Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Cảm nhận của Christopher Buckley

Christopher Buckley
Vivian Chuyển ngữ 
 
Ngày đầu tiên đầy tròn ở Hà Nội, tôi thức giấc lúc 4 giờ sáng. Thật đáng thán phục chính mình, khi đồng hồ sinh học của cơ thể đã bị xáo trộn vì mệt mỏi, vì mất ngủ sau chuyến bay. Nếu muốn nhìn thấy một “Hà Nội thật sự,” bạn phải dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, lúc thành phố vừa tỉnh thức, đây là điều tôi muốn nói. Có rất nhiều lý do để tôi chọn khách sạn Metropole; một trong số những lý do đó, chính là vì khách sạn này ở gần hồ Hoàn Kiếm.

Còn tối, nhưng trời đã sẵn sàng thẫm sương. Tiếng nhạc thể dục, từ những máy ghi âm, nhẹ nhàng vang khắp nơi. Nhóm phụ nữ và đàn ông hoặc làm những động tác khởi động cơ bắp, hoặc tập Tai Chi ngay tại bờ hồ. Những người đàn ông câu cá. Một nhóm thanh niên khác, mặc y phục giống như đồ lót, đang dựng những thiết bị cử tạ ngoài sân đền. Trước đây, khó có thể thấy những cảnh này. Một tuần sau đó, khi rời Hà Nội, tôi vẫn khẳng định: Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một Hà Nội như vậy, trong suốt thời gian cũ. Dù tôi đã biết nhiều về thành phố này.
Thả bộ giữa trời tinh sương, đi ngang một đền thờ khác, tôi cảm nhận mùi hương từ các miếu nhỏ, ở trên ghềnh đá tỏa lan.Bà cụ bán nhang từ đâu đột nhiên xuất hiện. Tôi trả 10.000 đồng tiền nhang (khoảng 60 cents), bà dẫn tôi đi trên những phiến đá ngoằn ngoèo đến tận các miếu, để tôi có thể đốt và cắm nhang. Tôi cắm hết thẻ nhang. Bà lắc đầu, ra hiệu cho tôi hiểu rằng, những nén nhang phải được cắm theo số lẻ. Tôi chia nhang thành từng năm cây, bà gật đầu. Cảm ơn bà cụ, tôi thì thầm lời cầu nguyện đơn sơ của lòng tôi, với những linh hồn được thờ phượng trong miếu. Men theo từng phiến đá lởm chởm tôi đi xuống, băng qua cây cầu - có mỹ danh rất thích hợp là cầu Thê Húc -, vào đền Ngọc Sơn.
Chỉ là truyền thuyết, nhưng được lưu truyền từ khi nhà Minh cai trị Việt Nam, ngày xưa một ngư phủ buông lưới bắt được thanh bảo kiếm. Thanh bảo kiếm do Long Vương gửi tặng, giúp người đứng đầu nghĩa quân, dấy binh chống lại sự đô hộ của Tàu. Một năm sau, khi người thủ lãnh (nay đã là vua) đi thuyền trên hồ, rùa thần xuất hiện yêu cầu nhà vua trả lại kiếm báu. Hồ Hoàn Kiếm được giải thích là “Hồ trả lại kiếm”. Có khoảng 20 hồ nước ở Hà Nội, mỗi hồ riêng mang một huyền thoại. Năm 1967, trung úy chỉ huy John Mc Cain, đã nhảy dù xuống một trong số những hồ ấy. Đó là hồ Trúc Bạch, còn được gọi nôm na là hồ “tre trắng.
Trời sáng và nóng. Tôi đi hết một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, hướng về phía tây. Không chút khó khăn, tôi tìm ra nơi tôi muốn đến. Màu sơn trên lối vào cổng chính ghi rõ: Nhà Tù Tập Trung, từ năm 1896 đến năm 1954. Tất nhiên lịch sử thật sự của nơi này, còn dài hơn thời gian được ghi lại. Đây là nhà tù Hoả Lò nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, thường được gọi đùa là “Khách sạn Hilton Hà Nội.” Sau khi bị bắt tại hồ Trúc Bạch, trung úy John Mc Cain đã bị giam 05 năm 06 tháng tại đây, nơi có hàng ngàn mảnh thủy tinh được găm trên những bờ tường.
Trải qua một giờ, thinh lặng nhìn chằm chặp vào ngục tối, gông, cùm, và máy chém, những thứ mà người Pháp từng một thời làm chủ, tôi sẽ không bao giờ có thể liên tưởng nó với chữ Hilton. Màn hình trình chiếu thời kỳ tù nhân Mỹ ở Hoả Lò, nhằm biến nhà tù thành một nhà khách, có chút gì đó không thích hợp. Chỉ để giễu cợt toán phi công của đế quốc. Hình chụp họ cười, chơi bóng rổ, thậm chí có cả những tấm hình chụp họ cảm ơn “nhận quà lưu niệm,” trước khi về nước ngày 29 tháng 03 năm 1973. Đọc hồi ký của những phi công này, người ta được tiếp cận với một câu chuyện, mang nội dung khác lạ.
Trở về khách sạn, tôi sung sướng bước trên lối đi lát đá cẩm thạch, và không gian có máy điều hòa. Khách sạn được xây năm 1901, lúc chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương đang thịnh trị. Đường viền mặt bằng của hồ bơi, được thêm vào năm 1991, chứng thực nơi đây từng là hầm trú tránh bom. Danh hài Charlie Chaplin, và nữ nghệ sĩ Paulette Goddard đã hưởng tuần trăng mật tại Metropole, vào năm 1936. Nhà văn Graham Greene, từng uống rượu Vermouth Cassis tại khách sạn này. Nửa thế kỷ sau, Michael Caine và Brendab Fraser đã ở đây, suốt thời gian quay bộ phim “Người Mỹ Thầm Lặng” của Graham. (Phòng số 228, phòng của các thành viên Graham, là phòng được hầu hết các du khách người Mỹ xin ghi danh ở. Người Mỹ yêu chuộng kiểu kiến trúc, có mái vòm cổ xưa của khách sạn; trong khi những du khách người Châu Á, lại thích chọn những nơi có kiến trúc hiện đại)
Tôi dùng điểm tâm tại Le Beaulieu, một trong số ba nhà hàng của khách sạn. Ngao du suốt buổi sáng, tôi thật sự thấy đói, không thể chịu đựng nổi sự dày vò của bao tử. Tôi khai vị bằng phở, bạn nhất định sẽ phải ăn món này khi ở Việt Nam. (để phát âm chuẩn chữ Phở, hãy tưởng tượng bạn là thanh tra Clouseau). Đây là món quốc hồn quốc túy của người Việt, gồm có bánh phở nấu chín với thịt bò hay thịt gà, có các loại rau thơm, cùng vị thuốc hồi. Tôi húp sùm sụp hết hai tô phở, ăn thật nhiều cơm chiên với cải trắng, và tương ớt. Tôi đến quầy bánh mì croissant. Lòng bị cám dỗ khi đứng trước rừng bánh ngọt, trứng chiên, món điểm tâm Nhật Bản, phô-mai, thịt nguội, kem caramel, yaourt. Le Beaulieu là nơi bạn cần biết, chỉ để ăn sáng. Riêng tôi có thể ở đây cả ngày.
