Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Những người họ Đoàn

Hôm nay đọc hai bài báo một nói về những nguời con dâu họ Đoàn và một là bà Đoàn thị Điểm.  Bỏ hết cả vào đây để lâu lâu đọc lại, thời nào cũng có những người phụ nữ khiến người khác phải cảm phục. (Nói vậy có vẻ hơi thừa phải không? Vì bạn tôi sẽ phản pháo ngay, sẽ nói không phải chỉ vài người phụ nữ, và sẽ than là họ đã bị "đô hộ" từ lâu lắm rồi bởi những người phụ nữ :-))


 Trăm quân không bằng cái lai quần phụ nữ

 

Đau thương tận cùng nhưng họ vẫn đặt Tổ quốc là trên hết


        
Bài trên Đại Đoàn Kết Tổ quốc là trên hết đi tìm lời giải vì sao vợ con Đoàn Văn Vươn treo cờ ở túp lều trên nền đất bị phá. Tác giả thừa nhận, một câu trả lời bất ngờ từ vợ Đoàn Văn Vươn: “Tổ quốc là trên hết”.
Vụ Tiên Lãng có nhiều “kinh điển” loạn ngôn của phường gian quan, giá áo túi cơm, tốn kém thuế má của nhân dân nuôi đám ngỗ ngược. Nhưng trong lòng dân, những con người đứng về phía nhân dân có những tiếng nói chân thành và đầy ưu tư, trầy trách nhiệm bảo vệ dân làm công chúng thâm vững tâm.

Trong cuộc của vụ việc, vợ của Đoàn Văn Vươn cũng làm cho người ta thấy cái mãnh liệt của người phụ nữ bị dồn đến đường cùng. Đó là cái quý hiếm ở người phụ nữ bị đã thương mạnh về tinh thần, tưởng như không gượng nổi.

Tôi phục chị sát đất khi trong bộn bề của khó khăn, khi đang là bị can của công an Hải Phòng dưới tay đại tá Ca với tội danh giết người, chị vẫn đặt trên đầu mình “Tổ quốc là trên hết”. Chính thế mà chị mới tiếp đón, phát biểu được với trăm nhà báo tìm về Cống Rộc.

Lá cờ Tổ quốc cắm giữa vùng đầm cưỡng chế, bay phần phật ở khu vực số không của cưỡng chế, reo trước gió ở khu vực zero nhà cửa hợp pháp của dân là cách mà người phụ nữ của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý thuốc thang cho tinh thần. Tôn quý tổ quốc mới vượt qua các khổ đau, bỉ ổi của đám ô lại dành cho mình.


Thân cô thế cô, hai người phụ nữ của gia tộc họ Đoàn cùng đàn con nhỏ chỉ biết niềm tự hào riêng là Tổ quốc. Đặt niềm tự hào lỗi lạc của đất nước trong đau thương tràn trề, trong tủi nhục cực hận, trong giá rét vô biên của Tết nhất là một dũng khí không phải ai cũng có được.

Lá cờ Tổ quốc đã chứng giám lòng thành kính của vợ con họ Đoàn. Lời nói “Tổ quốc là trên hết” có sức nặng và lan tỏa khủng khiếp khi ai đọc bài báo này. Bởi nó thốt ra từ lời của người phụ nữ bị mất mát hết gia tài trong tay đàn cưỡng chế gian manh.

Khí cốt của Bà Trưng, Bà Triệu phù độ trong đó, để hai người con dâu của họ Đoàn vững bền dưới bóng cờ Tổ quốc.

Đến đây lại nghĩ, sự huy động trăm quân của quân đội, công an, biên phòng dưới tay Đại…Ca mới thấy vô tích sự và thấp dưới lai quần của hai người phụ nữ tay không tấc sắt. Họ chỉ có suy nghĩ, ý chí nhưng cao hơn đám quân tịch được điều động đến cưỡng chế. Cao hơn suy nghĩ vô lại của Nguyễn Văn Minh, quân nhân tại báo Quân Đội.

Đúng là trăm quân không bằng cái lai quần phụ nữ trong vụ Tiên Lãng.

Cu Làng Cát

=============

Nữ sĩ họ Đoàn và những giai thoại để đời 

 
Những tác phẩm của bà đến nay vẫn còn nguyên giá trị
Trong các nhà thơ nữ của mọi thời đại, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được xem là người tài sắc vẹn toàn. Những tác phẩm như Chinh phụ ngâm, Truyền kỳ tân phả… trải qua hơn hai thế kỷ vẫn sáng ngời giá trị, trở thành niềm tự hào của nền văn chương Việt Nam. Bà còn là hình tượng kinh điển cao quý, tiêu biểu cho phẩm chất người phụ nữ Việt Nam. Tài sắc vẹn toàn Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu Hồng Hà, quê ở làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là con gái ông hương cống (cử nhân Nho học) Đoàn Doãn Nghi, mẹ bà họ Vũ, vợ hai ông Nghi, nhà ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc bây giờ). Ông bà Nghi sinh một trai (1703) là Đoàn Doãn Luân và một gái (1705) là Đoàn Thị Điểm. 

Từ nhỏ, anh em bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái Lĩnh bá, được dạy dỗ chu đáo, thông thạo Tứ thư, Ngũ kinh... Năm 16 tuổi, quan Thượng thư Lê Anh Tuấn muốn xin bà làm con nuôi để tiến cử vào cung Chúa Trịnh, nhưng bà nhất định từ chối. Sau khi cha mất, gia đình bà chuyển về quê, được ít lâu dời về làng Võ Ngai, tại đấy Đoàn Thị Điểm cùng anh trai làm nghề dạy học. Nhưng ông Luân mất sớm, bà Điểm lại đem gia đình lên Sài Trang, ở đây bà được mời dạy học cho một cung nữ. Thời gian này bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, một tay nuôi sống cả gia đình, gồm hai cháu nhỏ, mẹ và chị dâu. Do tài năng và sắc đẹp cộng với tính hiếu thuận, bà được nhiều người cầu hôn nhưng bà đều chối từ tất cả. Bà được trau dồi học vấn với các bậc thi hào tài danh, gặp gỡ với nhiều trí thức của khắp miền hội tụ về kinh sư, nơi trung tâm văn hoá, chính trị của cả nước. Cùng với sự thông minh, tài trí, thích văn chương, ham học hỏi, môi trường ấy, tố chất con người ấy đã tạo nên một hồn thơ dân tộc Hồng Hà nữ sĩ. 

Những tác phẩm của bà đến nay vẫn còn nguyên giá trị Phụ nữ thời đó không có điều kiện thi cử ngang hàng với nam giới. Tuy vậy, bà không kém tiếng ở đất kinh kỳ về văn thơ, lại càng nổi tiếng về vẻ nghiêm nghị, đoan trang, cứng cỏi. Bà là người phụ nữ đầu tiên mở trường dạy học, trường học của cô Điểm ở Chương Dương (nay là Thường Tín, Hà Nội). Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, bà nhận lời làm vợ kế Binh bộ Tả Thị lang Nguyễn Kiều, đang góa vợ. Mối nhân duyên bất ngờ này của bà được nhân gian kể lại với nhiều câu chuyện cảm động Cưới nhau được hơn một tháng, ông Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ. Trong ba năm vắng chồng, nữ sĩ họ Đoàn sống chẳng khác nào người chinh phụ. Có lẽ chính trong thời gian này, bà đã dịch ra quốc âm tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn. (Cũng có học giả cho rằng bản dịch Chinh phụ ngâm phố biến hiện nay là của Phan Huy Ích). 

Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẳng vừa kết thúc, bà lại phải từ biệt mẹ già, cháu nhỏ theo chồng vào Nghệ An, nơi ông Kiều được triều đình bổ nhiệm. Tại đây bà bị ốm nặng rồi mất. Đó là ngày 9 tháng 11 âm lịch, năm 1748. Khi ấy bà 44 tuổi. Cảo thơm còn mãi Đoàn Thị Điểm là người có nhan sắc và tài trí hơn người. Năm 6 tuổi, đang học Sử ký Trung Hoa, anh là Đoàn Doãn Luân lấy một câu trong Sử ký ra câu đối: Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi. Cô Điểm liền lấy một câu cũng trong Sử ký đối lại: Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết. (Nghĩa là: Rắn trắng giữa đường, ông Quý (Lưu Bang) tuốt gươm mà chém/ Rồng vàng đội thuyền, ông Vũ (Hạ Vũ) ngửa mặt lên trời mà than). Một lần khác, anh Luân thấy cô Điểm đang soi gương trang điểm nơi cửa sổ, liền ra câu đối: Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm. Cô Điểm liền đối lại: Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân. Nghĩa là: (Trước gương vẽ mày, một điểm hóa thành hai điểm; cũng có nghĩa là một cô Điểm hóa thành hai cô Điểm/ Tới ao xem trăng, một vầng tròn chuyển thành hai vầng; cũng có nghĩa là một anh Luân chuyển thành hai anh Luân). 

Nhiều người khoa bảng thời bấy giờ nghe tiếng cô Điểm tài sắc vẹn toàn, văn chương lỗi lạc, nên đều có ý muốn đến thử tài và cầu hôn, nhưng tất cả đều chịu thua và rút lui. Ông Vũ Diệm, bạn của Nhữ Đình Toản, đỗ Hoàng giáp năm 1739, đến thăm cô Điểm. Biết được dụng ý của người khách tài hoa, cô Điểm liền ra tay trước bằng cách sai người bưng ra một khay trầu mời khách, trên khay cô để sẵn một tờ giấy, viết một câu đối nhờ khách đối giúp: Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang. Câu này có nghĩa đen là: Trước sân gió thoảng phất cây cau. Thiếu nữ là cơn gió nhẹ, tân lang là cây cau; nhưng nghĩa bóng theo cách đồng âm: Trước sân, người con gái mời chàng rể mới. (thiếu nữ: con gái/ tân lang: chàng rể). Vũ Diệm thấy câu thách đối khó quá, không thể đối nổi, đành rút lui, không dám trêu vào giai nhân nữa. Chuyện được truyền khẩu nhiều trong dân gian là cô Điểm nhiều lần thách đối với Trạng Quỳnh, và lần nào Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua. 

Chuyện rằng, cô Điểm đang ngồi bên cửa sổ thì Trạng Quỳnh tới, cô liền đọc một câu thách đối: "Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song". Trạng Quỳnh đối không được, chịu thua, rút lui. Lần khác, cô Điểm gặp Trạng Quỳnh đi theo cô lên phố Mía, Sơn Tây, cô đứng lại chờ Quỳnh tới đọc một câu thách đối: "Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường". Trạng Quỳnh lại chịu thua, không thể kiếm ra chữ để đối lại. Lần khác nữa, Trạng Quỳnh lại gần chỗ cô Điểm tắm, cô biết vậy liền ra một vế thách đối: "Da trắng vỗ bì bạch ". Bì là da, bạch là trắng, bì bạch là da trắng, nhưng hai tiếng này theo nghĩa Nôm là để tượng thanh tiếng vỗ vào da thịt. Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua keo nữa. Lần cuối, nhân buổi hội Xuân, cô Điểm thuận tay bẻ một nhánh xương rồng, chợt thấy Quỳnh đi tới, liền đọc: "Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long". Long chữ Hán là rồng, mà tiếng nôm nghĩa là không chặt. Lần này, Quỳnh đối lại được, chữ nghĩa rất chỉnh mà lại biểu lộ tính ngang ngạnh của mình: "Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử. Thử là con chuột, nhưng tiếng Nôm nghĩa là làm thử, chưa phải làm thật". Sau lần đối này, Trạng Quỳnh và cô Điểm chia tay, không còn gặp nhau nữa! Thời xưa, mỗi lần có đoàn sứ bộ của nước Tàu sang nước ta, triều đình thường chọn những người tài giỏi, lanh lợi, văn hay chữ tốt, thạo việc ứng đối, giả làm các công việc: bán hàng, đưa đò, hoặc làm việc nơi công quán, mục đích là để đối đáp với Sứ Tàu, khiến họ kính phục nước Nam ta. 

Năm đó có đoàn Sứ bộ Mãn Thanh sang. Trong số những người bán hàng trên đường Sứ bộ Tàu đi qua có cô Điểm và chú bé Trần Quang Trạch, con trai của ông Hoàng giáp Trần Danh Ninh, mới hơn 10 tuổi mà đã giỏi văn thơ ứng đối. Sứ bộ Tàu hống hách, thấy có cô bán hàng xinh đẹp thì nói đùa một câu: "Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh". (Phương Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày). Cô Điểm đứng đó liền đáp lại rằng: "Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất ". (Nước Tàu phương bắc các bậc đại phu đều bởi đường ấy mà ra). Hai câu đối trên, nếu giải nghĩa thanh thì đối nhau rất thanh, giải nghĩa tục thì đối nhau rất tục. Sứ bộ Tàu nói bỡn để hạ nhục cô bán hàng, nào dè cô lanh trí trả lời đích đáng, đem cái nhục trả lại, làm cho họ hổ thẹn rút lui, phục, không còn dám bỡn cợt gái nước Nam nữa. 

Tất nhiên, đây chỉ là giai thoại, chứ không thấy ghi trong chính sử. Nhắc đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, không thể không nhắc đến Chinh phụ ngâm. "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên…". Chỉ bằng hai câu thơ, nữ sĩ đã khái quát nên thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Cao hơn cả, Chinh phụ ngâm đã khẳng định chân lý: Hoà bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người và hạnh phúc lứa đôi. Chinh phụ ngâm, cuốn nhật kí tâm hồn của một người chinh phụ, đã cho thấy tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam thế kỉ XVIII. Nguyên tác Chinh phụ ngâm bằng Hán văn của Đặng Trần Côn là một tác phẩm văn chương đặc sắc, được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch Nôm, gồm 412 câu theo lối song thất lục bát. Tuy là bản dịch, nhưng thậm chí còn được yêu thích hơn cả bản chính, cho nên đến nay, vẫn được xem như là một sáng tác độc lập của bà Điểm. Cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh phụ ngâm của Hồng Hà nữ sĩ được xem là tác phẩm ưu tú của nền thi văn trung đại Việt Nam. Riêng viết về Hà Nội, bà có tác phẩm Bích Câu kỳ ngộ, một trong sáu truyện của tập truyện Truyền kỳ tân phả, được xếp vào những tác phẩm thơ ca tiếng Việt đặc sắc ở triều Lê, sau đời Hồng Đức. Sự kính yêu của người đời sau đối với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm không chỉ vì tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, mà còn vì bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh tốt đẹp, xứng đáng là khuôn mẫu phụ nữ Việt Nam ở mọi thời đại. (Suu tam).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog