Ngọc Lan/Người Việt
Hình ảnh anh hai tôi đứng cạnh
má, những ngón tay miết trên xấp vải áo mới toanh, mặt cúi xuống, giọng
nghẹn đắng, “Ðể dành sang năm con thi lại, nếu đậu con sẽ may áo.” Má
tôi ngồi, nước mắt vòng quanh, lặng lẽ, khóc.
Xấp vải là quà má dành dụm bao lâu để mua làm phần thưởng mừng anh
vào đại học. Ngày anh đi nhận giấy báo điểm về. Má lấy xấp vải đưa cho
anh, không cần hỏi kết quả. Giá mà lý lịch gia đình tôi không phải “đối
tượng 13” thì anh đã dư nhiều lắm rồi, điểm đậu vào trường đại học y
khoa.
Ngày đó, tôi còn là đứa bé chưa đến tuổi lên 10. Nhưng không hiểu sao khoảnh khắc tê lặng đó cứ ở mãi trong đầu tôi. Ám ảnh.
Tôi lớn thêm vài tuổi. Một bài báo nổi tiếng viết về anh học trò tên
Huy, tôi quên mất họ anh rồi, quê ngoài miền Trung, anh thi đại học 3
lần, là 3 lần anh đậu thủ khoa, của 3 trường khác nhau. Và, cũng 3 lần,
anh bị người ta từ chối cho anh đặt chân vào giảng đường đại học.
Lý do gì ư?
Anh là con của một sĩ quan chế độ cũ.
Tôi vẫn nhớ hoài câu anh nói trên báo Tuổi Trẻ ngày đó, “Không ai
muốn được sinh ra dưới một ngôi sao xấu, và cũng không ai có quyền được
chọn cửa để sinh ra. Tôi vào đời bằng những khát vọng lớn lao của tuổi
trẻ, nhưng đời đã tặng tôi những cái tát nghiệt ngã nhất...”
Bài báo đó, câu nói đó, cũng không hiểu vì sao, ám ảnh tôi. Nặng trĩu.
Không biết có phải vì điều này, mà ngay khi được gợi ý, “hãy tìm hiểu
và viết về những người con H.O, những người từng bị vùi dập, từng trải
qua những nhọc nhằn, cay đắng khi còn ở Việt Nam. Nhưng khi sang miền
đất này, họ như hạt mầm bị dồn nén bấy lâu, nay bật lên, vươn mình đứng
dậy, biết khẳng định mình một cách trang trọng và đường hoàng,” tôi đã
gật đầu không chút ngần ngại.
Bởi, tôi biết ngay rằng, mình làm được. Bởi, cảm xúc này, đã có sẵn trong tôi.
Lớn lên khi ba vào “tù cải tạo”
Tôi trò chuyện cùng ba người, một bác sĩ, một dược sĩ và một kỹ sư
điện toán. Họ chẳng là những người nổi tiếng. Họ thuộc về số đông những
người bình thường, giản dị mà ta gặp hằng ngày trong cuộc sống quanh
đây.
|
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Nhưng, nhìn chặng đường họ đã qua, để có thể bây giờ đường hoàng là
kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, mới hiểu và khâm phục hơn những con người của
một thế hệ, thế hệ vào đời ngay vào lúc khó khăn nhất của đất nước.
Họ là Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, Dược Sĩ Ðoàn Trang Anh, và kỹ sư Lê Công Quý.
Giữa họ có một điểm chung, đó là ba của ai cũng mang hàm cấp tá,
thiếu tá và đại tá. Và dĩ nhiên, ba ai cũng để lại một phần đời mình
trong chốn “tù cải tạo,” người 5, 6 năm, người vừa chẵn 10 năm.
Ở thời điểm tháng 4 năm 1975, anh Hoàng được 16 tuổi, anh Quý 15, và
chị Trang Anh lên 10. Ở độ tuổi này, cả ba người, như bao người dân khác
ở Việt Nam, không phân biệt tuổi tác và giới tính, bị cuốn vào cơn sóng
của thời lịch sử đổi thay.
“Ba đi tù, một mình mẹ tôi với năm con nhỏ, lớn nhất mới 11, nhỏ nhất
chưa đầy năm. Không thể nào chăm sóc hết đàn con như vậy, nên chị tôi
và hai đứa em nhỏ theo mẹ về sống bên ngoại, tôi cùng thằng em kế về với
bà nội. 9 tuổi đầu, tôi đã biết chẻ củi, nấu cơm, tự chăm sóc mình.”
Trang Anh, hiện đang là dược sĩ làm việc trong hệ thống Wal-Mart, nhớ
lại.
Kỹ sư điện toán Lê Công Quý hồi tưởng, “Ngày Việt Cộng vô Ðà Nẵng, ba
tôi đưa cả nhà chạy vô Sài Gòn ở trại gia binh. Khi ba đi tù, nhà cửa
ngoài Ðà Nẵng bị tịch thu, thế là má tôi dắt díu anh em tôi chạy về quê
ngoại ở Ðơn Dương, nơi cách Ðà Lạt chừng 58 cây số.”
“Ðói no gì cũng không được nghỉ học” là yêu cầu của má anh Quý đặt ra
cho các con, nhưng một buổi đến trường, buổi còn lại anh Quý phải “đi
làm cỏ, cắt lúa cho người ta”.
Với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, dù là con đại tá nhưng “số cực” dường
như đeo đuổi anh từ nhỏ. Là anh trai cả, nên ngay khi ba anh vào “trại
cải tạo,” cũng là lúc anh Hoàng “phải nhào ra phụ kiếm cơm” bằng cách
“đẩy xe cóc ổi đi bán rong, ôm thùng thuốc lá ra đầu ngõ ngồi bán từng
điếu”. Chưa hết, anh còn biết “quay roneo” các bài hát để bán cho bạn
học cùng trường, lúc “nhà nước đổi tiền” anh cũng “bày đặt chạy áp phe,
làm đủ thứ trên đời để có tiền mang về phụ mẹ.”
Nhọc nhằn và cơ cực, chưa bao giờ được ăn bát cơm trắng trọn vẹn,
ngoại trừ khoai độn, sắn độn, mì độn, nhưng cố gắng đeo đuổi trường lớp,
không dở dang chuyện học hành là điều cả ba người phải tâm niệm.
Tuy nhiên, tốt nghiệp lớp 12, cánh cửa để những người con sĩ quan này
bước chân vào đại học cứ khi ẩn khi hiện như trò chơi cút bắt.
Ðường vào đại học gian nan
Chị Trang Anh kể, “Ðâu có bao giờ mình muốn dừng lại ở lớp 12 đâu.
Nhưng khi mang giấy tờ lên phường ‘xác minh’ thì họ nói ba tôi là sĩ
quan chế độ cũ, ‘chính quyền không bỏ tiền nuôi cho những thành phần như
vậy’ nên họ không ký. Mà địa phương không ký thì làm sao thi đại học?
Thế nên ngay cả cơ hội đi thi đại học tôi cũng không có.”
Anh Lê Công Quý may mắn hơn chị Trang Anh ở chỗ: Ít ra anh biết thế
nào là thi đại học và cảm giác cầm được giấy báo đậu vào trường Ðại Học
Kinh Tế Tài Chánh ở Sài Gòn là như thế nào.
Anh cứ ngỡ như mình trong mơ! Con ngụy mà cũng được vào đại học sao?
Thầy chủ nhiệm dạy toán, người cũng có cha là “sĩ quan chế độ cũ,” cũng
là người ‘bảo lãnh’ để anh Quý không bị “gửi qua công an” khi anh dám
dùng phấn viết lên bảng chữ “Ðả đảo cộng sản,” đã dẫn đứa học trò mình
lên tận ủy ban nhân dân tỉnh để hỏi cho chắc ăn có phải là Lê Công Quý
được vào đại học?
|
Dược Sĩ Ðoàn Trang Anh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Nghe người ta khẳng định là chắc. Cậu học trò tỉnh lẻ mừng còn hơn
được vàng, và có lẽ, lần đầu tiên trong đời cậu thầm cám ơn “Ðảng quang
vinh biết xóa bỏ hận thù, cào bằng tất cả để cho đứa con ngụy như mình
có cơ hội đổi đời.”
Anh Quý làm hồ sơ, giấy tờ, cắt hộ khẩu nơi quê nhà để khăn gói vào Sài Gòn chuẩn bị cuộc đời làm sinh viên.
Thế nhưng.
Thà như Trang Anh bị tước đi cơ hội thi đại học ngay từ lúc đầu.
Thà như người ta gửi giấy báo cho anh biết điểm anh cao nhưng vì anh là “đối tượng 13” nên anh không thể vào học.
Thà như...
Thà như...
Cứ 10, 20, thậm chí 50 cái thà như kiểu vậy từ lúc đầu thì Quý vẫn cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Ðằng này...
Niềm vui háo hức của người thanh niên 18 tuổi bị dập tắt một cách không thương tiếc ngay khi bước chân vào phòng giáo vụ.
“Anh là đối tượng 13, không có tiêu chuẩn chính trị để học trường
này. Anh đi về đi. Cái giấy này là do máy tính gửi sai thôi, chứ anh
không đủ tiêu chuẩn học. Về đi.” Một thầy giáo nơi phòng giáo vụ trường
Kinh tế tài chánh đã chẳng ngại ngần nói cho Quý biết.
Tiếng kêu “trời ơi” của người đàn ông nay đã ngoài 50 kể lại giây
phút bị người ta “ném ra đường” cách đây hơn 30 năm mà nghe vẫn còn quặn
thắt một nỗi đau.
“Trời ơi, cả cuộc đời sụp đổ dưới chân tôi. Tôi hụt hẫng dễ sợ. Bởi ở
Việt Nam đứa học trò nào đang học 12 cũng nghĩ vô được đại học là cuộc
đời mình mở ra tương lai tươi sáng, hy vọng đủ thứ hết. Giờ nghe họ nói
vậy, tôi gần như điên luôn!”
Não nề. Chán nản. Suy sụp. Mất phương hướng. Quý gần như mất trí,
lang thang khắp Sài Gòn, không dám quay về Ðơn Dương, “ăn làm sao, nói
làm sao đây khi bạn bè, chòm xóm, gia đình đều nghĩ rằng mình vào Sài
Gòn để đi học đại học?”
“Thực sự tôi không nhớ nhiều lắm lúc đó tôi như thế nào. Tôi chỉ biết
mình lang thang khắp nơi. Hụt hẫng, đau khổ lắm. Lúc đó có ai đưa lựu
đạn kêu tôi quăng tôi cũng dám. Tôi thấy cuộc đời mình coi như chấm
dứt.” Anh Quý nói.
Một người bạn cùng quê với anh, cũng vào Sài Gòn học, nhìn thấy tình
cảnh bi đát đó, đã “lén” báo về quê cho gia đình Quý hay. Má anh lặn lội
vào Sài Gòn đón con về.
Có điều, trước khi mang đứa con tội nghiệp trở về Ðơn Dương, người mẹ
uất ức tìm đến trường đại học để khiếu nại. Nhưng “một ông ở phòng tổ
chức nói, mang 5 cây vàng vô đây thì tôi lo cho nó có chỗ học”. Má tôi
không dằn được, “Nếu có 5 cây, tôi đã cho nó đi vượt biên rồi chứ đi học
làm gì!”
Phẫn uất, vì phận mình là “ngụy”. Nhưng, vẫn phải về.
“Thấy tôi sốc, chán đời đến gần như tưng tửng luôn, nên má tôi quyết
định gửi tôi vào chùa ở một thời gian tôi mới tỉnh lại bình thường.” Anh
kể, giọng cười nghe buồn tênh.
Không giống Trang Anh và Quý, Nguyễn Trần Hoàng không thi đại học ngay sau khi tốt nghiệp 12.
“Tôi không thi bởi lúc đó tôi chưa biết mình muốn gì. Lúc nhỏ tôi mơ
làm văn sĩ, lúc lớn hơn thì thích làm luật sư. Nhưng sau 75 thì thấy văn
sĩ coi bộ không thực tế, còn luật thì khi đó làm gì có luật để mà làm
luật sư, cho nên tôi cũng không thích luôn. Tôi đi làm những chuyện linh
tinh khác.” Anh Hoàng cho biết.
4 năm sau, “sau một trận bệnh tưởng chừng mình sắp tận cùng phần số,”
anh quyết định nộp đơn thi vào trường đại học Y khoa, vì “thấy bác sĩ
cũng nhiều người có lòng cứu mình khỏi chết trong khi mình nghèo quá”.
Ðể có thể vào được Y khoa, trong khi ba từng là trung tá trưởng phòng
chỉnh huấn Biệt khu Thủ đô, hiện vẫn còn trong trại cải tạo, đòi hỏi
người thí sinh đó phải có số điểm gần như tuyệt đối. Vậy mà Nguyễn Trần
Hoàng đã làm được, bằng chính sức học của mình.
Ba năm sau khi trở thành bác sĩ ở Việt Nam, năm 1991, anh Nguyễn Trần
Hoàng cùng ba má và các em sang Mỹ định cư, sau Dược Sĩ Ðoàn Trang Anh
một năm, và trước kỹ sư điện toán Lê Công Quý hai năm.
Làm lại cuộc đời trên đất tự do
Sang Mỹ khi đã ngoài 30 tuổi, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng bắt đầu lao vào mưu sinh kiếm sống bằng công việc... đứng phụ “chợ trời”.
Anh kể bằng giọng từ tốn, “Mình không quen biết ai hết, nên cứ 3, 4
giờ sáng là ra chỗ chợ trời Cypress ở Costa Mesa đứng chờ xem có ai kêu
mình phụ gì không. Chắc tại mình nhỏ con nên thường chẳng ai gọi phụ.
Ðứng đến 7, 8 giờ không thấy ai gọi hết thì về.”
Rồi anh lại chuyển sang “đi bỏ cơm chay,” “đi bỏ báo”.
“Có lúc tôi xin đi làm công việc lau chùi, quét dọn cầu tiêu nữa. Vậy
mà lúc phỏng vấn người ta cũng không thèm nhận. Có thể nói đó là lúc
nản nhất trong cuộc đời tôi. Chán nản, và có lúc như bị trầm cảm nữa.”
Người bác sĩ ngồi trong phòng mạch hiện tại của mình trên đường Lilac,
kể về những ngày đầu tới Mỹ.
Sau, anh lại chuyển sang “nghề dạy lái xe”. Anh cười hóm hỉnh, “Hồi
đó qua đâu có tiền học, nên tự tập lái rồi tự đi thi. Thi tới sáu lần
mới đậu, nên rớt kiểu gì tôi cũng rành hết.”
Như đã nói lúc đầu, Nguyễn Trần Hoàng “có duyên với số cực”. Sang Mỹ
chưa bao lâu. ba anh lâm bệnh, “từ cao huyết áp khi còn ở Việt Nam, qua
đây chuyển sang suy thận giai đoạn cuối. Rồi từ thận lại sang tim, rồi
biến chứng tùm lum hết”.
“Khoảng 3 năm sau khi đến Mỹ, ba tôi qua đời. Còn tôi thì tương lai vẫn mờ mịt, chẳng biết tới đâu, về đâu.” Anh kể.
Từ lúc qua Mỹ, cho tới lúc anh thi đậu lại bằng bác sĩ và có số điểm
đủ cao để có thể xin một chỗ đi thực tập tại bệnh viện, mất tổng cộng 8
năm, “8 năm đó, tôi chỉ biết ngủ ở phòng khách, trên ghế salon cho đỡ
tốn tiền. Những năm sau, tôi đi làm ít lại, mượn thêm ít tiền của đứa em
đủ để trang trải tiền ăn ở, còn dành thời gian dốc sức vào chuyện học.”
Dược Sĩ Ðoàn Trang Anh thì may mắn hơn trong chuyện học hành khi sang
miền đất này, như thể một sự đền bù cho những năm tháng chị không biết
gì là “trường đại học ở Việt Nam”.
Chị nói, “Sau 7, 8 năm bị gián đoạn ở Việt Nam, không được học hành
là tôi thấy bứt rứt lắm rồi. Cho nên khi được sang đây, trong đầu mình
nghĩ là mình phải học, học nghề mà mình mơ ước hồi nhỏ, học để thành
dược sĩ.”
Trang Anh học bằng tất cả sự say mê của mình, có chồng, có con vẫn còn tiếp tục học.
“Năm 1996, tôi lấy bằng cử nhân ngành Biopsychology của trường Ðại
Học Long Beach . Ra trường, tôi đi làm ngay, suốt 8, 9 năm. Trong thời
gian đó, tôi tiếp tục theo học để lấy bằng master. Ðến năm 2004, tôi
quyết định 'quit job,' theo học chương trình Dược Sĩ tại trường Western
Pomona. Ðến năm 2008, tôi chính thức trở thành dược sĩ.”
Ðó là hành trình đeo đuổi để đạt được ước mơ mà Trang Anh đã không thể thực hiện được khi ở Việt Nam.
Dù là ước mơ đó chị phải kiên trì mất gần 20 năm mới đạt được, nhưng
Trang Anh luôn cảm thấy rất vui, rất thích nơi đã cho chị những cơ hội
mà chị không thể nào tìm được ở quê nhà, chỉ bởi vì chị là “con ngụy”.
Với Lê Công Quý, cuộc đời anh thật sự như sang một trang mới khi đặt chân đến miền đất của tự do.
“Mình đang ở chỗ khổ quá mà, hết thảy mấy anh em tôi đều đi làm cực
khổ, đi học cực khổ. Giờ sang đây nào là được 'tiền ông Bush cho,' nào
là tiền foodstamp, ăn không có hết. Cứ thấy mình như ở thiên đường, thấy
thật sự trân trọng những thứ mình có.” Anh Quý kể lại bằng giọng sôi
nổi.
Cũng như những người tị nạn khác, anh Quý phải đi làm thêm bên cạnh
thời gian đi học. “Cũng xin đi làm lau chùi, quét dọn restroom, đi đổ
rác, đi bỏ báo, sau thì đi làm ở cây xăng. Nhưng ở quê cực quá rồi nên
những chuyện đó anh em tôi không xem là cực nữa.” Anh cho biết.
Rồi anh trầm giọng, “Chuyện tôi bị đuổi về khi lên trường đại học nó
nằm trong lòng tôi dễ sợ lắm. Sau này khi họ cho tôi đi học cao đẳng. Ði
dạy một thời gian, tôi xin đi học tại chức họ cũng không cho. Hình như
chính vì vậy mà chuyện phải học đại học nó cứ thôi thúc tôi suốt. Nên
khi sang đây, không chờ phải đủ một năm để xin tiền financial aid, mà
tôi đi học liền, học ào ào luôn.”
Nói là “học ào ào,” nhưng “một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết,”
nên người ta học 15, 20 phút, anh Quý phải học 1 tiếng, 2 tiếng. “Ðau
khổ nhất là mấy lớp ESL, vừa học vừa khóc, nhưng rồi cuối cùng cũng qua.
Sau hai năm ở college, tôi được nhận vào trường UC Davis.”
|
Kỹ sư điện toán Lê Công Quý. (Hình: Quý Lê)
|
Từ năm thứ 3, Lê Công Quý đã xin vào làm thực tập tại hãng máy tính
IBM. “Khi đó, họ 'offer' cho mình một giờ $20. Trời ơi, lúc đó mới thấy
thiên đường là đây, thấy rõ cuộc đời mình đã thực sự đổi qua trang mới
rồi.” Anh cười sảng khoái khi nhớ lại mức lương đầu tiên mình có bằng
chính sức học của mình.
“Khi đã cầm được bằng đại học trong tay rồi, anh cảm thấy như thế
nào?” Nghe tôi hỏi, anh nói khi đã thôi cười, “Cảm thấy chuyện học đại
học không là gì hết. Nhưng ở thời điểm đó, lứa tuổi đó, chuyện vào đại
học đối với mình lớn lao quá, thành ra nó thành một ám ảnh với mình. Và
mình học, để chứng minh cho một điều tự bên trong là mình có thể học
được, mình không dở. Tôi từng hứa lấy được bằng đại học rồi có đi rửa
chén cũng vui lòng mà. Ðôi khi tôi tự cười mình. Nhưng thực sự tôi tự
hào về điều đó, nhờ đó mà tôi có sức lực để mà học.”
Tự hào về Ba
Có một điều, “vì là con sĩ quan” nên Dược Sĩ Ðoàn Trang Anh, Bác Sĩ
Nguyễn Trần Hoàng và kỹ sư Lê Công Quý “mới trải qua” nhiều điều mà
không phải ai cũng phải chịu. Tuy nhiên, không ai trong số họ, vào thời
điểm phải chịu những thiệt thòi bất công nhất, mảy may có trong đầu suy
nghĩ “giận ba mình đã mang đến cho mình những bất hạnh này”.
“Không có ba tôi, làm sao tụi tôi qua được tới bên này để có được ngày hôm nay?” Anh Quý nhận xét.
Nhìn lại tất cả những gì mà mình đã làm được, Bác Sĩ Nguyễn Trần
Hoàng nói giản dị, “Ðó là nhờ ba tôi đã rèn luyện tôi từ nhỏ. Ba tôi là
tấm gương lớn nhất của tôi.”
“Chưa bao giờ tôi cảm thấy oán trách vì ba tôi là sĩ quan nên tôi
không được đi học đại học. Tôi chỉ có tự hào, rất tự hào về ba tôi.
Trong tôi, hình ảnh ba lúc nào cũng oai hùng lắm!” Chị Trang Anh bày tỏ.
Như đã nói, cả ba người, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, kỹ sư Lê Công Quý,
Dược Sĩ Ðoàn Quế Anh, không là những người thật đặc biệt, thật nổi
tiếng. Nhưng họ đại diện cho số đông, số đông những người con của các sĩ
quan VNCH, từng một thời phải chịu những kỳ thị, bất công, khi còn ở
quê nhà.
Nhưng giờ đây, họ có quyền hãnh diện về mình lắm chứ. Và chúng ta cũng có quyền hãnh diện về họ.
*****
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com