Dẫu Hà Nội có vẻ thoải mái, với chính sách cai trị mềm dẻo khôn khéo, hàng ngày đúng giờ, bên ngoài cửa sổ của phòng tôi, loa phóng thanh vẫn kêu oang oang. Tôi đi tìm một lời giải thích. Người bạn địa phương nhún vai đáp: “Đảng.” “ Họ nói về điều gì vậy?” Anh bạn bảo: “Ồ, hoặc là họ tố cáo ai đó, hoặc là tuyên bố một điều gì với dân chúng. Thí dụ hôm qua họ bảo: Con chó hay con mèo của nhà anh, phải được tiêm chủng đúng 03 giờ ngày mai.” Anh ta đảo mắt: “Chủ nghĩa cộng sản.” Hiển nhiên là anh ấy đã có thêm thắt hoa lá cành, vào cách giải thích riêng, hơn cả những qui định thậm xưng mà tạp chí ForbesLife cho phép.
Khách sạn có hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đi tham quan bằng xe Citroen limousine, đời 1953 màu xanh. Thật thú vị, lạ lùng, hồi hộp, khi đi giữa trời mưa, giữa một Hà Nội tất bật vội vã, bằng chiếc xe được chế tạo từ trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Anh, tài xế mặc đồng phục; cậu Tuấn, hướng dẫn viên ngồi đằng trước, ngay bên cạnh ông ta. Khi xe của chúng tôi nhập vào giòng thác giao thông hỗn loạn của Hà Nội (sẽ nói thêm về điều này ở phần sau), tôi nhận ra bầu không khí thực dân ở đây, nên thấy bất an. Tưởng chừng như người đang đạp xe xích lô kia, có thể ném một trái lựu đạn vào cửa xe. Cảm giác này nhanh chóng tan biết, khi chúng tôi đến Lăng và Nhà của Hồ chủ tịch.
Lăng - tượng đài trang nghiêm được điêu khắc, kiến trúc theo phong cách của Xô Viết - đã đóng cửa, theo lịch trình bảo trì hàng năm. Thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh, được tôn thờ như vị thần tối cao, một kiểu vinh danh thời thượng của chủ nghĩa cộng sản, sẽ được đưa vào phòng xông hơi tẩm liệm, để “làm cho tươi mát lại” (Đừng hỏi điều này nhé). Lăng được xây dựng, chính tại nơi Hồ chủ tịch đã đọc tuyên ngôn giành độc lập từ thực dân Pháp, vào ngày 02 tháng 09 năm 1945, phát động chín năm kháng chiến gian khổ.
Nhà của Hồ chủ tịch - nơi ông cư trú, để lãnh đạo cuộc chiến tranh chống miền Nam Việt Nam và Mỹ quốc, ở gần lăng - là một khuôn viên thơ mộng, xanh màu cây bưởi, biếc màu lá trúc, thẫm màu cội hạnh nhân, đầy tiếng chim ca ríu rít, sinh động. Một hồ lớn nuôi đủ loại cá chép. Nhà dựng bằng gỗ tếch, một loại nhà sàn, kiểu nhà của làng quê Việt Nam. Mũ của ông được cất giữ trong hộp kính, bên cạnh ba máy điện thoại, một trong ba máy đó phải quay tay khi gọi. Bằng những điều giản dị này, ông đã giành được chiến thắng, khi chống lại một quốc gia quyền lực nhất địa cầu.
Tôi muốn xem “Bảo tàng B-52,” như tôi nhận ra trong bản đồ, nghĩ rằng mình sẽ được trông thấy một điều gì đó, mà một người Mỹ cần nên thấy. Ông Anh quay tay lái, cần số xe kêu nghe răng rắc. Không thể đi xuống thành phố, đường xá chật như nêm. Lái xe ở Hà Nội….Ừ phải đấy, Disney Land nên có một trò chơi gọi là “Lái xe ở Hà Nội.” Hà Nội, thành phố có trên hai triệu xe gắn máy, tôi tin là tôi thật nhìn thấy tổng số xe này, từng chiếc một. Trên đường đến bảo tàng B-52, một chiếc xe qua mặt chúng tôi, đằng sau chất đầy những con vật đã được luộc chín, sẵn sàng xẻ thịt.
“Heo phải không,” tôi hỏi.
Ông Anh và cậu Tuấn cười vang. Người Việt Nam cười hồn nhiên, đây là một trong số những thói quen đáng yêu, bên cạnh sự tao nhã, sự thân thiện, và lòng hào hiệp của riêng họ. Họ trả lời:
“Chó đấy”
“Ôi!”
Đường phố càng lúc càng hẹp, cuối cùng chúng tôi đến một cái hồ, không rộng hơn một mẫu, bị những ngôi nhà trong thành phố che lấp. Hồ này có thể gọi là thành phố Venice, nước xanh màu ngọc bích. Một chiếc B-52, hay chỉ là một phần của nó, nằm ở giữa hồ.
Chiếc máy bay B-52 này bị rơi, trong cuộc ném bom tấn công Hà Nội, vào mùa Giáng Sinh năm 1972, để buộc miền Bắc, phải trở lại ngồi trong bàn hội nghị ở Paris. Tai họa này, đã biến một đống đổ nát, thành bằng chứng của “Điện Biên Phủ phòng không.” Lòng thật thương cảm, tôi thinh lặng cầu nguyện cho phi hành đoàn bất hạnh. Rồi chúng tôi ra đi.
Chúng tôi đến thăm Văn Miếu, trường đại học có hàng ngàn năm tuổi, nơi các quan từng ứng thí. Bạn phải đậu các kỳ thi khảo hạch tại đây, nếu bạn muốn trở thành quan cai trị dân.
Sự hào hứng đi xem các di tích của tôi sút giảm. Đã quá trưa, tôi thấy đói. Chúng tôi đến khu phố cổ, được gọi là khu Chả Cá Lã Vọng. Khu này có từ năm 1871, chỉ thuần túy phục vụ một món ăn. Nếu bạn đoán món này là “chả cá,” bạn đã nói đúng. Đó là một trong số những bữa ăn ngon nhất, mà tôi được nếm trải: Một miếng cá pecca ướp nghệ, bỏ lên vỉ sắt nướng bằng than hồng, đặt trên bàn. Cá nướng, trong lúc bạn uống Bia Hơi lạnh (bia của Hà Nội). Thêm hành lá, rau thì là, nước mắm, đậu phộng, mắm tôm (món mắm tôm này không thích hợp với những ai yếu tim), rau thơm, ớt cay, để tất cả những món này lên trên bún. Một bữa ăn cho ba người giá 25 mỹ kim ( Tính ra tiền Việt Nam là 395.000 đồng. Muốn hiểu về đơn vị tiền đồng, có thể xem qua một vài tỷ suất hối đoái từng được nói đến)
Ngày tiếp theo, tôi một mình tản bộ, quan sát một phần thành phố. Nói theo kiểu văn chương, tôi làm khách nhàn du ngắm cảnh xem hoa.
Kai Speth, tổng quản lý khách sạn Metropole, cho tôi đôi lời khuyên để có thể cảnh giác với đường phố của Hà Nội. “Phải đi qua tất cả, bước chậm nhưng đều. Nếu anh ngừng lại, anh sẽ chết. Nếu anh chạy, anh cũng sẽ chết. Không cần biết anh làm gì, nhưng tránh đừng nhìn vào mắt của thiên hạ. Điều này sẽ gây ra nhiều phiền phức đấy.”
Tôi được kiểm nghiệm sự thật này, ngay tại đường Đinh Tiên Hoàng, con đường chạy dọc về phía đông của hồ Hoàn Kiếm. Hôm đầu tiên, khi đi ngang đó lúc 5 giờ sáng, tôi chỉ thấy một lượng xe cộ rất nhỏ. Bây giờ, tôi đứng rất nhu mì ở lề đường, giòng xe cộ đông đúc vẫn miệt mài chạy, vài chiếc xe đua và xe tải bỗng nhiên lao đến, vọt lên. Không đèn báo ngừng. Không cảnh sát. Giữa giòng giao thông đáng sợ, chỉ nhìn thấy hai triệu xe gắn máy của Hà Nội. Trong tổng số hai triệu đầu xe máy này, người ta nghe được tiếng kêu choé chóe của một triệu cái còi.
Dường như tôi đã ngừng lại 15 phút, để lấy can đảm. Miệng khô rang. Cuối cùng, tôi tự hỏi: “Này, anh có phải là đàn ông không?” Một giọng nói trong tôi lên tiếng. “Đừng đi, hãy về khách sạn. Ở đó có lẽ họ đang dọn điểm tâm.” Tôi thở một hơi dài, đi ra khỏi lề đường.
Hãy bước tới. Tôi tự nhủ. Không Được - Ngừng. Không - Được - Chạy. Hàng trăm loại xe cộ gầm rú quanh tôi. Tất cả đều bấm còi inh ỏi. Tôi đi xa lề đường, đụng phải một cái cây, đứng thở dốc.
Tự tin vào kinh nghiệm vừa trải qua của chính mình, tôi đi bộ đúng bốn tiếng đồng hồ. Đây là những câu được trích ra, từ phần ghi chú chưa hề được chỉnh sửa của tôi:
  • Một thử thách thú vị, mới mẻ khi tôi đi xuống phố Tràng Tiền: Người đàn bà đi xe gắn máy, đã ép tôi vào sát lề đường.
  • Trái tim bay vút trên chín tầng trời, khi tôi bất ngờ gặp một giao lộ, có trục đèn giao thông! Ôi, thật tuyệt vờiììììi! Quyết định dùng thời gian còn lại ở chỗ này.
  • Nhận ra chút khác biệt giữa những giao lộ có đèn giao thông, và những giao lộ không có đèn giao thông, ở Hà Nội.
  • Một tình tiết lạ lẫm vô cùng: Nên chờ, cho đến khi thấy một phụ nữ có thai (bụng thật lớn) xuất hiện, cùng băng qua đường. Bà ta sẽ là lá chắn của mình.
Sau vài giờ đi tới đi lui, tôi thấy tôi đứng trong siêu thị mát mẻ, cách hồ Hoàn Kiếm một hay hai con phố về hướng bắc. Phố Hàng Bè chấm dứt ở đây. Bạn không thể nào quên nó. Người đẫm ướt mồ hôi, tôi đi vào khu tập trung thương mại lớn nhất, mà tôi từng nhìn thấy. Những gì Việt Nam có, đều được bày bán trên vỉa hè chật hẹp. Hàng ngàn hợp chất hòa quyện vào nhau, làm thành mùi vị hăng-nồng-cay-ngọt. Tôi đã ghi lại:
Hoa, lươn còn sống, rắn, cá, thịt, gia vị, ốc, các loại cây cỏ thơm, xà lách xoong, cua sống cột chung với rượu, mì, vịt nấu chín, vịt sống, tôm sống trong hồ, mực, tôm hùm, rong biển, các loại hạt, cá tầm sống, cá chép, trứng vịt, trứng chim cút, bánh ngọt, thịt sườn, chanh, rau mùi, rau húng, gừng, hạt nhục đậu khấu, quế, cà ri, cà phê, ớt, nhân sâm, bún, nhang, bánh trung thu, thỏ sống, chân gà đã chết, thanh long.
Tôi muốn kéo dài thời gian nhàn du, nhưng đã tới lúc tôi phải trở về khách sạn, để ăn trưa với tôm hùm Nha Trang, rượu Champagne, và sò fine de claire của miền Brittany. Nhớ lại sự tả xung hữu đột của mình giữa giòng xe chật cứng, hỗn tạp trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi chợt nghĩ: Phải chăng năm cây nhang tôi thắp trong ngày đầu tiên tản bộ, đã phù trợ cho tôi được bình an.
_____________________________
* Nguyên bản Anh Ngữ: At Large With Christopher Buckley
* Dịch Việt Ngữ: Vivian
Vivian
1:30pm Thứ Bảy ngày 22 tháng 05 năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog