Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Chị em nhà họ Đoàn

Chưa hề nghe tên nữ văn sĩ Đoàn Lê tức là chưa hề đọc sách của bà, nhưng hôm nay đọc bài blog nói về chị em bà, đâm ra tò mò về 9 chị em trong một gia đình gia giáo của xã hội miền Bắc quả là hiếm quí.  Cho nên ghi lại đây để từ từ đọc thêm về truyện của bà sau.

 
Thăm biệt thự Nữ văn sĩ Đoàn Lê

Nguyễn Xuân Diện

Cuối tuần vừa rồi tôi đưa cả gia đình đi nghỉ ở Đồ Sơn. Thú vui non nước Đồ Sơn đều đã được thưởng ngoạn: nào tắm biển, nào đi ngựa, thăm dinh Bảo Đại, thăm Casino Đồ Sơn...

Chúng tôi có đến thăm biệt thự của hai nữ sĩ họ Đoàn. Đó là một biệt thự rộng đến 800 mét vuông, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển. Chủ nhân của biệt thự là hai chị em bà Đoàn Lê và Đoàn Thị Tảo – những người rất nổi tiếng trong văn giới.

Bà Đoàn Lê có những tác phẩm gây tiếng vang như: Cuốn gia phả để lại (tiểu thuyết), Niết Bàn rực cháy (phim), Trinh tiết xóm Chùa (tập truyện) ...Còn bà Đoàn Thị Tảo – em gái bà Đoàn Lê thì nổi tiếng với bài Chị tôi đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc, và cô Mỹ Linh trình bày rất thành công ca khúc này.

Tôi may mắn quen biết bà Đoàn Thị Tảo cũng đã khá lâu. Bà Đoàn Lê, Đoàn Thị Tảo là em gái của bà Đoàn Linh – thân mẫu của TS. Trần Đoàn Lâm, bạn tôi. Trần Đoàn Lâm hiện là GĐ nhà xuất bản Thế giới, Chủ tịch Quỹ Đan Mạch – Việt Nam phát triển văn hóa. Những lần sang chơi, nghe đàn ngâm thơ với Trần Đoàn Lâm, tôi cũng đã có may mắn được dùng cơm với bà Tảo, và được biết bà là một phụ nữ nấu ăn rất ngon.

Gia đình họ Đoàn có 9 chị em. Đây vốn là một gia đình chuyên nghề Nho – Y nổi tiếng nền nếp gia phong ở Phòng. Các bà đều được thụ hưởng nền giáo dục rất nghiêm của song thân. Cả 9 bà đều thành gia thất với những người có vị trí trong xã hội.

Tôi mới hân hạnh được tiếp xúc với 4 bà là bà Linh, bà Ngọc, bà Lê, bà Tảo. Các bà đều đã sáu bảy mươi tuổi mà nói chuyện rất duyên dáng và cuốn hút. Có lẽ vì thế, mỗi lần chị em bà Lê bà Tảo “nhảy lên” mặt báo là cứ phải chiếm trọn một trang báo, bất kể báo to hay báo nhỏ. Nếu tôi là một nhà văn hay nhà báo thì có lẽ tôi phải viết chí ít cũng phải 9 kỳ về 9 chị em nhà bà.

Khi chúng tôi đến, bà Tảo đón chúng tôi ở ngõ. Rồi bà dịu dàng bế đứa con nhỏ của tôi, dịu dàng vui cười với cháu bé như một người bà thân thương.

Chúng tôi cùng trò chuyện về văn học và xã hội, về những tác phẩm mới và cũ của các bà. Rồi bà Đoàn Lê đưa chúng tôi đi thăm hết các nơi trong biệt phủ. Nào non bộ, nào ao cá, nào phòng tranh, nào phòng văn...Bà còn đưa cu Moon nhà tôi đi xem đàn cá vàng trong cái bể lớn ở giữa khu vườn.

Mọi cử chỉ của bà đều toát lên sự dịu dàng, chu đáo ân cần và lịch lãm, khiến cho chúng tôi thấy rất xúc động.

Trò chuyện hồi lâu, bà Lê nhắc bà Tảo chuẩn bị ít đồ ăn để mời các cháu ở lại dùng cơm tối. Chúng tôi vội cảm ơn không thể ở lại, vì đang đi nghỉ cùng đại gia đình ở biệt thự V.T.

Bà Lê vội đi lấy tập Thu biển, tập thơ mới nhất của bà Tảo để bà ký tặng gia đình chúng tôi. Bà Đoàn Lê biết nhà tôi là một người làm công tác nghiên cứu và cũng có vẽ vời, nên bà mời sang năm xuống chơi, bà sẽ dành cho cả một tầng biệt thự để làm xưởng vẽ. Bà Tảo thì bảo nhà tôi cứ yên tâm đem các cháu xuống, bà sẽ chợ búa, trông giữ đám trẻ con cho mà vẽ vời.

Tạm biệt biệt phủ của các nữ sĩ họ Đoàn, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm mà các bà đã dành cho chúng tôi. Trong chuyến đi này, những giây phút êm đềm trong biệt phủ của các nữ sĩ họ Đoàn đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ mà chúng tôi không thể nào quên.

Hà Nội, 7.6. 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog