Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Cà cuống?

Thời gian thì ngắn lại, tính ra chẳng có thời gian nên cuối tuần rồi thấy cuốn 400 chuyện cười của ông Trà Lũ, vác về nhà rồi ngẫm nghĩ không biết có mua trùng với cuốn tôi mua năm trước không? Đủ thấy trí nhớ rất là tồi, nhưng mà cứ đọc mấy truyện cười ngăn ngắn rồi ngủ cũng là liều thuốc bổ. Vì thế đọc những dòng nhật ký ngăn ngắn của nhà văn Vương Trí Nhàn cũng là điều thú vị, ông đăng lại cho người đọc thấy được bức tranh của xã hội VN những ngày sau 1975 ở hai miền.  Quả là rất đặc biệt cho người dân miền Nam tuy sống trong chiến tranh không do họ gây ra nhưng quen sống tự do nay phải gò mình lại cho đều với nhịp sống cả nước lúc ấy.  Tôi nhớ nhà tôi ở cuối đường Công Lý (bây giờ hình như là Nam Kỳ Khởi nghĩa), một con đường chính rộng rãi của Saigon ngày ấy chạy thẳng vào Tân Sơn Nhất.  Có những đoạn vỉa hè người dân phải đào cả xi măng lên để lấy đất trồng khoai lang, không phải lấy khoai ăn mà là để có rau ăn.  Đêm đêm dân chúng mang cả chiếu trải ra đường nằm ngủ cho mát vì thời ấy hết điện, hết xăng nên đường vắng xe.  Trẻ con thì chạy khắp nơi bắt cà cuống, không phải để lấy cà cuống bán cho tiệm bánh cuốn, vì thời ấy làm gì có bột mà đổ bánh cuốn, mà để ăn luôn con cà cuống, thịt cà cuống như thịt gà.  Chỉ thiếu bơ chứ không thì đã có món cà cuống chiên bơ.  Không hiểu sao thời ấy lại lắm cà cuống bay đầy trời thế không biết, có lẽ nhờ thiếu điện, rau lang mọc khắp thành phố, cà cuống tưởng đồng quê nên bay về.  Trẻ con thành phố được dịp biết mùi (thịt) cà cuống.   
Có lẽ người dân miền Nam cũng đã như những con cà cuống?
Post lại bài của nhà văn VTN, không phải là kiểm duyệt, nhưng bài ông dài quá, nên chỉ chọn những câu chuyện có thể cười, những câu chuyện tưởng là đã chấm dứt từ lâu mà cho đến nay vẫn còn tính thời đại, ai muốn đọc toàn bài thì đọc ở đây. 



1979
4/5

Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.

6/8

Báo Nhân Dân đăng tin chính phủ quyết nghị cho tự do kinh doanh mặt hàng nhà nước không quản lý. Giá cả do người bán và người mua tự thu xếp.
Lần đầu tiên có một chính sách kiểu này.
Thời gian gần đây, một tù chính trị nhảy vào ĐSQ Anh. Những người phiên dịch ngăn lại, nhưng những người trong ĐSQ bảo đây là đất Anh. Người kia không xin cư trú chính trị, mà chỉ nhờ nước Anh nói với thế giới về tình hình tù chính trị ở ta ra sao.
Ở Sài Gòn, có một số vụ biểu tình đòi nhân quyền. Đài báo thường có tin Toà án nhân dân các tỉnh thành phố xử án bọn tổ chức di tản.
Từ tháng 6/78, đã có những người miền Bắc trốn ra nước ngoài (nhân vụ Hoa Kiều, làm giấy tờ giả) gửi thư về. Trong số đó, có cả những diễn viên như Giáng Hương ở Đoàn Kịch nói TW.

1980
4/12

Từ khoảng tháng 10 (hay 11), vụ Đặng Thái Sơn nổi lên mạnh mẽ. Dân ai người ta cũng thích, thích hơn cả vụ Phạm Tuân có lẽ vì Phạm Tuân, là chuyện Tây nó cho, mà đây là tài thật. Một kiểu nói dân gian :”Chó nó cũng lên vũ trụ được, nữa là người.”
Nhiều người coi hiện tượng ĐTS là tài năng âm nhạc của dân tộc. Bằng Việt bảo hình như âm nhạc, ta còn có Trần Văn Khê, Nguyên Thiện Đạo, chứ mọi thứ khác có gì.
Khi nói về các khu vực văn học hay điện ảnh, mình cứ bốc nhau lên, chứ xó đâu vào đâu. Còn khu vực âm nhạc mình bị bắt buộc phải theo Tây, cho nên dễ nên người hơn.
Theo Bằng Việt, nghe tiếng nhạc của Đặng Thái Sơn, thấy rõ một người rất tự tin. Và có cái chất riêng của tuổi trẻ. Nó cũng được tới trình độ của những Gilzburg, Oborin, Kogan đấy.
Tôi nhớ hồi mình 20, 22. Hình như vào tuổi ấy, con người cảm thấy mình có thể làm được đủ mọi chuyện, chỉ hích một cái, là cả thế giới đổi thay theo(!). Bây giờ thì mất mất cái đó rồi, chỉ còn lo kiếm sống. Sự khiếp nhực đến quá sớm.

Từ lâu, đã nghe những chuyện xì xào chung quanh Đặng Thái Sơn. Ra có những chuyện xưa nay giấu. Sơn là con ông Đặng Đình Hưng, cho nên lúc được trường nhạc bên Liên xô nhận, vẫn không được đi. Sau bà Liên, mẹ Sơn phải lên nói với ông Đồng mới xong. Đến kỳ thi bên Ba Lan, Sơn cũng chưa được chú ý gì. Ở Liên Xô điện về nhà cho đi, Bộ ngoại giao+Bộ Văn hoá bảo không có tiền. Sau ông Natason, thày giáo của Sơn bảo rằng nếu không ông ta bỏ tiền riêng cho Sơn đi. Bên nhà phải đồng ý vậy.Ở Ba Lan, Sơn cũng sống rất khổ. Người khác đi thi, còn có cả gia đình đi theo. Sơn chỉ có một mình. Đến lúc vào kỳ ba, Sơn thiếu cả quần áo đàng hoàng “”Nước mày sao khinh rẻ tài năng vậy” - bà giữ cửa khách sạn bảo vậy.(Vả chăng vấn để bảo vệ người cũng rất quan trọng. Ở một kỳ thi như thế này, trên thế giới, nó hại nhau là chuyện thường. Bà ta phải dặn Sơn là nhớ gõ cửa như thế nào mới mở cửa... Để tránh kẻ lạ v.v....)
Trần Vũ Mai bảo căn bản là trong Chopin với tay này có những khía cạnh rất gần nhau. Gần là ở chỗ nào? Nước mình thường bảo mình anh hùng. Nhưng căn bản là đau khổ ghê gớm chứ gì? Đây là chỗ làm cho Sơn gần Chopin đấy. Một thằng thanh niên ở Mỹ, sống sung sướng giàu có, làm sao hiểu được Chopin.

12/2

Tết. Sôi nổi nhất là chuyện ở khu Vĩnh Hồ. Một giám đốc đuổi một công nhân là bộ đội về. Người này đã có tiền án. Đêm ba mươi, người này đến nhà giám đốc mang theo một cái ba lô.
Gần đến giao thừa, giám đốc bảo ngầm một đứa con đi báo công an. Nhưng con chưa kịp về, thì có một tiếng nổ kinh khủng.
Ba lô kia là ba lô bộc phá. Căn phòng ông giám đốc, và cả căn phòng đó ở tầng trên, tầng dưới (cộng 3 hộ, chạy theo chiều dọc) sụp đổ, chết không sót một người.

Bằng Việt bảo tôi nghe kinh quá, những cuộc đời có thể đi qua không còn lại chút dấu vết gì. Con gái bảo bố ơi, sao con chẳng thấy kinh gì cả.
Chồng Minh Thái vào bệnh viện Cu Ba. Lão bác sĩ công khai bảo anh lo cho tôi ít cà phê tôi uống cho tỉnh táo. Rồi xem cơ quan anh có bán gì, để cho tôi ít, tôi khỏi phải lo, mới yên tâm chạy chữa được. Hỏi ra, những người vào viện đều phải biếu, khi con gà, cân gạo.
Bác sĩ đi tiếp khách bảo một bệnh nhân:“Tôi mượn mấy quả cam nào”. “Mượn” thật. Nghe bệnh nhân kêu khát nước “Sao không bảo người nhà bà mang nước đi? Đây không có nước.”
Gần tết nhân viên đến bệnh viện, nhưng đi mua sắm, rồi về đun nước tắm gội đầu, nói chuyện ầm ĩ.
Yến kể ở bệnh viện St.Paul, khoa cấp cứu còn không có thuốc.
Gặp tác giả Núi Đôi, Mậu+ Anh Ngọc bảo chúng em định đến nhà anh chơi. Ông Vũ Cao cười :
-- Kể đi chơi bây giờ cũng khó, mà tiếp khách bây giờ cũng khó. Ví dụ không phải bao giờ tôi cũng có thuốc lá mời khách đâu.

1981
11/3

Một câu hỏi thường được đặt ra -- chiến tranh để lại dấu vết trong mỗi người thế nào.
Buổi chiều, ở nhà trẻ Thành Công, một đứa bé mãi không thấy ai đến đón. Trông nó gày yếu lắm.
Người mẹ tới. Chị ta còn trẻ, chỉ độ 22. Một tay bế con, tay kia xách xe về (không kịp buộc ghế), trông thất tha thất thểu.
Lúc này mọi người mới biết hoá ra chồng chị là thương binh nặng, ở nhà vẫn nhận đi đón. Nhưng hôm nay anh ta lên cơn thần kinh thế nào đó, quên. Người mẹ về đến nhà thấy xe vẫn để đấy, ghế còn rời không buộc vào xe, biết là chồng quên.
Những người phát động chiến tranh thường nói rất văn hoa và hào hùng. Bọn nhà văn chúng tôi cũng vậy. Nhưng một cảnh sơ sài như hôm nay thôi đã cho thấy chiến tranh là gì. Là có rất nhiều gia đình tổn thương, nhiều người phụ nữ khổ sở. Cộng cả hai ý hào hùng và tan nát lại mới đúng.
Còn như muốn biết dấu vết trong văn học hãy cứ đọc lại ông Tuân ông Diệu thì biết. Ít ra cũng phải nhận là thời đánh Mỹ, bên cạnh hùng khí, trong chúng ta vẫn âm ỉ nỗi sợ trong lòng. Bằng chứng? Trong giọng văn của các bậc thầy văn chương này hồi chiến tranh, nghe thoáng có chút gì đó mà tiếng Pháp gọi là barbare, tức là lải nhải lảm nhảm, giống như cách lên tiếng của con người trong những bộ tộc xưa.
Trần Độ công nhận nỗi lo lắng của dân lúc này là đời sống, an ninh, việc dạy dỗ con cái.

8/4
Tin quốc tế: 500 đảng viên Cộng sản bình thường ở Ba Lan họp mặt không theo sự chỉ huy của ai cả, đòi cải cách tình hình, đòi thay đổi Ban lãnh đạo trước - theo cách bỏ phiếu kín - rồi mới thảo ra cương lĩnh sau.
Công đoàn Đoàn kết bắt đầu có giờ riêng trên TV.
Phidel Catstro nói tại Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô, phê phán Việt Nam:
+ chỉ chống chủ nghĩa bành trướng, không chống chủ nghĩa Mao.
+ đi với Liên Xô không hết lòng.
+ không chủ ý đến quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa xã hội là không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.
Tình hình Việt Nam - Cu ba căng đến mức là những ngày này, báo Nhân Dân luôn luôn nói đến Cu ba, vụ Hiron được làm um cả lên. Khi đang ghét ai mà không chửi ra mặt được thì làm bộ hết sức quý hoá - đó là môn võ Tàu rất được thông dụng ở ta.

6/5
Hôm qua họp hội nghị bàn về danh nhân. Ý hay của một số người -- Danh nhân Việt Nam không có tầm vóc quốc tế. Phần lớn là các anh hùng, số phận chỉ liên quan tới một dân tộc. Còn danh nhân văn hoá của mình ( kiểu Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Khắc Khoan ) thì tầm chưa đủ để giới thiệu ra nước ngoài.
Tại sao xã hội ta không phát triển được ?
Theo Lê Văn Lan, cái chính là xã hội ta là xã hội nông dân, nó lại được khép kín chặt chẽ quá. Đến mức như là những lớp kén, không gì phá vỡ nổi.
Nông dân thì bao giờ cũng thù ghét trí thức, ta nhớ không phải ngẫu nhiên, khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên, khẩu hiệu của phong trào là trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ.
- Thế Trung Quốc không phải là xã hội nông dân à ?
- Không, nó là một xã hội buôn bán chứ. Ngay cái cách cư xử của nhà vua với các chư hầu, cũng là một thứ buôn: nó yếu ta đánh, nó mạnh thì ta xin hàng, lót tay quỵ luỵ.
(Trí thức Trung Quốc hình thành sớm tại các thành thị có vai trò quan trọng, có đô thị thì trí thức mới có đất để hoạt động. Vì chỉ đô thị mới đáp ứng được nhu cầu tự do cho trí thức. )
Tình hình Ba Lan - theo Doanh, một người đi dịch trong Đại hội Đảng XHCN thống nhất Đức kể --, Jirek là một thứ bài Xô nặng nề, trong thời gian làm bí thư thứ nhất, ông ta đã cho xây dựng khoảng 600 nhà thờ.
Khi tình hình bắt đầu lộn xộn, ông cảm thấy vai trò của mình đã hoàn thành, liền xin từ chức.
Dân Ba Lan bài Xô rất ghê. Họ sẵn sàng vào rừng để chống Liên Xô đến cùng. Liên Xô chưa hiểu sẽ cư xử ra sao, chỉ thấy bảo chớ can thiệp vào nội bộ Ba Lan. Một thí nghiệm về việc mở rộng dân chủ trong lòng Chủ nghĩa xã hội chăng?
Ông Ngô Thảo kể cả quân trường Quang Trung chỉ có 2 cái giếng. Đánh nhau vì lấy nước. Ra cổng, mất ngàn bạc. Gì cũng mất tiền. Ông Doãn Tuế đến kiểm tra bảo chúng nó làm thế này, đến tướng cũng phải đào ngũ. Đợt lấy quân vừa rồi, lấy 7 vạn đào ngũ 4 vạn. Các địa phương bây giờ giao quân tại chỗ, chứ không giao quân ở đơn vị nữa. Quân đoàn 4 sợ không dám lấy lính Sài Gòn. Vì thế thì nó đào ngũ hết.
Một ví dụ về người thành đạt của xã hội này. Ông K. vốn là chỉ huy một đoàn nghệ thuật được theo Đ Th Sơn đi nhiều nơi trên thế giới để biểu diễn. Hái ra tiền. Triệu phú chứ chẳng phải chơi.
Trước đó, ông ta bị chuyển công tác vì tội trong khi làm nhiệm vụ, không quên buôn mì chính từ bên Lào về.

18/5
Ông Trần Tự ở Hải Phòng về kể dân Hải Phòng rất khoái vụ cháy vừa rồi. Vào hôi thoải mái. Không hôi, được mua các thứ cháy dở cũng đã thích lắm. Các loại vải thường đâu có được vào kho đó.
Kho được xây theo hệ thống các kho hiện đại, điện tắt mở tự động, khi cần người ta dâng nước trong các bể chứa sẵn để dập đám cháy.
Hàng trăm người thường cũng không đốt nổi. Chỉ có những người thông thạo bộ máy của nó mới thực hiện được.
Ví dụ về hàng tốt -- 6 tấn đồng hồ quý bị huỷ. Hàng tấn máu khô v.v.
Tôi nói đùa, tóm lại, không một nước nào dám chơi sang như nước mình.
Cô Châu kể: Tôi vào Sài Gòn, xếp hàng đi lấy vé tàu về quê. Tàu hẹn 6 giờ, 7 giờ, rồi 12 giờ, nhưng không lần nào chạy nổi. Bố tôi bảo ngành giao thông của cả nước mà tư cách không bằng một con điếm.

25/5
Đâm chém đến với nhà trường. Một học sinh hư bị cô giáo đuổi ra khỏi lớp. Sau lại còn đứng ngoài chửi cô nữa. Cô tức quá, tát nó một cái. Thằng bé về mách bố. Bố là một thương binh, nay về đạp xích lô. Hắn đến chửi, đánh cô giáo bị thương nặng, nhưng tiểu khu ( tức UB phường ) vẫn bênh người thương binh kia. Giáo viên ở trường bãi khoá. Học sinh đến bôi cứt vào đầy bàn.
(Báo Hà Nội mới nói rõ là tay xích lô đánh cô giáo ngay trước mặt đám học trò. Kinh khủng!!)
Lại một dấu hiệu của thời hậu chiến .mà người ta lảng tránh, không muốn “gọi sự vật bằng cái tên của nó”

2/6
Hoà kể anh vợ được một ông giáo sư Liên xô mời sang họp chương trình intercosmos. Nhận được thư riêng của ông Liên Xô kia mới biết, đi hỏi thì ra có giấy mời đã 2 tháng rồi, nhưng không ai chuyển cho mình. Chạy đủ việc, từ chỗ Phó thủ tướng xuống đến giấy đổi ngoại tệ... Nhưng khó nhất là chạy xe ra sân bay. Nơi cho đi, UBKHKT- không có xăng. Cơ quan của cậu ta - Tổng cục Bưu điện - phải lo xe. Nhưng hẹn lái xe 12g, 12g15 họ mới đến. “Mai đi có được không?” Lái xe bảo thế. Lại phải van vỉ một hồi.
Cầu Long Biên Hà Nội. Trong những giờ cao điểm trung bình cần 1 giờ cho 270 xe đi qua. Nay phải chuẩn bị cho 1000 xe, thì làm sao mà chở được.
Một bài viết về rác thành phố bảo rằng chính các cơ quan nhà nước xả rác và phá hoại trật tự công cộng nhiều hơn nhà dân. Nói chung, trong nhà sạch sẽ hơn ngoài đường. Buổi tối ở Hà Nội đèn đường tối như đom đom, trong khi đó, ở các nhà, đèn sáng lấp loáng.
Một vụ tham ô tập thể được phanh phui trên báo. Lúc đầu chính Bộ còn bênh. May mà Ủy ban kiểm tra làm đến cùng. Viết bài trên báo Nhân dân hẳn hoi. Một người bình luận bảo mọi vụ tham ô chỉ trót lọt nếu được cấp trên đồng tình. Tôi thì cho rằng cái lối để cho đơn vị tự kiểm tra mình như thế này, chỉ thúc đẩy thêm nhiều vụ tham ô khác, và số lọt lưới sẽ đông hơn số phát hiện được.
Ông Vĩnh đánh máy cơ quan kể ngày trước ông ta làm thư ký đánh máy ở Sở cẩm, lương hơn 90đ 1 tháng. Gạo hồi ấy giá 1,2 đồng 1 tạ. Như vậy lương ông ta bằng 80 tạ gạo tương đương 80 ngàn đồng bây giờ.
Yến (vợ Tính) đi họp phụ huynh cho con ở trường Thành Công. Cô giáo phân trần không phải cô muốn phụ đạo làm gì. Nhưng vì nhà trường yêu cầu vậy. Tháng mỗi em có 2 đ, nhà trường lại trích làm quỹ một số nữa, nên cô chỉ thu được có hơn chục bạc một tháng.
Vậy mà có phụ huynh còn kèo nhèo, cho là cô kiếm chác. Nói đến đây, tủi thân quá, cô khóc.
Nhân đó, những phụ huynh lên than thở về chuyện nghèo, chuyện con hư, lại khóc một lần nữa. Thế là buổi họp biến thành một đám khóc lu bù.
Thịt lên 70đ 1 kg (thịt thăn). Trứng vịt 2đ/1 quả
XQ kể: Năm ngoái, có một vụ đánh nhau ngoài đê. Dân đổ ra xem, đàn ông người nào cũng cởi trần.
Đồn đại quanh giải bóng đá 1981 vòng 1:
Trọng tài Đ Đ Xuyên thổi cho Sở CN mấy quả phạt đền, phải được vài chục ngàn. Trong khi đó một ông D Mùi bị bọn LT T P tấn cho liểng xiểng. Thổi cho Than Quảng Ninh một quả phạt trực tiếp - đúng luật. Thế mà bọn LTTP vẫn cáu. Lúc giao bóng, mấy tay sút bắn bóng vào người trọng tài, một tay xông vào đạp, đánh, đến bị thương nặng. Nhưng ghê gớm nhất, là người xem lại nhiệt liệt hoan nghênh cuộc hành hung này, hoan hô từ đầu đến cuối.
Tình hình Ba Lan 10 tháng nay, Đảng cộng sản, ông Kania công khai đối đầu với Liên xô.
Công đoàn Đoàn kết bắt đầu tự tin: chúng tôi không can dự vào công việc chính trị, mà chỉ nói chuyện cơm áo gạo tiền.
Chúng tôi thấy vấn đề đổi mới ở Ba Lan và vấn đề bài Liên xô là hai chuyện hoàn toàn riêng biệt.

25/6
Một ví dụ chứng minh rằng ta “rất hiểu về tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật”: Người ta khăng khăng đòi thực hiện viện Hàn lâm (cho nó oai?) tuy có những người như ông Trần Đại Nghĩa, thấy không nên làm.
Còn nhớ ngay sau 1975, có người nói xơi xơi “Thôi, hai mươi năm thì quá nhanh, cứ tính độ ba mươi năm ta sẽ đuổi kịp Nhật “ (!)
Tiếu lâm:
Ở Liên xô một lần có một người dân chót buột mồm”ông Brezhnev là ngu xuẩn”. Toà luận tội và mọi người đều biết nặng lắm, thì ông ta cũng chỉ bị một vài năm tù vì “phỉ báng người khác”.
Toà họp kín. Nhiều cuộc tranh luận sau toà đi đến nhất trí và gọi dân vào nghe. Hoá ra, bị cáo bị kết tội chung thân.
- Tại sao?
- Không, đây không phải chỉ là vấn đề phỉ báng người khác, mà là một tội rất nặng. Tội “tiết lộ bí mật quốc gia”.

4/8
Nhị Ca ( đã theo Xuân Thiêm từ quân đội chuyển về Hội liên hiệp)
-- Từ hồi kháng chiến, tôi đã thấy mọi chuyện không ra sao, toàn chủ tịch xã không biết chữ điều khiển thì còn làm được cái gì nữa.
- Năm 1975, vào Sài Gòn, mới thấy hết cái kinh khủng của cốt nhục tương tàn. Mà rút cục, độc đoán thắng dân chủ, phong kiến thắng tư sản, thế mới buồn cười.
- Ông đừng nói lao động lao động. Trong xã hội này, ai tổ chức cho ông lao động, ai thuê ông, ai dùng ông, đó mới là yếu tố quyết định. Như ở nông thôn chẳng hạn, chia ruộng cho nông dân xong, họ chưa cầm ấm tay, lại tước luôn. Hợp tác là gì, là một thứ chế độ nông nô đời Trần, chứ làm gì có máy móc với quan hệ sản xuất. Chả phục vụ ai, chỉ phục vụ các ông ấy, các ông ấy muốn làm Quang Trung cả.
Tôi tự nhận tôi có tài cán gì đâu. Tôi chỉ làm cho vui, ở đâu tôi cũng thấy thoải mái, chả gây sự với ai hết. Ở VNQĐ cũng sướng. Mà ra ngoài này cũng sướng. Đúng là ra để đi ( nước ngoài) chứ còn gì nữa.

5/9
Tàu Liên Xô rất ít vào cảng Hải Phòng mà muốn vào Sài Gòn vì ở đó bốc dỡ nhanh hơn và cung ứng sinh hoạt tốt hơn.
Đỗ Thái Bình bảo vào Sài Gòn bây giờ chả ai coi mình ra gì, đến nhà cửa nó cũng không cho nữa.
Cư đi Liên xô về kể:
- Sở dĩ Đặng Thái Sơn được giải Chopin nhiều năm đó, không có ai đáng được giải nữa.
- Ở Liên Xô những năm này, chỉ có bọn lùn [bọn tầm thường chỉ có chút tài mọn] là sống khỏe. Gì nó cũng làm được. Nhưng những tay thật xuất sắc (loại như Chostakovits, Prokofiev) bây giờ không có.
Khoảng thời gian 1960 cho đến 65, đúng là mùa xuân của xã hội Xô Viết.
Bây giờ phương Tây nó không thèm sang Moskva nữa. Phim ảnh không sang. Festival không. Nhạc sống không sang.

16/9
Đi họp chi bộ đường phố.
- Làm đầu tiên, từ Giải Phóng thủ đô 1954 có chuyện biểu ngữ dăng ra bị dỡ cờ, khẩu hiệu bị ăn cắp. Không phải vì thiếu (vải biểu ngữ rất xấu), cơ bản vì phá hoại.
Ở nhiều địa phương, trước bầu cử, cùng có chuyện tương tự. Ở quận Ba Đình tối 3/8 đăng ra, sáng 1/9 đã mất.
Cờ bạc nhiều. Đường Ngọc Hà, tối tối thanh niên tụ tập cờ bạc.Ở Hàng Giấy, công an gác dân, tối cứ quây quần cả đám, vòng trong vòng ngoài, chả biết giời đất gì nữa. Có người dân tuyên bố, cần việc gì này cứ đếm đếm là xong tất. Cánh áo vàng hay thì thụt vào những nhà phe phẩy.(Bà Phú bán nước ở sau thư viện kêu bận sau có thấy bóng chúng nó thì có điếu đầu lọc nào phải cất đi sớm. Toàn chịu với mai giả, mai cái mả bố nhà nó.)
Thanh niên đi bộ đội, người đi tiễn về đến nơi, đã thấy nó về trước mình rồi.
Mùa hè, nhà máy sản xuất nước đá phân phối đi các nơi. Năm ngoái, chỉ 75% đá về tới đích. Năm nay 60%. Đầu tháng 9 rồi, mì tháng 8, chưa bán. Hết mì. Mấy vấn đề thành uỷ HN nát đầu chưa giải được:1/ gạo mì, 2/ phiếu có rồi, không có vải, 3/ lính không đi nghĩa vụ...

29/9
Hai vụ sinh viên “nổi loạn” một của trường Bách Khoa và một của trường Tổng hợp.
Ở Bách Khoa, đại loại người ta chiếu phim. Một số sinh viên đòi vào không được. Ẩu đả. Sinh viên bênh nhau, kéo đến tận nhà người soát vé kia, phá nhà, san đổ mọi thứ.
Ở Tổng hợp, hình như ngược lại. Sinh viên gác cổng một buổi biểu diễn, một số lưu manh phe phẩy kéo vào. Đánh nhau to. CA được gọi điện không đến. Sinh viên kéo đến nhà bọn phe phẩy kia đập phá, sau lại mượn cả ô tô bộ đội đến, chà xát cho tan mấy căn nhà kia.
Gọi lên CA:
-Tại sao các anh làm thế?
- Chúng tôi phải bảo vệ chính quyền vô sản.
Tuấn kể. Mới tính trong một số thành phố lớn, đã có 1,2 triệu thất nghiệp. Hà Nội 32 vạn. Sắp tới bộ đội về 20 vạn. Hàng năm, cả nước, có thêm 1,2 triệu người đến tuổi lao động. Bản tin tham khảo đưa ra con số Trung quốc hiện có khoảng 20% (10 triệu thanh niên) thất nghiệp.
Về giá cả. Sách lên 53đ 1 ngàn chữ. Báo Nhân Dân 5 hào. Báo Văn nghệ 1,5 đ. Lốp xe 250đ, một cái chậu tắm trẻ con 400-500đ. Một cái xoong quấy bột cũng vài chục. Giá vé máy bay định lên 1200 và tàu hoả Hà Nội-Sài Gòn 750 đồng.Xăng từ 1 lên 7,5đ. Một đám tang sau 1-10 chi tiền xe trên 500 (trước chi khoảng 86đ)
Một bài xã luận trên báo Nhân Dân mang tên Kỷ luật giá cả. Ai đó buột miệng: Cả nước bị kỷ luật.
Ngày 1/8 báo Nhân Dân có tin nông trường Mộc Châu thường xuyên đổ đi hàng tấn sữa mỗi tháng. Tháng 5/1981 đổ 14 tấn. Vì không có đủ sắt tây làm hộp.
Trước đó mấy hôm, cũng báo này có tin 1 cán bộ Bộ ngoại thương 1 chuyên gia xuống cảng lấy hàng.
Gặp cả giám đốc cảng cũng không có ai chịu làm. Cẩu nghỉ, công nhân bốc vác nghỉ...

13/11
Rau muống to, lên tới 3đ một mớ. Gạo trong khẩu phần ăn tăng lên, hình như Liên Xô không cho mỳ nữa, chết đói mất.
Năm nay ít mưa, cây cối khẳng khiu chẳng lớn được.
Mùa màng lại bị rầy nâu. Không có thuốc sâu, đến bình cũng để phun thuốc cũng không có nốt. May mà đã khoán, để cho người ta đi làm một chút. ông Hiến nói bô bô ở thư viện không khoán chính phủ này đổ rồi.
Một bài trên báo Nhân Dân tháng 10/1981 viết nhà nước phá rừng là ghê gớm nhất, tốn kém nhất. Sau đó mới đến nhân dân (Nhà nước= cơ quan nhà nước, cơ quan lâm nghiệp...)
Hồ Tây, cá đánh 1 con mất trộm 1 con. Cá đánh được ngày càng bé đi.
Sài Gòn 1981 xuất cảng 15.000 xe đạp Hà Nội đặt 5000 xe, đến 11/1981 chưa được chiếc nào.
Tuyên bố về nhân quyền quốc tế: Người lao động phải được trả lương công bằng, hợp lý để anh ta và gia đình anh ta sống có nhân phẩm.

1982
Cuối cùng, tự “khách hàng” phải đảm nhận việc bốc dỡ.
Tuấn kể các chuyên gia ở UB kế hoạch nhà nước đều xin về nước.
Ca dao tục ngữ :
Trần Phương, Trọng Truyến, Trần Quỳnh
Gặp ba thằng ấy, dân mình đói to
Nhà nước tăng lương Trần Phương tăng giá
Nghe đồn nguyên tắc của Trần Phương: Tăng giá đến mức người mua không mua được nữa thì thôi.

10/5
Ngày 7/5, ông Tôn Thất Tùng chết. 9/5 đưa ma. Từ hồi Cụ Hồ mất đến giờ mới có đám ma to như thế. Có ông bảo đây là người Việt Nam duy nhất, sống với cộng sản mà được nước ngoài công nhận. Ông Võ Nguyên Giáp đến khênh quan tài và khóc lóc kinhh khủng.
Bà hàng nước cũng thương ông Tùng, dù ông không làm gì cho bà cả.

Họp ở Ban văn hoá văn nghệ. Năm nay thiếu 30 vạn tấn gạo (hay ba vạn tấn). Không có tiền mua. Tháng 12 tới Trung ương mới có buổi họp bàn về văn nghệ, còn từ nay hãy lo gạo.
Một mẩu chuyện của Tuấn: Trần Việt Phương đọc được cái tin Pháp nó xây lò cao 5 vạn tấn thép trong 2,5 năm, Nhật 1,5 năm. Nói xong bảo là giấu ngay nhé, chớ cho ông Lê Duẩn biết, ông lại giục.
981 Sài Gòn nhập 4 tỉ hàng.
6 tháng đầu năm 1982, Sài Gòn có vài chục vụ phạm pháp, trong khi Hà Nội có vài ngàn.
Tư tưởng xã hội lúc này là tư tưởng con buôn.
Năm 1981, mua thóc bằng cách lạm phát, in thêm tiền. Nhưng mua mãi mới được 2 triệu tấn tóc trong đó, 45% hỏng. Các thuyền ghe chở thuê ăn cắp, lại tưới nước vào cho đủ trọng lượng.
Cháy rất nhiều. Ngoài kho 5 còn những kho khác. Thuốc tây, mất 1 tấn têtraxilin

Ở Kim Thi, Hải Hưng, vụ án cô giáo Thành kéo dài hàng năm nay, không giải quyết được. Dư luận gửi thư về đau đớn. Một người dân thường tự hỏi sao ngay miền Bắc mấy chục năm cách mạng mà chính quyền cũng loạn xị và luật pháp cũng bị chà đạp thế ư?

Vàng lên 50.000đ 1 lạng. Thịt ngon 160đ/1kg
Một tờ báo nước ngoài viết lương viên chức trung bình ở Hà Nội có thể hiểu như sau: 2/3 số lương đó, mới mua nổi 1 con gà.

Bắt ở nhà một vụ trưởng ngành CA đường sắt 24kg vàng.
Chuyện hàng nước, nên chọn cả 4 bài quốc ca: Đèn cù cho các ông to. Bèo giạt mây trôi cho cán bộ. Không có bao giờ đẹp như hôm nay cho bọn phe. Người ơi người ở đừng về cho Việt kiều.
Cả một bài hát rất hay, rất chân thành cũng bị xuyên tạc. Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ --Râu bác dài tóc Bác bạc phơ --Em âu yếm hôn đôi má Bác -- Em xin Bác em đi nước khác -- Bác mỉm cười Bác khen em khôn Bác mỉm cười Bác khen em ngoan .
Ma Văn Kháng thì bảo ta mạnh thật, lưu manh hoá được cả trí thức.

Tết Quý Hợi 1983
Ông Nguyễn Khắc Viện có bài trên báo Lao động nhắc nhở rất khéo từ các nhà tổ chức, cái gì cũng xóc vào, đến các Bộ trưởng già 60-70.
Báo Đại đoàn kết có bài ông Thợ Rèn, chửi bọn phe phẩy lại có quyền lực.
Nghe một cậu nói, trên AFP có bài bảo rằng tết này mọi chuyện có vẻ dãn ra, người ta tìm được mọi cách để sống.

Thuế đánh tàn tệ. Một cửa hàng cà phê gần 30.000đ/tháng. tính ra hàng cà phê 1000đ/ngày hàng phở 5.000đ/ngày. Ở chợ Bắc Qua, 3 người bán hàng lại có một người trông thuế. Ai không đi họp thuế, phạt 50đ. Ai không viết khẩu hiệu hoan nghênh chính sách thuế, phạt 50đ.

Cạnh nhà Tuấn, một ông về hưu, mở hàng nước, chuyên môn có bọn công trường đến uống rồi ghi sổ. Đến một hôm, đám công nhân nó dằng sổ, nó đốt mất - ăn quỵt.
Yến cho là chuyện đương nhiên:
-- Đến ăn cướp nó còn dám, thì việc gì người ta không dám làm nữa.
Một người Mỹ sau 40 năm đến Hà Nộị bảo Hà Nội không có gì thay đổi. Vẫn cũ kỹ hoang vắng vậy. Mọi người đang chờ đợi. Ở đây thời gian đang đứng yên.
Một tờ báo khác viết muốn giải phóng sức sản xuất, phải giải phóng người sản xuất. Vấn đề dân chủ lại chính là chìa khoá giải quyết kinh tế. Trong chủ nghĩa xã hội, mỗi người không là gì cả, so với nhà nước. Và nhà nước thành một thứ keo, hết sức thô sơ, nhưng hết sức bền chắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog