Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Ca dao

Sáng nay đọc bài Tờ lịch Gỡ Mỗi Ngày do người quen gửi đến, tôi giật mình nhớ tới mấy cuốn lịch cũ tôi để dành đâu đó trên tường garage, trong tủ. Số là cứ cuối năm đi chợ Việt là được tặng mấy cuốn lịch Tam Tông Miếu hay lịch mấy cô người mẫu. Dĩ nhiên mấy cô người mẫu xem xong tháng nào thì xé vất không tiếc, chỉ mấy cuốn lịch Tam Tông Miếu thì tôi bỗng có cái tật tiêng tiếc không dám xé, mà không dám xé tức là không dám bỏ, bạn sẽ nghĩ là sao bà này lẩm cẩm tới mức như vậy. 

Vâng, tôi biết cái tật xấu mà chưa bỏ được, hay phải lâu lắm mới bỏ được, bởi vì tôi cứ tiếc mấy câu ca dao thành ngữ người ta in ở mỗi tờ lịch.  Tôi vốn dốt văn thơ, khi có chồng có con tôi cũng không ru nổi con mình bằng những câu ca dao như mẹ mình ngày xưa, quanh đi quẩn lại chỉ mấy câu nhớ được hồi nhỏ ru em ra sao thì mang ra ngâm lại

Em tôi buồn ngủ, buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,
Em tôi buồn ngủ, buồn nga,
Buồn ăn cơm nếp, thịt gà, cháo kê.

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con.

Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! Ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn, mua hành cho tôi!
Con chó khóc đứng, khóc ngồi,
Mẹ ơi! Đi chợ, mua tôi đồng riềng.

Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm, mua muối, giỗ cha chú mèo.

Cái cò, cái vạc, cái nông.
Sao mày giẵm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không, không, tôi đứng trên bờ,
Mẹ con cái diệc đổ ngờ cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con cái diệc còn ngồi đằng kia!

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu.
Phú ông xin đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè.
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim.
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười...

bây giờ sống ở nơi xa quê hương nên cứ thấy mình dốt hơn nữa khi không còn nghe thấy những câu ca dao được học thuả nhỏ, nên cứ cố giữ gìn, nghĩ bụng mỗi ngày xé tờ lịch thì sẽ đánh máy lại giữ gìn thành một tập dành cho con mình sau này, khổ cái không có con gái thì biết giao cho ai, con trai thì chắc gì nó ầu ơ dí dầu.  Cho nên gõ được mươi câu thì dở dang, thôi thì hôm nào làm thành trang web, post tất cả lên net cho bà con đọc.  Chưa làm thì đã có người làm hộ công việc ấy thành một trang cadao tục ngữ, khỏi tới phiên mình.  Ấy thế, cái tật để dành mấy cuốn lịch ấy vẫn chưa bỏ.  Để dành tới nỗi tôi không dám bóc luôn cả lịch, cứ lấy về xếp xó còn nguyên cuốn lịch mới tinh.  Bởi vì nghĩ nếu xé ra đọc rồi thì vứt đi thì uổng quá, nếu mình quên, thôi thì để đó chờ khi nào già, có cháu bóc mỗi ngày đọc cho cháu nghe luôn một thể.  Hồi xưa con còn nhỏ, không có lịch để dậy con thì mai đây biết đâu có cơ hội dậy cháu. Đấy tôi cứ mơ chuyện "hão" như vậy nên mấy cuốn lịch còn nguyên trong tủ. 
Bây giờ đọc bài viết sau, chiều về tôi cũng nên xé lịch, chả nên chờ đợi cái chi, mỗi ngày mình học cho mình cho nhớ, may ra luyện được trí nhớ và tôi sẽ thu âm tặng cho con trai tôi để nó mở ra khi cần :-)
Ấy là tôi còn chưa kể mỗi lần dọn dẹp tủ, tôi vẫn chưa dứt khoát chia tay mấy cuốn sổ con con in những lời hay ý đẹp, danh ngôn mà tôi "collect" những năm xưa, đọc đi đọc lại chán rồi đến lúc cần phải vứt đi thì lại ngần ngại, người ta nói hay như thế mà mình vất đi thì uổng quá.  Chắc phải thâu âm lại hết gửi cho con trước khi ... nhắm mắt. 

TỜ LỊCH GỠ MỖI NGÀY

Ngô Phan Lưu                 
                                                                        
Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !

Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”. Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!

Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”. Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó gặp nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…

Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừ nhỉ! Lạ thật! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống”. Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: "Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”. Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo”. Trời đất ! Lại cũng quá đúng! Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng ! Say quá, có khi rớt tới ba thằng!

Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết!…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog