Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Mùa Hè

Hôm qua xem một video clip, người chủ chương trình nói đời người có ba giai đoạn và cái giai đoạn như tôi đây là sắp vào giaì đoạn... vứt đi.

Cho nên sáng nay thức dậy nghĩ thôi từ nay chỉ đọc báo thiên hạ, bởi thiên hạ nghĩ/viết hay ho hơn mình, vì họ là những người ở giai đoạn thử thách, ở giai đoạn thành công, đó là những điều đáng đọc cho tôi. Chứ mình đang ở giai đoạn vứt đi mà lại đem những điều như thế để phô bày thì... dị lắm.

Mùa Hè mới bắt đầu, chả lẽ lại bảo Vĩnh Biệt Mùa Hè?




Muà hè 42 của Nguyễn Ánh 9 - Hồng Nhung hát

Thôi xin chào và chúc tất cả một Mùa Hè thật vui vẻ.

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Nhìn hình đố vui

Lại cũng lang thang trên mạng bắt gặp tấm hình này, đem lên để "đố vui" các bạn học xem có tìm thấy một người bạn học của chúng ta trong tấm hình này không, dĩ nhiên "khổ chủ" cũng không ngờ blogger tìm thấy tấm hình mới mẻ này trên net:-)
Chạy đàng trời cũng không thoát !!!.(mắt kèm nhèm vậy chứ cũng còn tinh chán)

Tình yêu là gì

Lang thang trên mạng gặp tấm hình diễn tả "love, what love?" post lại cho cả nhà cùng chiêm ngưỡng :-)




- Này, lắng nghe đây, em yêu anh như yêu em của em đấy.

- Ừ, được rồi, anh cũng yêu em nhưng anh yêu giống như anh yêu thích bỏ lại một cái vali đầy những hòn gạch ở một trạm xe điện đông người.

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

10 nguyên tắc thọ thêm nhiều tuổi

Người ta mới gửi cho bài sau, thấy cũng dễ tập, như cái vụ đêm bảy hỏi sao mà lúc nào tôi cũng buồn ngủ, vì có đủ 7 tiếng đâu cơ chứ, kiểu này thì không thể nào mà thọ lên... lão làng được.  Ngoại trừ cái vụ "con làm sao quên, tuổi không nhớ làm sao trang điểm, ít đường làm sao hẹn bạn ăn chè", mấy thứ linh tinh này coi bộ khó nhất cho phụ nữ!!!

Xin Quý vị chỉ cần nhớ :

* Ðêm Bảy : ngủ trên 7 giờ trong một đêm.
* Ngày Ba : một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.
* Vô ra không tính : mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.

1. Câu châm ngôn thứ nhất:

“Trong thiên hạ, không có chuyện làm biếng mà có thể có một thân thể khỏe mạnh.”

2. Câu châm ngôn thứ hai:

-Ði với những việc không vui vẻ của dĩ vãng và nghịch cảnh, không thấy khó chịu.
-Ðối với những ngày sắp tới không có ước vọng quá cao, nhưng luôn cầu bình an hạnh phúc.

Ba DƯỠNG

1. Bảo dưỡng.
2. Dinh dưỡng.
3. Tu dưỡng.

Bốn QUÊN

1. Quên tuổi tác.
2. Quên tiền tài.
3. Quên con cái.
4. Quên buồn phiền.

Năm PHÚC

1. Có thân thể mạnh khỏe, gọi là phúc.
2. Có vui thú đọc sách, gọi là phúc.
3. Có bạn bè tri kỷ, gọi là phúc.
4. Có người nhớ đến anh, gọi là phúc.
5. Làm những việc mà mình thích làm, gọi là phúc.

Sáu VUI

1. Một vui là hưu nhưng không nghĩ.
2. Hai vui là con cái độc lập.
3. Ba vui là vô dục tắc cương.
4. Bốn vui là vui vẻ vấn tâm mà không xấu hổ..
5. Năm vui là có nhiều bạn hữu.
6. Sáu vui là tâm tình không già.

Bẩy SUNG SƯỚNG

1. Biết đủ thường sung sướng.
2. Biết giải trí khi nhàn rỗi.
3. Biết đắc chí tìm niềm vui.
4. Khi cấp thời biết tìm niềm vui.
5. Biết dùng người làm vui.
6. Biết vui khi hành thiện.
7. Bình an là vui nhất.

Tám CHÚT XÍU

1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nữa.
2. Ðầu óc hoạt động thêm một chút nữa.
3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.
4. Ðộ lượng nhiều hơn một chút nữa.
5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.
6. Làm việc nhiều thêm một chút nữa.
7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.
8. Mĩm cười nhiều thêm chút nữa.

Chín THƯỜNG

1. Răng thường ngậm.
2. Nước miếng thường nuốt.
3. Mũi thường vê.
4. Mắt thường động.
5. Mặt thường lau.
6. Chân thường xoa (bóp).
7. Bụng thường xoay.
8. Chi thường vươn.
9. Hậu môn thường co bóp.

MƯỜI NGUYÊN TẮC KHỎE MẠNH

1. Ít thịt, nhiều rau.
2. Ít mặn, nhiều chua.
3. Ít đường, nhiều trái cây.
4. Ít ăn, nhai nhiều.
5. Ít áo, tắm nhiều.
6. Ít nói, làm nhiều.
7. Ít muốn, bố thí nhiều.
8. Ít ưu tư, ngủ nhiều hơn.
9. Ít đi xe, đi bộ nhiều.
10. It nóng giận, cười nhiều hơn

Lưu ý 10 điều trên nếu thấy quá nhiều và khó nhớ;
 Xin Quý vị chỉ cần nhớ :

* Ðêm Bảy : ngủ trên 7 giờ trong một đêm
* Ngày Ba : một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.
* Vô ra không tính : mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Sinh nhật tháng Sáu

Năm nay có sao gì đó xấu như cô bạn đã cảnh cáo.  Tôi không rành lắm, nhưng mà cứ thây mình bận tíu tít chẳng có thì giờ làm cái gì cho ra hồn ra viá, cho nên có hứa...lèo với mình là sẽ học thêm sinh ngữ, học thêm code để làm cho trang web hay ho hơn cũng chẳng có thì giờ. Đã bận mà tối ngày lại chỉ buồn ngủ, may là bây giờ không còn phải chuẩn bị làm... dâu ai, cho nên muốn ngủ thì lăn ra ngủ, chỉ phải tội là không có ... giờ ngủ luôn.  Cứ vừa chợp mắt là thấy mặt trời ở đâu đã ló dạng rồi. Tôi không hiểu làm sao những người một đêm chỉ ngủ vài tiếng làm sao sống, dĩ nhiên với các cụ già thì miễn bàn.  Tôi thì cứ cho mình chưa đến tuổi các cụ nên cứ tha hồ như em bé nằm xuống là tôi ngủ mất tiêu. 
Thế đấy bây giờ có cái thư của ông (cụ) bạn bảo là viết cái chi cho các (cụ) ông, (cụ) bà có sinh nhật trong tháng Sáu này.  Tôi đâu có tính viết nữa mấy chuyện mừng sinh nhật kể từ khi cô bạn thông báo năm nay xui lắm, thế là tôi mừng luôn sinh nhật các bạn từ hồi đầu năm rồi cơ mà, cứ như hồi nhỏ năm mới được người thân mừng tuổi đấy thôi. Vì hình như từ sau cái tuổi có cái số ..9 ở đuôi thì chả còn năm nào là năm tốt cả, cứ như người ta hay nói 49 chưa qua 53 đã tới, hết cái vụ này thì lại quay ra sao này sao kia và chả có còn cái sao nào hay ho cho mình mừng tuổi bạn (cũng như tuổi mình) nữa.  Đâu có sao nào kiểu Đào Hoa, Hồng Loan, Tử Vi, chi chi đó cho mọi người vui chứ, bây giờ mỗi năm lại run run rón rén chờ cho ngày ấy đến rồi nhảy qua một cái cho thật nhanh như để không ai biết mình vừa mất đi một năm trẻ trung của đời mình, thế thì tại sao lại (hại) nhắc bạn "ê, sinh nhật nhà ngươi tới rồi kìa".  Bằng chứng là như ông bạn sinh nhật hôm nay đó, bình thường thì ông cũng hay nhanh nhẩu (đoảng) gửi cho bạn bè một câu chúc, thế mà tới ngày sinh nhật của ông, thì ông trốn mất tiêu, có khi đang ngồi (khóc) âm thầm ở một xó xỉnh văn phòng nào đó mất năm phút trước khi định thần nhận lời chúc của vợ con, phải cười toe dắt vợ con đi ăn trong ngày sinh nhật buồn tê tái của ông cũng có khi. Đó là tôi suy diễn thế thôi vì không thấy ông lên tiếng. 
Cho nên ông bạn khác xúi tôi gõ vớ vẩn cho các cụ, khiến cho các cụ lại buồn thì sao.  Thôi tôi không dám.  Làm thơ viết nhạc thì tôi dốt, nếu có thì giờ thì tôi sẽ kiếm bài của ai rồi chép lại tặng các cụ vậy.  Trong khi chờ đợi (blogger thức giấc) thì xin các cụ tháng Sáu cứ vui vì được thổi thêm một ngọn nến cho đời mình nhé.  Cứ thưởng thức những hương đời mang tặng cho (khỏi cần chờ đợi blogger ngủ gà ngủ gật rồi chúc vớ va vớ vẩn nhé).  Hãy cứ vui như mọi ngày, không than van không buồn phiền, khó đấy nhưng mà làm được phải không? Và quan trọng thôi không làm chồng làm vợ hãy cứ làm tình nhân của cụ của các cụ. Hãy yêu như chưa yêu lần nào.
Thế nhé, chúc vậy được chưa hở các cụ không sinh vào tháng Sáu? Chả lẽ bây giờ chúc cho các cụ tháng Sáu tu đắc đạo.  Chúc thế thì tôi tin các bạn giờ đã đắc hết rồi đâu cần blogger chúc. Chúc điều mà người ta gọi là "challenge" thì mới là khó chứ phải không?
Và đây những ngọn nến cho một ngày của bạn. 



Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Về quê (The Way Home)

Đây là câu chuyện vô cùng cảm động kể về một chú bé ở thành phố được mẹ gửi về quê sống với bà ngoại của chú. Nhờ tình thương và sự kiên nhẫn của bà ngoại đã cảm hoá được tấm lòng của chú bé con mà ban đầu rất là hư vì thói được nuông chiều hay không được dậy dỗ trước đó khi sống với mẹ. Cho nên dậy một đưá bé cần đến cả một gia đình, hay như bà Hillary Clinton đã nói dậy một đứa nhỏ cần tới cả làng. Cứ nhìn vào cộng đồng người VN ở hải ngoại thì phải công nhận đa số những gia đình có mấy thế hệ chung sống thì trẻ con cũng ngoan hơn, có lòng từ tâm hơn và nói tiếng Việt khá hơn :-)
Phim này được đóng bởi hai tài tử một già một trẻ, cả hai chưa từng đóng phim đứng trước máy quay bao giờ, thế nhưng rất xuất sắc trong phim The Way Home, được giải thưởng của Hàn Quốc năm 2002. Một bà ngoại điếc chăm sóc cho thằng cháu mà tâm tính có những "ác độc", tinh nghịch của trẻ thơ.

Tưởng tượng gia đình người VN gửi một chú bé con về làng quê ở VN nghỉ hè, chắc là chú bé cũng bị "shock" như thế, nhưng cuối hè thì chú bé sẽ muôn ở lại với bà luôn, vì bà chiều cháu hơn bố mẹ mà phải không?
Câu chuyện này tôi phải dành tặng cho chú bé cháu nhà tôi, chú bé mới sang Mỹ có mấy năm, đang dần quen dần trở thành chú bé Mỹ, mà tôi thì chỉ muốn chú là chú bé Việt Nam mãi mãi.


Xem toàn bộ The Way Home tại đây

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Đường về (nhà)

Cách đây mấy năm tôi có xem cuốn phim The Road Home, mà nghĩa của  câu chuyện lẽ ra tôi muốn dịch là "Trở về mái nhà xưa" dựa theo cuốn truyện có tên là "Hồi Tưởng" của Bao shi, xem xong thấy hay hay nên có bình...loạn một bài, gửi bạn bè xem, bây giờ không biết ở đâu để lôi ra post lại.  Đầu tuần tình cờ xem thấy có trên Youtube, cho nên phải chờ cuối tuần có thì giờ post lại đây cho cả nhà cùng xem.  Cuốn phim mô tả mối tình của một cô gái làng quê (Chung Tử Di đóng) với người thầy giáo, tình cảm mẹ con, cái nghĩa vợ chồng được kể lại qua giọng kể của người con trai nối nghiệp cha.  Muốn viết lại cảm tưởng của mình thì phải xem lại, mà xem lại thì không có thì giờ, thôi để mọi người cùng xem, có thích thú vì đôi mắt thẹn thùng của cô gái, chân tình của cô trong chiếc chén mà mẹ người thầy giáo đã nhìn thấy trao lại cho con trai.  Một chuyện tình rất đẹp chỉ qua đôi mắt, sự chờ đợi âm thầm, không là những pha diễn nóng như các loại phim thời đại mà cốt truyện thường rất tầm thường. 
Còn một phim nữa cũng rât hay có cái tên cũng tựa tựa như thế để hôm nào kiếm được mang lên đây cho mọi người cùng xem lại.

Xem toàn bộ The Road Home tại đây

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Bạn học

Ngồi nhìn ba tấm ảnh gồm một đứa bé gái và ông ngoại của nó.  Đưá bé gái khoảng 2 tuổi có đôi má hồng, mái tóc quăn tự nhiên, mắt đen, trông như một đứa bé hai dòng máu Á Âu.  Con bé dễ thương, đang ngồi trước đĩa bánh, bên cạnh nó là ông ngoại của nó, dĩ nhiên tôi không thể biết quan hệ của họ nếu không có lời giới thiệu cho ba tấm hình, hai ông cháu đang ăn sáng (?), cả hai ông cháu đang nhìn vào cái lap top đặt trên bàn.  Xem ra ông đang cho cháu ăn sáng nhưng mắt ông thì ngó vào cái laptop.  Thời buổi này không phải là bà trông cháu mà là ông, và ông không ngồi phì phèo thuốc lào trên sạp gỗ gụ mà ông đang chat với ai đó trên net không chừng, kể cũng hay đó chứ.  Cháu thì chăm chú nhìn ông chat, có khi lại hỏi ông linh tinh rồi về mách bà ngoại nó, biết đâu đấy.  Nhưng mà cô cháu này chắc chưa biết nói rành mà có khi cũng chưa hiểu tiếng Việt cho lắm. 

Chỉ có ba tấm hình trong một cái email, người gửi là  ông ngoại trong hình, ông gửi cho tôi và một người nào đó ở VN, chẳng một câu nào trong thư, khiến tôi ngồi nhìn ba tấm hình, nghĩ linh tinh rồi thấy ông già quá, ông mập ra, tóc ông nhiều hơn cái thời ông hay cạo trọc khi còn đi học, ông khác quá, khác cả cái lần tôi gặp ông cách nay mấy năm, bao năm nhỉ, tôi cũng không nhớ, không lẽ đã 10 năm?  Mà thế nào thì ông cũng là một người nào lạ lẫm trong hình, tôi chẳng nhận ra chút nào người bạn học cũ thủa lớp 9, ngoại trừ cái cằm chẻ đôi trông rất ngang tàng thời ấy.  Cái thời mà mỗi lần xe chạy ngang nhà ông , trông thấy "hắn" mà phát ghét!.  

Ngày xưa chưa bao giờ tôi dám xem ông là bạn, bây giờ nhìn hình ông, lại không biết viết gì để báo đã nhận được hình, chả lẽ gửi tấm hình bà lão của mình với cái email không lời để đáp lễ.  Cũng không xong, nhưng bây giờ thì tôi hết còn sợ nhận ông là bạn cũ.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Về lá thư chưa viết

Trưa Chủ Nhật ngồi nghỉ sau một buổi sáng vội làm đủ thứ công việc nhà, định gõ điều nghĩ từ đầu tuần về một cú phone bất ngờ của người bạn học gọi từ VN sang, về những ý nghĩ là sẽ viết một lá thư gửi về mà vẫn chưa làm được bởi đời sống sao bận rộn quá, bận rộn đến nỗi một dòng thư cũng không viết nổi , thế làm sao trấn an người bạn học, khi ông báo tin 35 năm qua ông đã trở thành một người nhà quê, lời ông nói ông làm một "Hai Lúa", một chữ tiếng Anh ông không còn nhớ, vợ chồng ông sẽ bỏ quê hương, 4 đứa con đã có gia đình, tất cả để ra đi sang Mỹ với đưá con út vì cô con gái muốn đi, và ông phải ra đi làm lại cuộc đời, ông lo lắng đủ thứ, ông không ngại khổ, ông an ủi con ông. Ông sẵn sàng sang đây đi cắt cỏ làm vườn chi đó để con ông được tiếp tục học, được thành công nơi xứ người.  Ông chỉ lo lắng sang đây ông không có bạn bè để hàng ngày hàn huyên tâm sự, ông nói nơi ông ở sáng sớm ông đi uống café, ra ruộng vườn, rồi về nói chuyện với bạn bè, ông sống với bạn bè. Ông không thể tưởng tượng được ở một nơi mà hàng xóm còn không biết tên nhau như xứ tôi ở.  Ông lo lắng bạn học ngày xưa ở xa nhau quá, tản mạn khắp nơi trên xứ người, làm sao ông gặp được. Ông dặn dò ông muốn gặp lại tôi và một cô bạn thân khác của ông.  Thật sự tôi không nhớ ông ngồi ở đâu trong lớp, nhưng ông nhớ những chi tiết về tôi cũng như những người bạn khác. Chân tình của ông đối với bạn bè khiến ai cũng khen ngợi ông. Ông gọi cho tôi lần ấy mà ông nổi nóng đủ biết chân tình ông ra sao. Ông nói, tại vì tôi mà ông phải "dằn" lắm chứ không ông "chửi" um lên rồi, ông bảo bạn bè ông biết khi ông nóng là ông "xổ nho chùm" ngay.  Ông bực mình chỉ vì gọi cho tôi mãi không được, biết là ông không "xổ nho" như có lần tôi nghe, ông vô tình không biết máy của tôi thâu lại được, khiến tôi buồn cười vì ông bạn nóng tính. 

Bây giờ ông lo lắng muôn thứ chuyện cho một chuyến đổi đời, khi tuổi đời đã không còn trẻ. Ông nói muốn nói chuyện với các bạn để học hỏi một lời khuyên. Tôi an ủi một cách huề vốn với ông, đừng lo, có gì mang con gái sang, thấy không xong thì lại đi về để con gái ở lại, hãy khoan bán nhà cửa.  Ông nói muốn bán để sang đây không phải nhờ vả họ hàng.  Lại phải gạt cái sự gàn dở của ông thôi.  Nghe ông hàn huyên, bao nhiêu cha mẹ đã phải hy sinh như thế vì con. Tại sao đất nước đã gọi là hoà bình, giàu mạnh, người người ở hải ngoại vẫn mong trở về thì trong nước người ta vẫn phải tìm cách ra đi. Và bây giờ ngồi nghỉ mở thư vô tình đọc bài Phụ nữ và hạnh phúc, của một blogger nào đó tự nhiên nối kết trong hộp thư tôi, lại thấy buồn buồn cho con gái VN. 

Nghĩ tới vợ chồng ông bạn và cô con gái và lá thư tôi nghĩ mà chưa viết được.  Hôm qua gia đình ông được phỏng vấn, có khi ông đã gọi tôi ở đâu đó báo tin mà tôi không ở đó nhận tin, mai đi làm có khi lại nghe ông càu nhàu trong phone cho mà xem. Ôi ông bạn nóng tính của tôi.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Con gái, Huế

"Cũng như cái màu áo học trò, vẫn thích cấm tiệt mọi cô gái Huế ăn mặc hở hang. Hiện đại, thời trang, "xì- tin" có thể ở đâu đó, chứ với Huế thì không, nhất định là không! Lang thang dọc phố, ven những bãi sông, công viên, có thể bắt gặp đâu đó cảnh tượng những "o" áo quần cũn cỡ, khoe rốn, khoe mông và thản nhiên "mi" nhau giữa ban ngày như cảnh tượng trên đường Thanh Niên ở Hà Nội."

Đọc đoạn văn của Trương Duy Nhất mà tiếc.  Không cứ gì ở Huế, mà ở đâu khi nhìn những cô gái VN ăn mặc hở tay hở rốn hở ngực, những làn da trắng đã thành màu xám với những màu nâu trứng cá ở cái tuổi dậy thì thì tôi cũng thấy đau lòng cho vẻ đẹp thuỳ mị của con gái VN đã biến đi đâu mất tiêu rồi. Cũng như bà mẹ, con (Tây) ai mặc sao cũng kệ, nhưng con gái Việt Nam (tôi) thì phải đoan trang kín đáo, dĩ nhiên không đến nỗi phải che từ đầu xuống chân như mấy người nữ xứ Ả rập đâu, cho nên đi đâu gặp phải cảnh này tôi cũng buồn đến ngẩn ngơ. Không hiểu mấy ông bạn của tôi nghĩ sao nếu con gái họ cũng ăn mặc như thế nhỉ, có tần ngần buồn, có dám bảo ban con hay là móc túi cho con đi sắm thêm (?). Hỏi thế thôi, chứ tôi tin là ông nào có con gái thì cũng xem như con gái rượu của mình, hẳn là không muốn ai ngắm con mình một cách lộ liễu, chúng tôi đã là người .. muôn năm cũ mất rồi, và có lẽ vì nghĩ vậy nên tôi cũng chả có con gái để mà âu lo.:-)

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Đi

Trở lại làm việc sau một 4 ngày nghỉ, chỉ muốn nghỉ luôn ở nhà cho sướng cái thân... già. Nghĩ lại loay hoay mà đã đi làm hơn cả nửa đời rồi còn gì nữa cơ chứ.

Ông bạn học làm việc ở Boeing gửi cho cả nhóm xem Boeing làm máy bay. Trời ơi, làm việc thế này chỉ có 2 phút 30 giây là xong chiếc máy bay, mà mình làm cả đời chả ra cái giống gì, uổng quá, làm như Boeing rồi leo lên chiếc máy bay ra khỏi phi trường luôn có phải sung sướng không cơ chứ. Xem mà tôi chỉ nghĩ tới một chuyến đi khác, ai cũng ngại ở phi trường chứ tôi thì cứ thích đi qua đi lại ở phi trường nhìn người ta đưa đón nhau mà vui mà buồn dùm cho thiên hạ. Chả trách tôi bị mắng là "đa đoan" cũng phải.

Đôi khi cứ ngồi nhìn thiên hạ tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, cũng vui ra phết ấy chứ, bạn cứ thử đứng ở một góc nào đó ở phi trường, nhìn người ta qua lại vội vàng, tấp nập. Bạn đừng làm người ra đi để bực dọc vì lỡ một chuyến đi, đừng làm người ở lại để luyến tiếc nhớ thương đưa tiễn người ra đi. Cứ đứng một góc nhìn những hỉ nộ ái ố diễn ra như một cuộn phim, nếu lòng mình có bình yên ở chốn yên lặng thì đó là lẽ thường, nhưng nếu lòng mình giữ được sự lặng yên ngay giữa những ồn ào đầy tiếng động thì bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị, bạn sẽ như trẻ thơ thấy cái gì cũng lạ, cũng đầy những câu hỏi "tại sao", sẽ có lắm câu chuyện dí dỏm khi chợt nhìn chợt thấy, tiếc rằng văn chương chữ nghĩa chẳng đủ để viết lại những gì chạy qua trong đầu để kể lại cho bạn nghe, chắc nó cũng làm việc nhanh như Boeing tạo máy bay, những ý nghĩ bay qua đầu tôi nhưng không ở lại, nó lại bay đi để lại cho tôi một khoảng trống. Có lẽ vì thế mà có ai nói là phải đi phải sống để tìm ... nguồn cảm hứng. Người ta đi để hưởng thụ, còn tôi ra đi chỉ để tìm thấy mình, để tìm thấy sự bình yên giữa những đám đông rất lạ.

 

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog