạc mà ông từng có thời mơ ước và coi là tất cả?
Mơ ước của tôi rất khiêm tốn. Tôi phải làm gì đó cho đất nước tôi. Ba mươi năm đã qua kể từ cuộc thi Chopin 1980, vậy mà vẫn chỉ có mình tôi là người duy nhất gây dựng được một sự nghiệp quốc tế. Vì vậy, đó là lý do tại sao, tôi ngày càng dành nhiều thời gian cho giảng dạy – không chỉ ở một trường, mà còn tại các master-class trên toàn thế giới. Tôi cố gắng khích lệ thế hệ trẻ tại Việt Nam, chúng tôi đã có một cuộc thi quốc tế ở đó  (lần tới sẽ là lần thứ hai). Chúng tôi cũng cấp học bổng cho các nghệ sĩ trẻ.
Đồng thời, việc để lại các băng đĩa ghi âm cũng là việc rất quan trọng. Vậy nên, tôi có chú ý hơn về việc này. Thật vậy, tôi hy vọng để lại một cái gì đó cho thế hệ mai sau.
Cảm ơn ông rất nhiều vì đã bỏ thì giờ trả lời phỏngvấn.
Cảm ơn bạn!


Chú giải của người dịch:
[1] Mikhail Pletnev [đọc là Plet-nhiôv] (sinh năm 1957) – nghệ sĩ piano Nga đồng thời là nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Pletnev vào học tại Nhạc viện Moscow năm 1974, khi ông 17 tuổi. Năm 21 tuổi (1978), Pletnev đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky, khiến ông lập tức trở nên nổi tiếng thế giới. Năm 1990 Pletnev sáng lập Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga – dàn nhạc đầu tiên của Nga không cần nhà nước tài trợ (kể từ năm 1917). Pletnev được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng trong đó, ngoài giải nhất cuộc thi Tchaikovsly năm 1978, có giải thưởng Lenin Komsomol (1978), giải thưởng quốc gia Nga mang tên Glinka (1982), nghệ sĩ nhân dân CHLB Nga (1989), 3 giải thưởng quốc gia hạng nhất (1995, 2002, 2005), hai huân chương Tổ quốc ghi công (hạng 4 năm 1997 và hạng 3 năm 2007), giải Grammy (2005) cho nhạc thính phòng, giải thưởng Văn hóa châu Âu, v.v. Tháng 7 năm 2010, Pletnev – hiện có một dinh thự tại khu nghỉ mát ở Pataya (Thái Lan) trong khoảng một thập niên gần đây – đã bị dính vào một nghi án ấu dâm với một cậu bé Thái Lan 14 tuổi ở Pataya. Pletnev phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng đã phải hủy đợt lưu diễn tại Anh để tại ngoại hầu tra. Cuối tháng 9 năm 2010 cảnh sát Thái Lan đã xoá bỏ mọi cáo buộc đối với Pletnev và không khởi tố vụ án. Pletnev lại tiếp tục biểu diễn 2 tháng sau đó.
[2] Andrei Gavrilov (sinh năm 1955) – nghệ sĩ piano Nga. Năm 1973, Gavrilov vào học tại Nhạc viện Moscow. Gavrilov đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky năm 1974, khi chưa đầy 19 tuổi và mới vào học một học kỳ tại Nhạc viện Moscow. Gavrilov trở nên nổi tiếng thế giới sau khi diễn thay Sviatoslav Richter tại hội diễn âm nhạc ở Salzbourg cùng năm đó. Năm 1979 nhạc trưởng Herbert von Karajan gửi lời mời Gavrilov thu âm các concertos của Rachmaninov cùng dàn nhạc giao hưởng Berlin do Karajan chỉ huy tại Berlin. Nhưng do phát biểu phê phán chế độ Xô Viết, Gavrilov đã bị Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) hạch sách, bị quản thúc tại nhà, bị tịch thu hộ chiếu, không được xuất ngoại, thậm chí còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Tới năm 1984, nhờ sự can thiệp của Mikhail Gorbachev – khi đó là ủy viên bộ chính trị Đảng CS Liên Xô – Gavrilov mới được cấp hộ chiếu ra nước ngoài biểu diễn. Từ năm 1993 tới 2001, Gavrilov ngừng biểu diễn để nghiên cứu tổng phổ, nền tảng tôn giáo và tư tưởng triết học của các nhà soạn nhạc cũng như thay đổi toàn bộ kỹ thuật diễn xuất của mình. Ông bắt đầu biểu diễn lại từ 2001.
[3] Một bài báo về Pletnev đăng tại tạp chí Студенческий Меридиан (Kinh tuyến sinh viên) năm 1978, mà người dịch đã được đọc tại Moscow ngay sau khi Pletnev đoạt giải nhất piano tại cuộc thi Tchaikovsky, có viết về giai thoại này như sau. Có lần Yakov Fliyer (1912 – 1977), thầy của Pletnev, bảo ông tập một sonata của Beethoven. Pletnev cho rằng chỉ tập một sonata thì không đủ để hiểu rõ nhà soạn nhạc. Vì thế Pletnev đã tập tất cả 32 sonatas của Beethoven mang tới trả bài cho thầy. Sau này, trong bài trả lời phỏng vấn đăng tại Gramophone vào tháng 11/1989, Pletnev đã nói như sau: “Tôi không phải là một học trò tốt. Tôi hay bỏ học, rồi sau đó cảm thấy mình có lỗi. Tôi thích ngồi nhà nghe đĩa và học được nhiều qua việc nghe đĩa. Fliyer là một nghệ sĩ piano giỏi và là một người thầy giỏi, nhưng tôi chắc tôi là một trò hư của ông. Ông hỏi: ‘Anh sẽ chơi bài gì đây?’ tôi trả lời: ‘Các concerto của Beethoven’ – ‘Concerto nào?’ – ‘Tất cả’. Trên thực tế, tôi không bao giờ có thể chơi tất cả những gì tôi đã chuẩn bị cho ông ấy nghe. Mỗi tuần tôi mang tới một bài mới.” Cũng trong bài trả lời phỏng vấn này, Pletnev nói thời trẻ ông học các bài khó rất nhanh, ví dụ ông đã tập Concerto No 2 của Liszt chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ và sau đó biểu diễn luôn. Pletnev còn là một trong những tài năng hiếm hoi mà trước khi ông đi thi Tchaikovsky mọi người đều đã biết chắc ông sẽ đoạt giải nhất. Thời sinh viên tại nhạc viện Moscow, Pletnev còn chơi cả tennis – môn thể thao mà các nghệ sĩ piano tối kỵ vi sợ hỏng tay.
[4] Trả lời phỏng vấn của Gramophone tháng 11/1989, nghệ sĩ piano Mikhail Pletnev cho biết ông học chơi piano bằng cách nghe đĩa thu âm S. Rachmaninov, V. Horowitz, S. Richter và A. Michelangeli biểu diễn, vì đó là những nhân cách mà ông tin cậy. Sau khi thấy cách họ chơi là thuyết phục, và đã tin chắc rằng họ có cách thể hiện hoàn toàn đầy cá tính, Pletnev coi những gì ông nghe được từ các danh cầm này là chân lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog